RSS Feed for Cục Biến đổi Khí hậu trả lời phỏng vấn Tạp chí Năng lượng Việt Nam | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 03/05/2024 20:52
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Cục Biến đổi Khí hậu trả lời phỏng vấn Tạp chí Năng lượng Việt Nam

 - Để bạn đọc có góc nhìn toàn diện về một số vấn đề biến đổi khí hậu, cũng như các hoạt động của Việt Nam đóng góp với cộng đồng quốc tế trong chống biến đổi khí hậu và phát triển bền vững... Tạp chí Năng lượng Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn với ông Lương Quang Huy - Trưởng phòng Biến đổi Khí hậu - Cục Biến đổi Khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường). Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn.
Nút thắt cản trở triển khai công nghệ thu giữ, lưu trữ CO2 tại một số nước Đông Nam Á Nút thắt cản trở triển khai công nghệ thu giữ, lưu trữ CO2 tại một số nước Đông Nam Á

Một số “nút thắt” là những nguyên nhân dẫn đến sự chậm triển khai công nghệ thu hồi và lưu giữ carbon (CCS) tại các nền kinh tế APEC Đông Nam Á. Bài viết của TS. Phùng Quốc Huy - Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng châu Á - Thái Bình Dương (APERC) viết riêng cho Tạp chí Năng lượng Việt Nam dưới đây sẽ xác định 6 nút thắt chính đã cản trở quá trình triển khai các dự án CCS tại các nước khu vực APEC Đông Nam Á. Hy vọng rằng, các “nút thắt” sẽ dần được tháo gỡ trong những năm tới, góp phần đẩy nhanh tốc độ triển khai các dự án CCS trong khu vực.

Kết quả triển khai chương trình Net Zero năm 2022 trên thế giới và Việt Nam Kết quả triển khai chương trình Net Zero năm 2022 trên thế giới và Việt Nam

Đến nay, con đường tiến đến đích Net Zero (trung hòa carbon) của nhân loại đã được triển khai nhiều năm. Nhân kết thúc năm 2022, Tạp chí Năng lượng Việt Nam cập nhật kết quả, mục tiêu, cũng như việc triển khai chương trình này trong năm vừa qua ở một số khu vực trên thế giới và Việt Nam.

Xin ông cho biết vài nét về những tác động gần đây của biến đổi khí hậu tới Việt Nam và xu hướng các tác động biến đổi khí hậu đó như thế nào trong tương lai?

Ông Lương Quang Huy: Các biểu hiện của biến đổi khí hậu tới Việt Nam - theo Báo cáo kỹ thuật Đóng góp do quốc gia tự quyết định của Việt Nam (cập nhật năm 2022) gồm:

Thứ nhất: Về biến đổi của nhiệt độ:

Tính trung bình trên cả nước, nhiệt độ trung bình năm tăng 0,89°C trong 61 năm có số liệu quan trắc, tương ứng với 0,15°C/thập kỷ. Tốc độ tăng rất khác nhau giữa hai nửa thời kỳ, trong 27 năm đầu (1958 - 1985) nhiệt độ chỉ tăng 0,15°C (khoảng 0,056°C/thập kỷ); trong 33 năm sau (1986 - 2018) nhiệt độ tăng 0,74°C (khoảng 0,22°C/thập kỷ).

Mức tăng của nhiệt độ trung bình năm tăng dần theo các thập kỷ, mạnh nhất là ở thập kỷ 2011 - 2018. Những năm gần đây có nền nhiệt cao nhất từ 1958 đến nay, khoảng 30% số trạm trên cả nước ghi nhận kỷ lục về nhiệt độ tối cao. Nhiệt độ trung bình năm tại các trạm ven biển và hải đảo tăng theo xu thế chung của cả nước với mức tăng 0,67°C (trong giai đoạn 1958 - 2018), trung bình 0,11°C mỗi thập kỷ. Nhiệt độ trung bình, cũng như cao nhất và thấp nhất năm tăng tại hầu khắp cả nước.

Số ngày nắng nóng (ngày có Tx ≥ 35°C) tăng trên hầu hết các vùng khí hậu, phổ biến từ 10 đến 40 ngày, tương đối nhiều ở phía Nam vùng Đông Bắc, đồng bằng Bắc bộ, Bắc Trung bộ và Nam Trung bộ.

Số ngày rét đậm (nhiệt độ trung bình ≤ 15°C) giảm rõ rệt, phổ biến từ 10 đến 25 ngày. Số ngày rét hại (nhiệt độ trung bình ≤ 13°C) giảm ở miền khí hậu phía Bắc, phổ biến từ 5 đến 20 ngày.

Thứ hai: Biến đổi của lượng mưa:

Lượng mưa năm trung bình cả nước tăng nhẹ, với mức tăng 2,1% trong 61 năm; tăng ở phần lớn diện tích phía Nam, nhiều nhất ở Nam Trung bộ và giảm ở phần lớn diện tích phía Bắc và phía Tây của Tây Nguyên. Lượng tăng nhiều nhất vào mùa đông, giảm vào mùa thu và mùa hè ở các vùng khí hậu phía Bắc.

Lượng mưa một ngày lớn nhất (Rx1day) tăng ở trung tâm vùng Đông Bắc, hầu hết các tỉnh duyên hải Trung bộ, Tây Nguyên và Đông Nam bộ, phổ biến từ 20 đến 60%; giảm ở hầu hết các tỉnh vùng đồng bằng Bắc bộ, một phần Bắc Trung bộ, cực Nam Trung bộ và Tây Nam bộ. Lượng mưa năm ngày lớn nhất (Rx5day) tăng ở hầu hết cả nước, phổ biến từ 5 đến 40%, nhiều nhất ở Trung bộ; giảm ở Tây Bắc, một phần Đông Bắc, các tỉnh Thanh Hóa, Quảng Trị, các tỉnh phía Bắc Tây Nguyên và Tây Nam bộ, phổ biến từ 2 đến 20%.

Thứ ba: Biến đổi của bão và áp thấp nhiệt đới:

Số lượng các cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông dao động qua các năm, nhiều nhất là 20 cơn vào năm 2017; 19 cơn vào năm 1964, 2013; 18 cơn vào năm 1989 và 1995. Nhưng chỉ có 4 cơn vào năm 1969; 6 cơn vào năm 1963, 1976, 2014, 2015. Số lượng bão và áp thấp nhiệt đới đổ bộ, hoặc ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam cũng có dao động tương tự.

Số lượng bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông có xu thế tăng nhẹ trong khi số lượng bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp và đổ bộ vào Việt Nam không có xu thế rõ ràng. Thời kỳ 1990 - 2018, có 86 cơn bão mạnh (từ cấp 12 trở lên), trung bình mỗi năm có 2 - 3 cơn. Các cơn bão mạnh có xu thế tăng nhẹ, thời gian hoạt động muộn hơn, đường đi lệch hơn về phía Nam và đổ bộ vào khu vực phía Nam nhiều hơn. Hoạt động của bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến Việt Nam trong những năm gần đây có nhiều bất thường.

Thứ tư: Biến đổi mực nước biển:

Tính trung bình toàn dải ven biển Việt Nam, mực nước biển tăng khoảng 2,7 mm/năm. Mực nước biển trung bình trên toàn Biển Đông tăng 4,1 mm/năm trong giai đoạn 1993 - 2018. Khu vực tăng lớn nhất là giữa Biển Đông với giá trị 7,2 mm/năm. Khu vực tăng thấp hơn là phía Đông Bắc Biển Đông (phía Tây đảo Luzon) và khu vực quần đảo Trường Sa.

Về xu hướng tác động biến đối khí hậu trong thời gian tới: Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia chịu nhiều tác động bởi biến đổi khí hậu (BĐKH). Sự gia tăng mức độ phơi bày trước hiểm họa của con người và tài sản là nguyên nhân chính của sự gia tăng thiệt hại kinh tế dài hạn do thiên tai liên quan đến thời tiết và khí hậu. Mức độ tổn thương do BĐKH là khác nhau giữa các vùng. Với dải ven biển có chiều dài 3.260km và các vùng biển hải đảo, Việt Nam là vùng sẽ chịu nhiều rủi ro, tác động tiềm tàng nhiều nhất liên quan đến BĐKH và nước biển dâng. Rủi ro sẽ ngày càng gia tăng đối với các vùng đồng bằng và ven biển, đặc biệt là các đô thị ven biển do mật độ dân cư cao, quy hoạch đô thị/không gian chưa tính đến BĐKH và là vùng tập trung nhiều tài sản, công trình hạ tầng và các nhóm dân cư dễ bị tổn thất.

Khu vực miền núi phía Bắc và vùng núi ở miền Trung sẽ chịu nhiều rủi ro hơn do lũ quét và trượt lở đất. Trong khi đó, vùng duyên hải Trung bộ và Nam Trung bộ, đồng bằng Bắc bộ, các vùng trung du và khu vực Tây Nguyên chịu rủi ro cao hơn và dễ bị tổn thương hơn do hạn hán, thiếu nước và gia tăng hoang mạc hoá. ĐBSCL có nguy cơ bị ngập do nước biển dâng và sụt lún đất do lún địa chất, giảm lượng phù sa về đồng bằng, và khai thác nước ngầm quá mức. Theo dự tính, một số khu vực thuộc ĐBSCL có thể bị ngập đến 100 cm vào giữa thế kỉ 21 do tác động kết hợp giữa nước biển dâng và sụt lún đất.

Nhóm người nghèo, dân tộc thiểu số, những người có thu nhập phụ thuộc vào khí hậu, người cao tuổi, phụ nữ, trẻ em, người bị bệnh tật có mức tổn thương cao nhất do BĐKH. Phụ nữ người dân tộc thiểu số có mức độ tổn thương cao trước tác động bất lợi của BĐKH do bị hạn chế hơn về khả năng tiếp cận giáo dục và ít có cơ hội tham gia các công việc phi nông nghiệp.

Các lĩnh vực có mức độ rủi ro cao trước BĐKH là nông nghiệp và an ninh lương thực, đa dạng sinh học, tài nguyên nước, sức khỏe cộng đồng, nơi cư trú và hạ tầng kỹ thuật, đây là những ngành/lĩnh vực có mức độ phơi bày và mức độ nhạy cảm cao với thiên tai, các hiện tượng khí hậu cực đoan. BĐKH là nguy cơ hiện hữu cho mục tiêu xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững.

Sự gia tăng của các hiện tượng thời tiết cực đoan dẫn đến gia tăng rủi ro cho các vùng, các lĩnh vực và các đối tượng dễ bị tổn thương. Trong tương lai, dưới tác động của BĐKH và nước biển dâng, nguy cơ bị ngập dẫn đến mất đất canh tác nông nghiệp, nước tưới cho nông nghiệp, nước cấp cho sinh hoạt và công nghiệp bị nhiễm mặn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân.

Cục Biến đổi Khí hậu trả lời phỏng vấn Tạp chí Năng lượng Việt Nam
Ông Lương Quang Huy - Trưởng phòng Biến đổi Khí hậu - Cục Biến đổi Khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phát biểu tại Diễn đàn Năng lượng sạch Việt Nam (lần thứ Hai) với chủ đề: “Hướng tới trung hòa các bon - Cơ chế, chính sách, công nghệ, tài chính cho các dự án điện gió, mặt trời, điện khí” do Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam tổ chức (ngày 7/4/2022, tại Hà Nội).

Lĩnh vực nào đang phát thải CO2 và lĩnh vực nào phát thải nhiều nhất, thưa ông?

Ông Lương Quang Huy: Theo báo cáo cập nhật hai năm một lần (lần thứ 3) của Việt Nam, tổng phát thải ròng khí nhà kính (KNK) trong năm 2016 là gần 316.735 nghìn tấn CO2tđ. Trong đó, phát thải KNK từ lĩnh vực năng lượng hơn 205.832 nghìn tấn CO2tđ, chiếm tỷ trọng lớn nhất là 65%, tiếp theo là lĩnh vực Các quá trình công nghiệp và tiêu thụ sản phẩm (IPPU), 46.095 nghìn tấn CO2tđ, chiếm 14,6%. Phát thải ròng của lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất mục đích khác (AFOLU) là 44.070 nghìn tấn CO2tđ, trong đó lượng hấp thụ CO2 từ đất là -39.491 nghìn tấn CO2tđ, chiếm tỷ trọng lớn thứ ba, 13,9% và nhỏ nhất là lĩnh vực chất thải, 20.738 nghìn tấn CO2 tđ, chiếm 6,5%.

Xin ông cho biết một vài nét về các hoạt động nhằm hướng tới mục tiêu trung hòa các-bon vào năm 2050 của Việt Nam?

Ông Lương Quang Huy: Tại Hội nghị COP26, Việt Nam tuyên bố “sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà khính mạnh mẽ bằng nguồn lực của chính mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050”. Việt Nam cũng đã tham gia cam kết giảm 30% phát thải khí mê-tan vào năm 2030 so với mức phát thải năm 2020; không phát triển nhà máy điện than mới sau năm 2030; tham gia Tuyên bố Glasgow về rừng, sử dụng đất và một số cam kết khác.

Sau COP26, Ban Chỉ đạo Quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 đã được thành lập do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban và đã quyết liệt chỉ đạo xây dựng, thực hiện các chiến lược, chương trình hành động, kế hoạch, đề án để triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26.

Một số văn bản quan trọng đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành như:

- Nghị định quy định giảm nhẹ phát thải KNK và bảo vệ tầng ô-dôn.

- Chiến lược quốc gia về BĐKH giai đoạn đến năm 2050.

- Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26.

- Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải.

- Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030.

- Kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê-tan đến năm 2030.

- Danh mục lĩnh vực, cơ sở phải phát thải khí nhà kính thực hiện kiểm kê KNK.

- Xây dựng Đề án phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam.

- Hệ thống giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng với BĐKH cấp quốc gia.

Hiện nay, các bộ, ngành đang tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các quy định pháp luật, thông tư, hướng dẫn kỹ thuật thực hiện giảm phát thải KNK, thích ứng với BĐKH thuộc trách nhiệm quản lý của bộ, ngành.

Trong năm 2023 và các năm tiếp theo, xin ông cho biết một vài nét mà Bộ Tài nguyên và Môi trường có các định hướng để triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu?

Ông Lương Quang Huy: Nhằm triển khai các hoạt động đã đề ra theo Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã và đang chủ động một số hoạt động sau:

Thứ nhất: Phối hợp với các đơn vị có liên quan ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền và xây dựng, trình các cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách nhằm hướng tới đạt được các mục tiêu theo Chiến lược.

Thứ hai: Đôn đốc, hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương nhằm thúc đẩy các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu nói chung và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính nói riêng, đặc biệt là các mục tiêu đã cam kết theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định của Việt Nam cập nhật năm 2022 và các chính sách khác có liên quan.

Thứ ba: Chủ động tiếp cận các nguồn hỗ trợ trong nước và quốc tế nhằm triển khai các hoạt động của Chiến lược.

Thứ tư: Thúc đẩy các hoạt động truyền thông, tăng cường năng lực, nhận thức cho người dân, đặc biệt là khối doanh nghiệp cùng chung tay trong nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu.

Vâng, xin cảm ơn ông./.

BBT TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động