Còn 3 câu hỏi khó trong dự án Nhiệt điện Na Dương 2
08:06 | 31/10/2023
Chuỗi khí, điện Lô B - Ô Môn: Chính phủ đề nghị nghiên cứu đề xuất của giới chuyên gia Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, ngày 13/9/2023, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số: 7027/VPCP-CN gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam về việc nghiên cứu, xử lý theo thẩm quyền và quy định trong triển khai Chuỗi dự án khí, điện Lô B - Ô Môn theo đề xuất của Tạp chí Năng lượng Việt Nam gửi Thủ tướng Chính phủ. (Báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền). |
Phát triển nguồn điện trong điều chỉnh Quy hoạch điện VII, bài học cho Quy hoạch điện VIII Kiểm điểm giai đoạn trên 10 năm phát triển nguồn điện ở Việt Nam vừa qua đã cho thấy: Chậm trễ (thậm chí không thể triển khai đầu tư) nhiều nguồn điện truyền thống do bế tắc về vốn đầu tư, nhiên liệu, quy định pháp luật, công tác điều hành, năng lực của một số chủ đầu tư... Bài viết dưới đây, chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam phân tích nguyên nhân cản trở tiến độ phát triển nguồn điện trong điều chỉnh Quy hoạch điện VII và gợi ý một số giải pháp thúc đẩy các dự án nguồn điện trong Quy hoạch điện VIII. |
Suất đầu tư cao?
Dự án Nhà máy Nhiệt điện Na Dương 2 có quy mô công suất 110 MW, tổng mức đầu tư xây dựng ban đầu được dự kiến gần 192 triệu USD, sẽ cung cấp khoảng 650 triệu kWh/năm vào lưới điện quốc gia. Dự án do Tổng công ty Điện lực TKV làm chủ đầu tư.
Nhà máy nằm trên khu vực xưởng sàng hiện có của mỏ than Na Dương, thuộc thôn Toòng Giá, xã Sàn Viên, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn. Diện tích chiếm đất khoảng 11 ha, trong đó khu vực nhà máy chính là 7,56 ha và diện tích chiếm đất tạm thời là 3,62 ha nhằm phục vụ thi công dự án, trong 3 năm.
Nhà máy sẽ sử dụng nguồn than tại mỏ than Na Dương trong khoảng 30÷40 năm (kể từ khi đi vào vận hành), với mức tiêu thụ vào khoảng 500.000 tấn/năm.
Như vậy, dự án Nhà máy Nhiệt điện Na Dương 2 có điều kiện triển khai thuận lợi giống như dự án Nhà máy Nhiệt điện Na Dương 1 về nguồn nhiên liệu gần mỏ, mặt bằng xây dựng, đấu nối với hệ thống, nguồn nước làm mát v.v… Ngoài ra, dự án Nhà máy Nhiệt điện Na Dương 2 còn có cấu hình đơn giản hơn (1 lò + 1 máy phát) và công suất tổ máy lớn hơn gấp 2 lần so với Nhà máy Nhiệt điện Na Dương 1.
Gói thầu chính EPC (số 28) có phạm vi gồm: Khảo sát, thiết kế, chế tạo, cung cấp, vận chuyển, giao hàng, bốc dỡ tại công trường, bảo hiểm, xây dựng, lắp đặt, kiểm định, thử nghiệm, hiệu chỉnh, nghiệm thu, chạy thử, đào tạo, chuyển giao công nghệ và bảo hành toàn bộ công trình/vật tư, thiết bị cho dự án Nhà máy Nhiệt điện Na Dương 2 công suất 110 MW. Thời gian thực hiện hợp đồng 30 tháng (loại hợp đồng trọn gói).
Theo Quyết định số 872/QĐ-ĐLTKV về việc điều chỉnh kế hoạch lựa chọn nhà thầu dự án Nhà máy Nhiệt điện Na Dương 2 được Tổng công ty Điện lực TKV ban hành ngày 18/5/2023, Nhà máy có tổng mức đầu tư 4.088,928 tỷ đồng, trong đó phần công việc đã thực hiện là 10,893 tỷ đồng, phần công việc nằm trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu là 3.570,27 tỷ đồng.
Tuy nhiên, suất đầu tư của dự án Nhiệt điện Na Dương 2 vẫn cao và cao hơn nhiều so với dự án Nhiệt điện Na Dương 1 (có cùng tổng công suất). Tổng mức đầu tư của dự án Nhà máy Nhiệt điện Na Dương 2 tại thời điểm được phê duyệt là 172,73 triệu USD, tương đương với suất đầu tư 1570,3 USD/kW đối với nhiệt điện chạy than là cao.
