RSS Feed for Kinh nghiệm chuyển dịch sang NLTT ở Đức [Kỳ 4]: Nhận xét thể chế | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ hai 23/12/2024 22:11
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Kinh nghiệm chuyển dịch sang NLTT ở Đức [Kỳ 4]: Nhận xét thể chế

 - Bằng cách thiết lập khung khổ ngay từ ban đầu xây dựng thể chế và tiếp tục điều chỉnh cho phù hợp với những thách thức mới phát sinh, nước Đức đã phát triển một cách ngoạn mục điện năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, việc tham khảo kinh nghiệm từ quốc gia này, chúng ta cũng cần phải chú ý các đặc điểm để “liệu cơm, gắp mắm”.


Kinh nghiệm chuyển dịch sang NLTT ở Đức [Kỳ 1]: Nền tảng năng lượng, môi trường

Kinh nghiệm chuyển dịch sang NLTT ở Đức [Kỳ 2]: Tạo lập thể chế và giá FIT

Kinh nghiệm chuyển dịch sang NLTT ở Đức [Kỳ 3]: Thể chế trợ giá thị trường


KỲ 4: NHẬN XÉT VỀ THỂ CHẾ PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO CỦA ĐỨC


PGS, TS. NGUYỄN CẢNH NAM [*]

Cũng như các quốc gia khác, Đức coi trọng việc khai thác và sử dụng tối đa tiềm năng các nguồn năng lượng sẵn có trong nước, đặc biệt trong thời kỳ đầu phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa. Than (nguồn tài nguyên dồi dào của Đức) đã giữ vai trò chính trong cung cấp năng lượng sơ cấp (NLSC) nói chung và trong ngành điện nói riêng. Cho đến nay, mặc dù là nước đi đầu trong phát triển năng lượng tái tạo (NLTT), song than vẫn giữ vị trí quan trọng và chí ít vẫn có mặt trong cán cân năng lượng đến năm 2038 theo tuyên bố của Đức.

Ngay trong phát triển điện NLTT, Đức tận dụng lợi thế nguồn năng lượng gió dồi dào hơn cả. Theo đó, đến năm 2019 tỷ trọng điện gió chiếm tới 56,2% trong tổng sản lượng điện NLTT. Trong quá trình xây dựng và thực hiện thể chế phát triển năng lượng nói chung, Đức luôn lấy điều kiện và thực tiễn trong nước làm nền tảng, cũng như kịp thời phản ứng với các biến động lớn liên quan đến ngành năng lượng trong, ngoài nước, hợp tác chặt chẽ với các thành viên EU và tuân thủ chính sách chung của EU.

Sau bước đi ban đầu trong Luật Hỗ trợ điện liên bang (StrEG) có hiệu lực từ năm 1991 (sửa đổi vào năm 1994 và 1998), Đức khởi động xây dựng thể chế phát triển NLTT với quy định áp dụng giá bán điện NLTT được xác định theo tỷ lệ % giá bán lẻ điện và hỗ trợ các khoản trợ cấp nghiên cứu, phát triển điện NLTT, quốc gia này đã thúc đẩy thể chế phát triển điện NLTT ở quy mô đầy đủ từ khi Luật NLTT (EEG) được ban hành năm 2000 nhằm triển khai hệ thống FIT và thể chế hóa khuôn khổ cho tăng cường đầu tư phát triển điện NLTT. Theo hệ thống FIT, Chính phủ Đức đã thực hiện các hành động lập pháp chi tiết, cụ thể, kịp thời, kiểm soát chặt chẽ phù hợp với sự tiến bộ và phổ biến công nghệ NLTT, điều chỉnh hệ thống giá FIT, tỷ lệ giảm dần giá FIT theo từng nguồn điện NLTT, khung công suất và năm đi vào hoạt động. Cụ thể là:

Thứ nhất: Luật các nguồn NLTT (EEG) ban hành tháng 4/2000, có hiệu lực từ 2001, sửa đổi tháng 7/2002, tháng 7/2003 và tháng 1/2004: Là sự mở rộng của Luật StrEG với quy định thực hiện hệ thống FIT, thời gian mua điện NLTT kéo dài 20 năm và quy định mức trần sản lượng cho từng loại nguồn điện; bổ sung quy định công suất trần cho nghĩa vụ mua điện mặt trời, chế độ ưu đãi cho những người dùng sản lượng lớn.

Thứ hai: Luật EEG2004 được ban hành tháng 8/2004, sửa đổi toàn diện Luật EEG: Giao nghĩa vụ cho các công ty truyền tải, phân phối điện mua điện NLTT và các nhà vận hành lưới, ưu tiên kết nối điện NLTT vào lưới điện, xác lập lại hệ thống giá FIT một cách phù hợp cho từng nguồn điện NLTT, cũng như quy mô công suất (quy định hệ thống giá FIT cho khung công suất điện mặt trời, bãi bỏ mức trần nghĩa vụ mua điện mặt trời).

