RSS Feed for BSR kiến nghị miễn, giảm thuế để khắc phụ khó khăn do dịch Covid-19 | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 27/12/2024 05:13
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

BSR kiến nghị miễn, giảm thuế để khắc phụ khó khăn do dịch Covid-19

 - Theo Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), do ảnh hưởng của dịch COVID-19, cộng với giá dầu lao dốc đã khiến các chỉ tiêu về doanh thu, nộp ngân sách Nhà nước trong 6 tháng đầu năm 2020 của đơn vị này chỉ đạt khoảng 40% so với kế hoạch năm, tương ứng khoảng 3.000 tỷ đồng. Riêng đối với chỉ tiêu lợi nhuận không đạt kết hoạch trong quý 1/2020, thậm chí còn lỗ khoảng 2.332 tỷ đồng. Do đó, BSR đề xuất Chính phủ và các bộ, ngành liên quan nhiều giải pháp, trong đó được miễn giảm một số loại thuế để khắc phục khó khăn hiện nay, cũng như thời gian tới.


Ký bàn giao mặt bằng cho dự án mở rộng Lọc dầu Dung Quất


Trong văn bản kiến nghị, Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến việc thua lỗ là do theo thông lệ của các nhà máy lọc dầu, đơn vị này phải mua trước dầu thô theo các hợp đồng được ký từ khoảng tháng 11 - 12/2019 với công thức giá dựa trên giá dầu thô tham chiếu và phụ phí.

Tại thời điểm ký hợp đồng, giá dầu tham chiếu Dated Brent khoảng 65-70 đô la Mỹ/thùng nên khi nhập kho, chế biến và xuất bán sản phẩm vào thời điểm giá dầu lao dốc (vùng giá dầu thấp nhất khoảng tháng 4/2020 và giá dầu tham chiếu Dated Brent thấp nhất là 13,2 USD/ thùng vào ngày 21/4/2020) thì tổn thất do giảm giá hàng tồn kho rất lớn, nhất là trong giai đoạn tháng 3-4/2020 do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên việc tiêu thụ hết sức khó khăn.

Mặt khác, do lệnh đóng cửa giữa các quốc và yêu cầu giãn cách xã hội tại Việt Nam để ngăn chặn dịch bệnh dẫn đến nhu cầu tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm xăng, dầu, nhiên liệu bay quốc tế nói chung và Việt Nam nói riêng bị giảm kỷ lục; khoảng chênh lệch giá giữa sản phẩm và dầu thô (yếu tố quyết định lãi, lỗ chế biến của nhà máy lọc dầu) bị thu hẹp, có nhiều thời điểm, giá sản phẩm thấp hơn giá dầu thô. Do đó, lợi nhuận chế biến của nhà máy trong 6 tháng đầu năm bị âm.

Trước tình hình đó, BSR đã phải xem xét tất cả các phương án (bao gồm cả phương án dừng sản xuất). Tuy nhiên, qua phân tích, đánh giá cho thấy, việc tiếp tục duy trì nhà máy vận hành liên tục là phương án khả quan nhất, đáp ứng được lợi ích tổng thể. Đó là duy trì nguồn nộp ngân sách Nhà nước, duy trì được các dịch vụ của các công ty cung cấp dịch vụ trong ngành dầu khí nói riêng và các ngành liên quan khác nói chung (bao gồm cả ngân hàng, bảo hiểm...); đảm bảo công ăn việc làm, ổn định đời sống, tâm lý của cán bộ công nhiên viên. Đặc biệt là Công ty sớm chế biến hết lượng dầu mua với giá cao để vượt qua vùng lỗ và tận dụng cơ hội mua, chế biến dầu thô giá thấp để từng bước phục hồi sản xuất, kinh doanh có lãi.

Ngoài ra, BSR cũng kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan có cơ chế đảm bảo sản phẩm xăng, dầu của Nhà máy lọc dầu Dung Quất hiện hữu tiếp tục được tiêu thụ tại thị trường Việt Nam cho đến khi BSR hoàn thành dự án đầu tư và khả năng sản xuất sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn tương đương Euro V.

Cùng với đó, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan có các chính sách tài chính để hỗ trợ BSR như các khoản vay ưu đãi không tính lãi suất, miễn, giảm, giãn các loại thuế; chính sách ưu đãi phù hợp để đảm bảo hiệu quả và khả năng thu xếp vốn cho dự án nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất; xem xét miễn thuế bảo vệ môi trường cho lượng nhiên liệu đốt nội bộ phục vụ quá trình sản xuất.

Cuối cùng, BRS kiến nghị các bộ, ngành liên quan xem xét điều chỉnh cách xác định chi phí tối đa đưa xăng, dầu từ nước ngoài về Việt Nam trong công thức giá cơ sở theo quy định để phù hợp với thực tế thị trường, góp phần ổn định thị trường xăng dầu và đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng giữa các nguồn hàng trong nước so với nhập khẩu./.

PV TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

 

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động