RSS Feed for COP26 và những kỳ vọng đột phá về năng lượng, khí hậu | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ tư 25/12/2024 15:13
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

COP26 và những kỳ vọng đột phá về năng lượng, khí hậu

 - Nối tiếp Thỏa thuận Paris 2015, Hội nghị khí hậu COP26 vừa kết thúc với sự ra đời của tuyên bố chung, Hiệp ước khí hậu Glasgow (Glasgow Pact) hay GP, trong đó nhấn mạnh tới lĩnh vực năng lượng và khí hậu.
Năng lượng rất nóng ở COP26 và thế kẹt của Việt Nam Năng lượng rất nóng ở COP26 và thế kẹt của Việt Nam

Mong ước tạo bước ngoặt của Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (sau này trở thành Hiệp định Paris) về Biến đổi khí hậu COP26 tại Glasgow đã thành hiện thực một nửa vào đêm 13/11/2021. Một nửa còn lại được các đảo quốc và các nước đã phát triển coi là giấc mơ tan vỡ. Hiệp ước Glasgow về khí hậu là một văn kiện thỏa hiệp cân bằng giữa 197 nước tham gia.

COP26 có là bước ngoặt cho Biến đổi khí hậu? COP26 có là bước ngoặt cho Biến đổi khí hậu?

Hội nghị Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu, hay còn gọi là Hội nghị Các bên (COP) tham gia Công ước Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (nay là Hiệp định Paris 2015) lần thứ 26, đúng ra phải được tổ chức năm 2020. Nhưng đại dịch Covid-19 đã đẩy lùi Hội nghị sang năm nay, vẫn tại Thành phố Glasgow của xứ Scotland, nước Anh. Hội nghị dự tính kéo dài từ 31/10 đến ngày 12/11, với chương trình nghị sự đồ sộ. Nhưng câu hỏi đặt ra là: Liệu COP26 có là bước ngoặt cho Biến đổi khí hậu? Tổng hợp, phân tích của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam.


Tổng quan về COP26:

COP26 là hội nghị thường kỳ tiếp theo về biến đổi khí hậu của Liên Hợp quốc (LHQ). COP26 viết tắt của cụm từ tiếng Anh - Conference of the Parties. Đây là hội nghị về biến đổi khí hậu lần thứ 26 của LHQ được tổ chức tại Glasgow, Scotland, Vương quốc Anh (từ ngày 31 tháng 10 đến 13 tháng 11 năm 2021), dưới sự chủ trì của Alok Sharma. Hội nghị COP26 đã bế mạc với việc tái khẳng định duy trì mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu như nêu trong Hiệp định Paris 2015.

Tại COP26, có tất cả 197 quốc gia tham gia ký Công ước khung LHQ biến đổi khí hậu đã thông qua Hiệp ước khí hậu Glasgow, khẳng định lại mục tiêu khống chế mức tăng nhiệt độ trung bình trên toàn cầu ở ngưỡng dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, chính xác hơn là mục tiêu 1,5 độ C để tránh những tác động tiêu cực nhất của biến đổi khí hậu.

Hiệp ước GP yêu cầu các quốc gia vào cuối năm 2022 phải “xem xét lại và củng cố các mục tiêu cắt giảm khí thải năm 2030, có tính đến các hoàn cảnh quốc gia khác nhau”. Để thực hiện mục tiêu “dưới 2 độ C hoặc 1,5 độ C” theo Hiệp định Paris. Đây là một bước tiến nhảy vọt bởi theo các thỏa thuận khí hậu trước đây của LHQ, các quốc gia được yêu cầu đệ trình các kế hoạch này, còn gọi là NDC (đóng góp do quốc gia xác định), 5 năm một lần.

