COP28 - Mục tiêu quốc tế về điện hạt nhân, năng lượng tái tạo và kế hoạch của Việt Nam
08:20 | 04/12/2023
Một số câu hỏi còn bỏ ngỏ trong ‘chuyển đổi năng lượng công bằng’ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) là một trong những cơ chế tài chính cao cấp nhất được thiết kế để chuyển tiền từ các nền kinh tế giàu có sang một số nước đang phát triển, hướng tới mục đích loại bỏ nhiên liệu hóa thạch. Năm 2021, Nam Phi đã ký thỏa thuận đầu tiên và hiện nay đã có một số quốc gia khác đang bắt đầu triển khai. Tuy nhiên, quá trình này diễn ra chậm chạp và đầy rủi ro chính trị. Câu hỏi đặt ra là: Liệu những kế hoạch “hoàn hảo” như vậy có đủ toàn diện, hiệu quả và kịp thời để biến cam kết thành hiện thực? (Tổng hợp của CTV Tạp chí Năng lượng Việt Nam). |
Chuyển dịch năng lượng nhìn từ Quy hoạch điện VIII của Việt Nam Theo nhìn nhận của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam: Nhu cầu trong tương lai, nguồn cung cấp nhiên liệu, phát triển nguồn điện và khung pháp lý về năng lượng là các yếu tố chính trong Quy hoạch điện VIII cần xem xét trong quá trình chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam. |
Nhất trí thông qua quỹ giúp các quốc gia nghèo đối phó với thảm họa khí hậu:
Theo Reuters, tại COP28, ngày 30/11 đã thông qua một quỹ mới để giúp các quốc gia nghèo và dễ bị tổn thương đối phó với những mất mát và thiệt hại do Biến đổi khí hậu (BĐKH) gây ra. Thành lập quỹ vào ngay ngày đầu tiên của COP28 kéo dài 2 tuần. Đây được cho là cơ chế mang tính điểm nhấn "động lực cho thế giới và cho nỗ lực của chúng ta ở Dubai để đối phó với thảm họa gây ra từ BĐKH" - Chủ tịch COP28 Sultan Ahmed al-Jaber nói trước báo giới.
Bước đầu, chiến thắng này đã giúp khởi động một loạt cam kết nhỏ mà các quốc gia hy vọng sẽ xây dựng trong suốt hội nghị với số tiền đáng kể, gồm 100 triệu USD từ chủ nhà COP28 là Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), cùng ít nhất 51 triệu USD từ Anh, 17,5 triệu USD từ Mỹ và 10 triệu USD từ Nhật Bản.
Tiếp đó, Liên minh châu Âu (EU) cam kết đóng góp 245,39 triệu USD, trong đó có 100 triệu USD từ Đức. Bước đột phá về quỹ mất mát và thiệt hại mà các quốc gia nghèo hơn đã yêu cầu trong nhiều năm được tin là có thể giúp thúc đẩy tiến tới các thỏa hiệp khác trong thời gian diễn ra hội nghị. Alden Meyer của tổ chức tư vấn E3G đánh giá: Việc phê duyệt quỹ "tổn thất và thiệt hại" - cách gọi không chính thức của khoản phí này trong 2 năm qua đồng nghĩa với việc "không bên nào có thể sử dụng nó làm con bài thương lượng cho các vấn đề khác".
Một nhiệm vụ khác của hội nghị thượng đỉnh sẽ là kiểm kê tiến độ đối phó với BĐKH toàn cầu, đánh giá tiến bộ của các quốc gia trong việc đáp ứng mục tiêu của Thỏa thuận Paris về hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức dưới 2 độ C.
Các chính phủ đang chuẩn bị cho các cuộc đàm phán kéo dài về việc có nên lần đầu tiên đồng ý với việc loại bỏ dần sử dụng than, dầu, khí đốt - nguồn phát thải chính gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu hay không. Sultan Ahmed al-Jaber, đồng thời là Giám đốc điều hành của Công ty Dầu khí Quốc gia ADNOC của UAE - người được cho đang nỗ lực xoa dịu dư luận sau nhiều tháng đối mặt với những tranh cãi liên quan đến vị trí chủ nhà COP28. Ông ca ngợi quyết định của UAE trong việc chủ động vào cuộc cùng các công ty nhiên liệu hóa thạch và lưu ý rằng: Nhiều công ty dầu khí quốc gia đã áp dụng các mục tiêu không có lãi cho năm 2050. "Như tôi đã nói, chúng ta phải tìm cách và đảm bảo sự tham gia có trách nhiệm của các bên liên quan đến nhiên liệu hóa thạch trong quá trình đối phó với biến đổi khí hậu" - Chủ tịch COP28 cho hay.
