RSS Feed for Bàn về Chiến lược Dầu khí Quốc gia | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 22/11/2024 01:33
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Bàn về Chiến lược Dầu khí Quốc gia

 - "Một chiến lược kinh tế - kỹ thuật trong sản xuất - kinh doanh dầu khí dù tốt đến đâu nhưng nếu hệ thống quản lý nhà nước, bao gồm cơ cấu tổ chức, chính sách, hệ thống luật pháp, hệ thống nghiên cứu - đào tạo, cơ sở hạ tầng... không phù hợp, không tương thích với nhau thì cũng không thể triển khai thực hiện thành công được".

40 năm, PVN đồng hành phát triển cùng đất nước

TS. TRẦN NGỌC TOẢN, Đại học Duy Tân Đà Nẵng

Năm nay Việt Nam kỷ niệm 10 năm (2006-2015) thực hiện Chiến lược phát triển ngành Dầu khí đến năm 2015 và định hướng đến năm 2035 được Thủ tướng Chính phủ công bố năm 2005. 10 năm qua, trong những điều kiện rất khó khăn, nhưng ngành Dầu khí nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn rất đáng trân trọng, góp phần đáng kể đưa đất nước tiếp tục phát triển trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu vẫn chưa ra khỏi khủng hoảng, suy thoái. Vì thiếu những thông tin tổng quan cần thiết, trong bài này chúng tôi chỉ lạm bàn một số điểm có thể còn chứa đựng nhiều thiếu sót, nhưng hy vọng sẽ được các nhà quản lý và các bạn đồng nghiệp quan tâm xem xét để hoàn thiện thêm chiến lược nói trên.

Dầu khí là một  bộ phận cấu thành quan trọng của ngành năng lượng, đồng thời còn là thành phần của ngành công nghiệp hóa chất và là nguồn tài chính quốc gia, nhưng “Chiến lược Dầu khí 2005” được xây dựng trong điều kiện chưa có “Chiến lược năng lượng quốc gia” nên còn thiếu sự liên kết với chiến lược phát triển của các ngành: điện, than và  các ngành khác có liên quan, do đó chưa được đồng bộ, cân đối, cũng như không tính đến tác động tương tác giữa các chiến lược trong quá trình triển khai thực hiện.

Nếu chỉ xét riêng trong lĩnh vực dầu khí hẹp (không hoạt động đa ngành như các tập đoàn dầu khí quốc tế) thì ở thời điểm trước  2005 thành phần kinh tế tư nhân trong hoạt động thăm dò - khai thác - vận chuyển - chế biến ở Việt Nam chưa ra đời. Bên cạnh đó, nhận thức về vai trò độc quyền của các công ty kinh tế quốc doanh còn bị ảnh hưởng mạnh của lý thuyết kinh tế - xã hội chủ nghĩa kế hoạch hóa nên tầm nhìn về sự phát triển đến năm 2035 chưa phù hợp với thực tế phát triển kinh tế - khoa học công nghệ - xã hội trong điều kiện hội nhập toàn cầu hóa (3).

Sự không phù hợp này thể hiện rất rõ khi bây giờ nhìn lại các dữ liệu đầu vào nói chung cũng như các dự báo về cung - cầu, giá cả, đánh giá tài nguyên nội địa, khả năng và quy mô phát triển của các nguồn năng lượng phi truyền thống, năng lượng xanh, mục tiêu, địa bàn, bước đi, giải pháp đầu tư ra  nước ngoài, các đánh giá về khó khăn, thuận lợi, vv… dùng trong nội dung lập chiến lược dài hạn.

Đặc biệt, các con số to lớn về nhu cầu vốn đầu tư từng tạo ra sự phấn chấn khi hình dung bức tranh phát triển ngành Dầu khí Việt Nam trong tương lai, nhưng câu hỏi đầu tiên về “tiền (lấy từ) đâu” lại chưa có lời đáp khả thi vì dựa quá lớn vào vốn vay, vốn của đối tác, trong lúc nguồn thu tài chính từ dầu khí chưa phải là dồi dào.

Qua tham khảo phương pháp luận xây dựng chiến lược dầu khí của các nước, chúng ta có thể xem xét một số quan điểm và kinh nghiệm sau đây để góp phần nâng cấp chất lượng chiến lược hiện hành của nước ta trong thời gian tới.

