RSS Feed for Thực hiện nghiêm quy định về điều chỉnh giá điện | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 23/01/2025 06:15
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Thực hiện nghiêm quy định về điều chỉnh giá điện

 - Cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân lần này là một bước tiến phù hợp với Luật Ðiện lực hiện hành (quy định giá bán lẻ điện do đơn vị bán lẻ điện xây dựng) và kỳ vọng sẽ góp phần quản lý giá điện "có lên, có xuống", công khai, minh bạch theo nguyên tắc thị trường. Với cơ chế quản lý giá điện mới, EVN có quyền tự quyết cao hơn, nhưng cũng đòi hỏi ngành điện cần thực hiện nghiêm quy định về điều chỉnh giá điện...

Điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân theo cơ chế mới
Điều chỉnh giá điện bình quân để minh bạch giá điện
Vì sao Việt Nam cần phát triển nhiệt điện than? (Tạm kết)
Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Bài 10)

TS. NGUYỄN MINH PHONG

Theo Quyết định 24/2017/QÐ-TTg ngày 30-6-2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân (thay thế Quyết định 69/2013/QÐ-TTg), khi các thông số đầu vào biến động làm giá bán điện bình quân giảm so với giá bán điện hiện hành và trong khung giá quy định, Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN) có trách nhiệm giảm giá bán điện bình quân ở mức tương ứng, lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương và Bộ Tài chính để kiểm tra, giám sát.

Tương tự, khi giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 3% đến dưới 5%, EVN được tự quyết định ở mức tương ứng, với thời gian điều chỉnh tối thiểu sáu tháng, lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương và Bộ Tài chính để kiểm tra, giám sát. Khi cần điều chỉnh tăng giá điện bình quân từ 5% đến dưới 10%, EVN cũng được phép điều chỉnh ở mức tương ứng, sau khi báo cáo và được Bộ Công Thương chấp thuận, trả lời bằng văn bản.

Chỉ khi cần điều chỉnh tăng từ 10% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành, hoặc điều chỉnh ngoài khung giá quy định gây ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô, trên cơ sở hồ sơ phương án giá điện do EVN trình, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính kiểm tra, rà soát (nếu cần thiết thì báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá) trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến.

Cơ chế mới cũng yêu cầu công khai, minh bạch các báo cáo tài chính đã được kiểm toán và các khoản chi phí sản xuất, kinh doanh điện (gồm chi phí thực tế các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, quản lý chung, dịch vụ phụ trợ hệ thống điện và các chi phí khác; kết quả kinh doanh lỗ, lãi của EVN; các chi phí được tính vào giá thành sản xuất, kinh doanh điện…).

Tăng giá điện là tăng lợi ích và tạo động lực cho ngành điện mở rộng đầu tư. Với mức tăng bình quân từ 12% đến 14% phụ tải điện hiện nay, điện năng thật sự là một thị trường hấp dẫn để xã hội hóa đầu tư và đẩy nhanh lộ trình phát điện cạnh tranh như là cách thức tốt nhất để đáp ứng nhu cầu và nâng cao hiệu quả phát triển ngành điện.

Quy trình thực hiện cơ chế thị trường cũng đòi hỏi tự do hóa cạnh tranh cung ứng trước khi tự do hóa giá cả. Việc thiếu kiểm soát và giám sát giá cả của một doanh nghiệp, tập đoàn kinh doanh có tính độc quyền cao dễ biến độc quyền nhà nước thành độc quyền doanh nghiệp và biến lợi ích nhà nước thành lợi ích nhóm, cá nhân.

Ðiện lực có vai trò quan trọng, vừa trực tiếp phục vụ đời sống của người dân, vừa là yếu tố và chi phí "đầu vào" ảnh hưởng đến giá cả của nhiều mặt hàng khác. Việc EVN được quyền tăng giá từ 3 đến 5% trở lên dù thời gian giữa hai lần tăng giá tối thiểu là sáu tháng, sẽ khiến giá điện ngày càng được "điều chỉnh" linh hoạt hơn. Bởi vậy, bất cứ sự tăng giá nào của ngành điện đều cần phải được cân nhắc một cách có trách nhiệm và đánh giá kỹ tác động cộng hưởng trực tiếp và gián tiếp của nó tới mặt bằng giá, động lực tăng trưởng kinh tế và sự đồng thuận xã hội, cả vĩ mô, lẫn vi mô, trước mắt và lâu dài.

Theo cơ chế mới, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính kiểm tra chi phí sản xuất, kinh doanh điện của năm trước liền kề. Bởi vậy, công luận đòi hỏi nếu phát hiện có sai sót trong kết quả tính toán và điều chỉnh giá điện, cần bắt lỗi không chỉ đơn vị và cá nhân trực tiếp có lỗi, mà còn cả đơn vị và cá nhân chủ quản cấp trên và cơ quan giám sát liên quan.

Hơn nữa, không chỉ xử lý theo quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn, mà còn cần xử lý cả theo kỷ luật Ðảng và Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và Luật Phòng, chống tham nhũng, cũng như Luật Hình sự và các luật định khác có liên quan, tạo sự răn đe nghiêm khắc cần thiết.

Cơ chế mới là một bước tiến phù hợp với Luật Ðiện lực hiện hành (quy định giá bán lẻ điện do đơn vị bán lẻ điện xây dựng) và kỳ vọng sẽ góp phần quản lý giá điện "có lên có xuống", công khai, minh bạch theo nguyên tắc thị trường.

Với cơ chế quản lý giá điện mới này, trao cho EVN quyền tự quyết cao hơn, nhưng cũng đòi hỏi ngành điện cần thực hiện nghiêm quy định về điều chỉnh giá điện, không lạm dụng trong việc đề xuất tăng giá điện và chỉ duy trì xu hướng một chiều này…!

TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động