RSS Feed for Các bộ đang xử lý kiến nghị của Tạp chí NLVN về tài chính, công nghệ cho năng lượng sạch | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Chủ nhật 28/04/2024 03:47
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Các bộ đang xử lý kiến nghị của Tạp chí NLVN về tài chính, công nghệ cho năng lượng sạch

 - Văn phòng Chính phủ vừa có Văn bản số: 1679/PC-VPCP về việc chuyển báo cáo kết quả “Diễn đàn quốc tế về Tài chính và Công nghệ cho các dự án năng lượng Sạch Việt Nam (lần thứ Nhất)” và Bình chọn “TOP thương hiệu thiết bị điện uy tín ở Việt Nam năm 2020” của Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam đến Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để xem xét, xử lý.
Đề nghị Ban KTTW, Bộ Công Thương nghiên cứu phản biện Tạp chí Năng lượng Việt Nam Đề nghị Ban KTTW, Bộ Công Thương nghiên cứu phản biện Tạp chí Năng lượng Việt Nam

Ngày 18/5/2020, Văn phòng Trung ương Đảng có Văn bản số: 12159-CV/VPTW đề nghị Ban Kinh tế Trung ương, Ban Cán sự đảng Bộ Công Thương nghiên cứu các phản biện, kiến nghị của TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM về "Những giải pháp thực hiện Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam".

Vấn đề tài chính, công nghệ, thể chế cho đầu tư phát triển năng lượng sạch Việt Nam Vấn đề tài chính, công nghệ, thể chế cho đầu tư phát triển năng lượng sạch Việt Nam

Theo chương trình, kế hoạch, ngày 7/5/2021 tại TP HCM diễn ra “Diễn đàn quốc tế về Tài chính và Công nghệ cho các dự án năng lượng Sạch Việt Nam (lần thứ Nhất)” và Bình chọn “TOP thương hiệu thiết bị điện uy tín ở Việt Nam năm 2020”. Tuy nhiên, do tuân thủ thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Chính phủ và UBND TP HCM, ngay trước ngày tổ chức sự kiện (1 ngày), Diễn đàn đã phải dừng. Trước tình hình “bất khả kháng” do đại dịch bùng phát và trên cơ sở nội dung các tham luận, ý kiến chia sẻ, đóng góp của các chuyên gia, nhà quản lý trong quá trình tổ chức Diễn đàn... Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam vừa có Văn bản báo cáo và kiến nghị một số cơ chế, chính sách để phát triển bền vững năng luợng sạch Việt Nam tới Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công Thương, cũng như các bộ, ngành liên quan.

Các bộ đang xử lý kiến nghị của Tạp chí NLVN về tài chính, công nghệ cho năng lượng sạch

Qua xác nhận, chúng tôi được biết, hiện Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang xem xét, xử lý nội dung kiến nghị của Tạp chí Năng lượng Việt Nam để báo cáo Chính phủ và thông báo tới các cơ quan, đơn vị liên quan trong thời gian sớm nhất.

Trước đó, ngày 16/8/2021, Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam đã có Công văn số: 93/BC-NLVN, gửi Thủ tướng Chính phủ, Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Công Thương, báo cáo kết quả “Diễn đàn quốc tế về Tài chính và Công nghệ cho các dự án năng lượng Sạch Việt Nam (lần thứ Nhất)” và Bình chọn “TOP thương hiệu thiết bị điện uy tín ở Việt Nam năm 2020”.

Trong văn bản này, sau khi cập nhật tình hình phát triển, đánh giá, phân tích hiện trạng, các “nút thắt” trong cơ chế, chính sách phát triển nguồn điện sạch ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí Năng lượng Việt Nam đã đề xuất, kiến nghị một số nội dung như sau:

1. Đối với Quy hoạch điện VIII: Đã qua thời gian quy định để phê duyệt Quy hoạch điện, cần gấp rút hoàn thành công tác phê duyệt Quy hoạch điện VIII làm cơ sở cho chuẩn bị đầu tư các dự án đảm bảo nhu cầu cung cấp điện phát triển kinh tế. Trong Quyết định phê duyệt, danh mục các dự án khác (không được nêu trong Quyết định) cần được quy định cơ chế cụ thể, tạo cơ sở để triển khai, kể cả việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án.

2. Đối với cơ chế chính sách phát triển năng lượng tái tạo (một số cơ chế đang được thực hiện, hoặc đang được soạn thảo, nghiên cứu):

Thứ nhất: Về gia hạn thời gian áp dụng giá FIT điện gió: Trước mắt, đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét gia hạn thời hạn áp dụng giá FIT cho các dự án điện gió đang được xây dựng và đã ký hợp đồng mua bán điện (PPA), thời gian gia hạn tương ứng với “bất khả kháng” của dịch bệnh Covid-19 bùng phát (trong đợt 3 và đợt 4) vừa qua.

Thứ hai: Đối với điện gió ngoài khơi: Cần ban hành chính sách quy định rõ ràng cho điện gió ngoài khơi, trong đó có các quy định về thuế, phí… tạo khuôn khổ pháp lý để phê duyệt, khuyến khích phát triển các dự điện gió xa bờ. Đồng thời, có lộ trình chính sách điện gió dài hạn, tạo điều kiện để nhà đầu tư có thể chủ động nắm bắt và có kế hoạch cụ thể, huy động nguồn vốn, tài chính, cũng như nguồn nhân lực cho phù hợp, tránh lãng phí.

Thứ ba: Trong ngắn hạn, kiến nghị Chính phủ, Bộ Công Thương ban hành cơ chế, chính sách đấu thầu lựa chọn giá dự án năng lượng tái tạo (NLTT) được xây dựng kèm theo quy định về quy mô lượng công suất cụ thể đạt được (theo cơ chế đấu giá) để có thể kiểm soát tốt lượng công suất đưa vào vận hành trong 3 năm tới để có được giá mua điện từ các dự án điện gió, mặt trời cạnh tranh sát với giá thị trường.

Ngoài ra, kiến nghị xem xét việc ưu tiên lựa chọn nhà đầu tư có đề xuất công nghệ tiên tiến, hiệu suất cao, có giải pháp giảm ảnh hưởng môi trường. Những ưu tiên này cần được xem xét lượng hóa đưa vào giá đấu thầu khi xác định cơ chế đấu giá.

Thứ tư: Trong trung hạn, các nhà máy điện NLTT tham gia trực tiếp vào thị trường điện cạnh tranh đang là xu hướng ngày càng phổ biến và được coi là một cơ chế kế tiếp cơ chế giá FIT. Vì vậy, kiến nghị Chính phủ và Bộ Công Thương sớm ban hành quy định thực hiện thí điểm mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ NLTT với khách hàng sử dụng điện với quy mô trong giai đoạn thí điểm mua bán điện trực tiếp 1.000 MW. Trên cơ sở thí điểm, sau hai năm cần tổng kết để quyết định về việc áp dụng chính thức cơ chế như là một trong những chính sách góp phần phát triển bền vững và thu hút đầu tư dài hạn vào ngành điện, góp phần hình thành một thị trường điện cạnh tranh hoàn chỉnh, minh bạch và thu hút đầu tư vào năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

Thứ năm: Kiến nghị Thủ tướng cần sớm chỉ đạo xây dựng chính sách thúc đẩy ứng dụng giải pháp lưu trữ điện năng đối với các nhà máy năng lượng tái tạo, hoặc cho toàn hệ thống để không lãng phí nguồn đầu tư hiện tại của xã hội.

Thứ sáu: Kiến nghị Bộ Công Thương cần sớm có những nghiên cứu, ban hành các tiêu chuẩn yêu cầu kỹ thuật đối với hệ thống lưu trữ năng lượng nối lưới; đồng thời bổ sung, điều chỉnh các thông tư, quy trình, quy định nhằm đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp lý cho sự xuất hiện của loại hình lưu trữ năng lượng trong hệ thống điện quốc gia. Trên cơ sở này, cho phép đầu tư các hệ thống lưu trữ năng lượng tại các nhà máy NLTT và đầu tư thí điểm tại nút của hệ thống điện (lưới truyền tải và lưới phân phối) với chức năng như phương tiện điều khiển hệ thống, hoặc chức năng điều chỉnh tần số hệ thống.

3. Về huy động tài chính đầu tư nguồn điện sạch:

Theo Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam, đây là một trong những khó khăn, vướng mắc trong đầu tư xây dựng với cơ chế thị trường điện, đặc biệt với các dự án lớn. Vì vậy, Chính phủ cần giao cơ quan chức năng nghiên cứu tổng thể, gắn việc huy động đầu tư dự án với vận hành thị trường điện (hiện nay hai mảng này đang tách biệt, ít tương tác, gây khó khăn cho xây dựng chính sách khả thi). Trước mắt, cần xem xét việc chia sẻ rủi ro đến mức có thể “huy động tín dụng được” trong các quy định của hợp đồng PPA. Theo đó:

Đối với Bộ Công Thương: Sửa đổi Thông tư về “quy định phương phát xác định giá phát điện, hợp đồng mua bán điện” nhằm huy động được các nguồn vốn quốc tế. Cần có cơ chế chia sẻ rủi ro phù hợp giữa các bên liên quan (bao gồm cả Chính phủ). Cơ chế chia sẻ rủi ro có thể được đồng thuận trong các tài liệu dự án (cụ thể là PPA và các điều khoản trong PPA) cần có các điều khoản dưới dạng “thu xếp tài chính được” để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư có thể thu xếp được nguồn vốn.

Đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Hoàn thiện các quy định hướng dẫn rõ ràng, đơn giản về thủ tục, quy trình thẩm định phê duyệt/giấy phép liên quan đến dự án điện lớn (các dự án điện gió ngoài khơi, các dự án điện khí LNG…), tránh những ách tắc về các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư, thẩm định phê duyệt chủ trương đầu tư (như chậm trễ quy trình thẩm định chủ trương đầu tư Thuỷ điện Trị An mở rộng, điện khí Ô Môn III, đường dây 500 kV Vân Phong - Vĩnh Tân, v.v… thời gian vừa qua kéo dài tới 3 - 4 năm).

Đối với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Xây dựng quy định về cấp tín dụng và bảo lãnh ngân hàng áp dụng cho các dự án năng lượng xanh (năng lượng sạch). Trước mắt, xem xét sửa đổi Thông tư 41/2016/TT-NHNN về “quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài” theo hướng xem xét áp dụng trọng số rủi ro thấp hơn đối với cấp tín dụng cho dự án năng lượng xanh; giảm ảnh hưởng của trần tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại cấp tín dụng cho dự án xanh. Thông tư 07/2015/TT-NHNN và Thông tư 13/2017/TT-NHNN “quy định về bảo lãnh ngân hàng” - đề nghị sửa đổi để tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho các ngân hàng thương mại trong việc phát hành bảo lãnh nghĩa vụ trả nợ ngoại tệ cho các dự án năng lượng xanh./.

HỘI ĐỒNG KHOA HỌC TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động