Hoa Kỳ và 21 quốc gia muốn tăng gấp ba lần công suất điện hạt nhân vào giữa thế kỷ này:
Hoa Kỳ và 21 quốc gia khác tuyên bố họ muốn tăng gấp ba lần công suất phát điện hạt nhân toàn cầu vào giữa thế kỷ này. Cam kết này được công bố vào ngày 2/12 tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP28 của Liên Hợp Quốc ở Dubai, UAE. Cam kết này được đưa ra khi càng nhiều chính phủ trên thế giới cho rằng: Việc tăng cường sử dụng năng lượng hạt nhân là rất quan trọng để giảm lượng khí thải carbon và chống biến đổi khí hậu.
Các quốc gia liên quan đến thông báo trên, cùng với Hoa Kỳ, các nước như Canada, Anh, Pháp, Hàn Quốc và UAE cho biết: Việc tăng cường năng lượng hạt nhân ở châu Âu sẽ giúp các quốc gia châu Âu giảm sự phụ thuộc vào dầu khí từ Nga, đồng thời thừa nhận rằng, việc này sẽ cần đầu tư lớn. Dữ liệu từ các nhà phân tích điện hạt nhân đã chỉ ra rằng: Ở những quốc gia có công suất điện hạt nhân lớn nhất, nhiều dự án trong nhiều năm qua đã bị chậm trễ tiến độ và đội vốn.
Tại Hoa Kỳ, dự án mở rộng 2 tổ máy của nhà máy điện hạt nhân Vogtle ở Georgia chậm 7 năm so với dự kiến. Tổ máy số 3 tại Vogtle đã đi vào hoạt động vào mùa hè vừa qua. Tổ máy số 3 là tổ máy hạt nhân mới được xây dựng mới đầu tiên tại Hoa Kỳ trong hơn 30 năm. Tổ máy số 4 tại Vogtle dự kiến sẽ đi vào hoạt động thương mại trong vài tháng tới. Các quan chức cho biết: Chi phí xây dựng 2 tổ máy, trong đó có lò phản ứng Westinghouse AP1000 đã vượt quá 34 tỷ USD - cao hơn gấp đôi so với ước tính ban đầu.
Hôm 2/12, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Hạt nhân Hoa Kỳ (ANS) Craig Piercy nói: "Thay mặt cho các chuyên gia hạt nhân của Hoa Kỳ, chúng tôi hoan nghênh cam kết lịch sử được đưa ra hôm nay bởi Hoa Kỳ và 21 quốc gia khác sẽ tăng gấp ba lần sản lượng năng lượng hạt nhân toàn cầu vào năm 2050. Đây là hành động thực tế, hữu hình về khí hậu nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng sạch của thế giới".
Các quốc gia khác ký kết thỏa thuận hôm 2/12 còn có Bulgaria, Cộng hòa Séc, Phần Lan, Ghana, Hungary, Nhật Bản, Moldova, Mông Cổ, Maroc, Hà Lan, Ba Lan, Romania, Slovakia, Slovenia và Ukraine. Đáng chú ý vắng mặt trong thỏa thuận này là Đức - nước đã đóng cửa 3 nhà máy điện hạt nhân cuối cùng trong năm nay.
Theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IEA): Công suất sản xuất điện hạt nhân toàn cầu là khoảng 371 GW vào cuối năm 2022, với 411 lò phản ứng đang hoạt động.
ANS kêu gọi các tổ chức tài chính quốc tế xây dựng các chính sách cho vay liên quan đến phát triển điện hạt nhân. Việc triển khai nhanh chóng, quy mô lớn các lò phản ứng mới trên khắp thế giới chỉ có thể trở thành hiện thực khi các ngân hàng đa phương như Ngân hàng Thế giới chấm dứt lệnh cấm tài trợ cho các dự án năng lượng hạt nhân.
Pháp, với hơn 50 lò phản ứng và công suất phát điện 61 GW - là nước sản xuất điện hạt nhân lớn nhất châu Âu. Quốc gia này đứng thứ hai trên toàn cầu (chỉ sau Hoa Kỳ về công suất hạt nhân) nhận được khoảng 70% điện năng từ hạt nhân. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết: Hạt nhân là "giải pháp tất yếu" để giúp chống lại biến đổi khí hậu. Macron là người ủng hộ các lò phản ứng mô-đun nhỏ (SMR), mà nhiều người trong ngành hạt nhân cho rằng: Đây là cách tốt nhất để tăng nhanh công suất phát điện. SMR được quảng cáo là rẻ hơn để xây dựng, vận hành và mở rộng quy mô so với các lò phản ứng quy mô lớn.