Ngoài ra, qua 3 lần đấu thầu, tổng mức đầu tư của dự án Nhà máy Nhiệt điện Na Dương 2 vẫn cao hơn 1,4 lần so với dự án Nhà máy Nhiệt điện Na Dương 1 (124 triệu USD).
Điều duy nhất đáng ghi nhận là chủ đầu tư đã có quyết định đúng, không chọn phương án nhà thầu Marubeni (nhà thầu đã trúng thầu dự án Nhà máy Nhiệt điện Na Dương 1).
Nhà máy Nhiệt điện Na Dương 1 nằm trên bờ trụ của mỏ than Na Dương. |
Vị trí đặt nhà máy gần moong khai thác?
Trước đây, khi triển khai dự án Nhiệt điện Na Dương 1, vị trí xây dựng đã được lựa chọn phía bờ trụ của mỏ, trong phạm vi mặt bằng có sẵn của mỏ than Na Dương, có tính đến khả năng tụt lở của bờ trụ (vốn là vấn đề kỹ thuật liên quan đến ổn định bờ mỏ Na Dương còn bị bỏ ngỏ từ trước đến nay) khi moong khai thác phải xuống sâu để khai thác được tấn than thứ 30 trong tổng số 90 triệu tấn trữ lượng than của mỏ. Hay nói cách khác, vị trí hiện nay của Nhà máy Nhiệt điện Na Dương 1 chỉ đủ đáp ứng khoảng cách an toàn (tính từ nhà máy nhiệt điện đến mép bờ trụ bị tụt lở của mỏ than) vừa đủ cho 50 năm tồn tại của Nhà máy Nhiệt điện Na Dương 1.
Vị trí của Nhà máy Nhiệt điện Na Dương 2 nằm trên bờ trụ của mỏ than Na Dương. |
Hiện nay, khi triển khai Nhà máy Nhiệt điện Na Dương 2, mỏ than Na Dương cần khai thác được ít nhất 60 triệu tấn than (trong tổng số 90 triệu tấn trữ lượng) - Tức moong khai thác của mỏ phải xuống sâu hơn rất nhiều. Hay nói cách khác, khoảng cách an toàn từ Nhà máy Nhiệt điện Na Dương 1 đến mép bờ trụ phải lớn hơn rất nhiều so với hiện nay.
Như vậy, nếu triển khai Nhà máy Nhiệt điện Na Dương 2, thì Nhà máy Nhiệt điện Na Dương 1 sẽ có nguy cơ phải đóng cửa sớm, hoặc sẽ phải di chuyển xa bờ trụ hơn. Vì lý do tương tự, Nhà máy Nhiệt điện Na Dương 2 hiện nay cần phải được xây dựng ở vị trí cách xa bờ trụ rất nhiều (so với Nhà máy Nhiệt điện Na Dương 1 hiện nay) về phía Tây - Nam (gần ga đường sắt Na Dương).
Vấn đề tụt lở bờ trụ mỏ than Na Dương vẫn tồn tại từ xưa đến nay, mỏ chưa có giải pháp khắc phục, nhưng chưa được tính đến trong các báo cáo đầu tư Nhà máy Nhiệt điện Na Dương 2. Trách nhiệm trước hết thuộc cơ quan tư vấn lập dự án Nhà máy Nhiệt điện Na Dương 2 và cơ quan phê duyệt dự án này.
Moong khai thác của mỏ Na Dương. |
Giá thành khai thác than Na Dương cao?
Dự án mở rộng nâng công suất mỏ than Na Dương đã được Bộ Công Thương thẩm định thiết kế cơ sở tại công văn số 6252/BCT-TCNL, ngày 11/7/2016, với tổng mức đầu tư trên 800 tỷ đồng, thời gian xây dựng cơ bản 4 năm. Mục tiêu của dự án là nhằm khai thác tối đa trữ lượng than bằng phương pháp lộ thiên, mở rộng và nâng công suất nhằm cung cấp đủ sản lượng than 1,2 triệu tấn/năm cho cả hai nhà máy nhiệt điện Na Dương trong suốt quá trình hoạt động. Chủ đầu tư của dự án là Tổng Công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc - TKV - CTCP. Đơn vị tư vấn là Viện Khoa học Công nghệ Mỏ - Vinacomin.
Ngày 7/9/2016, TKV đã có buổi làm việc về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án mở rộng nâng công suất mỏ than Na Dương. “Chủ đầu tư và đơn vị tư vấn đã giải trình chi tiết những vấn đề được đặt ra và được sự đồng thuận của lãnh đạo TKV, cũng như các ban liên quan”.
