RSS Feed for Những điểm mới, quan trọng trong ‘nhiệm vụ’ lập Quy hoạch điện 8 | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 22/11/2024 21:15
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Những điểm mới, quan trọng trong ‘nhiệm vụ’ lập Quy hoạch điện 8

 - Ngày 1/10/2019 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1264/QĐ-TTg, phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Vậy, nhiệm vụ theo Quyết định này có gì đặc biệt so với các quy hoạch trước đây? Chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam xin nêu một số điểm mới, quan trọng để bạn đọc cùng tham khảo.

Phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch điện 8



Trước hết, trong Quyết định này, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương là cơ quan tổ chức lập Quy hoạch, đồng thời các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công Thương trong quá trình lập Quy hoạch. 

Tiếp đến, đây là nhiệm vụ lập Quy hoạch Điện lần thứ 8 (Quy hoạch điện VIII), sau khi Luật Quy hoạch được ban hành ngày 24 tháng 11 năm 2017. Các Quy hoạch điện trước đây có thời kỳ quy hoạch là 10 năm, tầm nhìn là 20 năm, nhưng Quy hoạch điện 8 có thời kỳ quy hoạch là 10 năm, tầm nhìn tới 25 năm.

Như các quan điểm lập Quy hoạch điện quốc gia trước đây, quan điểm đầu tiên trong lập Quy hoạch điện 8 là: Điện lực phải đi trước một bước để đảm bảo cung ứng điện phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước. Còn quan điểm Quy hoạch lần này nhấn mạnh về: Đảm bảo sự tham gia của các thành phần kinh tế trong phát triển điện lực, đặc biệt là các thành phần kinh tế tư nhân. Đây là một quan điểm mới, quan trọng và phù hợp với thực tế. Với nhịp tăng trưởng kinh tế nhanh và ổn định, quy mô nền kinh tế nước ta ngày càng lớn, tuy hệ thống điện lực là hạ tầng cơ sở kỹ thuật quan trọng bậc nhất của quốc gia, nhưng các nguồn lực từ ngân sách Nhà nước và từ các tập đoàn, tổng công ty chuyên ngành điện sẽ không thể đủ để dàn trải tới mọi công trình điện. Cần phải huy động các nguồn lực có tiềm năng lớn từ xã hội, từ các thành phần kinh tế tư nhân trong và ngoài nước.

Một điểm quan trọng là với lộ trình phát triển thị trường điện đang hướng tới tính cạnh tranh, hiệu quả, công bằng, cơ hội để các doanh nghiệp tư nhân và mọi người dân tham gia vào đầu tư, kinh doanh có hiệu quả trong ngành điện ngày càng lớn hơn. Điểm lưu ý ở đây là hệ thống pháp luật cần chặt chẽ, đủ mạnh để điều chỉnh các hoạt động kinh doanh điện lực, không thể để xảy ra mất an ninh cung cấp điện. 

Hơn nữa, khác với các Quy hoạch điện trước có tính "đóng", danh mục các công trình điện quan trọng thường là "cứng", quan điểm mới trong Quy hoạch điện 8 là có tính "mở" - được hiểu là danh mục các công trình điện có thể được Chính phủ thay đổi, điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế phát sinh trong thời kỳ quy hoạch. Điều này sẽ tránh được các thủ tục thẩm tra, tái phê duyệt rườm rà, phức tạp và kéo dài mỗi khi có những công trình điện cần phải thay đổi quy mô, thời gian, địa điểm cho phù hợp với tình hình mới biến động.

Chẳng hạn là để tránh những vướng mắc kéo dài về thủ tục phê duyệt bổ sung Quy hoạch điện các dự án nguồn, lưới điện đồng bộ, khi các dự án điện mặt trời và gió bùng nổ, vượt quá danh mục quy hoạch trong các năm vừa qua, v.v...