Trước hết, qua kết quả điều tra tài nguyên năng lượng cơ bản và hiện trạng cũng như dự báo các chỉ tiêu phát triển  kinh tế - xã hội trong thời gian áp dụng chiến lược để xác định nội dung của nhiệm vụ bảo đảm an ninh năng lượng, chúng ta đã làm khá tốt và kết luận nước ta nằm trong nhóm nước không giàu về tài nguyên dầu khí.

Câu hỏi đặt ra là với mức độ tài nguyên đó, chiến lược của chúng ta sẽ xây dựng theo mô hình nào của các nền kinh tế có cùng điều kiện xuất phát như nước ta lúc đó chưa được ai đặt ra. Chúng ta nên tranh thủ khai thác nhanh để bán dầu thô giải quyết các khó khăn tài chính trước mắt, hay chỉ khai thác đủ thỏa mãn một phần cho nhu cầu năng lượng để tiết kiệm nguồn cung nội địa dài hạn cho tương lai khi biết rõ giá dầu khí tăng theo thời gian, gắn với thuộc tính nhanh chóng cạn kiệt của mọi loại tài nguyên tự nhiên không tái tạo?

Đứng trước thực tế sản lượng khai thác dầu giảm, chúng ta chủ trương tiến ra vùng biển sâu và đầu tư ra nước ngoài nhưng đi ra bằng cách nào, bước đi ra sao, phải chuẩn bị những gì để đủ điều kiện thực hiện chủ trương đúng đắn này trong bối cảnh Biển Đông đang rất phức tạp?

Hầu hết các nước có ít, hoặc không có tài nguyên dầu mỏ đều chú trọng phát triển các hoạt động hạ nguồn (lọc hóa dầu, vận chuyển, phân phối, dịch vụ) tranh thủ lúc nguồn cung nguyên liệu và hàng hóa năng lượng thế giới còn đang dồi dào, qua đó dùng lợi nhuận do trí tuệ và công nghệ tiến bộ sáng tạo ra chiếm vai trò chủ đạo chứ không phải là bán nguyên liệu thô do tự nhiên ban cho để đáp ứng nhu cầu năng lượng và các nhu cầu kinh tế khác.

Hầu hết các nước Tây Âu, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan, Philippine, Qatar… đều rất thành công với mô hình chiến lược này. Trong các nước xã hội chủ nghĩa cũ thì Rumani, nước tương đối giàu tài nguyên dầu khí so với số dân, sản xuất gần 20 triệu tấn dầu thô/ năm từ các năm trước 1960 đã từng bước giảm mức khai thác trong nước xuống mức còn khoảng 3 triệu tấn/năm hiện nay, tăng nhập khẩu dầu thô của Iran, Trung Đông đáp ứng nhu cầu sản xuất của các nhà máy lọc - hóa dầu để trở thành một trung tâm cung ứng sản phẩm lọc - hóa dầu và công nghệ - thiết bị dầu khí trong khu vực mà không trở thành nước mất an ninh năng lượng. Còn nước ta, chủ trương phát triển ngành lọc - hóa dầu được các nhà khoa học đề xuất từ trước 1975, nhưng đến nay vẫn trong tình trạng chậm chạp dựa trên lập luận công suất lọc - hóa dầu thế giới và khu vực quá dư thừa, vốn đầu tư cao, lợi nhuận thấp, các nhà quản lý chưa cho tiến hành một nghiên cứu nghiêm túc nào để kết luận ý kiến đó hợp lý hay chưa hợp lý, do đó chưa tích cực cân nhắc lựa chọn giải pháp khả thi để triển khai chủ trương đúng đắn này. Sự kéo dài quá trình xây dựng Nhà máy lọc dầu Dung Quất trên 10 năm là một ví dụ minh họa điển hình.

Câu hỏi thứ hai là tài nguyên dầu khí nước ta đóng vai trò đến đâu trong bài toán an ninh năng lượng so với các nguồn khác cũng còn rất mơ hồ. Do đó, chúng ta cho rằng con đường quan trọng mang tính cứu cánh cho ngành Dầu khí Việt Nam là tăng cường đầu tư, khai thác dầu khí ở nước ngoài để đem về bổ sung sản lượng thiếu hụt. Ba điều kiện để làm việc này là phải có nguồn vốn lớn, có công nghệ cao, có lực lượng nhân lực đủ trình độ quản lý, cũng như sử dụng các công nghệ đó và chọn địa bàn đầu tư (địa chất, địa lý, an ninh) để đủ sức hoạt động trong môi trường cạnh tranh rất khốc liệt của cơ chế thị trường thì cả 3 điều kiện ấy ta còn khá khiêm tốn.

Từ nhận thức hoạt động ngành Dầu khí Việt Nam đi ra nước ngoài là giải pháp đảm bảo an ninh năng lượng trực tiếp (bổ sung trữ lượng/sản lượng cho PVN) chứ không phải là gián tiếp (thông qua lợi nhuận của sản xuất kinh doanh) nên không xem đây là hoạt động kinh doanh, do đó dựa nhiều vào quan hệ chính trị thuận lợi giữa chính phủ ta với các chính phủ đang cầm quyền của các nước đối tác, do đó chưa cân nhắc thật đầy đủ các rủi ro, nhất là các rủi ro chính trị nên hiệu quả còn khiêm tốn sau 10 năm thực hiện chủ trương này.

Trong một nền kinh tế đa thành phần, theo lý luận của các nhà kinh tế quốc tế nêu trong báo cáo về đề án chiến lược của Ford Foundation (1) thì chiến lược năng lượng quốc gia cần phải định hình sao cho các thành phần kinh tế dầu khí tư nhân (nội địa cũng như nước ngoài hoạt động ở Việt Nam) trong tất cả các lĩnh vực thượng nguồn, trung nguồn, hạ nguồn đều được tạo điều kiện khuyến khích phát triển để có đủ khả năng huy động các nguồn lực xã hội phối hợp với các doanh nghiệp nhà nước triển khai thực hiện chiến lược đó chứ không phải chỉ nhằm củng cố, phát triển chỉ một số các doanh nghiệp dầu khí nhà nước.

Trong các năm gần đây ở nước ta vai trò của doanh nhân được đề cao, càng ngày càng có nhiều triệu phú và cả tỷ phú đô-la tài năng, dám đối đầu với thách thức, nếu tỷ suất sinh lời của các lĩnh vực thuộc công nghiệp dầu khí thỏa mãn mục tiêu kinh doanh của họ lại được nhà nước có chính sách khuyến khích rõ ràng, thỏa đáng thì đây là nguồn lực không nên bỏ qua khi Luật Dầu khí đã áp dụng nhiều điều khoản khuyến khích thu hút đầu tư đối với các doanh nghiệp dầu khí nước ngoài.

Một quan điểm nữa là chiến lược dầu khí quốc gia không phải là chiến lược sản xuất - kinh doanh của một vài doanh nghiệp nhà nước, dù được xem là chủ chốt nên phải bao trùm mọi mặt có liên quan đến các mục tiêu nhằm đáp ứng nhu cầu dầu khí ngày càng tăng phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - khoa học - kỹthuật - môi trường - chính trị - quốc phòng của một quốc gia trong dài hạn. Vì các lĩnh vực có liên quan rất rộng nên nội dung của chiến lược dầu khí quốc gia cần giới hạn trong các mục tiêu, nguyên tắc, chỉ tiêu, các giải pháp tổng quát và mối liên hệ cũng như nguyên tắc thực thi các mối liên hệ đó với các ngành khác có liên quan, không lấn  sân sang nội dung chiến lược sản xuất - kinh doanh, nhất là các nội dung chi tiết thuộc lĩnh vực khoa học - công nghệ và điều hành sản xuất - kinh doanh của các thực thể thực hiện chiến lược quốc gia.

Một chiến lược kinh tế - kỹ thuật trong sản xuất - kinh doanh dầu khí dù tốt đến đâu nhưng nếu hệ thống quản lý nhà nước, bao gồm cơ cấu tổ chức, chính  sách, hệ thống luật pháp, hệ thống nghiên cứu - đào tạo, cơ sở hạ tầng... không phù hợp, không tương thích với nhau thì cũng không thể triển khai thực hiện thành công được.

