RSS Feed for Cuộc khủng hoảng của ngành Công nghiệp Lọc hóa dầu | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 26/12/2024 21:52
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Cuộc khủng hoảng của ngành Công nghiệp Lọc hóa dầu

 - Những sự kiện đang xảy ra với ngành lọc dầu thế giới vào thời điểm hiện nay sẽ tác động lan tỏa tới phần còn lại của lĩnh vực năng lượng. Bởi các nhà máy lọc dầu trị giá hàng tỷ USD đang đứng trên bờ vực phải đóng cửa và phá sản...


BSR kiến nghị miễn, giảm thuế để khắc phụ khó khăn do dịch Covid-19


Là hàng hóa quan trọng nhất của thế giới, nhưng dầu thô sẽ chẳng có giá trị gì nếu không có nhà máy lọc dầu, một quá trình nhằm biến dầu thô thành các sản phẩm mà mọi người có thể sử dụng như xăng, dầu diesel, nhiên liệu máy bay và các loại hóa chất cho ngành nhựa.

Năm 2019, các nhà máy lọc dầu trên toàn thế giới có thể xử lý số dầu tương đương hơn 2.000 tỷ USD. Exxon Mobil, hay Royal Dutch Shell là những cái tên hàng đầu trong ngành công nghiệp này. Ngoài ra, cũng có một số “người khổng lồ” đến từ châu Á như: Sinopec của Trung Quốc, Indian Oil Corp của Ấn Độ, các công ty tư nhân lớn khác như: Marathon Petroleum Corp và Valero Energy Corp với hệ thống cửa hàng ở khắp nơi.

Tuy nhiên, ngành lọc dầu thế giới với doanh thu 2.000 tỷ USD mỗi năm lại đang rơi vào cuộc khủng hoảng chưa từng thấy.

“Biên lợi nhuận của ngành lọc dầu đang ở mức thực sự thảm họa” - Patrick Pouyanne, người đứng đầu tập đoàn lọc dầu hàng đầu châu Âu, Total SA nói với giới đầu tư hồi tháng 6. Đây cũng là quan điểm chung của các lãnh đạo, thương nhân và giới phân tích.

Biên lợi nhuận thảm họa

Những sự kiện đang xảy ra với ngành lọc dầu thế giới vào thời điểm hiện nay sẽ tác động lan tỏa tới phần còn lại của lĩnh vực năng lượng. Bởi các nhà máy lọc dầu trị giá hàng tỷ USD đang đứng trên bờ vực phải đóng cửa, phá sản và hàng nghìn người lao động có nguy cơ bị mất việc làm. 

“Chúng tôi cho rằng ngành lọc dầu đang bước vào thời kỳ tích lũy” - Nikhil Bhandari, chuyên gia phân tích trong lĩnh vực lọc dầu tại Goldman Sachs nói. 

cuoc-khung-hoang-cua-nganh-loc-8458-1145

Biên lợi nhuận của ngành lọc dầu đang ở mức thực sự thảm họa. Ảnh: Bloomberg.

Vấn đề nằm ở chỗ, thứ đang giết chết các nhà máy lọc dầu lại chính là liều thuốc cứu ngành công nghiệp dầu mỏ.

Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hô hào ủng hộ thỏa thuận giảm sản lượng kỷ lục giữa Arab Saudi, Nga và các thành viên khác trong liên minh OPEC+ hồi tháng 4, ông ấy có lẽ đã cứu được ngành dầu đá phiến tại Texas, Oklahoma và North Dakota. Nhưng hành động đó lại gây áp lực lên các nhà lọc dầu.

Kinh tế học của ngành lọc dầu thực ra rất đơn giản: Họ kiếm lời từ sự chênh lệch giá giữa dầu thô và các nhiên liệu từ dầu như xăng.