Thủ tướng Ulf Kristersson của Thụy Điển - một quốc gia khác tham gia vào cam kết hạt nhân cho biết: Ngân hàng Thế giới và các tổ chức tài chính quốc tế khác trong các tổ chức phải giúp tài trợ cho các dự án điện hạt nhân. Kristersson cho biết các chính phủ phải "đảm nhận vai trò chia sẻ rủi ro tài chính để tăng cường các điều kiện và cung cấp các ưu đãi bổ sung cho đầu tư vào năng lượng hạt nhân".
Bộ Năng lượng Hoa Kỳ trong một tuyên bố cho biết, cơ quan này "công nhận vai trò quan trọng của năng lượng hạt nhân trong việc đạt được mức phát thải khí nhà kính bằng 0 toàn cầu vào năm 2050 và duy trì mục tiêu 1,5 độ [của Thỏa thuận Paris 2015 về khí hậu] trong tầm tay" - Chủ tịch, kiêm Giám đốc điều hành của Viện Năng lượng Hạt nhân (NEI) Maria Korsnick phát biểu hồi tháng 10/2023. Ông nói đã có sự ủng hộ của lưỡng đảng trong Quốc hội đối với năng lượng hạt nhân. "Năng lượng hạt nhân đã được hỗ trợ dưới thời chính quyền Biden và nó cũng được hỗ trợ dưới thời chính quyền Trump. Vì vậy, thực sự không nên nghi ngờ gì về quan điểm của chính phủ - hạt nhân rất quan trọng đối với mạng lưới năng lượng sạch và đối với tương lai kinh tế của chúng ta".
Năng lượng hạt nhân ở Hoa Kỳ có công suất khoảng 95 GW được tạo ra bởi hơn 90 lò phản ứng đang hoạt động, chiếm khoảng 20% sản lượng điện của quốc gia. John Kerry - đặc phái viên về khí hậu của chính quyền Biden tại hội nghị UAE cho biết: Có hàng nghìn tỷ đô la để đầu tư vào năng lượng hạt nhân. “Chúng tôi không tranh luận với bất kỳ ai rằng, đây hoàn toàn sẽ là nguồn thay thế cho mọi nguồn năng lượng khác… nhưng chúng ta sẽ không thể đạt tới mức 0 vào năm 2050 nếu không có hạt nhân" - ông John Kerry cho hay.
Mặc dù năng lượng hạt nhân không phát thải carbon, nhưng những người phản đối chỉ ra mối lo ngại về việc xử lý nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng và khả năng tai nạn có thể xảy ra.
Dữ liệu từ Hiệp hội Hạt nhân Thế giới công bố đầu tháng 11/2023 cho thấy: Khoảng 60 lò phản ứng đang được xây dựng trên toàn thế giới và 110 lò khác đang trong giai đoạn lập kế hoạch. Hầu hết các lò phản ứng này đều do Nga, hoặc Trung Quốc thiết kế và xây dựng.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết Trung Quốc: Công suất điện hạt nhân đã đạt 57 GW vào cuối tháng 6 năm 2023 và sẽ trở thành nhà sản xuất điện hạt nhân hàng đầu vào năm 2030. Hiệp hội Năng lượng Hạt nhân Trung Quốc năm ngoái cho biết, nước này có thể bổ sung tới 10 lò phản ứng hàng năm trong vài năm tới và có thể có công suất điện hạt nhân lên tới 300 GW vào năm 2035.
Có hơn 110 quốc gia tán thành tăng gấp 3 công suất năng lượng tái tạo vào năm 2030:
Theo trang tin trực tuyến Pháp France24, hơn 110 quốc gia tán thành tăng gấp 3 công suất năng lượng tái tạo vào năm 2030. France24 dẫn lời Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết: Hơn 110 quốc gia đã bày tỏ kỳ vọng COP28 đang diễn ra tại Dubai sẽ là dịp để thông qua mục tiêu tăng gấp 3 công suất năng lượng tái tạo và tăng gấp đôi hiệu quả sử dụng năng lượng trên toàn thế giới vào năm 2030.
Các quốc gia G20, chiếm gần 80% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu, đã mở đường cho một thỏa thuận khi họ thông qua mục tiêu năng lượng tái tạo vào tháng 9/2023. Trong khi những người ủng hộ dự kiến sẽ thúc đẩy việc đưa cam kết này vào kết quả cuối cùng của các cuộc đàm phán, thì vẫn có những lo ngại rằng nước chủ nhà COP28 sẵn sàng chuyển các mục tiêu tham vọng hơn sang các thỏa thuận tự nguyện.
Colombia đã trở thành một trong những nhà sản xuất nhiên liệu hóa thạch lớn nhất tham gia vào một nhóm các quốc đảo dễ bị tổn thương về khí hậu kêu gọi chấm dứt hoạt động phát triển mới về than, dầu và khí đốt. Theo một tuyên bố từ sáng kiến này, Bộ trưởng Môi trường Colombia Susana Muhamad cho biết: Thật "đáng sợ" khi các chính phủ trên thế giới tiếp tục lên kế hoạch mở rộng khai thác nhiên liệu hóa thạch. Thông báo của Colombia đưa nước này tham gia vào nhóm hơn 10 quốc gia, cùng các thành phố, Nghị viện châu Âu và Tổ chức Y tế Thế giới ủng hộ loại bỏ nhiên liệu hóa thạch.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen kêu gọi "tất cả chúng ta đưa những mục tiêu này vào quyết định cuối cùng của COP". Liệu các chính phủ và công ty có huy động được những khoản đầu tư khổng lồ cần thiết để đạt được mục tiêu hay không vẫn là một câu hỏi mở.
Việc đưa thỏa thuận này vào quyết định cuối cùng của COP 28 cũng đòi hỏi sự đồng thuận của gần 200 quốc gia có mặt. Mặc dù Trung Quốc và Ấn Độ đã phát tín hiệu ủng hộ việc tăng gấp ba lần công suất năng lượng tái tạo toàn cầu vào năm 2030, nhưng cả hai đều chưa xác nhận sẽ ủng hộ cam kết chung - kết hợp giữa việc tăng cường năng lượng sạch với việc giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Là thành viên tích cực của Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, Việt Nam là 1 trong hơn 110 quốc gia tán thành tăng gấp 3 công suất năng lượng tái tạo vào năm 2030.
Dấu ấn Việt Nam và những kết quả cụ thể tại Hội nghị COP lớn nhất trong lịch sử:
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có những bài phát biểu rất quan trọng tại các diễn đàn khác nhau, với những thông điệp quan trọng gửi đến cộng đồng quốc tế. Ảnh: VGP/Nhật Bắc. |
Hội nghị Thượng đỉnh hành động khí hậu thế giới diễn ra trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang tác động vô cùng nghiêm trọng trên toàn cầu, hệ thống khí hậu đang tiến gần đến giới hạn đỏ, trong khi còn có những khoảng cách lớn giữa các cam kết của các nước đã đưa ra với hành động trên thực tế. Việt Nam là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu. Do đó, COP28 năm nay đã trở thành Hội nghị COP lớn nhất trong lịch sử, với sự tham dự đông đảo của gần 140 mguyên thủ, người đứng đầu chính phủ và khoảng 90.000 đại biểu.
Sự tham gia và đóng góp của Đoàn Việt Nam cho thấy trách nhiệm và cam kết của Việt Nam trong tham gia xử lý một trong những thách thức toàn cầu lớn nhất hiện nay là biến đổi khí hậu. Tại Hội nghị, Việt Nam cũng đã tham gia một số sáng kiến hợp tác đa phương mới nhằm mở ra một số cơ hội hợp tác mới về chuyển đổi năng lượng và tăng trưởng xanh.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có những bài phát biểu rất quan trọng tại các diễn đàn khác nhau, với những thông điệp quan trọng gửi đến cộng đồng quốc tế. Đó là phải biến cam kết từ các Hội nghị trước thành những hành động cụ thể, nhanh chóng, quyết liệt, việc đã nói là phải làm, đã cam kết phải thực hiện là chìa khoá để củng cố lòng tin giữa các quốc gia và khai thông bế tắc trong đàm phán về biến đổi khí hậu.
Thủ tướng cũng chia sẻ về chính những việc Việc Nam đã làm để thể hiện Việt Nam thực sự có quyết tâm, triển khai quyết liệt các hành động một cách hiệu quả; không chỉ cam kết qua lời nói mà có những hành động rất cụ thể để triển khai thực hiện các cam kết đó.
Kể từ sau COP26 ở Glasgow, tình hình thế giới có nhiều biến động, khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi; nhưng bằng trách nhiệm với toàn cầu và toàn dân, Việt Nam đã triển khai 12 biện pháp lớn, toàn diện thuộc 3 nhóm nhằm giảm phát thải khí nhà kính, đồng thời bảo đảm tự chủ và an ninh năng lượng, lợi ích của người dân cũng như các mục tiêu phát triển kinh tế.
