Bối cảnh toàn cầu và vấn đề đặt ra với ngành Dầu khí Việt Nam [Kỳ 1]
09:19 | 27/04/2018
Đông Nam Á đối phó giá dầu thấp và kiến nghị cho trường hợp Việt Nam
Dầu khí Việt Nam trước thách thức chưa từng có trong lịch sử
Bức tranh dầu khí toàn cầu trong bối cảnh hiện nay [3]
PGS, TS. TRẦN KIM CHUNG (1); ĐÀO TÙNG ANH (2)
PHẦN 1. BỐI CẢNH CẠNH TRANH TOÀN CẦU VÀ THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN NGÀNH DẦU KHÍ VIỆT NAM
Bối cảnh dầu khí toàn cầu
Bối cảnh cạnh tranh toàn cầu hiện đang có nhiều mâu thuẫn.
Một là: Mâu thuẫn giữa mở cửa, hội nhập và chủ nghĩa bảo hộ. Toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế vẫn là xu hướng chính trong quan hệ kinh tế giữa các quốc gia, đặc biệt là với các quốc gia châu Á.
Với trên 150 hiệp định thương mại tự do và khu vực, chiếm 58% tổng số hiệp định của thế giới, châu Á đi đầu về hợp tác, hội nhập quốc tế. Đặc biệt, tuyến đường biển quốc tế lưu chuyển khối lượng hàng hóa 5.000 tỷ USD hàng năm, kết nối châu Á với châu Âu và toàn thế giới (3).
Tuy nhiên, chủ nghĩa bảo hộ đã xuất hiện và phát triển ở một số quốc gia được coi là dẫn đầu trong xu hướng toàn cầu hóa như Hoa Kỳ và Anh. Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã ban hành nhiều chính sách để bảo hộ thương mại như rút khỏi Hiệp định TPP, chuẩn bị đàm phán lại Hiệp định NAFTA và hạn chế nhập cư. Sự kiện Brexit cũng được xem là một rào cản đối với tiến trình tự do hóa, góp phần đẩy nhanh quá trình trỗi dậy của quan điểm chính trị dân túy, phản đối tự do thương mại tại các nước châu Âu cũng như trên thế giới (4).
Hai là: Mâu thuẫn giữa hợp tác phát triển kinh tế với cạnh tranh về vị thế chính trị. Các quốc gia một mặt tăng cường hợp tác phát triển kinh tế, mặt khác có động thái gia tăng sức ảnh hưởng chính trị như vấn đề giữa Nga với Hoa Kỳ và EU, Quata với các quốc gia khác trong khối AUE. Mâu thuẫn này tạo ra các xu hướng chính sách khác nhau giữa các quốc gia trong từng thời kỳ.
Ba là: Mâu thuẫn giữa cạnh tranh và liên kết. Các quan điểm truyền thống, chân phương về cạnh tranh đang dần bị thay thế bằng những quan hệ hợp tác - cạnh tranh phức tạp và đa chiều. Trong mối quan hệ hợp tác quốc tế giữa các nước, các nước lớn có xu hướng tập trung điều chỉnh cơ cấu kinh tế và mô hình tăng trưởng theo hướng chú trọng vào tình hình nội tại, hướng tới phát triển bền vững, đồng thời ưu tiên xử lý các vấn đề chính trị trong nước. Do đó các nước lớn có nhu cầu duy trì môi trường bên ngoài thuận lợi, tạo dựng khuôn khổ quan hệ lâu dài, từ đó tạo nên xu thế chung là hòa hoãn và hợp tác giữa các nước lớn trên nhiều vấn đề có lợi ích chung, mặc dù vẫn tiếp tục duy trì sự cạnh tranh về chiến lược (5).
Thực trạng phát triển ngành dầu khí tại Việt Nam
Kể từ khi lần đầu tiên được khai thác vào năm 1986 tại mỏ Bạch Hổ, trải qua ba thập kỷ, đến nay Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đã có bước phát triển quan trọng, khẳng định vai trò của mình trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Cùng với các công ty thành viên, PVN hàng năm đóng góp 25 - 30% tổng thu ngân sách nhà nước, chiếm 16 - 18% GDP của cả nước.
Hình 1: Các công ty thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam
Nguồn: CIEM (2017).
Thực trạng phát triển ngành Dầu khí Việt Nam trong thời gian qua có một số đặc điểm sau:
Thứ nhất: Sản lượng khai thác dầu thô luôn đảm bảo thực hiện đúng kế hoạch đề ra, hỗ trợ tốt cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế của Nhà nước và bám sát với tình hình diễn biến giá dầu khu vực và thế giới. Hiện nay, cả nước có 12 doanh nghiệp khai thác dầu khí, trong đó có 9 doanh nghiệp khai thác dầu thô và chỉ có 3 doanh nghiệp khai thác khí tự nhiên.
Sản lượng khai thác dầu khí của Việt Nam từ năm 2006 đến nay quanh mức 300-350 nghìn thùng/ngày. Việc khai thác dầu khí cơ bản đạt hoặc vượt kế hoạch đề ra hàng năm. Từ năm 2014 đến nay, sản lượng khai thác dầu khí của Việt Nam có xu hướng giảm, nguyên nhân là do sự suy giảm giá dầu khu vực và thế giới.
Hình 1: Sản lượng khai thác dầu khí tại Việt Nam (6)
Nguồn: BP Global.
Thứ hai: Trong nước đã bắt đầu sản xuất sản phẩm tinh chế từ dầu thô, tuy nhiên, quy mô nhỏ, chưa đáng kể. Lĩnh vực chế biến dầu khí tại Việt Nam mới được hình thành và phát triển trong khoảng 10 năm trở lại đây, bắt đầu với Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (chính thức vận hành thương mại từ 30/05/2010) với công suất đáp ứng khoảng 30% nhu cầu xăng dầu trong nước.
Bảng 2: Một số chỉ tiêu về sản phẩm sản xuất từ dầu khí của PVN
Các sản phẩm | Đơn vị tính | 2013 | 2014 | 2015 | 2016 | 2017 (ước tính) |
Urea | Nghìn tần | 1.602,2 | 1.656,2 | 1.683,5 | 1.622,2 | 1.521,0 |
Điện | Tỷ kWh | 16,17 | 16,69 | 21,98 | 21,13 | 20,10 |
Sản phẩm xăng dầu | Nghìn tấn | 6.603,2 | 5.736,0 | 6.911,4 | 6.864,4 | 6,798,0 |
Xơ sợi các loại | Nghìn tấn | 4,4 | 51,7 | 61,10 | 166,0 | 207,0 |
Nguồn: Báo cáo đánh giá về kết quả sản xuất kinh doanh hàng năm và 3 năm gần nhất 2016, 2017, PVN.
Thứ ba: Năng lực cạnh tranh của ngành Dầu khí Việt Nam còn hạn chế. Hiện nay, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sản phẩm dầu khí thô và nhập khẩu sản phẩm dầu khí chế biến sâu. Xuất khẩu dầu thô hiện chiếm khoảng 77,2% giá trị kim ngạch xuất khẩu dầu khí, trong khi chỉ chiếm khoảng 4% tổng kim ngạch nhập khẩu dầu khí của Việt Nam.
Hình 2: Cơ cấu xuất nhập khẩu xăng dầu tại Việt Nam 2010 - 2016
Nguồn: Tổng cục Hải quan.
Bảng 3: Cơ cấu nhập khẩu dầu thô và xăng dầu các loại của Việt Nam giai đoạn 2010 - 2016 (nghìn tấn)
2010 | 2011 | 2012 | 2013 | 2014 | 2015 | 2016 | |
Dầu thô | 0,49 | 0,63 | 0,73 | 1,29 | 0,7 | 0,18 | 0,44 |
Xăng dầu các loại | 9,58 | 10,68 | 9,2 | 7,36 | 8,46 | 10,05 | 11,75 |
- Xăng | 1,99 | 2,91 | 2,81 | 2,32 | 2,44 | 2,68 | 2,5 |
- Diesel | 4,94 | 5,33 | 4,56 | 3,16 | 4,11 | 5,21 | 6,72 |
- Mazut | 1,78 | 1,47 | 0,82 | 0,66 | 0,68 | 0,71 | 0,89 |
- Nhiên liệu bay | 0,83 | 0,95 | 0,98 | 1,2 | 1,21 | 1,4 | 1,54 |
- Dầu hoả | 0,032 | 0,02 | 0,03 | - | - | - | - |
- Khí đốt hoá lỏng | 0,7 | 0,75 | 0,66 | 0,7 | 0,93 | 1,08 | 1,23 |
Nguồn: Tổng cục Hải quan.