Thỏa thuận giảm sản lượng mà ông Trump làm trung gian đã giúp nâng giá dầu lên cao, với giá dầu Brent tăng từ 16 USD lên 42 USD/thùng trong vài tháng. Tuy nhiên, do nhu cầu vẫn ảm đạm, giá xăng và các sản phẩm khác từ dầu vẫn chưa thể phục hồi mạnh mẽ, khiến các nhà lọc dầu chịu trận.

cuoc-khung-hoang-cua-nganh-loc-4030-3195

Thỏa thuận giảm sản lượng của OPEC+ đã giúp nâng giá dầu lên cao, với giá dầu Brent tăng từ 16 USD lên 42 USD/thùng trong vài tháng. Ảnh: Bloomberg. 

Chỉ số cơ bản nhất cho thấy lợi nhuận của ngành lọc dầu (3-2-1 crack spread - chỉ số giả định rằng: Cứ 3 thùng dầu thô thì sẽ tạo ra được 2 thùng xăng và 1 thùng nhiên liệu kiểu diesel) đã xuống mức thấp nhất kể từ năm 2010. Mùa hè thường là thời điểm thuận lợi đối với các nhà lọc dầu vì nhu cầu đi lại của người dân tăng, đặc biệt là đi nghỉ hè. Tuy nhiên, tới nay, một số nhà máy vẫn đang thua lỗ trên mỗi thùng dầu họ chế biến. 

Nỗi sợ lớn nhất

Chỉ vài tuần trước, triển vọng của ngành lọc dầu dường như vẫn còn sáng sủa khi nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc gần như trở lại mức trước khi dịch bùng phát và Mỹ dần tái mở cửa. Tuy nhiên, hiện tại, làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ 2 lại bùng phát, buộc Bắc Kinh phải phong tỏa hàng trăm nghìn người dân. Số ca nhiễm tại châu Mỹ Latin và một số nơi khác cũng có xu hướng tăng trở lại.

Tại Mỹ, nhu cầu cũng có dấu hiệu giảm vì số ca nhiễm tại các bang tiêu thụ xăng lớn như Texas, Florida và California, tăng lên. Biên lợi nhuận của các nhà máy lọc dầu theo đó có nguy cơ giảm tại châu Mỹ, nơi tiêu thụ gần 20% sản phẩm từ dầu của thế giới.

“Nỗi sợ lớn nhất của các nhà máy là dịch Covid-19 bùng phát trở lại và thế giới phải trải qua một đợt phong tỏa khác, thứ sẽ khiến nhu cầu lại giảm mạnh” - Andy Lipow, Chủ tịch của Lipow Oil Associates cho hay.

Một vấn đề khác là nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm lọc dầu phục hồi không đồng đều, khiến các lãnh đạo phải đau đầu khi chọn nguyên liệu đầu vào, cũng như tính toán sản phẩm đầu ra. Tiêu thụ xăng và dầu diesel tăng mạnh trở lại, tại một số nơi đạt được 90% mức bình thường. Nhưng với nhiên liệu phản lực, mọi thứ gần như tuyệt vọng khi nhu cầu chỉ đạt 10 - 20% mức bình thường ở một số quốc gia châu Âu.

Các nhà máy lọc dầu đã giải quyết vấn đề trên bằng cách pha trộn phần lớn nhiên liệu phản lực vào dầu diesel. Nhưng đổi lại, họ lại gặp thách thức mới, đó là có quá nhiều sản phẩm phân đoạn trung bình như dầu diesel và dầu đốt nóng.

“Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ xăng khó có thể giúp một số nhà máy lọc dầu tồn tại. Trong khi đó, xu hướng chuyển dịch sản xuất nhiên liệu phản lực sang dầu diesel và xăng lại càng gây áp lực lên nguồn cung” - theo ông Stephen Wolfe, giám đốc mảng dầu thô tại công ty tư vấn Energy Aspects.