Nhóm thứ nhất là về xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện:
(1) Chiến lược biến đổi khí hậu.
(2) Chiến lược tăng trưởng xanh.
(3) Quy hoạch điện VIII tiến đến năng lượng tái tạo là chủ đạo.
(4) Phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo và xây dựng hệ sinh thái năng lượng tái tạo (như nhân lực, nguồn lực, quy hoạch, cơ sở vật chất...).
Nhóm thứ hai gồm:
(1) Xây dựng và thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC).
(2) Thành lập Ban Thư ký; công bố Kế hoạch thực hiện và Kế hoạch huy động nguồn lực cho JETP, trở thành một trong ba nước đang phát triển đầu tiên tham gia JETP và là nước đầu tiên công bố Kế hoạch thực hiện JETP.
Nhóm thứ ba về xây dựng thể chế, gồm xây dựng Luật Dầu khí, hoàn thiện Luật Điện lực theo hướng hỗ trợ kiến tạo phát triển năng lượng tái tạo. Đang xây dựng, hoàn thiện Nghị định mua bán điện trực tiếp, xử lý các dự án điện tái tạo và các vấn đề tồn đọng, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi năng lượng.
"Thời gian không chờ đợi. Khó khăn, thách thức ngày càng nhiều, phức tạp và khó lường hơn. Vì vậy, chúng ta đã đoàn kết rồi thì đoàn kết hơn nữa, đã nỗ lực rồi thì nỗ lực hơn nữa, đã hành động rồi thì phải hành động quyết liệt, hiệu quả hơn nữa, đã cố gắng rồi thì phải cố gắng nhiều hơn nữa; vì sự phát triển thịnh vượng của cả nhân loại, vì sự mát lành của trái đất và vì sự ấm no, hạnh phúc của mọi người dân trên thế giới" - Thủ tướng kêu gọi cộng đồng quốc tế tại Hội nghị Thượng đỉnh COP28.
Thủ tướng cho biết: Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm hình mẫu về quan hệ đối tác Bắc - Nam trong chuyển đổi năng lượng, cũng như thúc đẩy các cơ chế hợp tác Nam - Nam và ba bên trong ứng phó với biến đổi khí hậu với các nước G77.
Một sự kiện quan trọng mang tính điểm nhấn trong khuôn khổ COP 28 là việc Thủ tướng Chính phủ công bố Kế hoạch huy động nguồn lực cho thực hiện Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) của Việt Nam với các đối tác quốc tế, thu hút sự quan tâm cao và cam kết ủng hộ của các nước, các tổ chức quốc tế, các tập đoàn lớn.
Thủ tướng cho rằng: Việt Nam, cũng như các quốc gia đang phát triển khác, không thể phủ nhận vai trò của điện than, nhưng đã đến lúc cần chuyển đổi sang một nguồn năng lượng sạch hơn. Chuyển đổi năng lượng là yêu cầu khách quan, lợi ích chiến lược và ưu tiên hàng đầu của tất cả các quốc gia, song trong quá trình đó cần đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế, an ninh năng lượng quốc gia và việc làm cho người dân, tránh gây các cú sốc cho người lao động.
Chuyển đổi năng lượng công bằng có ý nghĩa quyết định đối với việc đạt được định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam, với mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và các mục tiêu phát triển bền vững với tinh thần lấy người dân làm trung tâm. Sự hợp tác quốc tế và cam kết của các đối tác sẽ là chìa khóa quan trọng để đạt được mục tiêu này.
Theo Kế hoạch huy động nguồn lực cho thực hiện JETP, các đối tác cam kết huy động nguồn lực ban đầu 15,5 tỷ USD trong vòng 3 đến 5 năm tới để giải quyết nhu cầu cấp bách, mang tính xúc tác cho chuyển đổi năng lượng công bằng của Việt Nam. Thủ tướng đã đề nghị các bên liên quan nhanh chóng đạt được thoả thuận để chuyển số tiền cam kết này thành những dự án cụ thể mang tính đột phá.
Mặt khác, WB dự kiến dành khoản vay 5 đến 7 tỷ USD cho Việt Nam trong 3 năm tới cho một số dự án thế hệ mới tiềm năng, trong đó có dự án Thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo Việt Nam (REACH)./.
BBT TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM
Link tham khảo:
https://www.powermag.com/22-countries-including-u-s-pledge-to-triple-nuclear-power-capacity/
https://nhandan.vn/dong-hanh-cung-the-gioi-chong-bien-doi-khi-hau-post785515.html