RSS Feed for Những vấn đề cần ưu tiên trong phát triển năng lượng tái tạo Việt Nam | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 29/03/2024 15:41
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Những vấn đề cần ưu tiên trong phát triển năng lượng tái tạo Việt Nam

 - Về các giải pháp phát triển nguồn năng lượng tái tạo trong thời gian tới, theo nhìn nhận của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam, cần phải được qui hoạch phát triển phù hợp với các điều kiện kinh tế - kỹ thuật của hệ thống điện Việt Nam (sức mua của các hộ dùng điện, cũng như nhu cầu vận hành ổn định của hệ thống điện).


Đề nghị Ban KTTW, Bộ Công Thương nghiên cứu phản biện Tạp chí Năng lượng Việt Nam



Trong văn bản kiến nghị mới đây của các chuyên gia, cán bộ khoa học - kỹ thuật trong Hội đồng Phản biện Khoa học của Tạp chí Năng lượng Việt Nam gửi tới Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Bộ Chính trị về những vấn đề cần ưu tiên trong Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về “Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến 2030, tầm nhìn đến 2045” đã nhấn mạnh đến các giải pháp phát triển hiệu quả, bền vững nguồn năng lượng tái tạo Việt Nam. Cụ thể:

1/ Về thủy điện: Theo tiêu chuẩn đánh giá của quốc tế, tiềm năng nước ngọt (tính theo đầu người) của Việt Nam thấp hơn mức bình quân của thế giới. Trong đó, 70% phụ thuộc vào các nguồn nước tại lưu vực các sông của nước ngoài. Vì vậy, việc phát triển thủy điện của Việt Nam - một quốc gia được coi là nghèo về nước ngọt, cần kết hợp hai mục tiêu: Đảm bảo “an ninh năng lượng” và “an ninh nước ngọt”. Theo đó:

a) Các dự án thủy điện lớn (>100 MW) đã được đầu tư chủ yếu bằng vốn Nhà nước đã và đang phát huy vai trò chủ đạo trong việc cung cấp điện cho nền kinh tế với giá thành điện thấp và tham gia điều tiết lũ, cũng như chủ động cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp rất hiệu quả.

b) Các dự án thủy điện vừa (>30MW) được xây dựng (chủ yếu bằng nguồn vốn xã hội hóa) trên các sông ở cả 3 miền, ít bị phụ thuộc vào các lưu vực nước ngoài đang góp phần khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên nước có hạn và tham gia vào việc cung cấp điện thông qua thị trường bán buôn.

c) Các dự án thủy điện nhỏ (<30MW) với tiềm năng đáng kể (hơn 900 dự án, với tổng công suất hơn 7.000 MW, phân bố ở 32 tỉnh trên miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên), có khả năng khai thác rất hiệu quả nguồn nước, có giá thành thấp, thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư của tư nhân và có thể đóng vai trò quan trọng trong việc cấp điện có hiệu quả cho vùng sâu, vùng xa.

Tuy nhiên, vừa qua việc phân cấp quản lý cho các tỉnh đối với các dự án thủy điện “nhỏ hạt tiêu” này đã dẫn đến nhiều bất cập (do các tỉnh không có năng lực quản lý). Vì vậy, các dự án thủy điện nhỏ hiện đã rơi vào tình trạng “không quản được thì cấm” gây lãng phí nguồn tài nguyên nước.

2/ Về điện gió: Các dự án điện gió cần được qui hoạch trên cơ sở đã điều tra đánh giá chính xác tốc độ bình quân của gió ở các độ cao và vị trí khác nhau. Điện gió ưu việt hơn điện mặt trời (vì ít ảnh hưởng đến biểu đồ phụ tải của hệ thống, không phụ thuộc vào ngày/đêm, chiếm ít diện tích hơn điện mặt trời), nhưng việc thi công xây dựng và bảo trì khó khăn hơn nhiều. Vì vậy, giá FIT mua điện gió, đặc biệt là các dự án điện gió ngoài khơi (có tiềm năng lớn) cần được khuyến khích mua cao hơn giá điện mặt trời và thời hạn khuyến khích cũng nên kéo dài hơn.

3/ Về điện mặt trời: Điện mặt trời cần được phát triển trên cơ sở ưu tiên:

Thứ nhất: Sử dụng các tấm pin mặt trời (PV) thuộc thế hệ gần nhất (có các thông số kỹ thuật cao và có thể nhận bức xạ từ cả hai mặt) để hạn chế tối đa diện tích chiếm đất.

Thứ hai: Sử dụng các thiết bị chuyển đổi điện (từ “một chiều” sang “xoay chiều”) và thiết bị lưu trữ có hiệu suất cao để giảm giá thành điện năng.

Thứ ba: Lắp đặt trên các mái nhà (điện mặt trời áp mái), để tận dụng các nguồn vốn của dân cư và của các tổ chức. Đây là nguồn điện phân tán tại nơi tiêu thụ, phân tán vốn đầu tư trong xã hội, thời gian triển khai nhanh, chủ yếu sử dụng tại chỗ, hạn chế gây áp lực lên hệ thống lưới truyền tải, cũng như hạn chế sử dụng đất tập trung ở quy mô lớn.

4/ Về năng lượng sinh khối: Cần có chính sách khuyến khích sử dụng các chất thải trong nông nghiệp và lâm nghiệp để sản xuất điện kết hợp với bảo vệ môi trường. Cụ thể:

Thứ nhất: Tận dụng khối lượng lớn rơm rạ (trong canh tác lúa), trấu (trong chế biến gạo), mùn cưa và củi gỗ vụn (trong chế biến lâm nghiệp) để phát điện tại chỗ bằng các công nghệ tiên tiến đã có sẵn.

Thứ hai: Sử dụng phân gia súc của các cơ sở chăn nuôi lợn, trang trại bò sữa, và các hộ gia đình để sản xuất khí tổng hợp bằng công nghệ hầm dùng cho phát điện tại những nơi có qui mô lớn, hoặc đun nấu tại hộ gia đình nhằm kết hợp bảo vệ môi trường.

Thứ ba: Khuyến khích việc xây dựng các nhà máy sử dụng nguồn nhiên liệu từ rác thải cho các thành phố, đô thị lớn để giải quyết tình trạng chôn lấp rác thải, gây ô nhiễm môi trường như Thủ đô Hà Nội, Thành phố Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh… diễn ra nhiều năm nay.

Ghi nhận các kiến nghị, Văn phòng Trung ương Đảng đã có Văn bản đề nghị Ban Kinh tế Trung ương, Ban Cán sự đảng Bộ Công Thương nghiên cứu các phản biện, kiến nghị của Tạp chí Năng lượng Việt Nam về giải pháp thực hiện Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị.

Được biết, hiện Ban Kinh tế Trung ương, Ban Cán sự đảng Bộ Công Thương đang nghiên cứu kiến nghị của Tạp chí Năng lượng Việt Nam./.

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động