Bối cảnh toàn cầu và vấn đề đặt ra với ngành Dầu khí Việt Nam [Kỳ cuối]
06:44 | 04/05/2018
Bối cảnh toàn cầu và vấn đề đặt ra với ngành Dầu khí Việt Nam [Kỳ 1]
KỲ CUỐI: THỜI CƠ, THÁCH THỨC VÀ GIẢI PHÁP
PGS, TS. TRẦN KIM CHUNG VÀ NGHIÊN CỨU VIÊN ĐÀO TÙNG ANH
VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG
Những thuận lợi, thách thức của ngành dầu khí trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu
Thuận lợi
Một là, ngành Dầu khí Việt Nam có cơ hội thu hút nhà đầu tư chiến lược và tham gia các dự án quốc tế có liên quan đến ngành dầu khí. Thông qua việc mở rộng quan hệ hợp tác, đối ngoại, ngành dầu khí có cơ hội thu hút nhà đầu tư nước ngoài lớn vào ngành. PVN đã ký 49 thỏa thuận hợp tác đầu tư với các nước trên thế giới, trên cơ sở đó đã ký kết và đang triển khai thực hiện 22 hợp đồng tại 13 nước. Hiện tại PVN có gần 40 dự án xúc tiến đầu tư trong 5 lĩnh vực cốt lõi của ngành dầu khí, trong số đó đặc biệt chú trọng đến một số dự án trọng điểm kêu gọi đầu tư từ châu Âu và Nhật Bản.
Hai là, ngành dầu khí có cơ hội đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, với mức giá phù hợp. Như đã trình bày ở kỳ trước, ngành Dầu khí Việt Nam hiện phụ thuộc vào 3 thị trường xuất khẩu chính là Trung Quốc, Nhật Bản và Singapore. Trong đó, thị trường Trung Quốc hiện chiếm khoảng 46% kim ngạch xuất khẩu dầu khí của Việt Nam (dầu thô). Tuy nhiên, mức giá xuất khẩu sang thị trường này hiện được đánh giá là thấp hơn so với mức giá xuất khẩu sang các thị trường khác (theo số liệu của Tổng cục Hải quan). Điều này đòi hỏi ngành dầu khí cần đa dạng hóa hơn nữa thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc vào một thị trường nhất định.
Ba là, thu hút các công nghệ mới vào ngành. Khoa học công nghệ ngày càng phát triển tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khai thác dầu khí tại Việt Nam có cơ hội tiếp cận và tiến hành xử lý quá trình khai thác, chế biến dầu mỏ dễ dàng và thuận tiện hơn, tiến tới làm chủ công nghệ khai thác dầu khí. Thông qua việc hợp tác với Chính phủ các nước, ngành dầu khí có cơ hội được chuyển giao công nghệ mới, nâng cao hiệu quả khai thác và chế biến các sản phẩm dầu khí.
Thách thức
Thứ nhất, áp lực đổi mới mô hình quản trị nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh. Hiện nay, mô hình quản trị của PVN đang cho thấy một số bất cập, chưa bám sát với khung quản trị theo các thông lệ quốc tế tốt. Mô hình quản lý hiện tại đang cho thấy mâu thuẫn về cơ chế hoạt động giữa tập trung, tích tụ (PVN/công ty mẹ) và phân tán trong quản lý điều hành và vốn (công ty con thường là công ty cổ phần).
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Công ty mẹ - công ty một thành viên sở hữu nhà nước) là cơ quan có tư cách pháp nhân chịu trách nhiệm về hiệu quả sản xuất kinh doanh toàn Tập đoàn nhưng chỉ là cơ quan với bộ máy làm quản lý, còn hoạt động sản xuất kinh doanh thực sự nằm ở các tổng công ty thành viên - công ty con. Hiệu quả sản xuất kinh doanh toàn Tập đoàn thực chất được quyết định bởi hiệu quả quản lý và quản trị, tổ chức điều hành sản xuất kinh doanh ở các công ty con.
Các tổng công ty/công ty con là các đơn vị chịu trách nhiệm trong một lĩnh vực công nghệ đặc thù (được thành lập là để thực hiện một nhiệm vụ cụ thể trong chuỗi công nghệ dầu khí). Nhưng do tính chất sở hữu và mối quan hệ theo cơ chế thị trường thông qua đấu thầu (Luật Doanh nghiệp), nên hạn chế lớn việc sử dụng năng lực tích hợp giữa các đơn vị thành viên, thể hiện rõ nhất trong xây lắp công trình dầu khí (7).
Thứ hai, áp lực về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. So với ngành dầu khí ở các nước phát triển thường có tỷ lệ người lao động qua đào tạo đạt 100%, số lượng lao động trình độ cao đẳng, đại học, sau đại học đạt từ 72% trở lên thì ở Việt Nam con số này còn tương đối thấp, chỉ mới đạt 53%.
Một số giải pháp
1/ Đổi mới mô hình quản trị và nâng cao hiệu quả hoạt động của PVN.
Cần có khung pháp lý riêng cho PVN bao trùm toàn bộ chuỗi công nghệ cốt lõi để Tập đoàn này có thể tích tụ vốn thực sự, phát triển đa ngành và đa dạng hóa các sản phẩm có giá trị gia tăng lớn và nâng cao tính tự chủ. Khung pháp lý phải tạo điều kiện cho sự liên thông sử dụng các sản phẩm và dịch vụ của nhau, cần có cơ chế tạo điều kiện sử dụng vốn nhàn rỗi để mở rộng đầu tư vào các lĩnh vực tạo sản phẩm mang hiệu quả kinh tế trên nguyên tắc hiệu quả, phát huy tối đa nội lực và tận dụng các mặt tích cực của hội nhập quốc tế.
Trong tái cấu trúc PVN để tăng tích tụ, quy mô tài sản và lượng vốn hóa, tạo sức cạnh tranh lớn khi hội nhập quốc tế, chất lượng quản lý và quản trị doanh nghiệp, cần xem xét khả năng cổ phần hóa ở quy mô toàn Tập đoàn, đồng thời tăng vốn sở hữu và quyền chi phối của công ty mẹ ở các công ty con, thay vì cổ phần hóa tối đa các công ty con và nhà nước nắm quyền sở hữu công ty mẹ.
2/ Khai thác - chế biến dầu khí.
Không tiếp tục cho xây dựng các dự án lọc hoá dầu ở Việt Nam. Công nghệ khai thác dầu khí trên Biển Đông ngày càng phải xa bờ. Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật của thị trường xăng dầu. Nâng cao năng lực tiếp nhận của các cảng nhập khẩu xăng dầu; mở rộng hệ thống kho chứa; bổ sung phương tiện vận tải chuyên dụng; tăng cường đầu tư cho khâu phòng chống cháy, nổ và đảm bảo an toàn trong vận chuyển, lưu trữ, sử dụng xăng, dầu, khí.
PVN cần tập trung bảo đảm tiến độ các dự án phát triển mỏ, sớm đưa vào khai thác để có doanh thu, lợi nhuận để đẩy mạnh đầu tư các dự án mới về tìm kiếm thăm dò và ưu tiên mua những mỏ đã có sản lượng khai thác và trữ lượng. Định hướng trong trung và dài hạn là tiếp tục theo đuổi các cơ hội dầu khí truyền thống, đầu tư vào các nguồn tài nguyên phi truyền thống và trở thành tập đoàn năng lượng tích hợp trên cơ sở phát huy các sở trường về dầu khí.
3/ Phát triển nguồn nhân lực.
Tiến hành cử các cán bộ đi học tập và trao đổi kinh nghiệm với nước ngoài nhằm học hỏi và nâng cao kiến thức về công nghệ lọc hoá dầu. Thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm về khai thác, sản xuất dầu khí. Từ đó, tiến tới làm chủ hoàn toàn các công nghệ tiên tiến của thế giới trong điều tra, khảo sát, thăm dò và khai thác dầu khí ngoài vùng nước sâu.
4/ Khai thác tài nguyên song vẫn phải đi kèm với bảo vệ môi trường.
Nguồn tài nguyên dầu khí có sẵn khai thác liên tục trong vòng 20 - 30 năm sẽ dần cạn kiệt, đòi hỏi phải đầu tư thêm các giải pháp công nghệ để tận khai thác (tận thu hồi dầu). Do đó, mỗi công ty cần tính toán, xây dựng phương án khai thác tối ưu, thực hiện khai thác, xử lý lọc - hoá dầu hiệu quả, hạn chế tối đa ảnh hưởng xấu tới môi trường. Nhà nước cũng cần có những quy định và biện pháp xử phạt chặt chẽ đối với các hoạt động khai thác dầu khí nói riêng và khai thác tài nguyên thiên nhiên nói chung.
Tóm lại
Bối cảnh cạnh tranh quốc tế hiện nay mang lại cơ hội cho ngành dầu khí trong thu hút nhà đầu tư chiến lược, hấp thu công nghệ hiện đại và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Song bối cảnh này cũng đặt ra thách thức cho ngành Dầu khí Việt Nam trong việc đổi mới mô hình quản trị công ty, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Bài viết xác định 4 nhóm giải pháp cần tập trung thực hiện trong thời gian tới, liên quan đến nâng cao hiệu quả quản trị cho PVN, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đổi mới hoạt động khai thác và gắn khai thác dầu khí với việc bảo vệ môi trường.
Ghi chú:
(7). Ngô Thường San (2017). Dầu khí Việt Nam: Hiện trạng và thách thức phát triển.
Tài liệu tham khảo
- Brexit - Sự kết thúc của toàn cầu hóa?.http://baoquocte.vn/brexit-su-ket-thuc-cua-toan-cau-hoa-32178.html
- Ngô Thường San (2017). Dầu khí Việt Nam: Hiện trạng và thách thức phát triển
- Nguyễn Nam Dương, 2014, Quan hệ các nước lớn: Tương phản và hoà hợp
- Số liệu của Tổng cục Hải quan.
- Toàn cầu hóa vẫn là xu thế tất yếu. http://-thutuong.-chinhphu.-vn/-Home/-Toan-cau-hoa-van-la-xu-the-tat-yeu/20176/26681.vgp
TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM