RSS Feed for Quốc gia nào quyết định giá dầu trong ngắn hạn? | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 29/03/2024 20:29
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Quốc gia nào quyết định giá dầu trong ngắn hạn?

 - Không phải Iran hay Saudi Arabia, hai nước thành viên khác đang gặp nhiều bất ổn của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) là Nigeria và Libya sẽ đóng vai trò quyết định liệu giá dầu có đạt ngưỡng 100 USD/thùng hay không.

Giá năng lượng tăng lên là mối nguy lớn không chỉ của Hoa Kỳ

Báo Tin tức dẫn nguồn tin từ kênh CNBC cho biết, Mỹ phụ thuộc vào Saudi Arabia, Nga và nhiều quốc gia khác để ổn định nguồn cung thị trường và hạn chế giá dầu tăng. Trong thời gian gần đây, giá dầu đã chạm ngưỡng cao nhất trong 4 năm ở mức 86 USD/thùng.

Trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ "bóp nghẹt" hoạt động xuất khẩu dầu của Iran và Saudi Arabia cần phải tăng đột biến sản lượng khai thác để bù lại khoản sụt giảm. Do vậy, nhiều nhà phân tích đã để mắt tới Nigeria và Libya, hai quốc gia đang hướng tới các cuộc bầu cử đầy gay cấn và cũng là những nước có nguồn cung dầu mỏ trồi sụt các năm gần đây.

Tại quốc gia khai thác dầu mỏ lớn nhất châu Phi Nigeria, sự thay đổi trong ban lãnh đạo đe dọa sẽ gây bất ổn đối với thỏa hiệp hiện nay giữa chính phủ và nhóm phiến quân Niger Delta Avengers (NDA). Ngoài ra, nạn trộm cắp dầu vẫn tràn lan tại khu vực Đồng bằng Niger của nước này. Ngay trong tháng 10/2018, một đường ống dẫn phát nổ đã khiến hàng chục người thiệt mạng.

Ngân hàng Barclays cho rằng, nếu chính khách đối lập vượt qua Tổng thống Muhammadu Buhari trong cuộc bầu cử vào tháng 2/2019 tới, phiến quân có thể trỗi dậy tấn công các cơ sở hạ tầng khai thác dầu mỏ. Điều này từng xảy ra vào đầu năm 2016 khiến sản lượng của Nigeria giảm 400.000 thùng/ngày.

Còn tại Libya, người ta cũng không rõ cuộc bầu cử sắp tới có giải quyết được thế đối đầu kéo dài hơn 4 năm qua giữa các chính quyền đối địch ở Libya hay không, vấn đề gây gián đoạn hoạt động xuất khẩu dầu thô của quốc gia Bắc Phi này.

Nhiều nhà quan sát lo sợ cuộc bầu cử tổng thống và Quốc hội Libya không được như mong đợi mà còn gây biến động tại đây. Các chính quyền đối địch tại miền Tây và miền Đông Libya chưa tìm được tiếng nói chung đối với bản Hiến pháp mới, do vậy cuộc bầu cử lên lịch trong ngày 10/12 tới có nguy cơ bị trì hoãn sang năm 2019.

Tuy nhiên, tình hình khai thác dầu tại Libya lại khá khả quan. Chỉ tính riêng trong tháng 9/2018, đã tăng hơn 100.000 thùng/ngày. Nhà phân tích Hamish Kinnear tại Công ty tư vấn Verisk Maplecroft (Anh) cho rằng, tuy xung đột không gây tác động mạnh tới khai thác dầu tại Libya trong bất ổn an ninh lại tạo nguy cơ lớn trong 6 tháng tới.

Bà Helima Croft tại ngân hàng đầu tư RBC Capital Markets (Canada) nhận định rằng tình hình tại hai quốc gia này có thể đóng vai trò lớn trong việc quyết định giá dầu. RBC cảnh báo bầu cử tại Nigeria và Libya có thể kéo theo bất ổn và khiến thị trường "bốc hơi" 500.000 thùng dầu/ngày.

Tuy số dầu này chỉ tương đương bằng 0,5% nhu cầu hàng ngày toàn cầu nhưng việc gián đoạn có thể gây ảnh hưởng bởi viễn cảnh trong những tháng tới cả Iran cũng không xuất khẩu gần 1 triệu thùng/ngày.

Do cảnh báo trừng phạt từ chính quyền Tổng thống Trump, xuất khẩu dầu của Iran đã "co lại" bởi nhiều nơi cắt giảm mua dầu từ quốc gia Trung Đông này.

Bà Croft nêu rõ: "Nếu Venezuela tiếp tục giảm sản lượng, Iran ngưng cung cấp 1 triệu thùng ra thị trường thì chúng ta không thể để mất thêm các nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn khác". Khi đó, giá dầu thế giới có thể tăng phi mã và mức giá 100 USD/thùng hoàn toàn có khả năng xảy ra.

NGUỒN: TTXVN/CNBC

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động