RSS Feed for Vì sao Việt Nam cần có chiến lược nhập khẩu LNG trong dài hạn? | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 29/03/2024 03:06
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Vì sao Việt Nam cần có chiến lược nhập khẩu LNG trong dài hạn?

 - Trong bối cảnh nguồn cung khí trong nước suy giảm nhanh, các mỏ mới có chi phí phát triển cao, quá trình đàm phán giá khí thường kéo dài, trong khi đó nhu cầu sử dụng khí ngày càng tăng đòi hỏi phải có các giải pháp đồng bộ để bảo đảm duy trì nguồn cung cấp khí ổn định, lâu dài cho nền kinh tế và góp phần vào bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Do đó, giải pháp hữu hiệu nhất là ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhập khẩu và tiêu thụ khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) như đã nêu trong Nghi quyết 55/NQ -TW của Bộ Chính trị.



Những vấn đề cần ưu tiên trong ‘Chiến lược phát triển năng lượng’ [Kỳ 1]
Những vấn đề cần ưu tiên trong ‘Chiến lược phát triển năng lượng’ [Kỳ 2]
Những vấn đề cần ưu tiên trong ‘Chiến lược phát triển năng lượng’ [Kỳ 3]
Những vấn đề cần ưu tiên trong ‘Chiến lược phát triển năng lượng’ [Kỳ 4]
Những vấn đề cần ưu tiên trong ‘Chiến lược phát triển năng lượng’ [Kỳ 5]
Những vấn đề cần ưu tiên trong ‘Chiến lược phát triển năng lượng’ [Kỳ 6]
Những vấn đề cần ưu tiên trong ‘Chiến lược phát triển năng lượng’ [Kỳ 7]
Những vấn đề cần ưu tiên trong ‘Chiến lược phát triển năng lượng’ [Kỳ 8]
Những vấn đề cần ưu tiên trong ‘Chiến lược phát triển năng lượng’ [Kỳ 9]
Những vấn đề cần ưu tiên trong ‘Chiến lược phát triển năng lượng’ [Kỳ 10]
Những vấn đề cần ưu tiên trong ‘Chiến lược phát triển năng lượng’ [Kỳ 11]
Những vấn đề cần ưu tiên trong ‘Chiến lược phát triển năng lượng’ [Kỳ 12]
Những vấn đề cần ưu tiên trong ‘Chiến lược phát triển năng lượng’ [Kỳ 13]
Những vấn đề cần ưu tiên trong ‘Chiến lược phát triển năng lượng’ [Kỳ 14]
Những vấn đề cần ưu tiên trong ‘Chiến lược phát triển năng lượng’ [Kỳ 15]
Những vấn đề cần ưu tiên trong ‘Chiến lược phát triển năng lượng’ [Kỳ 16]
Những vấn đề cần ưu tiên trong ‘Chiến lược phát triển năng lượng’ [Kỳ 17]
Những vấn đề cần ưu tiên trong ‘Chiến lược phát triển năng lượng’ [Kỳ 18]
Những vấn đề cần ưu tiên trong ‘Chiến lược phát triển năng lượng’ [Kỳ cuối]



Khí tự nhiên được coi là nhiên liệu hóa thạch thân thiện hơn với môi trường vì phát thải CO2 thấp nhất tính trên cùng một đơn vị năng lượng và thích hợp để sử dụng cho các nhà máy nhiệt điện công nghệ tua bin khí hỗn hợp (TBKHH). Tính theo nhiệt lượng tương đương, thì đốt khí tự nhiên sẽ sinh ra một lượng CO2 ít hơn khoảng 30% so với đốt dầu và 50% so với đốt than, còn với NOx thì có thể giảm tới 90% và bụi 100%.

Trong những năm gần đây, đặc biệt từ sau COP 21 nhu cầu LNG trên thế giới tăng đáng kể. Năm 2016, khối lượng LNG buôn bán trên toàn thế giới khoảng 258 triệu tấn LNG, tăng 13 triệu tấn so với năm 2015 (5,3%) và giai đoạn 15 năm từ 2000 đến 2015 nhu cầu LNG trên thế giới tăng với nhịp độ bình quân 6,3%/năm. Theo dự báo, công suất LNG trên thế giới sẽ tăng từ 340 triệu tấn/năm (năm 2017) lên 453 triệu tấn/năm vào năm 2022.

Trên thế giới hiện có một số nước xuất khẩu LNG hàng đầu như sau:

Quốc gia

Qatar

Autralia

Malaysia

Nigeria

Indonesia

Algeria

Nga

Trinidat

Lượng xuất khẩu (triệu tấn)

77,2

44,3

25

18,6

16,6

11,5

10,8

10,6

Thị phần (%)

29,9

17,2

9,7

7,2

6,4

4,5

4,2

4,1


 

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), trong thời gian tới, thị trường xuất khẩu LNG sẽ tăng mạnh mẽ do Hoa Kỳ dự định tăng xuất khẩu đến 100 tỷ mét khối (BCM) tương đương 74 triệu tấn vào năm 2024.

Về nhập khẩu LNG, hiện nay Nhật Bản và Hàn Quốc là hai nước dẫn đầu với hơn 45% thị phần nhập khẩu LNG của thế giới. Trong khi đó, Trung Quốc dự kiến sẽ nhập khẩu khoảng 100 BCM vào năm 2024.

 

Quốc gia

Nhật Bản

Hàn Quốc

Trung Quốc

Ấn Độ

Đài Loan

Tây Ban Nha

Lượng nhập khẩu (triệu tấn)

83,3

33,7

26,8

19,2

15

9,9

Thị phần (%)

32,3

13,1

10,4

7,4

5,8

3,8

 


Do bắt nguồn từ sự gia tăng sản xuất khí đốt tại các mỏ mới ở Mỹ, Australia và các nơi khác, khiến nguồn cung dư thừa dẫn tới giá LNG đã giảm 43% trong năm 2019 so với một năm trước đó. 

Đối với Việt Nam, trong những năm qua vẫn chưa phải nhập LNG cho sản xuất điện, nhưng đã nhìn thấy trước nguồn cung cấp khí trong nước sẽ không đảm bảo được cho nhu cầu và giai đoạn tới việc nhập khẩu LNG sẽ xẩy ra.

Trong đề án Quy hoạch phát triển ngành Công nghiệp khí Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 được phê duyệt đầu năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu: "Cần nghiên cứu, tìm kiếm thị trường và đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở hạ tầng để sẵn sàng tiếp nhận LNG nhập khẩu với khối lượng khí tương đương từ 1 đến 4 tỷ m3/năm cho giai đoạn 2021-2025 và từ 6 đến 10 tỷ m3/năm giai đoàn 2026 - 2035". Lượng LNG nhập khẩu này sẽ phục vụ chủ yếu cho sản xuất điện nhằm giảm thiểu nhiệt điện than trong mục tiêu giảm phát thải các chất gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là khí nhà kính CO2.

Trong Nghị quyết 55/NQ-TW mới đây đã nêu: "Chú trọng phát triển nhanh nhiệt điện khí sử dụng LNG, đưa điện khí dần trở thành nguồn cung cấp điện năng quan trọng, hỗ trợ cho điều tiết hệ thống", "... Ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhập khẩu và tiêu thụ khí tự nhiên hóa lỏng (LNG)". Xây dựng cơ sở hạ tầng "đủ năng lực nhập khẩu LNG khoảng 8 tỉ m3 vào năm 2030 và khoảng 15 tỉ m3 vào năm 2045".

Hiện nay, công tác chuẩn bị hạ tầng cho nhập khẩu LNG đang được thực hiện cho các dự án nhiệt điện khí (TBKHH), cụ thể là:

1/ Chuỗi dự án điện khí Thị Vải, bao gồm khu cảng nhập khẩu 1 triệu tấn LNG/năm, các dự án TBKHH Nhơn Trạch 3 (880 MW) và Nhơn Trạch 4 (880 MW) dự kiến đưa vào vận hành năm 2023 - 2024. Hiện Cảng - kho Thị Vải đang được khẩn trương xây dựng.

2/ Các dự án điện khí Sơn Mỹ 1 và 2 (tỉnh Bình Thuận) với tổng công suất 4.500 MW sử dụng tới 3 triệu tấn LNG/năm, dự kiến bắt đầu hoạt động từ năm 2025 - 2026.

3/ Dự án điện khí Bạc Liêu với nhà máy điện TBKHH 3.200 MW (4x750+200 MW) với kho cảng LNG nổi lưu trữ và hóa khí công suất 150 - 174 nghìn m3 LNG, nhập khẩu 3 triệu tấn LNG/năm, theo đề xuất của nhà đầu tư Delta Offshore Energy (Mỹ). Nếu được triển khai thuận lợi, dự kiến dự án này sẽ hoàn thành giai đoạn 1 vào cuối năm 2023 và hoàn thành toàn bộ năm 2027.

Còn tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 5 dự án mới, với tổng quy mô 17.350 MW đang được tỉnh ủng hộ và đề xuất Bộ Công Thương trình Chính phủ bổ sung vào QHĐ VII (điều chỉnh), bao gồm:

4/ Dự án Tổ hợp điện khí hoá lỏng LNG - Cái Mép Hạ (tại khu vực Cái Mép Hạ, thị xã Phú Mỹ), do Công ty Gen X Energy thuộc Quỹ đầu tư Blackstone - Hoa Kỳ và Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T đề xuất đầu tư. Tổng công suất dự án này khoảng 6.000 MW.

5/ Dự án Trung tâm Điện lực Long Sơn (tại xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu), do Tổng công ty Phát điện 3 đầu tư, với tổng công suất khoảng 4.500 MW. Dự án có cảng LNG đầu mối, kho chứa khí hoá lỏng LNG, công suất giai đoạn 1 là 3,5 triệu tấn/năm; giai đoạn 2 tăng lên 6,5 triệu tấn/năm để cung cấp điện cho các tỉnh miền Đông Nam bộ.

6/ Dự án điện khí LNG Long Sơn (trong KCN Dầu khí Long Sơn, TP. Vũng Tàu), do Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản) đầu tư. Tổng công suất nhà máy dự kiến khoảng 4.800 MW, vốn đầu tư khoảng 2,7 tỷ USD.

7/ Dự án điện khí Bà Rịa 2 (tại phường Long Hương, TP. Bà Rịa), do Công ty CP Nhiệt điện Bà Rịa đầu tư, với công suất khoảng 1.200 MW, vốn đầu tư khoảng 1,3 tỷ USD.

8/ Dự án điện khí Long Sơn (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), công suất 3.600 MW, kho cảng LNG Long Sơn nhập khẩu 3,5 triệu tấn LNG/năm, dự kiến hoàn thành vào năm 2025.

9/ Dự án nhiệt điện Phú Mỹ 3.1 (trong KCN Phú Mỹ 1, thị xã Phú Mỹ), do Công ty Điện lục TNHH BOT Phú Mỹ 3 đề xuất đầu tư, với quy mô công suất khoảng 850 MW, vốn đầu tư 855,7 triệu USD .

10/ Dự án điện khí Long An thay thế các dự án nhiệt điện than Long An 1 (2x600 MW), Long An 2 (2x800 MW) dự kiến hoàn thành năm 2027 (theo Quy hoạch điện VII - hiệu chỉnh). Dự án này đang được Bộ Công Thương xem xét về quy mô công suất TBKHH và khối lượng LNG nhập khẩu, cũng như thời gian đưa vào vận hành để trình Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt.

11/ Tỉnh Quảng Trị đã cho phép nhà đầu tư T&T Group khảo sát, lập hồ sơ đề xuất xây dựng nhà máy TBKHH Hải Lăng với quy mô 3.600 - 4.500 MW, giai doạn đầu vào vận hành năm 2028.

Như vậy, tổng công suất các nhà máy điện TBKHH sử dụng nhiên liệu LNG nhập khẩu đã được phê duyệt và đang được đề xuất đầu tư tại miền Nam và miền Trung lên tới trên 40.000 MW, nhu cầu LNG nhập khẩu khoảng gần 30 triệu tấn/năm.

Tuy còn phụ thuộc vào tính khả thi, hợp lý của phát triển các hạ tầng kỹ thuật trong quy hoạch chung đối với mỗi địa phương - có nghĩa là không phải tất cả các dự án điện khí hóa lỏng đang được đề xuất sẽ được xây dựng.

Chẳng hạn, có nên phát triển mới tới hơn 17.000 MW (cộng với nhiệt điện khí Phú Mỹ hiện có sẽ là trên 20.000 MW) nhiệt điện LNG tại Bà Rịa - Vũng Tàu không? Hoặc có nên phát triển 3.600 - 4.500 MW nhiệt điện LNG tại Quảng Trị - nơi hầu như không có các hộ tiêu thụ lớn, mà phát triển nhiệt điện LNG đồng bộ với lưới điện truyền tải với quy mô hợp lý để tránh lãng phí.

Vì vậy, cần xác định rõ về quy mô, địa điểm, thời gian đưa vào vận hành các dự án điện khí LNG trong Quy hoạch điện VIII sắp tới. Nhưng cho thấy rằng, việc phát triển với quy mô lớn các nhà máy điện khí này trong tương lai là hiển nhiên.

Ở khu vực miền Bắc nước ta, theo tính toán sơ bộ của các chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam, giai đoạn (đến trước năm 2030), tổng nguồn điện hiện có và đang được quy hoạch xây dựng ở miền Bắc sẽ không đảm bảo cung cấp đủ điện cho nhu cầu phụ tải của khu vực. Do nguồn than trong nước đã thiếu, nên nếu muốn xây dựng thêm nhiệt điện than thì chỉ có thể sử dụng than nhập và phải chấp nhận tăng thêm phát thải CO2, các chất ô nhiễm môi trường khác, nên cần xem xét xây dựng các nguồn điện khí sử dụng LNG nhập khẩu ở đây.

Những dẫn chứng, phân tích ở trên càng cho thấy chúng ta cần sớm có một Chiến lược về nhập khẩu nhiên liệu trong trung và dài hạn. Theo đó, ngoài các yếu tố chung cần xem xét trong nhập khẩu nhiên liệu (như đối với than), các yếu tố quan trọng cần được xem xét đối với chuỗi nhập khẩu (cảng - kho - nhà máy điện khí LNG) bao gồm:

Thứ nhất: Với đặc thù thị trường khí hóa lỏng có những biến động giá cả mạnh hơn thị trường than, cần thiết tận dụng các thời cơ khi giá LNG có xu hướng giảm trong thời gian gần đây để sớm xúc tiến thương mại và có các hợp đồng nhập khẩu LNG trong trung, dài hạn (3 -:- 5 năm), tạo tiền đề thuận lợi cho giai đoạn phát triển sau này.

Thứ hai: Các nhà máy điện khí khu vực Phú Mỹ, Bà Rịa, Nhơn Trạch sẽ cạn dần nguồn khí (đường ống vào trước, sau năm 2025), vì vậy cần thúc đẩy sớm xây dựng Cảng - kho LNG Sơn Mỹ, Bình Thuận, không chỉ cho phát triển các nhà máy điện khí Sơn Mỹ 1 và 2, mà còn tạo cơ sở nguồn cấp bù khí hóa lỏng cho Cụm Phú Mỹ - Bà Rịa; hoặc sớm xây dựng Cảng - kho LNG khu vực Long Sơn, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Thứ ba: Cần xem xét để quy hoạch các vị trí có thể xây dựng cảng biển nước sâu, phù hợp và thuận tiện cho các tàu chở LNG trên 100.000 DWT tiếp cận.

Thứ tư: Chi phí đầu tư cho hệ thống logistic (gồm cảng - kho - hệ thống tái hóa khí - đường ống) khá cao. Ví dụ, ước tính đầu tư cho Cảng - kho LNG Sơn Mỹ (giai đoạn 1) với công suất 3 triệu tấn/năm lên tới khoảng 1,3 tỷ USD và quy mô kho chứa lớn thì hiệu quả chi phí tốt hơn quy mô nhỏ. Vì vậy, cần huy động, khuyến khích các nhà đầu tư có kinh nghiệm, năng lực tài chính tham gia phát triển - kinh doanh khâu thượng và trung nguồn (hợp đồng cung cấp LNG - cảng - kho - đường ống), từ đó, các nhà đầu tư khác xây dựng các trung tâm điện khí với quy mô 3.000 MW tới trên 5.000 MW.

Thứ năm: Cùng với việc triển khai xây dựng các cơ sở hạ tầng kho cảng nhập khẩu LNG và các trung tâm điện khí mới ở miền Nam, miền Trung, cần sớm nghiên cứu phương án nhập khẩu LNG cùng với các trung tâm nhiệt điện khí tại miền Bắc. Theo chúng tôi, các địa điểm tiềm năng có thể nghiên cứu là khu vực cảng Lạch Huyện và khu vực đã quy hoạch thuộc nhiệt điện than Hải Phòng 3./.

HỘI ĐỒNG PHẢN BIỆN TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động