Tại Mỹ, công suất lọc dầu được điều chỉnh liên tục để đối phó với những biến động tiềm năng trong nhu cầu tiêu thụ. Tháng 4, thời điểm Mỹ bước vào cao trào phong tỏa, nhà máy lọc dầu McKee của Valero Energy Corp phải giảm công suất lọc dầu xuống khoảng 70%, sau đó tăng lên gần 79% trước khi tới ngày Tưởng niệm (thứ Hai cuối cùng của tháng 5). Tuy nhiên, tới giữa tháng 6, họ lại giảm về 62%, theo nguồn cận tin.

Nếu các nhà máy lọc dầu không kiếm được tiền, họ sẽ giảm mua dầu thô và điều này sẽ kìm hãm đà phục hồi của giá dầu. Tuy nhiên, với thỏa thuận giảm sản lượng của OPEC+, các nhà máy được cho là sẽ chịu áp lực trong thời gian dài vì giá dầu đang phục hồi nhanh hơn giá nhiên liệu.

Bên cạnh đó, ngành công nghiệp này còn phải đối mặt với một vấn đề dài hạn hơn, đó là sự phát triển quá mức trong các thập kỷ trước và những nhà máy cũ hơn ở châu Âu, hay Mỹ không thể cạnh tranh được với nhà máy mới mọc lên ở Trung Quốc và các quốc gia khác.

“Biên lợi nhuận của ngành lọc dầu trong 5 năm tới sẽ thấp hơn mức trung bình của 5 năm qua, đặc biệt là tại châu Âu. Chúng tôi nghĩ rằng thời kỳ khó khăn đã qua đi nhưng thực ra giờ còn khó khăn hơn nhiều” - ông Spencer Welch, Phó chủ tịch phụ trách thị trường dầu tại IHS Markit nhận định.

Chất xúc tác cho sự thay đổi

Tổng lợi nhuận của ngành lọc dầu sẽ giảm xuống 40 tỷ USD trong năm nay, từ mức 130 tỷ USD của năm 2018, theo ước tính của Công ty tư vấn Wood Mackenzie dựa trên khảo sát 550 nhà máy trên toàn thế giới.

Đây có thể là chất xúc tác cho một sự thay đổi. Các nhà phân tích tại Goldman Sachs cho biết việc nhu cầu suy yếu vì dịch Covid-19 vẫn chưa gây ra bất kỳ sự trì hoãn nào ở một số dự án lọc dầu lớn, mà phần lớn là ở Trung Quốc và Trung Đông. Các dự án mới dự kiến bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2021 tới năm 2024. Điều này sẽ khiến tỷ lệ công suất hiệu dụng toàn cầu trong cùng kỳ thấp hơn 3% so với năm 2019. Nhà máy ở các quốc gia phát triển có nhiều khả năng sẽ phải đóng cửa vì phần lớn nhu cầu cũng như nhà máy lọc dầu mới sẽ đến từ khối kinh tế đang phát triển.

Nhiều nhà máy lọc dầu đang được xây dựng ở Trung Đông và Trung Quốc cũng nhận được sự ủng hộ từ chính phủ và việc này khiến các nhà máy ở châu Âu và Mỹ càng gặp nhiều khó khăn.

Trong bối cảnh này, ngành công nghiệp lọc dầu rốt ráo tìm cách giải quyết tình trạng dư thừa. Ví dụ, công ty thương mại dầu khí Gunvor Group cho biết: Có thể đóng cửa nhà máy ở Antwerp trong khi tập đoàn lọc dầu HollyFrontier tháng 6 vừa qua từng tuyên bố sẽ biến nhà máy ở Cheyenne thành một cơ sở sản xuất dầu diesel sử dụng năng lượng tái tạo thay vì chế biến dầu thô.

Một vấn đề đau đầu hơn hiện nay mà ngành công nghiệp này phải đối phó chính là thị trường. OPEC và các đồng minh có thể kéo giảm nguồn cung dầu thô, nhưng không thể bắt người tiêu dùng cuối tiêu thụ nhiên liệu./.

NGUỒN: NDH/ BLOOMBERG, REUTERS

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động