Tuy nhiên, trong quá trình xem xét, phê duyệt “các ý kiến đóng góp, cũng như chỉ đạo của lãnh đạo Tập đoàn tập trung vào các vấn đề như: Đền bù, giải phóng mặt bằng; đảm bảo đủ sản lượng than cung cấp cho các nhà máy điện khi chúng đi vào vận hành, đổ thải; xử lý nước thải; bảo vệ môi trường”… Như vậy, các vấn đề liên quan đến OPEX (chi phí vận hành) của mỏ than Na Dương có ảnh hưởng trực tiếp đến tính khả thi về kinh tế của dự án Nhà máy Nhiệt điện Na Dương 2 lại chưa có ai “chỉ đạo”. Cụ thể như sau:
Tính đến trước khi Nhà máy Nhiệt điện Na Dương 1 đi vào vận hành ổn định (2004), mỏ Na Dương đã được khai thác với hệ số bốc bình quân 4,27 m3/tấn (4,79 triệu tấn than và 20,45 triệu m3 đất). Điều đáng nói là Công ty Than Nội địa đã khai thác theo kiểu “bóc ngắn, cắn dài”, bất chấp quy phạm kỹ thuật khai thác mỏ lộ thiên, đã cho đổ thải hàng triệu mét khối đất đá lên phía bờ vách của mỏ nhằm tận thu lợi nhuận, nhưng để lại hậu quả nặng nề cho việc mở rộng, nâng công suất của mỏ than, cũng như của nhà máy điện hiện nay. Hậu quả của việc đổ thải đất đá này đã nhãn tiền: Năm 2019, mỏ than Na Dương đã phải khai thác với hệ số bốc là 11,26 m3/tấn (bóc 5,8 triệu m3 đất, khai thác 0,515 triệu tấn than).
Giá bán than Na Dương cho nhà máy nhiệt điện năm 2022 đạt 1,258 triệu đồng/tấn. Với cung độ vận chuyển đất đá (ngắn nhất) khoảng 4 km, cung độ vận chuyển than (ngắn nhất) khoảng 2 km, giá thành bóc đất bình quân khoảng 120.000 đồng/m3 và giá thành khấu than bình quân khoảng 58.000 đồng/tấn, thì hệ số bóc tới hạn của mỏ Na Dương sẽ là 10 m3/tấn - tức là đã cao hơn hệ số bóc sản xuất của mỏ năm 2019 và trong tương lai sẽ còn tăng lên rất nhiều. Đây sẽ là rủi ro rất lớn về mặt kinh tế của dự án Nhà máy Nhiệt điện Na Dương 2.
Sơ bộ các đề xuất, khuyến nghị:
Thứ nhất: Về vị trí của các nhà máy Nhiệt điện Na Dương:
Đối với Nhà máy Nhiệt điện Na Dương 1 (hiện có): Để duy trì được khoảng cách an toàn đến mép bờ trụ, cần quy hoạch mỏ theo hướng chia khai trường thành 3 khu cánh Tây, cánh Đông, và Trung tâm. Ưu tiên áp dụng các trình tự khai thác (khấu than) lần lượt cánh Đông, cánh Tây và cuối cùng là khu Trung tâm.
Đối với Nhà máy Nhiệt điện Na Dương 2 (sẽ xây dựng): Tính khoảng cách an toàn theo nhu cầu khai thác đủ 60 triệu tấn than (theo chiều sâu của moong khai thác) có tính đến hệ số an toàn >1,25÷1,50.
Thứ hai: Về tụt lở bờ trụ:
Cần giải quyết triệt để bằng cách áp dụng các mô hình tính toán (lý thuyết) kết hợp với mô hình khảo sát trên khai trường, ngoài bãi thải và trong phòng thí nghiệm theo phương pháp “vật liệu tương đương”.
Thứ ba: Về giảm chi phí khai thác than:
Trên cơ sở trình tự khai thác như trên, cần nghiên cứu khả năng áp dụng giải pháp kết hợp đổ bãi thải trong theo hướng đất đá của cánh Đông đổ ra bãi thải ngoài, còn đất đá cánh Tây đổ vào moong cánh Đông sau khi kết thúc, cuối cùng đất đá của khu Trung tâm đổ vào moong của cánh Tây. Giải pháp này sẽ là “một mũi tên trúng 3 con thỏ”:
1. Chi phí khai thác than sẽ giảm 60÷65% (nhờ rút ngắn 80% cung độ vận tải đất).
2. Hạn chế nguy cơ tụt lở bờ trụ (chân bờ trụ sẽ được tỳ vào đất đá thải).
3. Không cần đền bù giải phóng thêm mặt bằng cho bãi thải./.
TS. NGUYỄN THÀNH SƠN - NGUYÊN TRƯỞNG BAN PHÁT TRIỂN CÁC DỰ ÁN ĐIỆN CỦA TKV