Hiệp ước GP nhấn mạnh sự cần thiết huy động tài trợ khí hậu từ mọi nguồn để đạt các mục tiêu như Hiệp định Paris đã đề ra. Bao gồm việc tăng đáng kể hỗ trợ cho các nước đang phát triển, vượt quá 100 tỷ USD mỗi năm; đồng thời thúc giục các nước phát triển khẩn trương hoàn thành mục tiêu 100 tỷ USD đã cam kết cũng như mục tiêu đến năm 2025, nhấn mạnh đến tính minh bạch trong việc thực hiện cam kết NDC của các nước. Ngoài ra GP cũng nhấn mạnh, vai trò của các nước phát triển đến năm 2025 tăng ít nhất gấp đôi tài trợ thích ứng với biến đổi khí hậu cho các nước đang phát triển so với mức năm 2019. Tổng thế GP đưa ra mục tiêu, lượng phát thải toàn cầu phải giảm 45% vào năm 2030 và về 0 vào năm 2050.

Điểm nhấn kỳ vọng và đột phá về năng lượng, khí hậu:

Dưới đây là nội dung chính được đề cấp trong GP được báo trực tuyến Anh News.sky.com (NSC) cập nhật:

1/ Hành trình đến phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) và 1,5 độ C:

Hiệp ước GP được thông qua, nhất trí yêu cầu các quốc gia tăng cường các mục tiêu cắt giảm khí thải cho năm 2030 trong nỗ lực hạn chế sự nóng lên nguy hiểm. Các bộ trưởng và các nhà đàm phán cũng đã phát đi tín hiệu về việc cắt giảm than, cũng như loại bỏ dần các khoản trợ cấp nhiên liệu hóa thạch không hiệu quả.

Hiệp ước GP hạ nhiệt vào phút chót bằng việc Ấn Độ và Trung Quốc đồng ý “giảm” dần than. Đây là lần đầu tiên đề cập rõ ràng về nhiên liệu hóa thạch trong một thỏa thuận về khí hậu của LHQ. Thỏa thuận nhằm mục đích tiếp tục hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp.

Tổng thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres cho biết các văn bản được thông qua từ COP26 là một thỏa hiệp nhằm thực hiện các bước quan trọng, nhưng “ý chí chính trị tập thể vẫn không đủ để vượt qua một số mâu thuẫn sâu sắc”. Ông cảnh báo tiếp: “Hành tinh mỏng manh của chúng ta đang bị treo bởi một sợi chỉ. Chúng ta mới chỉ bắt đầu gõ cửa thảm họa khí hậu”. Tổng thư ký LHQ kêu gọi chấm dứt trợ cấp nhiên liệu hóa thạch, loại bỏ than đá, xây dựng khả năng phục hồi của các cộng đồng dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu và thực hiện tốt cam kết hỗ trợ tài chính khí hậu trị giá 100 tỷ USD như đã hứa từ lâu của các quốc gia phát triển.

2/ Về than và nhiên liệu hóa thạch:

Hơn 40 quốc gia, trong đó có 23 quốc gia mới đã cam kết loại bỏ dần than đá, nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm nhất, trong số này có các thành viên gồm những nước sử dụng than nhiều như Ba Lan, Ukraine và Việt Nam. Các nước lớn cho biết, họ sẽ loại bỏ than vào những năm 2030, còn các nước nghèo hơn cam kết vào những năm 2040. Riêng Australia, nước xuất khẩu than nhiệt lớn thứ hai thế giới, dùng chủ yếu trong các nhà máy nhiệt điện đã không đưa tên mình vào cam kết.

Hiệp ước GP cũng thay đổi cách nói về than, từ việc yêu cầu các nước “đẩy nhanh việc loại bỏ dần than và trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch” sang loại bỏ dần “năng lượng than và trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch không hiệu quả”.

Riêng biệt, ít nhất 20 quốc gia bao gồm Italia, Canada, Hoa Kỳ và Đan Mạch cùng một số các tổ chức tài chính công đã hứa sẽ ngừng tài chính công cho nhiên liệu hóa thạch ở nước ngoài vào cuối năm 2022, thay vào đó sẽ chuyển tiền sang cho năng lượng sạch.

