RSS Feed for Vai trò Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong phát triển điện tái tạo | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 19/03/2024 11:52
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Vai trò Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong phát triển điện tái tạo

 - Những năm tới đây, do nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam tiếp tục đối mặt với nguy cơ thiếu điện, cung không đủ cầu, nhưng lại đang đặt ra yêu cầu cấp bách đó là phải thay thế dần nhiệt điện than bằng các nguồn năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường, nhưng lại thiếu vốn, giá thành cao. Vậy, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) có vai trò như thế nào trong việc giải bài toán này?

Vì sao các công ty dầu khí cần xem xét lại mô hình hoạt động cơ bản?
Dầu khí trong tương lai năng lượng Việt Nam
Định hướng phát triển bền vững ngành công nghiệp khí Việt Nam
Vai trò của dầu khí trong cơ cấu năng lượng thế giới

 


 


TS. LÊ VĂN HẢI - ĐẠI HỌC NGÂN HÀNG TP. HỒ CHÍ MINH

 

Vai trò của PVN trong bảo đảm năng lượng điện (giai đoạn đến năm 2025)

Tại báo cáo tình hình thực hiện các dự án điện trong Quy hoạch điện VII (điều chỉnh), Bộ Công Thương dự báo sản lượng điện thương phẩm đến năm 2020 theo các phương án cơ sở là 235 tỷ kWh và phương án cao là 245 tỷ kWh. Các năm 2019 - 2020 dự kiến đưa vào vận hành khoảng 6.900 MW, trong đó các nhà máy điện than là 2.488 MW, thuỷ điện đạt 592 MW. Tuy nhiên, theo đánh giá mới nhất, năm 2019 và 2020 chỉ có thể đưa vào vận hành 2.450 MW nhiệt điện than và 290 MW thủy điện. Các dự án nguồn điện từ năng lượng tái tạo đang được phát triển mạnh mẽ sau khi có các cơ chế khuyến khích. Tính đến tháng 6/2019 đã có trên 4.400 MW điện mặt trời được đưa vào vận hành, tuy nhiên công suất huy động bị hạn chế do lưới truyền tải không đủ khả năng hấp thụ lượng công suất lớn tập trung tại các tỉnh Ninh Thuận, Ninh Thuận Đăk Lăk... Khả năng thiếu hụt điện năng có thể xảy ra do hệ thống điện đã không còn đủ dự phòng, mặc dù đã tính đến phát điện bằng các nguồn điện chạy dầu đắt tiền. 

Giai đoạn 2021-2025 mỗi năm cần bổ sung khoảng 26,5 tỷ kWh, công suất cần đưa vào mỗi năm 4.500 - 5000 MW nguồn nhiệt điện hoặc 14,000 - 16.000 MW công suất nguồn năng lượng tái tạo. 

Để có thêm nguồn điện giai đoạn đến 2025, cần tính đến việc khai thác thêm các mỏ khu vực Tây Nam bộ để bổ sung khí cho cụm Nhiệt điện Cà Mau, đồng thời lựa chọn phương án nhập khẩu khí cho khu vực Tây Nam bộ. Đẩy tiến độ của mỏ khí Cá Voi Xanh và cụm Nhiệt điện miền Trung vào năm 2023 - 2024.

Như vậy, với giải pháp này, vai trò của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) là rất lớn.

Vai trò PVN trong phát triển năng lượng tái tạo

Chính phủ Việt Nam đang có nhiều chính sách, thực thi và hoạch định chiến lược để ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Việt Nam có thể xây dựng một chiến lược về chuyển đổi năng lượng và có chiến lược phù hợp với bối cảnh của nền kinh tế. Chuyển dịch cơ cấu năng lượng cần có một cơ cấu hỗn hợp về năng lượng, điện khí (với nòng cốt là PVN), năng lượng tái tạo cũng như sử dụng năng lượng hiệu quả. Được biết, hiện nay EU đang có khoản tài trợ trị giá khoảng 270 triệu USD không hoàn lại cho Chính phủ Việt Nam về phát triển năng lượng tái tạo. Khoản tài trợ đang thực hiện theo hướng hỗ trợ Việt Nam chuyển dịch cơ cấu năng lượng hiệu quả, phát triển năng lượng sạch không gây ô nhiễm môi trường.