Kim ngạch xuất nhập khẩu dầu mỏ và các sản phẩm từ dầu mỏ tại Việt Nam trong vòng 5 năm trở lại đây có xu hướng giảm. Kim ngạch nhập khẩu cao hơn kim ngạch xuất khẩu do Việt Nam vẫn phải xuất khẩu dầu thô với giá thấp và nhập khẩu thành phẩm từ dầu mỏ với giá cao. Nhìn chung thị trường xăng dầu Việt Nam vẫn phụ thuộc phần lớn vào nhập khẩu, nhất là trong bối cảnh Việt Nam chưa thể xây dựng một ngành lọc dầu, hóa dầu đúng tiềm năng.
Hình 3: Kim ngạch XNK dầu mỏ và các sản phẩm từ dầu mỏ (tỷ USD)
Nguồn: Tổng cục Hải quan.
Thứ tư: Thị trường xuất khẩu xăng dầu tại Việt Nam dần đa dạng hoá. Trung Quốc, Nhật Bản và Singapore vẫn là thị trường dầu thô chính của Việt Nam. Tuy nhiên, thị trường xuất khẩu đang dần được đa dạng hóa. Đến nay đã có hơn 50 đối tác mua - bán dầu thô trong và ngoài nước, bao gồm: Exxon Mobil, Shell, BP, Total… Các công ty dầu quốc gia như: SOCAR (Azerbaijan), Petronas (Malaysia), Petrobras (Brazil), PTT (Thái Lan), SK (Hàn Quốc), BSP (Brunei)… Hay các công ty thương mại lớn như: Glencore, Vitol, Gunvor, Mitsubishi, Sumitomo… Hiện PV OIL xuất bán bình quân trên 200 chuyến dầu/năm (4 ÷ 5 chuyến/tuần).
Kỳ tới: Những thuận lợi, thách thức trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu và giải pháp
Ghi chú:
(1). PGS. TS Trần Kim Chung - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.
(2). Cử nhân Đào Xuân Tùng Anh - Nghiên cứu viên, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.
(3). Toàn cầu hóa vẫn là xu thế tất yếu. http://thutuong.chinhphu.vn/Home/Toan-cau-hoa-van-la-xu-the-tat-yeu/20176/26681.vgp
(4). Brexit - Sự kết thúc của toàn cầu hóa?. http://baoquocte.vn/brexit-su-ket-thuc-cua-toan-cau-hoa-32178.html
(5). Nguyễn Nam Dương, 2014, Quan hệ các nước lớn: Tương phản và hoà hợp.
(6). Bao gồm dầu thô, dầu khí đá phiến, cát dầu và khí hoá lỏng.
Tài liệu tham khảo:
- Brexit - Sự kết thúc của toàn cầu hóa?. http://baoquocte.vn/brexit-su-ket-thuc-cua-toan-cau-hoa-32178.html
- Ngô Thường San (2017). Dầu khí Việt Nam: Hiện trạng và thách thức phát triển
- Nguyễn Nam Dương, 2014, Quan hệ các nước lớn: Tương phản và hoà hợp
- Số liệu của Tổng cục Hải quan.
-Toàn cầu hóa vẫn là xu thế tất yếu. http://-thutuong.-chinhphu.-vn/-Home/-Toan-cau-hoa-van-la-xu-the-tat-yeu/20176/26681.vgp
Tài liệu tham khảo:
- Brexit - Sự kết thúc của toàn cầu hóa?. http://baoquocte.vn/brexit-su-ket-thuc-cua-toan-cau-hoa-32178.html
- Ngô Thường San (2017). Dầu khí Việt Nam: Hiện trạng và thách thức phát triển
- Nguyễn Nam Dương, 2014, Quan hệ các nước lớn: Tương phản và hoà hợp
- Số liệu của Tổng cục Hải quan.
-Toàn cầu hóa vẫn là xu thế tất yếu. http://-thutuong.-chinhphu.-vn/-Home/-Toan-cau-hoa-van-la-xu-the-tat-yeu/20176/26681.vgp
TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM