Khởi động hợp tác ba bên (Việt Nam, Malaysia, Singapore) về kết nối hệ thống điện
14:19 | 27/05/2025
![]() Việt Nam đang đặt ra mục tiêu phát triển thêm khoảng 150.000 MW năng lượng tái tạo đến năm 2035. Với giả định trung bình 100 MW cho mỗi dự án, điều này đồng nghĩa với việc cần triển khai thêm 1.500 dự án trong vòng 10 năm - một con số khổng lồ [*]. Báo cáo của chuyên gia Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam dưới đây phân tích tính khả thi của mục tiêu, các cơ chế, chính sách hiện hành, cũng như tiềm năng hỗ trợ triển khai nhanh chóng, đồng thời đánh giá những thách thức, đặc biệt là về nguồn nhân lực và đề xuất các giải pháp chính sách để đạt được mục tiêu một cách hiệu quả, bền vững. Phân tích cho thấy: 150.000 MW có thể vượt quá các mục tiêu hiện tại được ghi nhận trong các văn bản chính sách chính thức. Để đạt được sự tăng trưởng này, Việt Nam cần có những thay đổi mang tính cách mạng trong cơ chế, chính sách (bổ sung, hoặc điều chỉnh), đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực. Báo cáo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc học hỏi kinh nghiệm quốc tế, giải quyết các nút thắt hiện tại trong quy trình phê duyệt và phát triển dự án, đồng thời xây dựng một lực lượng lao động đủ năng lực để quản lý, vận hành hệ thống năng lượng tái tạo quy mô lớn. |
![]() |
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim và Thủ tướng Singapore Lawrence Wong chứng kiến lễ trao thoả thuận hợp tác phát triển giữa các tập đoàn năng lượng hàng đầu của 3 nước về xuất khẩu điện tái tạo từ Việt Nam sang Malaysia và Singapore (ngày 26/5/2025 tại Malaysia). Ảnh: VGP/Nhật Bắc. |
Sự kiện này đánh dấu bước khởi đầu quan trọng trong việc triển khai hợp tác ba bên, khẳng định cam kết chung nhằm thúc đẩy thương mại điện sạch xuyên quốc gia. Đây cũng là một dấu mốc quan trọng, thể hiện quyết tâm chung trong việc hiện thực hóa tầm nhìn về lưới điện ASEAN và tăng cường kết nối năng lượng khu vực theo hướng bền vững và linh hoạt hơn.
Theo thỏa thuận, phía Malaysia, thông qua Liên danh Năng lượng Malaysia (MYEC), gồm Tenaga Nasional Berhad (TNB), Petroliam Nasional Berhad (Petronas) hợp tác với Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) - thành viên của Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam - PVN) và Công ty Sembcorp Utilities Pte Ltd - thành viên của Tập đoàn Sembcorp Industries (Singapore) để khai thác tiềm năng năng lượng tái tạo ngoài khơi Việt Nam.
Theo đó, các bên sẽ cùng nghiên cứu tính khả thi của việc xuất khẩu nguồn điện sạch từ Việt Nam sang Malaysia và Singapore thông qua tuyến cáp ngầm, kết nối với lưới điện quốc gia của bán đảo Malaysia, đồng thời xem xét khả năng bổ sung của các nguồn điện khác và hệ thống lưu trữ để nhằm bảo đảm tính ổn định.
Sau thỏa thuận, các bên sẽ phối hợp với cơ quan chức năng của các quốc gia liên quan trong suốt quá trình phát triển dự án, từng bước hoàn thiện các thủ tục phê duyệt cần thiết để góp phần thúc đẩy kết nối lưới điện và hợp tác năng lượng xuyên biên giới.
Theo kế hoạch, trong giai đoạn đầu, các bên sẽ hợp tác đầu tư xây dựng dự án TDA-02 có công suất dự kiến hơn 2.000 MW, trong khu vực biển Nam Trung bộ của Việt Nam. Trong đó, Petronas đóng vai trò đồng đầu tư tài chính, tư vấn công nghệ điện gió ngoài khơi và hệ thống truyền tải khu vực.