Nguyên tắc trong lập Quy hoạch điện 8 cũng nhấn mạnh: "Ưu tiên phát triển hợp lý nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo". Với thực tế các nguồn tài nguyên năng lượng truyền thống như than, dầu mỏ, khí đốt đang dần cạn kiệt, nhu cầu năng lượng tiếp tục tăng, nước ta đã trở thành quốc gia nhập khẩu tịnh năng lượng từ năm 2015 và tỷ lệ phụ thuộc nguồn nhiên liệu ngoại nhập đang tăng rất nhanh. Một đánh giá gần đây trong Báo cáo triển vọng năng lượng Việt Nam đến 2050 cho thấy tỷ lệ phụ thuộc nguồn nhiên liệu nhập khẩu của Việt Nam sẽ từ 51-60% vào năm 2030 và từ 58-71% vào 2050 (chủ yếu do nhập khẩu than và dầu).

Để giảm bớt tốc độ phụ thuộc nhiên liệu từ nước ngoài, phù với mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, việc thúc đẩy, tạo điều kiện cho phát triển các nguồn điện từ năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió, sinh khối,... ngày càng trở nên cần thiết và quan trọng. Nhất là tiềm năng các nguồn năng lượng mặt trời, gió của nước ta được đánh giá là khá dồi dào. Một vài nghiên cứu đã dự kiến tới năm 2030 có khả năng phát triển được khoảng 20.000 MW điện gió, mặt trời, và con số này có thể lên tới 100.000 MW vào năm 2050. Nhiều chuyên gia năng lượng gần đây rất kỳ vọng về phát triển điện mặt trời, điện gió với hệ thống lưới truyền tải đồng bộ sẽ được nghiên cứu sâu hơn trong Quy hoạch điện 8 và đề xuất các nguồn loại này tham gia vào cơ cấu sản xuất điện với tỷ trọng cao, là bước đột phá so với các Quy hoạch điện trước đây.

Một nguyên tắc quan trọng khác được nêu trong Nhiệm vụ lập Quy hoạch điện 8 là: "Sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả". Nhiều phân tích, nhận định chuyên gia đã đưa ra và được đa số đồng thuận là: "Chi phí cho việc tiết kiệm sử dụng 1 kWh điện rẻ hơn nhiều so với chi phí đầu tư thêm 1 kWh điện". Điều này càng có ý nghĩa khi mà hiện nay chúng ta đang sử dụng năng lượng một cách lãng phí, kém hiệu quả.

Tốc độ tăng nhu cầu điện của nước ta đang là trên 10%/năm, trong khi tăng trưởng GDP khoảng trên 6,5%/năm, tức là tốc độ tăng nhu cầu điện đang cao hơn 1,5 lần tốc độ tăng GDP, còn ở các nước phát triển, tốc độ tăng nhu cầu điện bằng, hoặc thấp hơn nhịp tăng GDP.

Cũng trong Báo cáo triển vọng năng lượng Việt Nam đến 2050 nói trên, ước tính với chi phí đầu tư cho các công nghệ và hành vi thiết kiệm, hiệu quả năng lượng là khoảng 7 tỷ USD ở năm 2030 và 16 tỷ USD vào 2050 sẽ dẫn tới giảm nhu cầu điện 10% vào năm 2030 và 29% vào năm 2050, tổng chi phí (tịnh) cho ngành năng lượng giảm được 3 tỷ USD vào 2030 và giảm 30 tỷ USD vào 2050.

Với thời lượng lập Quy hoạch điện được giao là 12 tháng, chúng ta kỳ vọng lớn vào một bản Quy hoạch điện mới được hoàn thành vào cuối năm 2020 có những phân tích khoa học, tiên tiến, những đề xuất mạnh mẽ về phát triển hệ thống điện ngày càng hiện đại hơn, hiệu quả và cạnh tranh "kinh tế" hơn, "xanh" hơn.

Mặt khác, với việc đề xuất các giải pháp tổ chức thực hiện đột phá, hữu hiệu, sáng tạo, Quy hoạch điện 8 sẽ có tính khả thi cao hơn các Quy hoạch điện trước, là một cơ sở pháp lý - khoa học quan trọng làm tiền đề huy động mọi nguồn lực xã hội, phấn đấu để tương lai gần nền kinh tế và mọi người dân được cung cấp điện đầy đủ, an toàn, chất lượng với giá cả ngày càng hợp lý, công bằng hơn./. 

NGUYỄN ANH TUẤN - TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động