3/ Về công nghệ xanh:

Hơn 40 nhà lãnh đạo thế giới, bao gồm cả Mỹ, Ấn Độ, Australia, Thổ Nhĩ Kỳ, EU và Trung Quốc đã đồng ý về kế hoạch do Anh khởi xướng nhằm tăng tốc công nghệ sạch và giá cả phải chăng trên toàn cầu vào năm 2030. Năm mục tiêu đầu tiên được mệnh danh là “những bước đột phá của Glasgow” và che phủ hơn 50% lượng khí thải toàn cầu, gồm:

- Nguồn điện: Nguồn điện sạch trở thành lựa chọn hợp lý và đáng tin cậy nhất trên toàn thế giới.

- Giao thông đường bộ: Các phương tiện không phát thải trở thành phương tiện bình thường mới và dễ tiếp cận, giá cả phải chăng và bền vững ở tất cả các vùng.

- Thép: Thép gần như không phát thải là lựa chọn ưu tiên trên thị trường toàn cầu, với việc sử dụng hiệu quả và sản xuất thép gần như không phát thải được thiết lập và phát triển ở tất cả các khu vực.

- Hydro: Mục đích là để cung cấp hydro carbon thấp và từ năng lượng tái tạo, với giá cả phải chăng trên toàn cầu.

- Nông nghiệp: Nông nghiệp bền vững, thích ứng với khí hậu trở thành lựa chọn hấp dẫn nhất và được áp dụng rộng rãi ở khắp mọi nơi.

4/ Về mê-tan:

Mỹ và EU đã đưa ra sáng kiến cắt giảm khí mê-tan, một loại khí gây hiệu ứng nhà kính mạnh đến từ các nguồn, bao gồm khai thác nhiên liệu hóa thạch và chăn nuôi gia súc.

Hàng chục nguyên thủ quốc gia đã ký vào bản cam kết, trong đó cam kết với các quốc gia cắt giảm 30% lượng khí mê-tan phát thải vào năm 2030.

Hai quốc gia gây ô nhiễm lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc đã ký một tuyên bố chung hiếm hoi, cam kết sẽ “tăng cường các hành động khí hậu nâng cao tham vọng”. Cả hai đều hứa về phát thải khí mê-tan, chuyển đổi sang năng lượng sạch và khử cacbon, và có kế hoạch thực hiện trong “thập kỷ quan trọng của những năm 2020”. Ông John Kerry đại diện cho phía Mỹ mô tả đây là một “điều bắt buộc phải hợp tác”, trong khi nhà đàm phán hàng đầu của Trung Quốc Xie Zhenhua nói rằng có “nhiều thỏa thuận giữa Trung Quốc và Mỹ hơn là sự khác biệt”.

5/ Về tài chính thực hiện:

EU đã khởi động một chương trình tài trợ cho sự đổi mới mang tính đột phá về khí hậu cùng với Bill Gates và Ngân hàng Đầu tư châu Âu. Chương trình xúc tác của EU sẽ tài trợ 1 tỷ euro cho các công nghệ mới để sử dụng ở hầu hết các quốc gia châu Âu.

Chính phủ Anh thông báo, Anh sẽ trở thành quốc gia đầu tiên buộc tất cả các tổ chức tài chính và công ty niêm yết ở Anh công bố kế hoạch để thực hiện chương trình phát thải ròng bằng 0 hay Net Zero từ năm 2023.

Theo đặc phái viên khí hậu Mỹ John Kerry, Nhật Bản đã cam kết tài trợ thêm 10 tỷ USD cho khí hậu trong vòng 5 năm, có nghĩa là các nước giàu có thể đạt mục tiêu 100 tỷ USD mỗi năm sớm hơn 1 năm so với tiến độ dự kiến. Năm quốc gia, bao gồm Anh và Hoa Kỳ, và một nhóm các tổ chức từ thiện toàn cầu đã hứa hỗ trợ 1,7 tỷ USD cho người dân bản địa bảo tồn rừng và tăng cường quyền đất đai của họ.

