RSS Feed for Chung tay xây dựng những mùa xuân năng lượng | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ tư 25/12/2024 12:53
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Chung tay xây dựng những mùa xuân năng lượng

 - Năm 2013, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với những thách thức từ cuộc khủng hoảng, suy thoái kinh tế toàn cầu. Ngành năng lượng cũng không thể đứng ngoài những khó khăn chung của đất nước. Để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các hội viên, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, trong năm qua, Thường trực BCH Trung ương Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) đã có nhiều hoạt động thiết thực, đem lại kết quả trên tất cả các lĩnh vực công tác. Đặc biệt, thông qua các văn bản kiến nghị, các bài báo phản biện, hội thảo chuyên ngành…. đã được gửi tới các cơ quan Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành.

>> Chung tay xây dựng cộng đồng năng lượng Việt Nam lớn mạnh
>> Hội thảo khoa học "Vốn cho các dự án điện và những vấn đề cấp bách"
>> Kiến nghị phát huy nội lực Việt Nam trong các dự án điện
>> Đề xuất tháo gỡ khó khăn cho ngành năng lượng Việt Nam (Phần 1)
>> Đề xuất tháo gỡ khó khăn cho ngành năng lượng Việt Nam (Phần 2-3)
>> Phản biện, kiến nghị chính sách phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Phần 1)
>> Một số ý kiến của VEA trong kết luận Thanh tra Chính phủ về EVN
>> Hợp tác chiến lược, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia

NGUYỄN TÂM

Đề xuất tháo gỡ khó khăn cho ngành năng lượng Việt Nam

Để chuẩn bị văn bản kiến nghị này, VEA đã tổ chức đoàn công tác, bao gồm các giáo sư, tiến sĩ, các chuyên gia đầu ngành năng lượng đi khảo sát thực tế một số đơn vị thành viên, các nhà máy phát điện, các dự án đầu tư xây dựng, của ba tập đoàn: Điện lực (EVN), Dầu khí (PVN) và Than - Khoáng sản (TKV) nhằm tìm hiểu tình hình hoạt động, những khó khăn, bất cập, vướng mắc và các nguyên nhân.

Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi và các chuyên gia thuộc Hội đồng Khoa học Năng lượng - VESC thăm Trung tâm điều kiển Nhà máy nhiệt điện Mạo Khê.

Với những tư liệu thông tin thu thập được, VEA làm báo cáo trình lên Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ những nội dung về khó khăn bất cập cần được tháo gỡ đối với lĩnh vực thăm dò, khai thác, sản xuất, kinh doanh của ngành Than; và những vấn đề khó khăn tồn tại cần được tháo gỡ trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đầu tư xây dựng cơ bản về lĩnh vực điện của EVN, PVN, TKV cùng với một số đề xuất và kiến nghị.

Cụ thể như: Chính phủ cần khẩn trương chỉ đạo Bộ Tài Nguyên và Môi Trường kịp thời cấp phép thăm dò và cấp phép khai thác, kể cả cấp phép khai thác thử nghiệm tại bể than ĐBSH cho ngành Than. Cần xem xét có cơ chế chính sách điều chỉnh giảm kịp thời một số loại thuế và các loại phí, tạo điều kiện cho ngành Than. Cho phép ngành Than được chỉ định thầu giúp cho việc rút ngắn thời gian trong đầu tư xây dựng các mỏ mới cũng như cải tạo các mỏ cũ. Một số chính sách an sinh cho ngành Than; cơ chế về tài chính cho các đề tài nghiên cứu khoa học, đào tào nhân lực của ngành; hỗ trợ thủ tục, kinh phí để TKV triển khai sớm công tác thăm dò và việc thử nghiệm khai thác một vài địa điểm ở bể than Đồng bằng sông Hồng…

Đồng thời, trong văn bản VEA cũng đã kiến nghị những vấn đề tồn tại cần được giải quyết trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh điện của TKV, PVN, EVN như: Tính thống nhất và tính đồng bộ của các quy hoạch phân ngành năng lượng và chính sách giá năng lượng; Rà soát nhu cầu, khả năng cung cấp và thống nhất giá nhiên liệu cho một số nhà máy, trung tâm điện lực; Quan tâm hơn nữa về phát triển năng lượng tái tạo; Xem xét bổ sung các dự án điện vào Quy hoạch Điện VII và sớm mở rộng nhà máy nhiệt điện Na Dương 2.

Chủ tịch VEA tin tưởng rằng, các cơ quan Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ sẽ có sự quan tâm sâu sát và sớm có các giải pháp, cơ chế chính sách, để tháo gỡ những khó khăn cho các tập đoàn nêu trên cùng với các doanh nghiệp nằm trong hệ thống năng lượng, hoàn thành tốt nhiệm vụ đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa đất nước vào năm 2020, cũng như việc cung cấp đầy đủ năng lượng cho nền kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Kiến nghị nâng cấp Nhà máy Lọc dầu Dung Quất

Trung tuần tháng 8/2013, các chuyên gia, nhà khoa học của VEA có chuyến làm việc với Công ty Lọc - hoá dầu Bình Sơn (đơn vị quản lý, vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất). Sau chuyến khảo sát thực tế, VEA nhận thấy NMLD Dung Quất cần phải được tiến hành nâng cấp mở rộng và thay đổi công nghệ, đặc biệt là về công nghệ hoá dầu. Không lâu sau, VEA đã có Văn bản kiến nghị tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.

VEA đưa ra phân tích: Theo thiết kế, nguồn dầu thô cho nhà máy chủ yếu là dầu ngọt của mỏ Bạch Hổ, song do thời điểm Nhà máy đi vào vận hành quá muộn (tháng 1/2011) là lúc sản lượng dầu thô khai thác từ mỏ Bạch Hổ giảm mạnh, nên Nhà máy có nguy cơ sau ít năm nữa không đủ nguyên liệu để vận hành.

Để khai thác có hiệu quả công trình, VEA kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành cần sớm có chủ trương cho phép Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam thực hiện các giải pháp cần thiết như: Mở rộng Nhà máy, đổi mới công nghệ để lọc - hoá dầu từ sản phẩm dầu chua nhập từ các nước trên thế giới, nhằm đảm bảo cho Nhà máy hoạt động liên tục và nâng cao hiệu quả kinh tế lâu dài của dự án.

Nhận được văn bản kiến nghị này, Chính phủ đã có Văn bản số 6875/VPCP-KTN, ngày 19 tháng 8 năm 2013 giao Bộ Công Thương nghiên cứu, tham khảo trong quá trình chỉ đạo việc triển khai dự án nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và xây dựng chính sách thúc đẩy phát triển ngành dầu khí nói chung) theo Văn bản kiến nghị số 41/KN-VEA, ngày 29 tháng 7 năm 2013 của VEA.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi về tình hình kinh tế - xã hội 8 tháng đầu năm và nhiệm vụ những tháng cuối năm diễn ra ngày 13/9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đồng ý cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất mở rộng lên 10 triệu tấn/năm. Giao tỉnh Quảng Ngãi sẽ hỗ trợ tối đa, nhất là việc giải phóng mặt bằng và tái định cư để dự án được triển khai thuận lợi nhất.

Phát huy nội lực chế tạo cơ khí Việt Nam trong các dự án điện

Trước thực trạng phần lớn các dự án năng lượng trong nước đều do nhà thầu nước ngoài làm tổng thầu EPC, còn các nhà thầu trong nước lại đứng ngoài cuộc, dẫn đến Việt Nam mất một lượng ngoại tệ lớn, mất khả năng hành nghề của các nhà thầu... Trong khi đó, các nhà thầu trong nước có đủ khả năng (hoặc liên doanh, liên kết) để làm tổng thầu các dự án thì lại không được lựa chọn. Để hạn chế bớt tình trạng nêu trên, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp cơ khí trong nước có công ăn việc làm, nâng trình độ tay nghề, nâng khả năng trong việc chế tạo các thiết bị cơ khí trong các dự án năng lượng của đất nước, VEA đã gửi văn bản kiến nghị tới Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, về việc cho phép các đơn vị cơ khí được tham gia thực hiện một số phần việc xây dựng các dự án nhiệt điện trong Tổng sơ đồ điện VII.

Tháng 3/2013 sau Lễ ký thỏa thuận hợp tác chiến lược của ba tập đoàn: EVN, PVN, TKV. Một số ý kiến lo ngại có sự gia tăng sự độc quyền trong ngành năng lượng đất nước. Chủ tịch VEA đã thẳng thắn khẳng định: Đáng lẽ sự liên kết của 3 tập đoàn này phải được diễn ra từ lâu rồi. Sự kết hợp này trước tiên là tổ chức xây dựng chiến lược, quy hoạch dài hạn giữa ba phân ngành (điện, than, dầu - khí), tiếp đến là cung cấp nhiên liệu, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng dùng chung (các trung tâm nhiệt điện, cảng than), trao đổi kinh nghiệm quản lý dự án, vận hành các nhà máy...

Phản biện những thông tin sai lệch liên quan đến EVN, PVN, TKV

Cùng với các văn bản kiến nghị, trong năm 2013, Chủ tịch VEA đã có nhiều phản biện, đính chính những thông tin sai lệch trên công luận gây thất thiết tới ngành năng lượng Việt Nam.

Theo đó, trước lộ trình tăng giá điện từ 1/8/2013, dư luận có nhiều phản ứng mạnh mẽ, thông qua bài viết "Cần phải xem ngành Điện là ngành đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho đất nước". Chủ tịch VEA đã khẳng định: Đã đến lúc chúng ta cần phải nhìn vào chiều sâu về bản chất của ngành Điện lực Việt Nam đang hoạt động và phục vụ đất nước như thế nào? Bằng cơ chế nào để giúp EVN có tiền để tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn thành các dự án nguồn và lưới điện như Chính phủ đã giao?

Là một ngành kinh tế đặc biệt, toàn bộ hệ thống đều là công nghệ hiện đại với kỹ thuật cao, sản phẩm điện có tính đặc thù, vừa sản xuất vừa tiêu thụ đồng thời cùng một lúc, hoàn toàn khác với các doanh nghiệp kinh doanh khác. Mặt khác, EVN không chỉ làm kinh doanh đơn thuần mà còn làm nhiệm vụ chính trị - đó là đảm bảo đủ điện cho sự phát triển kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân và đảm bảo an sinh - xã hội.

Giải bài toán lỗ của EVN, Chủ tịch VEA cho rằng, trong những năm gần đây, đặc biệt là những năm 2010 - 2011 do nắng nóng kéo dài, chủ yếu là khu vực miền Nam làm cho khu vực này bị thiếu điện nghiêm trọng. Một số các nhà máy điện ở miền Nam phải chạy bằng dầu, giá 1kWh điện chạy dầu lên tới 4.000-5.000 đồng/1kWh. Do đó, EVN đã bị lỗ tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Mặt khác, EVN còn lỗ do làm nhiệm vụ chính trị, đó là phải vay hàng tỷ USD để đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp hệ thống điện nông thôn, vùng sâu, vùng xa trên toàn quốc. Ngoài ra, trước đây EVN vay rất nhiều vốn nước ngoài (hàng chục tỷ USD) với tỷ giá thấp, nhưng những năm gần đây tỷ giá đã tăng cao, do đó lỗ về tỷ giá đã lên trên 20 nghìn tỷ đồng. Như vậy, việc lỗ trong sản xuất kinh doanh điện và lỗ về tỷ giá của EVN hoàn toàn là sự thật.

Tháng 3/2013 sau Lễ ký thỏa thuận hợp tác chiến lược của ba tập đoàn: EVN, PVN, TKV. Một số ý kiến lo ngại có sự gia tăng sự độc quyền trong ngành năng lượng đất nước. Chủ tịch VEA đã thẳng thắn khẳng định: Đáng lẽ sự liên kết của 3 tập đoàn này phải được diễn ra từ lâu rồi. Sự kết hợp này trước tiên là tổ chức xây dựng chiến lược, quy hoạch dài hạn giữa ba phân ngành (điện, than, dầu - khí), tiếp đến là cung cấp nhiên liệu, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng dùng chung (các trung tâm nhiệt điện, cảng than), trao đổi kinh nghiệm quản lý dự án, vận hành các nhà máy...

Lý do rất dễ hiểu, bởi ba phân ngành này có sự liên quan với nhau hết sức mật thiết (ngành Than và Dầu khí đảm bảo đầu vào cho ngành Điện, sản phẩm của ngành Điện lại là đầu vào của nhiều lĩnh vực sản xuất của ngành Than và Dầu khí). Ngoài ra, trong nhiều năm qua, 2 ngành Than và Dầu khí cũng đã được Chính phủ giao đầu tư phát triển nhiều nhà máy điện để hỗ trợ EVN tạo thêm nhiều nguồn điện mới, bổ sung thêm công suất cho toàn hệ thống điện quốc gia.

Đặc biệt vào đầu tháng 10/2013, Thanh tra Chính phủ có kết luận thanh tra về hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư xây dựng cơ bản của EVN. Trước nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận, thông qua bài phỏng vấn được đăng tải trên NangluongVietnam.vn, Chủ tịch VEA đã đưa ra những cơ sở thực tiễn để phản biện lại một số trong kết luận của cơ quan thanh tra như: việc hạch toán chi phí đầu tư những hạng mục nhà chung cư, sân tennis trong giá thành sản xuất điện; chuyển nguồn vốn tại 11 dự án đã hoàn thành và đang hoạt động  ảnh hướng đến tăng chi phí sản xuất điện trong năm 2011 như thế nào; vì sao lại có việc giao chỉ tiêu kinh doanh lỗ cho các công ty thành viên, hay nguyên nhân việc chậm tiến độ một số dự án…

Cùng đó Chủ tịch VEA kiến nghị Thanh tra Chính phủ khi tiến hành thanh tra các doanh nghiệp thì nên làm rõ cả hai mặt ưu và khuyết điểm để doanh nghiệp khắc phục và phát huy. Với EVN, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ chỉ nêu nhiều những khuyết điểm, tồn tại trong việc quản lý, điều hành sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng cơ bản.

Đối với một tập đoàn lớn, hoạt động mang tính đặc thù cao, phải hoạt động liên tục 24/24h, đối với các nhà máy điện, hệ thống truyền tải điện, hệ thống phân phối điện không được ngừng bất kỳ 1 giây nào. Việc tăng trưởng điện năng cao, trong đó sức ép đầu tư rất lớn về cả nguồn điện và lưới điện, EVN phải tập trung một lượng lớn CBCNV để thực hiện một khối lượng công việc đồ sộ, vì vậy trong quá trình đó EVN không thể tránh khỏi các khuyết điểm.

Tham vấn về phát triển năng lượng gắn với bảo vệ môi trường

Đầu tháng 11/2013, sau cuộc họp với Ban Kinh tế Trung ương về chiến lược phát triển ngành Dầu khí Quốc gia, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã đề nghị Chủ tịch VEA có bài viết về vấn an ninh năng lượng gắn với bảo vệ môi trường.

Dưới nhan đề "Phát triển năng lượng gắn với tăng cường quản lý tài nguyên bảo vệ môi trường ở nước ta", bằng cái nhìn đa chiều về tác động của vấn đề phát triển năng lượng lên môi trường tại Việt Nam thời gian qua, Chủ tịch VEA cho rằng Đảng, Chính phủ cần xây dựng quy hoạch tổng thể về chiến lược phát triển ngành năng lượng, trong đó có 3 phân ngành gồm: than, dầu khí, điện, tạo sự đột phá mới trong quá trình đầu tư xây dựng, quản lý vận hành hệ thống, đảm bảo an ninh năng lượng gắn với việc bảo vệ môi trường một cách bền vững.

Hội thảo khoa học trực tuyến “Vốn cho các dự án điện và những vấn đề cấp bách”

Tổ chức thành công Hội thảo trực tuyến “Vốn cho các dự án điện và những vấn đề cấp bách”

Hội thảo đã gây được tiếng vang lớn trong dư luận bởi những ý kiến, đánh giá thẳng thắn về những bất cập cũng như những khó khăn về nguồn vốn mà ngành Điện đang gặp phải hiện nay. Đặc biệt hơn, Hội thảo đã được truyền trực tuyến trên Nangluongvietnam.vn thu hút hàng triệu lượt độc giả truy cập.

Hội thảo có sự tham gia trình bày các tham luận của các đại điểu đến từ: Viện Năng lượng (Bộ Công Thương); Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam; Tổng công ty CP Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC); Ban Chấp hành Hiệp hội Năng lượng Việt Nam; Ban Kinh tế Trung ương; Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam; Tập đoàn CN Than - Khoáng sản Việt Nam.

Từ những phân tích, nhận định khách quan, khoa học, được nêu ra trong Hội thảo, VEA đã tổng hợp thành những nội dung kiến nghị để gửi tới các cơ quan Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ nhằm tìm ra các giải pháp trước mắt, cũng như lâu dài để tạo đủ  nguồn vốn đầu tư cho các dự án nguồn nguồn và lưới điện của Việt Nam sẽ được triển khai trong những năm sắp tới như: Chính phủ nên xem xét hiệu chỉnh Quy hoạch Điện VII một cách kỹ càng, chuẩn xác để đảm bảo đến năm 2030 nước ta sẽ trở thành nước công nghiệp tiên tiến theo hướng hiện đại; Cần tập trung giải quyết vấn đề thiếu vốn cho ngành Điện. Trong đó, Nhà nước cần ban hành chính sách giá điện hợp lý, minh bạch; ban hành khung giá điện công khai và thống nhất để tạo điều kiện tốt cho hoạt động của thị trường điện. Đây là giải pháp đặc biệt quan trọng nhằm tạo thêm nguồn vốn cho đầu tư phát triển; Trong điều kiện hiện nay, hình thức BOT cũng là biện pháp giảm căng thẳng về vốn cho các dự án nguồn. Vì vậy, Chính phủ nên xem xét để tăng nguồn vốn FDI tại các dự án điện để giảm bớt nguồn vốn trong nước; Xem xét, sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư/chủ dự án điện có điều kiện tiếp cận nguồn vốn nước ngoài một cách thuận lợi nhất; Với các dự án ODA cần giải quyết nhanh vấn đề giải phóng mặt bằng, thực hiện giải ngân tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ thi công nhằm rút ngắn khoảng cách thời gian không để tình trạng chậm đưa dự án vào hoạt động; Chính phủ và các bộ ngành sớm chỉ định được tổng thầu EPC để từ đó chọn ra các nhà thầu trong nước thực hiện nội địa hóa tại các dự án điện…

Sẽ tiếp tục sát cánh, chia sẻ khó khăn với Hội viên

Trong thời gian tới, ngoài việc bám sát hoạt động của các hội viên để nắm bắt những khó khăn, trăn trở, qua đó kịp thời động viên, chia sẻ, VEA sẽ tiếp tục kiến nghị những vấn đề còn vướng mắc giải quyết, tạo điều kiện thuận lợi cho hội viên phát triển.

VEA sẽ hỗ trợ và phối hợp với các tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, CN Than - Khoáng sản Việt Nam, Điện lực Việt Nam... triển khai công tác chuẩn bị đầu tư các dự án nguồn điện như: lập báo cáo đầu tư, dự án đầu tư xây dựng công trình, thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán và thẩm định các hồ sơ thiết kế các giai đoạn... Cùng đó, VEA tiếp tục chương trình tìm hiểu tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các hội viên để kịp thời đề xuất với Chính phủ, các cơ quan Nhà nước giải quyết những khó khăn, vướng mắc giúp hội viên thực hiện tốt kế hoạch được giao. Đồng thời, cũng tập trung tìm hiểu sâu về thực hiện một số cơ chế, chính sách trong thi hành Luật Doanh nghiệp mới, Luật Đấu thầu, vấn đề trượt giá trong xây dựng, công tác di dân giải phóng mặt bằng các dự án công trình nguồn điện, chính sách thuế xuất nhập khẩu vật tư, nguyên liệu, sản phẩm thiết bị điện, vấn đề ưu đãi đầu tư.

NangluongVietnam.vn

CÁC BÀI VIẾT BẠN ĐỌC QUAN TÂM

Tình hình châu Á 2014: Dự báo bất ngờ sau bất ổn
Nếu Mỹ chọn phương án đối đầu với Iran?
Kịch bản về một cuộc chiến khủng khiếp nhất trong lịch sử
Bình luận của chuyên gia Nhật về Quân cảng Cam Ranh
Chính sách "ngoại giao độc tài" Trung Quốc quay về phản chủ

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động