Chính phủ Việt Nam cần có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ hiện thực hóa đầu tư của khu vực tư nhân vào lĩnh vực năng lượng, thu hút các doanh nghiệp cả trong và ngoài nước đầu tư vốn vào phát triển năng lượng điện không gây ô nhiễm môi trường, phát triển các nhà máy điện sử dụng năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, hoàn thiện cơ chế thị trường giá điện, năng lực lưới điện, tăng vai trò của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trên thị trường năng lượng. Cần định hình cụ thể một chiến lược an ninh năng lượng cho Việt Nam trong bối cảnh BĐKH.

Theo đó, Chính phủ Việt Nam cần có cơ chế mạnh hơn nữa để thúc đẩy vai trò của năng lượng tái tạo, cùng với đó là việc thực thi nghiêm túc chính sách về sử dụng năng lượng hiệu quả để giải quyết bài toán bảo đảm an ninh năng lượng cho Việt Nam trong dài hạn, có lộ trình đóng cửa các nhà máy nhiệt điện than sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường.

Đối với nguồn cung năng lượng, Chính phủ cần phải đa dạng hóa, nhấn mạnh giải pháp sử dụng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) nhập khẩu cho các dự án điện trong thời gian tới, phát huy vai trò của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong vấn đề này. Cần thúc đẩy phát triển hệ thống năng lượng hợp lý theo nguyên tắc cơ chế thị trường có tính đến việc gia tăng tỷ trọng các nguồn năng lượng sạch, có khả năng tái tạo, gắn với bảo vệ, gìn giữ môi trường sinh thái, giảm thiểu các tác động xấu đến BĐKH, hướng đến mục tiêu xây dựng nền kinh tế cac-bon thấp.

Theo tính toán của nhiều tổ chức quốc tế, thực tế hiện nay Việt Nam sở hữu rất nhiều lợi thế về thủy điện, năng lượng gió, năng lượng mặt trời và khí thiên nhiên. Việt Nam đang có nhiều cơ hội thuận lợi so với nhiều quốc gia trên thế giới để chuyển đổi sang sử dụng năng lượng sạch. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra, đó là vốn đầu tư, giá thành điện năng sản xuất ra và khả năng chấp nhận của người dân, doanh nghiệp. Vấn đề an ninh năng lượng đang đặt ra cho Việt Nam hiện nay đó là cầu về điện tăng nhanh nhưng cung tăng chậm, điện sản xuất trong nước đang thiếu hụt so với nhu cầu, phải nhập khẩu điện từ Trung Quốc và đang phải tính đến nhập khẩu thêm diện cả từ Lào. Về tương lai trung và dài hạn, Việt Nam cần có những chính sách thúc đẩy và cơ sở dự trữ năng lượng đó (pin lưu trữ), thúc đẩy các hoạt động đầu tư tư nhân tham gia vào năng lượng mới, phát triển năng lượng tái tạo, thay đổi thói quen sử dụng năng lượng của người dân.

Kinh nghiệm một số nước trên thế giới, tham khảo cho Việt Nam

Để xây dựng những nguồn năng lượng tái tạo, như điện gió, mặt trời, trong tình hình hiện nay là đầu tư rất tốn kém, đòi hỏi số vốn lớn, giá bán điện cao. Vấn đề đặt ra là cần tìm ở đâu nguồn vốn cho việc này. Cần phải tư nhân hóa ngành điện, không nên để cho doanh nghiệp nhà nước thiên về độc quyền sản xuất và phân phối điện như hiện nay để có thể tạo nên sự cạnh tranh. Có hai mô hình có thể tham khảo hữu ích cho áp dụng vào Việt Nam để thu hút vốn vào lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Thứ nhất: Đó là mô hình Solar City ở Mỹ, họ có chính sách mua lại điện của người dân. Mô hình này tương tự cũng diễn ra tại Đức. Theo đó, công ty điện ký hợp đồng với người dân để lắp những tấm pin mặt trời lên mái nhà người dân, người dân dùng không hết thì bán lại điện đó cho công ty. Tại Anh cũng đang triển khai có hiệu quả mô hình này trong nhiều năm qua. Hiện nay Việt Nam cũng đã và đang triển khai mạnh mẽ mô hình này, trong đó có cơ chế hỗ trợ tài chính cho các hộ lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà.