Còn với đối tác Singapore, hợp tác lưới điện xuyên biên giới Việt Nam - Singapore được bắt đầu từ dự án năng lượng tái tạo ngoài khơi thuộc vùng biển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, với công suất 2.300 MW, khởi động vào đầu năm 2023 - khi hai bên tiến hành ký thỏa thuận phát triển chung (JDA) về việc hợp tác đầu tư, xuất khẩu điện sạch trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Singapore của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Đây cũng là dự án thí điểm của Chính phủ Việt Nam trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi, góp phần vào mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, tăng cường an ninh năng lượng của quốc gia và khu vực.
Dự án được triển khai với sự hợp tác giữa PTSC và Sembcorp Utilities Pte. Ltd (SCU). Vào tháng 9/2024, PTSC và đối tác SCU đã trao thầu 2 gói thầu khảo sát (gồm nghiên cứu dữ liệu địa vật lý, địa kỹ thuật và đo gió, thủy văn). Hiện tại gói thầu số 1 đã được nhà thầu thực hiện xong, gói thầu số 2 đang được triển khai thực hiện và dự kiến sẽ hoàn thành theo tiến độ đã đề ra.
Theo Quy hoạch điện VIII (điều chỉnh), Việt Nam đã xác định xuất khẩu điện là một trong những định hướng chiến lược song song với việc bảo đảm an ninh năng lượng trong nước. Theo đó, dự kiến đến năm 2035, quy mô công suất xuất khẩu điện sang Singapore, Malaysia và các đối tác khác trong khu vực đạt từ 5.000-10.000 MW và duy trì với quy mô 10.000 MW đến năm 2050. (Quy mô công suất có thể cao hơn, tùy theo nhu cầu của bên nhập khẩu trên cơ sở có hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo an ninh năng lượng trong nước và an ninh quốc phòng).
Về liên kết lưới điện với các nước trong khu vực, tiếp tục nghiên cứu hợp tác, liên kết lưới điện với các nước tiểu vùng sông Mê Kông và các nước ASEAN ở các cấp điện áp 500 kV, 220 kV để tăng cường khả năng liên kết hệ thống, trao đổi điện năng, tận dụng thế mạnh tài nguyên của các quốc gia. Mặt khác, nghiên cứu, ứng dung liên kết lưới điện siêu cao áp với các nước trong khu vực ASEAN phục vụ xuất, nhập khẩu điện. (Phương án cụ thể được cấp có thẩm quyền chấp thuận theo từng dự án).
Là thành viên của ASEAN, Việt Nam đang thúc đẩy tầm nhìn chiến lược để trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của khu vực, với cam kết mạnh mẽ trong việc phát triển năng lượng sạch, giảm phát thải và góp phần đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng tại Đông Nam Á.
Thông qua hợp tác ba bên, Việt Nam hướng đến việc mở ra các cơ hội kinh tế mới, tạo ra nhiều việc làm chất lượng cao.
“Thỏa thuận này thể hiện vai trò của PTSC nói riêng và PVN nói chung trong việc hiện thực hóa các chiến lược về chuyển dịch năng lượng. Đây sẽ là một dấu mốc quan trọng trong lĩnh vực đầu tư năng lượng tái tạo tại Việt Nam” - Tổng Giám đốc PTSC Trần Hồ Bắc chia sẻ.
Trước đó, tai cuộc họp báo chung (ngày 25/5) với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim đánh giá cao tầm nhìn về hợp tác lưới điện ASEAN. Trong đó, đường dây cáp ngầm truyền tải điện từ Việt Nam tới Malaysia sẽ là dự án khổng lồ - minh chứng cho sự thành công cho ASEAN, cũng như hợp tác giữa hai nước, giúp hiện thực hóa, cụ thể hóa những chương trình hợp tác rất phù hợp với chính sách chuyển dịch năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo của hai nước và cả khu vực./.
BBT TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM