Một số giải pháp phát triển bền vững ngành Điện Việt Nam
10:32 | 24/02/2016
8 đề xuất hoàn thiện Đề án điều chỉnh Quy hoạch điện VII
TS. NGUYỄN MẠNH HIẾN - Hội đồng Khoa học VEA
Phát triển điện lực nói riêng và phát triển năng lượng nói chung có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của đất nước. Vì vậy, để đảm bảo phát triển điện lực bền vững cần nghiên cứu triển khai các giải pháp chủ yếu sau:
Khai thác tiềm năng sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
Có thể nói đây là giải pháp hữu hiệu nhất mà nhiều nước trên thế giới áp dụng, nhằm giảm nhu cầu điện năng để từ đó giảm chi phí đầu tư vào phát triển nguồn lưới cung cấp điện, giảm tác động xấu đến môi trường sinh thái (giảm phát thải ô nhiễm, chiếm dụng đất đai…) và giảm giá thành điện năng…
Theo nghiên cứu, đánh giá của một số chuyên gia năng lượng trong nước và quốc tế, giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả có thể giảm nhu cầu điện năng của cả nước khoảng 11-12% vào năm 2030.
Ví dụ: giả sử, tổng sản lượng điện yêu cầu của toàn quốc năm 2030 bình thường được dự báo khoảng 500 tỷ kWh, thì khi có tính đến khả năng thực khai thác tiềm năng sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, sản lượng điện có thể giảm được là khoảng 55-60 tỷ kWh (nghĩa là nhu cầu tổng sản lượng phát điện năm 2030 chỉ còn là 440 - 445 tỷ kWh), tương ứng giảm yêu cầu bổ xung công suất nguồn phát điện khoảng 9 đến 10 ngàn MW trong giai đoạn 2016-2030, kèm theo một khối lượng đáng kể lưới điện truyền tải và phân phối từ nguồn đến phụ tải điện. Tổng chi phí vốn đầu tư tiết kiệm được theo giải pháp ước tính tới vài trục tỷ USD.
Theo đuổi kịch bản phát triển năng lượng phát thải ít carbon
Khí carbon dioxyt (CO2) phát thải từ việc đốt cháy nhiên liệu hóa thạch (than trong năng lượng và dầu mỏ trong giao thông vận tải) được coi là tác nhân chính gây nên hiệu ứng nhà kính làm trái đất nóng lên. Vì vậy, hiện nay hầu hết các quốc gia trên thế giới trong chiến lược phát triển của mình đều hết sức quan tâm đến cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu và theo đuổi các kịch bản tăng trưởng phát thải ít carbon. Đối với nước ta, hiện tại và trong tương lai, lượng phát thải CO2 từ các nhà máy nhiệt điện than chiếm tỷ trọng rất lớn, tiêu thụ than có thể lên đến trên dưới 100 triệu tấn vào năm 2030, trong khi đó lượng than khai thác trong nước có khả năng cung cấp cho sản xuất điện dự báo chỉ có thể hạn chế khoảng 40 triệu tấn/năm, khoảng 2/3 lượng than còn lại sẽ là than nhập.
Để đáp ứng yêu cầu giảm phát thải khí CO2, cần phải nghiên cứu xem xét giảm tỷ trọng cac nhà máy nhiệt điện than trong cơ cấu phát triển nguồn điện mà thay thế bằng các nguồn không/ít phát thải carbon như: tăng cường tỷ trọng nguồn điện từ năng lượng tái tạo và nhập khẩu; xây dựng các nhà máy điện nguyên tử và các nhà máy điện sử dụng khí hóa lỏng…
Việc giảm tỷ trọng nguồn nhiệt điện than còn có ý nghĩa hết sức quan trọng, là giảm bớt sự phụ thuộc quá nhiều vào nguồn than nhập khẩu, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Tăng cường phát triển nguồn điện từ năng lượng tái tạo
Như trên đã nêu, giải pháp hữu hiệu và chủ động nhất để bù đắp lượng nhiệt điện than suy giảm trong cơ cấu phát triển nguồn điện theo kịch bản tăng trưởng phát thải ít carbon là tăng cường phát triển nguồn điện từ năng lượng tái tạo, mà chủ yếu là thủy điện nhỏ, sinh khối, gió và mặt trời. Thời gian qua, trong các loại nguồn này, ngoài nguồn thủy điện nhỏ đã có truyền thống phát triển từ lâu và đang được tiếp tục duy trì tại các tỉnh miền núi, các loại nguồn khác vẫn chưa được quan tâm đúng mức về các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển và ưu đãi trợ giá bán điện. Tuy nhiên, từ nay trở đi việc đầu tư phát triển các dự án điện từ năng lượng tái tạo sẽ có được các điều kiện thuận lợi, vì các lý do cơ bản sau:
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định “Phê duyệt chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, trong đó đã nêu lên định hướng phát triển các dự án điện sinh khối, gió và mặt trời đến gần 90 tỷ kWh, chiếm tỷ trọng khoảng 15% tổng sản lượng phát điện vào năm 2030. Chiến lược cũng đề xuất các cơ chế chính sách về ưu tiên, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển các dự án năng lượng tái tạo, về xây dựng giá bán điện, đảm bảo thu hồi chi phí đầu tư và lợi nhuận hợp lý đối các dự án năng lượng tái tạo nối lưới.
Ngoài ra, theo nghiên cứu, đánh giá của các chuyên gia năng lượng quốc tế, chi phí đầu tư các dự án điện từ năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió và mặt trời có xu hướng ngày càng giảm mạnh, dẫn tới giá thành điện năng các dự án gió, mặt trời hoàn toàn có thể cạnh tranh được tại một số thị trường, ngay cả khi không có trợ giá và không chỉ vì có nguồn tài nguyên tốt. Theo khảo sát đánh giá của chuyên gia Ngân hàng Thế giới - Ts. Pierre Audinet trong báo cáo “Khảo sát con đường phát triển phát thải ít carbon cho Việt Nam” tại Hội nghị “Định hình tương lai phát triển bền vững điện lực Việt Nam”, Đà Nẵng, tháng 11/2015, hiện tại điện mặt trời trên mái nhà rẻ hơn giá điện bán lẻ tại ít nhất 11 quốc gia, điện gió cũng cạnh tranh được với điện than tại các nước: Australia, Chile, Mexico, New Zealand, Thổ Nhĩ Kỳ.
Tại một số nước hoặc khu vực có điện gió, mặt trời, giá cụ thể như sau: Ai Cập, giá điện gió 4cent/kWh; Ấn Độ, tại một số khu vực giá điện gió ở mức 6-10 cent/kWh, so với điện than là 5-8 cent/kWh; Brazil, điện gió 4,5 cent/kWh, rẻ hơn bất kỳ nguồn năng lượng nào khác; Hoa Kỳ, điện gió ở mức 5-8 cent/kWh, rẻ hơn nhiệt điện than mới; Nam Phi, điện gió 7 cent/kWh, rẻ hơn 30% so với nhiệt điện than mới; Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE), điện mặt trời 5,6 cent/kWh.
Kết luận
Để đảm bảo phát triển ngành Điện lực Việt Nam bền vững trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, cần tập trung nỗ lực vào việc tăng cường khai thác tiềm năng sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp và sinh hoạt; kiên định theo đuổi kịch bản tăng trưởng phát thải ít carbon trong Quy hoạch phát trển Điện lực với quy định bắt buộc áp dụng công nghệ than sạch (công nghệ lò hơi siêu tới hạn) đối với các dự án nhiệt điện than mới và thúc đẩy đầu tư phát triển các dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió, mặt trời và sinh khối.
NangluongVietnam Online