Thứ hai: Đó là mô hình một công ty trong nước có thể kêu gọi một công ty nước ngoài đầu tư chung với mình, trong đó chính phủ cũng là một cổ đông. Chính phủ Israel đã chấp nhận cho triển khai mô hình này. Tổ hợp đó có thể hoạt động trong vòng 5 năm. Sau đó, hai công ty tham gia dự án có thể mua lại cổ phần của chính phủ với giá ưu đãi. Đó là mô hình gọi là Yozma ở Israel đã triển khai trong hàng chục năm qua.Mô hình Yozma đã giúp Israel huy động được vốn không chỉ trong lĩnh vực năng lượng mà còn trong nhiều lĩnh vực kỹ thuật cao khác. 

Việt Nam cũng đang thiết lập cơ chế để bên thứ Ba (ngoài công ty điện lực và hộ bán điện mặt trời) tham gia cùng bỏ vốn đầu tư, hoặc thuê mặt bằng mái nhà, công trình để xây lắp điện mặt trời, cùng kinh doanh.

Một vấn đề khác cũng rất đáng quan tâm về an ninh năng lượng đối với Việt Nam - đó là hiện nay, Trung Quốc đang mua nhiều trang trại điện gió, mặt trời tại Việt Nam, trực tiếp và gián tiếp dưới danh nghĩa các nhà đầu tư Hong Kong, Thái Lan, Singapore. Các nhà đầu tư Trung Quốc kinh doanh điện gió và mặt trời ở Việt Nam, lĩnh vực sản xuất điện không phụ thuộc vào nguồn cung cấp nhiên liệu từ bên ngoài. Trong cơ chế thị trường, chúng ta không thể cấm người Trung Quốc mua bán, nhưng có thể học theo cách của người Mỹ là bác bỏ những dự án nào của người Trung Quốc nếu xét thấy nó nguy hại cho an ninh quốc gia. Các nhà đầu tư Trung Quốc sở hữu những trang trại điện gió, mặt trời tại Việt Nam không đến nỗi nguy hại, nhưng Chính phủ Việt Nam cũng cần phân tích đầy đủ những tác động đa chiều, đưa ra các biện pháp phòng ngừa rủi ro.

Hiện nay, Chính phủ Việt Nam đang xúc tiến mua điện từ nước Lào. Đây là vấn đề cũng có tác động hai chiều, vì nó sẽ thúc đẩy Chính phủ Lào phát triển thủy điện trên dòng chính của sông Mekong, đã và đang tác động tiêu cực đến nguồn nước và phù sa cho hạ nguồn, - đó là vùng Đồng bằng Cửu Long của Việt Nam.

Gần đây, ngành công nghiệp năng lượng toàn cầu đã có những nỗ lực đáng kể trong việc giảm lượng tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch. Năng lượng gió đã dần dần trở thành một trong những lựa chọn đầu tiên để thay thế các nhà máy điện than. Số lượng các nhà máy điện than bị chấm dứt hoạt động trên thế giới đã tăng lên. Vì vậy, Việt Nam cần tính đến lộ trình hoạt động của các nhà máy nhiệt điện than, cũng như (có nên hay không) xem xét tiếp tục triển khai thi công mới các dự án nhiệt điện than tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Các số liệu thống kê cho thấy, năng lượng than của Mỹ (khi đã phát triển ở mức cao và bão hòa) đã giảm 10% trong ba năm qua. Tháng 11/2015, Chính phủ Anh đã quyết định đóng tất cả các nhà máy điện than (đã hết niên hạn sử dụng) trong vòng 10 năm. Vào tháng 1/2017, Trung Quốc quyết định dừng 85 dự án nhà máy điện than và chuyển tổng vốn đầu tư 385 tỷ USD sang năng lượng gió ngoài khơi. Tháng 5/2017, Chính phủ Hàn Quốc thông báo sẽ thay thế 100% các nhà máy điện than (công nghệ cũ, hết niên hạn sử dụng) trong vòng 5 năm. Các quốc gia khác như: Đức, Tây Ban Nha, Nhật Bản… đã làm tương tự. Các tập đoàn dầu khí khổng lồ, như: BP, ExxonMobil, Saudi Arabia, Statoil, Shell, Total… gần đây cũng đã đầu tư hàng tỷ USD vào năng lượng tái tạo để đa dạng hóa chiến lược kinh doanh và giảm rủi ro. Đây là vấn đề Chính phủ Việt Nam cần tham khảo để giao trách nhiệm cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam triển khai, xây dựng chiến lược về phát triển năng lượng điện.

Hiệu quả kinh tế, xã hội, an ninh năng lượng của điện gió

Nhiều thống kế đã chỉ ra rằng, trên toàn cầu, phát thải khí nhà kính đã tăng 10 lần trong 100 năm qua. Hệ quả là nhiệt độ trung bình của trái đất có thể tăng đến 6 độ C vào năm 2050. Trong khi đó các nhà khoa học cảnh báo nhiệt độ trung bình toàn cầu có thể tăng thêm 2 độ C vào cuối thế kỷ 21. Vì thế Việt Nam cần chú trọng đầu tư nghiên cứu và khai thác hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo để thay thế dần năng lượng hóa thạch, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Trong số các nguồn năng lượng tái tạo được khai thác, thì công nghiệp năng lượng gió với nhiều ưu điểm đã phát triển với tốc độ vượt bậc, tăng theo hàm số mũ trong thập kỷ qua. Theo thống kê của Hội đồng Năng lượng Gió toàn cầu (GWEC), năng lượng gió đã phát triển rộng khắp trên hơn 80 quốc gia, với tổng công suất lắp đặt toàn cầu năm 2016 lên đến 487 GW, trong đó 28 nước đã đạt đến công suất lắp đặt trên 1 GW.

Trong khi tua bin điện gió đặt trên đất liền (Onshore wind turbin generators) đã chạm ngưỡng tiềm năng và có nhiều hạn chế liên quan việc chiếm đến quỹ đất, tốc độ, chế độ gió, tiếng ồn, tầm nhìn, thì tua bin điện gió đặt ven biển (Nearshore) và ngoài khơi (Offshore wind turbine generators) có thể khắc phục được các nhược điểm này. Gió ngoài khơi có tốc độ gió cao hơn, chế độ gió thổi dài và ổn định hơn.

Ví dụ tua bin gió hoạt động hết hiệu năng tối đa thổi khoảng 2000-2300 giờ mỗi năm (hệ số công suất 25%) khi đặt trên đất liền, nhưng sẽ hoạt động đến 3500 - 4000 giờ mỗi năm (hệ số công suất 40 - 45%) khi đặt ngoài khơi.

Trang trại điện gió Oriel, dùng tua bin Siemens 6 MW với tổng công suất lên đến 330 MW, đã được đưa vào hoạt động ngoài khơi Cộng hòa Ai-len. Gần đây, trang trại điện gió Beatrice, dự án tư nhân đầu tư với tổng kinh phí 2,6 tỷ bảng Anh đang được thi công lắp đặt với 84 tua bin Siemens 7 MW. Với tổng công suất là 588 MW, Beatrice đủ cung cấp năng lượng cho 450 ngàn hộ gia đình ở Xcốt-len, tạo ra hơn 18 ngàn việc làm, cũng như đóng góp 1,13 tỷ bảng Anh vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Nói chung, tua bin gió xa bờ có thể sản xuất điện năng cao hơn 50% so với tua bin gió lắp dựng trên đất liền. Chi phí sản xuất điện gió đã giảm đáng kể theo thời gian do các tiến bộ không những trong công nghệ tua bin, mà còn ở quá trình tiêu chuẩn hóa trong công tác khảo sát, chế tạo tại nhà máy, nền móng, thi công, vận hành và bảo dưỡng.

Một số dự báo và khuyến nghị

Ngoài vấn đề công suất điện phải đủ để bảo đảm nhu cầu sản xuất và tiêu dùng, an ninh năng lượng còn được hiểu như là phải bảo đảm nguồn cung cấp nhiên liệu không gián đoạn, cũng như lưới điện được nâng cấp cho đủ năng lực truyền tải và phân phối. Khi Việt Nam phát triển năng lượng gió và mặt trời thì sẽ không phụ thuộc vào nguồn cung cấp than đá đối với nhiệt điện, hay nhiên liệu cho điện hạt nhân. Một điều đặc biệt nữa, là các trung tâm điện gió và mặt trời sẽ cho phép tổ chức mạng lưới điện theo mô hình phi tập trung, không hao tốn điện năng trên đường truyền tải. Trong trường hợp một trung tâm bị hư hỏng sẽ không ảnh hưởng tới những vùng khác.