Vì thế nên cần một chiến lược quốc gia vừa toàn diện, vừa mềm dẻo, đủ độ linh hoạt để điều phối các mối quan hệ mang tính biến động giữa các hệ thống nói trên trong một thời gian dài. Chiến lược đó phải do một số cơ quan nghiên cứu chuyên ngành như: Viện Chiến lược, Viện Kinh tế TW, Viện Năng lượng, Viện Dầu khí và chuyên gia phối hợp soạn thảo dưới sự chỉ đạo  của các cơ quan quản lý nhà nước chứ không thể chỉ do các phòng, ban quản lý của các đơn vị sản xuất - kinh doanh soạn thảo rồi các cấp quản lý nhà nước phê duyệt như cách ta đã làm.

Các vấn đề mà ngành dầu khí của bất cứ quốc gia nào cũng phải đối mặt như các rủi ro địa chất, địa chính trị, thiên tai, kỹ thuật, an ninh, kinh tế, các yêu cầu nhiều mặt của xã hội trên đường phát triển và sự cạnh tranh đa dạng trong phạm vi quốc gia, quốc tế đều phải được cân nhắc trong quá trình soạn thảo chiến lược vì các nhân tố nói trên sẽ định hướng, chi phối nội dung chiến lược.

Hiện nay, được biết Chính phủ đang nghiên cứu, đánh giá nghiêm túc, toàn diện các ưu khuyết điểm trong việc thực hiện các chiến lược dầu khí đã ban hành để hoàn thiện nội dung chiến lược cho thời gian còn lại đến 2035.

Hưởng ứng lời kêu gọi đóng góp ý kiến vào công việc trên của Ban Kinh tế TW và của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, chúng tôi đề nghị nhà nước nên lấy ý kiến rộng rãi của các nhà khoa học, các cán bộ kinh tế - kỹ thuật chủ chốt đã công tác trong ngành dầu khí nhiều năm và các ngành, các tổ chức có liên quan đến dầu khí, năng lượng chứ không nên chỉ giới hạn trong các nhà quản lý chủ chốt; không lẫn lộn giữa ngành Dầu khí với PVN; xem xét lại hệ thống quản lý nhà nước đối với ngành năng lượng nói chung và nâng cấp nội dung của đổi mới, tái cấu trúc PVN nhằm giảm nhẹ các nhược điểm về vốn, trình độ công nghệ, quản lý để đưa lại hiệu quả sản xuất - kinh doanh cao; tham khảo nhiều hơn các chiến lược của các nước có ngành công nghiệp dầu khí phát triển, đặc biệt là các nước có tài nguyên dầu khí ở mức trung bình, hoặc nghèo.

Trong khuôn khổ một bài báo không thể viết dài, để kết thúc những ý kiến lạm bàn trên đây, chúng tôi giới thiệu vài khuyến  nghị của các nhà khoa học Mỹ đối với chiến lược dầu khí Mỹ cho thế kỷ 21 để cùng tham khảo (1,2):

1. Tăng cường điều tra cơ bản tài nguyên dầu khí phi truyền thống và truyền thống còn lại, khuyến khích thăm dò các đối tượng mới, phát triển mỏ, phát triển cơ sở hạ tầng dầu khí nội địa. Sự quản lý nhà nước phải được thực hiện sao cho gia tăng được nguồn cung trong nước, đáp ứng tốt nhu cầu phát triển của nước Mỹ, giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài.

2. Tăng cường đầu tư cho công tác nghiên cứu khoa học dầu khí, đào tạo nhân lực chất lượng cao để tìm ra những nguồn năng lượng mới (đối tượng dầu khí mới, năng lượng thay thế, năng lượng xanh), phát triển công nghệ mới, giảm giá thành trong các hoạt động dầu khí.

3. Luật pháp, chế độ thuế, chính sách tài trợ của nhà nước phải sao cho giúp tăng thu nhập cho các công ty dầu khí để họ có đủ năng lực tài chính, khuyến khích họ phát triển các nguồn năng lượng mới, ngoài các giải pháp nâng cao hiệu quả cạnh tranh trong cơ chế thị trường tự do.

4. Lịch trình đáp ứng các nhu cầu về môi trường cần được xem xét lại để vừa đáp  ứng hài hòa các đòi hỏi của nhân loại đồng thời đáp ứng nhu cầu an ninh năng lượng.

5. Tăng cường dự trữ dầu khí chiến lược đề phòng gián đoạn nguồn cung cùng các rủi ro khác.

Cố nhiên nước Mỹ có những đặc điểm khác nước ta nên không phải kinh nghiệm nào của Mỹ cũng có thể dùng được. Ngành dầu khí Mỹ nắm nhiều ưu thế về công  nghệ, kỹ thuật, tài chính, nhân lực trình độ cao nhưng tài nguyên dầu khí truyền thống từ 1970 đã bắt đầu bước sang giai đoạn cạn kiệt nên họ đã dùng các ưu thế trên cộng với sức mạnh quân sự để nắm nguồn dầu Trung Cận Đông trong cả một thời gian dài, nhưng chiến lược “đi ra nước ngoài” kiểu đó không đưa lại kết quả mong muốn.

Từ đó hướng đầu tư thượng nguồn ở nước ngoài của các công ty Mỹ chuyển sang  đối tượng vùng nước sâu, vùng xa xôi, khó khăn để phát huy lợi thế cạnh tranh dựa trên công nghệ cao, giảm đối đầu vũ lực; ở các vùng khác rút khỏi các các mỏ nhỏ, lợi nhuận thấp, chỉ tập trung vào các mỏ lớn.

Trong lĩnh vực hạ nguồn lại khuyến khích đầu tư ra nước ngoài để sản phẩm gần với thị trường tiêu thụ, đồng thời giảm ô nhiễm môi trường nội địa.

Các khuyến nghị 1-2 dựa trên sự thay đổi tư duy trong khoa học dầu khí kinh điển về sự tồn tại dầu khí trong lòng đất với nhận thức ngoài nguồn dầu khí truyền thống còn có các nguồn phi truyền thống, mở rộng/thay đổi nhận thức về hệ thống “sinh-chứa-chắn” trong cấu trúc  không gian của các mỏ dầu khí và muốn thăm dò, khai thác nguồn phi truyền thống phải có công nghệ, kỹ thuật phi truyền thống.

Từ đó trong phương hướng chiến lược, nhà nước phải tăng cường đầu tư cho nghiên cứu khoa học, sáng tạo công nghệ, và coi trọng điều tra địa chất cơ bản trong nước và ở vành đai Bắc Cực để phát hiện tài nguyên mới, cung cấp trữ lượng mới song song với nâng cao hệ số thu hồi dầu khí ở các mỏ truyền thống lẫn phi truyền thống.

Có lẽ những khuyến nghị trên đây đã góp phần đáng kể vào việc tạo bước ngoặt ngoạn mục của ngành dầu khí Mỹ trong 15 năm qua, chuyển tình trạng phụ thuộc nặng nề vào nguồn cung nước ngoài thành một nước xuất khẩu sản phẩm lọc hóa dầu, LNG và một phần dầu khí thô trên thị trường thế giới trong vòng 10 năm gần đây.

Trong nội dung hoàn thiện chiến lược cho thời gian còn lại đến 2035 đề nghị nâng cấp chất lượng về tính khả thi. Chú ý thích đáng đến các kinh nghiệm của nước ngoài; nghiên cứu thêm khả năng áp dụng mô hình phát triển ngành dầu khí của các nước nghèo tiềm năng dầu khí; đa dạng hóa các dạng hợp đồng kể cả hợp đồng tô nhượng để phù hợp với các đặc điểm, đặc thù địa chất, an ninh của từng khu vực, tạo thêm nền tảng vững chắc để thực hiện thành công các mục tiêu kinh tế và an ninh năng lượng đã chọn. 

 Tài liệu tham khảo

 1.Jhon E.Gray ,1975.Energy policy: industry perpectives. Ballinger  Publishing Company, Cambridge, Mass.

2. Frank Murkovski- A Domestic Energy Policy:Vital for America’s Ecomomy and security-World Energy.Volume 3,Number 2-2000.

3.Chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2025. Lưu trữ Viện Dầu khí Việt Nam.

NangluongVietnam.vn

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động