Thứ ba: Luật EEG2009 được ban hành năm 2009, sửa đổi toàn diện Luật EEG2004: Quy định giá FIT theo từng nguồn điện NLTT, độ dài thời gian áp dụng, tỷ lệ giảm dần giá FIT, cụ thể hóa các điều kiện bán trực tiếp điện NLTT (thống nhất thời kỳ mua điện giá FIT cho tất cả các nguồn điện NLTT là 20 năm, riêng thủy điện lớn 15 năm).

Thứ tư: Luật EEG2012 được ban hành và có hiệu lực tháng 1/2012, sửa đổi toàn diện Luật EEG2009: Quy định tích hợp điện NLTT vào hệ thống cung cấp điện thông qua việc bán điện trực tiếp (chia thành 3 loại) và chế độ bù giá thị trường - market premiums (cố định và trượt) và xem xét lại hệ thống giá FIT.

Thứ năm: Luật EEG2014 được ban hành tháng 8/2014 thay thế Luật EEG2012: Tăng cường tích hợp điện NLTT vào thị trường điện và thúc đẩy bán điện NLTT trực tiếp trên thị trường điện theo hướng chuyển đổi từ chính sách bảo trợ thông qua các điều khoản bồi hoàn FIT sang chính sách mới theo đuổi giao dịch thị trường điện NLTT áp dụng hệ thống bù giá (Feed-in Premium system). Đồng thời, quy định các nhà máy phát điện NLTT bán điện trực tiếp trên thị trường sẽ có trách nhiệm cân bằng cung - cầu, đưa ra chính sách chuyển đổi sang hệ thống xác định trợ cấp thông qua đấu giá, quy định loại bỏ, hoặc giảm phụ phí FIT cho các hộ sử dụng điện lớn và các hộ tiêu dùng tư nhân điện NLTT. Luật EEG2014 đã thúc đẩy nước Đức chuyển đổi từ chính sách bảo trợ cho NLTT sang chính sách mới nhằm khuyến khích tích hợp điện NLTT vào thị trường điện theo môi trường cạnh tranh.

Thứ sáu: Luật EEG2017 được ban hành năm 2017 thay thế Luật EEG2014 với đặc trưng là triển khai thực hiện đầy đủ hệ thống bán đấu giá, đề ra mục tiêu về công suất mới lắp đặt hàng năm của điện gió, điện mặt trời và điện sinh khối, xác lập quy mô công suất đấu giá để bảo đảm công suất lắp đặt thực tế không vượt quá hoặc thấp hơn mục tiêu đề ra.

Như vậy, nước Đức đã kiên trì thực hiện các chính sách chi tiết, cụ thể, kịp thời và kiểm soát chặt chẽ phát triển điện NLTT trong bối cảnh thách thức chuyển đổi năng lượng gay gắt. Đức đã thường xuyên sửa đổi luật NLTT trong quá trình chính sách, xác định cụ thể các mục tiêu phát triển điện NLTT dài hạn và các điều kiện hỗ trợ cho từng nguồn điện NLTT. Bằng cách thiết lập như vậy khung khổ ngay từ ban đầu xây dựng thể chế và tiếp tục điều chỉnh cho phù hợp với những thách thức mới phát sinh, nước Đức đã phát triển một cách ngoạn mục điện NLTT. Được hậu thuẫn bởi các sáng kiến trong nước và bên ngoài, nước Đức đang đạt được sự chuyển đổi sang xã hội, trong đó NLTT phát triển rộng rãi.

Tuy nhiên, việc tham khảo kinh nghiệm của Đức cần phải chú ý các đặc điểm sau đây để “liệu cơm, gắp mắm”:

(1) Đức là một nước công nghiệp phát triển, có trình độ khoa học công nghệ cao và kinh tế vào loại siêu giàu (GDP đầu người năm 2017 là 44.184 USD/người), tự chế tạo được nhiều phương tiện, thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất điện, kể cả điện NLTT và chịu được giá điện cao (33 Cent/kWh vào năm 2018).

(2) Đức có vị thế quan trọng trong khu vực, EU và trên thế giới trên mọi mặt: Kinh tế, thương mại, chính trị, nhất là lưới điện kết nối với các nước xung quanh và cơ sở hạ tầng xuất nhập khẩu năng lượng, nhờ đó khi điện NLTT thừa thì xuất khẩu, khi thiếu điện thì nhập khẩu từ ngoài vào.