Với hơn 3.260 km đường bờ biển chưa kể các đảo, hơn một triệu km2 thềm lục địa trong vùng đặc quyền kinh tế và điều kiện gió rất thuận lợi, Việt Nam có khả năng thực tế lắp đặt nhiều trạm gió ngoài khơi có quy mô lớn để bảo đảm an ninh năng lượng cũng như đạt được mục tiêu giảm khí thải carbon năm 2030. Ngoài năng lượng gió, các nguồn năng lượng tái tạo từ biển khác như sóng, thủy triều và dòng chảy ở Việt Nam rất phong phú, là tiềm năng có thể được khai thác. Theo xu hướng năng lượng toàn cầu, Chính phủ Việt Nam cần xem lại kế hoạch năng lượng quốc gia với mục tiêu lớn hơn cho năng lượng tái tạo, đặc biệt là các nguồn tài nguyên ngoài khơi.

Hiện nay và chắc chắn trong một số năm tới, năng lực sử dụng nguồn năng lượng tái tạo ở Việt Nam còn khiêm tốn, bởi một vài lý do chính: quy hoạch lưới điện chưa phù hợp với tích hợp nguồn năng lượng tái tạo quy mô lớn, mặc dù Chính phủ đã đưa ra giá mua khuyến khích, nhưng tầm nhận thức chung của xã hội về năng lượng tái tạo còn chưa cao, các hạn chế do chưa được tiếp cận và chuyển giao các tiến bộ trong công nghệ, nguồn vốn đầu tư…

Việt Nam cần xây dựng chính sách năng lượng phù hợp với giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, nâng cao nhận thức về năng lượng tái tạo, tiếp cận các công nghệ tiên tiến trong ngành năng lượng tái tạo ngoài khơi và dầu khí một cách tổng thể từ quy hoạch, khảo sát, đến thiết kế, thi công, vận hành, kinh doanh bảo dưỡng. Đây là giải pháp đặt ra trách nhiệm rất lớn cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam:

Thứ nhất: PVN cần đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành đúng tiến độ đã điều chỉnh các dự án nhiệt điện than như Sông Hậu 1, Long Phú 1 tại đồng bằng sông Cửu Long và dự án nguồn điện khí tại các khu vực khác. Tiếp tục phân tích làm rõ các nguyên nhân chủ quan để chủ động khắc phục, tìm ra đúng nguyên nhân khách quan để kiến nghị kịp thời với các cấp có thẩm quyền tháo gỡ, bảo đảm tiến độ, thời gian đưa các dự án điện vào hoạt động thương mại.

Thứ hai: PVN cần mạnh dạn mở rộng các dự án dầu khí, điện cho giai đoạn 2021-2025 và đến năm 2030; chú trọng mở rộng sang các dự án năng lượng tái tạo (gió, mặt trời); bảo đảm cung cấp khí đốt cho các nhà máy điện của các đơn vị khác.

Trong những thập kỷ qua, những tiến bộ gần đây trong công nghệ địa vật lý 4D/3D/3C và khoan ngang, kỹ thuật ép nứt… đã giúp giảm đáng kể chi phí thăm dò, sản xuất, cũng như giúp phát hiện ra nhiều mỏ dầu/khí tiềm ẩn. Thêm vào đó, chi phí cho những giếng khoan ngày càng thấp nhờ sự đổi mới công nghệ, sản xuất dưới mực biển sâu, cũng như tăng cường khả năng thu hồi dầu cũng góp phần làm kể chi phí cho việc thăm dò và khai thác dầu khí. Tuy vậy, việc thăm dò và sản xuất nhiên liệu hóa thạch đòi hỏi cải tiến nhiều hơn nữa để đáp ứng tính bền vững, hiệu quả. Đây là những thuận lợi cho PVN thực hiện trách nhiệm của mình trong phát triển năng lượng tái tạo.

Thứ ba: PVN cần chủ động làm việc với các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước, tháo gỡ các vướng mắc nảy sinh trong thực tiễn, bảo đảm giải ngân vốn vay đúng cam kết cho các công trình và hạng mục công trình. Đồng thời chủ động làm việc với các ngân hàng, ký kết hơp đồng cam kết vốn, đồng tài trợ vốn cho các dự án dầu khí, dự án điện của giai đoạn đến năm 2025 và đến năm 2030.

Thứ tư: PVN cần đa dạng nguồn vốn, thực hiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp, tăng vốn chủ sở hữu, phát hành cổ phiếu mới, huy động vốn cho đầu tư các dự án./.



Nguồn tài liệu tham khảo:

1/ www.moit.gov.vn

2/ www.pvn.com.vn

3/ www.evn.com.vn

4/ Một số nguồn khác.

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động