Trong khi đó, chính phủ Scotland đã cam kết 1 triệu bảng để hỗ trợ các nạn nhân của thảm họa khí hậu. Bà Nicola Sturgeon, Bộ trưởng thứ nhất Scotland, cho biết chính phủ của bà sẽ hợp tác với Quỹ phục hồi công bằng khí hậu (CJRF) để “giải quyết những mất mát và thiệt hại” do biến đổi khí hậu gây ra.

Cam kết của Việt Nam tại COP26:

Theo Tuoitre.com, đầu tháng 11/2021, phát biểu tại Hội nghị cấp cao COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính, cho biết biến đổi khí hậu đã thực sự trở thành thách thức lớn nhất đối với nhân loại.

Theo Thủ tướng, các hiện tượng thời tiết cực đoan và tình trạng nước biển dâng đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, đến sự phát triển bền vững, thậm chí đe dọa sự tồn vong của nhiều quốc gia và cộng đồng dân cư.“Lời cảnh báo này của tự nhiên buộc chúng ta phải hành động mạnh mẽ và không chậm trễ trên phạm vi toàn cầu” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cho biết Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất do biến đổi khí hậu và đang hết sức nỗ lực “để vừa ứng phó với biến đổi khí hậu vừa phát triển kinh tế để vươn lên, bảo đảm cuộc sống ngày càng tốt hơn cho người dân”.

Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh ba thông điệp quan trọng.

Thứ nhất: Ứng phó với biến đổi khí hậu, phục hồi tự nhiên phải trở thành ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển, là tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của mọi cấp, mọi ngành, mọi doanh nghiệp và người dân.

Khoa học phải đi trước để dẫn dắt và nguồn lực tài chính phải là đòn bẩy, thúc đẩy chuyển đổi mô hình phát triển hướng tới kinh tế xanh, tuần hoàn. Mọi hành động phải dựa vào tự nhiên và lấy người dân làm trung tâm, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Thứ hai: Tất cả các quốc gia cần cam kết mạnh mẽ về giảm phát thải khí nhà kính trên cơ sở nguyên tắc trách nhiệm chung nhưng có khác biệt, dựa vào hoàn cảnh và năng lực của từng quốc gia. Đây là đòi hỏi tất yếu để kiềm chế mức tăng nhiệt độ của Trái đất.

"Mặc dù là nước đang phát triển, mới chỉ bắt đầu tiến hành công nghiệp hóa trong hơn ba thập kỷ qua, Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ hơn nữa bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050” - Thủ tướng nêu cam kết của Việt Nam.

Cuối cùng, tài chính khí hậu, chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực đóng vai trò rất quan trọng để thực hiện thành công Thỏa thuận Paris. Theo Thủ tướng, các quốc gia phát triển đã phát thải nhiều trong quá khứ cần thực hiện đầy đủ các cam kết tài chính đã có và khẩn trương đề ra mục tiêu tài chính tham vọng hơn nữa cho giai đoạn sau 2025./.

KHẮC NAM (THEO: BBC/CNN/NSC/TUOITRE.VN - 11/2021)


Link tham khảo:

1. https://www.rnanews.eu/cop26-climate-summit-approaches-moment-of-truth-191625.html

2. https://edition.cnn.com/2021/11/10/world/cop26-draft-agreement-full-text-climate-intl/index.html

3. https://edition.cnn.com/2021/11/13/world/cop26-agreement-final-climate-intl/index.html

4. https://news.sky.com/story/cop26-the-key-agreements-from-glasgows-climate-summit-12457842

5. https://tuoitre.vn/viet-nam-cam-ket-giam-phat-thai-tai-cop26-20211102070105729.htm

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động