RSS Feed for Vietsovpetro: Mô hình hợp tác quốc tế kiểu mẫu thành công ở Việt Nam | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 23/01/2025 13:59
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Vietsovpetro: Mô hình hợp tác quốc tế kiểu mẫu thành công ở Việt Nam

 - Vietsovpetro đến nay là Liên doanh hoạt động hiệu quả nhất trong tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí, có đóng góp to lớn cho nền kinh tế Việt Nam, góp phần củng cố mối quan hệ hữu nghị truyền thống và đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga. Với đội ngũ lao động quốc tế gồm hơn 5.000 cán bộ khoa học, kỹ thuật, quản lý và công nhân có trình độ chuyên môn cao, đủ năng lực thực hiện hầu hết các khâu phục vụ tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí cho không chỉ Vietsovpetro, mà còn cho các đối tác hoạt động trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí.

Dầu khí trong tương lai năng lượng Việt Nam

 

 



PGS, TS. TRẦN NGỌC TOẢN [*]


Liên doanh dầu khí Vietsovpetro được thành lập năm 1981 trên cơ sở Hiệp định liên Chính phủ giữa Việt Nam và Liên Xô trước đây (19/6/1981), hoạt động trên Thềm lục địa Việt Nam trong lĩnh vực thượng nguồn. Sau khi Liên Xô tan rã, Hiệp định được Việt Nam và Liên bang Nga ký lại, đổi tên thành Liên doanh  Việt - Nga (Vietsovpetro), tiếp tục hoạt động cho đến nay, chủ yếu trên các lô  thuộc 2 bồn trũng Cửu Long và Nam Côn Sơn.

Doanh nghiệp này từ cuối những năm của thế kỷ 20 được tôn vinh là "con chim đầu đàn của ngành Dầu khí Việt Nam" vì đã có những đóng góp lớn lao cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam và là hạt nhân của tất cả các hoạt động dầu khí, từ đào tạo cán bộ chuyên ngành, nghiên cứu địa chất dầu khí cơ bản, đến phát hiện, khai thác phần lớn các mỏ quan trọng, góp phần đưa Việt Nam vào danh sách các nước sản xuất dầu khí toàn cầu.

Trong 38 năm qua (1981-2019), Vietsovpetro đã vượt qua rất nhiều khó khăn cả về công nghệ, kỹ thuật, nguồn vốn đầu tư, nhân lực, hệ thống pháp lý, cùng những diễn biến của thời cuộc, nhưng những thế hệ cán bộ, công nhân người Việt Nam lẫn người thuộc các dân tộc anh em của Liên Xô (cũ) làm việc ở các cơ quan quản lý Nhà nước của hai Phía tham gia Hiệp định, đến sản xuất tại hiện trường đã hợp tác trên tinh thần hữu nghị trong sáng để đưa doanh nghiệp đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Các giàn khoan khai thác dầu khí của Liên doanh Vietsovpetro tại mỏ Bạch Hổ. Ảnh: TTXVN.

Trong những năm qua, thành tích của Vietsovpetro đã được công bố trên các phương tiện thông tin rất kịp thời và đầy đủ. Tổng hợp lại, kết quả quan trọng nhất có thể tóm tắt như sau:

Thứ nhất: Vietsovpetro đã xây dựng được một cơ sở vật chất cùng các điều kiện cần thiết cho một công ty dầu khí theo tiêu chuẩn quốc tế ra đời và hoạt động thành công ở Việt Nam trong môi trường biển có cấu trúc địa chất phức tạp, cùng nhiều thách thức về thị trường, an ninh và quan hệ quốc tế không phải lúc nào cũng thuận lợi.

Thứ hai: Vietsovpetro đã cùng các công ty dầu khí khác khẳng định Việt Nam có tiềm năng dầu khí công nghiệp; đã xác định lại vị trí, cấu trúc hai mỏ Bạch Hổ, Đại Hùng đã được Mobil tìm thấy trước 1975 và phát hiện thêm hàng loạt mỏ khác có quy mô khác nhau, cũng như lần lượt đưa chúng vào khai thác thành công.

Từ năm 1986 đến nay, Vietsovpetro đã cung cấp trên 233 triệu tấn dầu thô và trên 33 tỷ m3 khí vô cùng cần thiết để phát triển đất nước. Hiện nay, một số các mỏ lớn đang đi vào giai đoạn cạn kiệt nên trữ lượng thương mại của liên doanh đang suy giảm. Nhằm duy trì sản lượng và ổn định phát triển, Vietsovpetro đang tích cực áp dụng các công nghệ kỹ thuật mới để nâng cao hệ số thu hồi dầu và đẩy mạnh công tác tìm kiếm thăm dò ở các Lô mới trên thềm lục địa Việt Nam và tìm kiếm cơ hội ở nước ngoài.

Cùng với các hoạt động dịch vụ công nghệ cao, đến nay Vietsovpetro đã nộp cho ngân sách Nhà nước trên 79 tỷ USD, có năm chiếm đến gần 25% Ngân sách Nhà nước từ các nguồn thu từ các loại thuế và lợi nhuận sản xuất, kinh doanh.

Thứ ba: Vietsovpetro đã xây dựng được một đội ngũ cán bộ kinh tế - quản lý, khoa học - kỹ thuật và công nhân thăm dò - khai thác dầu khí đạt trình độ ngang bằng với các nước trong khu vực, trong đó một số đạt trình độ quốc tế, đủ để phục vụ các đề án của Vietsovpetro ở trong nước lẫn ở nước ngoài, cũng như để bổ sung và làm nòng cốt trong các đề án của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

Thứ tư: Vietsovpetro đã bắt đầu có đóng góp cho khoa học dầu khí thế giới, nhất là công nghệ cho tìm kiếm - thăm dò - khai thác dầu khí trong đá móng nứt nẻ, một loại hình của dầu khí phi truyền thống trước đây chưa được thế giới chú ý đánh giá đúng tầm quan trọng của nó trong ngành dầu khí.

Thứ năm: Vietsovpetro đã góp phần giúp cho nền kinh tế Việt Nam vượt qua những thời điểm cực kỳ khó khăn sau cuộc kháng chiến chống chiến tranh xâm lược do đế quốc Mỹ và chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc gây ra.

Thứ sáu: Vietsovpetro đã góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo và thềm lục địa hợp pháp của Việt Nam.

Thứ bảy: Vietsovpetro đã trở thành một nhân tố kích thích, thu hút đầu tư quốc tế lẫn tư nhân trong nước để phát triển ngành công nghiệp dầu khí trong dài hạn.

"Ngày nay, Vietsovpetro không chỉ là một tổ hợp sản xuất dầu khí lớn trong khu vực mà còn là đòn bẩy thúc đẩy sự hợp tác/đa dạng giữa Liên bang Nga và Việt Nam" - như lời đánh giá tầm quan trọng về ý nghĩa chiến lược của Liên doanh này của Tổng thống Nga Putin trong buổi gặp gỡ đại diện của Vietsovpetro, ngày 1/3/2001, tại Hà Nội. Và tất nhiên không phải chỉ hợp tác với Liên bang Nga mà còn với các quốc gia khác trên thế giới.

Để có thể giải thích vì sao Vietsovpetro đạt được các thành tựu nêu trên cần phải có một nghiên cứu phân tích các nguyên nhân, các giải pháp đã áp dụng một cách toàn diện, tỉ mỉ, khoa học nghiêm túc chứ không thể chỉ qua cảm tính hời hợt để từ đó rút ra những bài học bổ ích cho các hoạt động hợp tác quốc tế, cũng như điều hành các hoạt động nội tại của PVN trong các kế hoạch dài hạn sau năm 2020.

Chúng tôi cho rằng, đó là một công việc nên làm ngay, vì trong quá trình hoạt động của Vietsovpetro kể từ khi khi ký kết Hiệp định đầu tiên (năm 1981) giữa hai Chính phủ của 2 nhà nước xã hội chủ nghĩa đến Hiệp định liên Chính phủ, về việc tiếp tục hợp tác thăm dò - khai thác dầu khí trên lãnh thổ Nga và Thềm lục địa Việt Nam, ký ngày 20/4/2016 nội dung của các văn kiện đã có nhiều thay đổi rất cơ bản, thể hiện quan điểm đổi mới tư duy và sự thiện chí của hai bên để chuyển từ "nguyên tắc hợp tác giúp đỡ trên tinh thần quốc tế vô sản trong sáng" sang "nguyên tắc của kinh tế thị trường", trong đó sự bình đẳng quyền lợi thay cho tình hữu nghị đơn thuần. Các bài học đó sẽ giúp chúng ta trong quá trình đàm phán với các đối tác để bảo vệ những quyền lợi chính đáng của dân tộc cả về kinh tế lẫn chính trị, quốc phòng.

Trong các năm tới, để duy trì và nâng cao trữ lượng cũng như sản lượng khai thác dầu khí để bảo đảm cho phát triển doanh nghiệp bền vững, Vietsovpetro sẽ tiếp tục nâng cấp năng lực kỹ thuật - kinh tế dựa trên nguồn lực sẵn có về nhân lực, cơ sở hạ tầng hiện đại, tiếp thu ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ của thế giới, sử dụng hiệu quả sự hợp tác đa phương và sự giúp đỡ, lãnh đạo của hai Phía tham gia liên doanh, nhằm mở rộng địa bàn hoạt động trong nước và ở nước ngoài. Với lòng yêu nước, yêu nghề được thử thách, tập thể lao động của Liên doanh đang tích cực phấn đấu để hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ được đất nước giao phó.

(Còn nữa)

[*] HỘI ĐỒNG PHẢN BIỆN TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM; NGUYÊN VIỆN TRƯỞNG VIỆN DẦU KHÍ VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động