Chẳng hạn, theo Hãng tin dw.de, một thỏa thuận về việc đầu tư 1,5 ÷ 2 tỷ Euro để xây dựng một đường dây tải điện cao thế, công suất 1.400 MW dài 623 km dưới Biển Bắc được ký vào ngày 10/2/2015 tại Thành phố Haugesund của Na Uy nhằm tạo cơ hội cho việc phát triển năng lượng tái tạo của Đức. Đường dây tải điện này cho phép Đức có thể nhận được điện từ các nhà máy thủy điện của Na Uy và chuyển điện gió dư thừa từ Đức sang Na Uy khi cần thiết. Đường dây tải điện này nối các Thị trấn Wilster của Đức với Tonstad của Na Uy, đáp ứng 3% nhu cầu điện ở Đức và cung cấp điện ổn định cho khoảng 600 nghìn hộ gia đình Đức.

Các nhà báo đã đưa ra ẩn dụ: Na Uy sẽ trở thành “cục pin” không thể thiếu của Đức [7]. Hoặc do Đức nói riêng và châu Âu nói chung có hệ thống lưới điện liên kết chung giữa các nước, nên Đức đã bán phần dư thừa công suất trong từng thời điểm của điện gió, điện mặt trời trong năm cho các nước xung quanh để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng xanh, đồng thời mua lại phần công suất thiếu hụt từ một số nước để đảm bảo ổn định hệ thống điện mà không phải thay đổi công suất phát của các nguồn truyền thống.

Ví dụ, từ năm 2016 đến tháng 9/2018 Đức xuất khẩu sản lượng điện gió, điện mặt trời khi dư thừa và nhập khẩu về khi thiếu như sau (GWh): 2016: 63,895 và 14,737; 2017: 68,454 và 15,615; 9 tháng 2018: 48,626 và 15,227 [8].

(3) Cung cầu năng lượng và điện của Đức vào thời kỳ bão hòa trên 10 năm nay nên quy mô nguồn cung chủ yếu đi ngang (thay vì leo dốc - tức phát triển tăng thêm) chỉ việc lựa chọn nguồn năng lượng sạch hơn thay thế dần than, còn phía cầu thì tăng cường sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng, nhất là trong bối cảnh giá điện cao.

Như vậy, Đức cũng giống như nhiều nước công nghiệp phát triển khác đi đến xã hội phát triển các bon thấp trải qua 2 giai đoạn:

(i) Giai đoạn đi lên xã hội phát triển (giàu) với mức phát thải CO2 quá cao do phát triển ngành năng lượng - điện dựa vào nguồn năng lượng hóa thạch, nhất là than khai thác trong nước là chủ đạo để đáp ứng nhu cầu.

(ii) Giai đoạn 2 chuyển dịch từ xã hội phát triển các bon cao sang xã hội phát triển các bon thấp thông qua chuyển dịch cơ cấu năng lượng chủ yếu dựa trên năng lượng hóa thạch, đặc biệt là than sang chủ yếu dựa trên NLTT.

(4) Để phát triển điện NLTT và vận hành hệ thống điện an toàn vẫn phải cần nguồn điện truyền thống đi cùng dự phòng như điện khí, điện than, điện hạt nhân, tạo thành gần như hệ thống điện “kép” về mặt công suất, chứ nguồn điện NLTT không thể đứng một mình.

Ví dụ, năm 2018, tại Đức các nguồn điện có công suất ổn định (nhiệt điện than, khí, Biomas, điện hạt nhân và thủy điện) chiếm 47,68 % tổng công suất đặt nhưng cung cấp đến 71,6% sản lượng điện năm. Còn điện gió và điện mặt trời chiếm tỷ trọng 50,16% tổng công suất đặt chỉ cung cấp 27 - 28% điện năng năm.

Kỳ tới: Những điều tham khảo cho Việt Nam từ kinh nghiệm của Đức

[*] HỘI ĐỒNG KHOA HỌC TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM; KHOA QUẢN LÝ CÔNG NGHIỆP VÀ NĂNG LƯỢNG - EPU

Tài liệu tham khảo:

[1] BP Statistical Review of World Energy, 2020, 2016, 2011, 2002.

[2] Niên giám thống kê Việt Nam 2019, 2012.

[3] Akiko Sasakawa: Transition to Renewable Energy Society in Germany and United Kingdom: Historical Paths to FIP and CfD Introduction and Implications for Japan. IEEJ: April 2021 ©IEEJ2021.

[4] “OPEC: World proven crude oil reserves by country, 1960-2011”.

[5] https://www.globalpetrolprices.com/electricity_prices/

[6] World Economic Outlook Database-October 2017Quỹ Tiền tệ Quốc tế, accessed on 18 January 2018.

[7] Nguyễn Thành Sơn: Thủy điện trong chính sách phát triển kinh tế, xã hội ở Na Uy - 10:57 |04/12/2020 .

[8] Lã Hồng Kỳ - Đỗ Thị Minh Ngọc: ĐỀ XUẤT ĐỊNH HƯỚNG CƠ CẤU NGUỒN ĐIỆN CHO QUY HOẠCH VIII. NLVN online 11:17 |24/09/2018.

 

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động