RSS Feed for Giá dầu thấp tác động thế nào đến nền kinh tế Việt Nam? [Kỳ cuối] | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 19/03/2024 16:17
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Giá dầu thấp tác động thế nào đến nền kinh tế Việt Nam? [Kỳ cuối]

 - Để giảm thiểu rủi ro của biến động giá tới nền kinh tế, các bộ, ngành liên quan cần có sự phối hợp nhịp nhàng trong điều hành Chính sách tiền tệ, Chính sách tài khóa, quản lý thâm hụt ngân sách, điều chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh và ứng phó kịp thời trong tình huống giá dầu giảm sâu...

Giá dầu thấp tác động thế nào đến nền kinh tế Việt Nam? [Kỳ 1]
Giá dầu thấp tác động thế nào đến nền kinh tế Việt Nam? [Kỳ 2]
Giá dầu thấp tác động thế nào đến nền kinh tế Việt Nam? [Kỳ 3]

KỲ CUỐI: MỘT SỐ ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ

PGS, TS. NGUYỄN ĐẮC HƯNG

Thứ nhất, về điều hành Chính sách tiền tệ (CSTT), Chính sách tài khóa (CSTK).

Bộ Tài chính phối hợp các bộ, ngành tăng cường theo dõi sát diễn biến giá dầu, trong đó cần tính toán tác động của kịch bản giá dầu ở mức dưới 40 USD/thùng để có những biện pháp ứng phó phù hợp, đảm bảo thu ngân sách ổn định, qua đó góp phần giảm bội chi ngân sách.

Tăng cường phối hợp giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước trong việc thực hiện kế hoạch phát hành trái phiếu Chính phủ, nhằm đảm bảo thanh khoản thị trường, tạo dư địa giảm lãi suất cho vay trung, dài hạn và giảm độ chèn ép tín dụng sản xuất - kinh doanh.

Bên cạnh đó, Chính phủ xem xét cho phép dùng phần thặng dư từ cổ phần hóa các DN thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam để bù đắp cho quỹ đầu tư phát triển, hỗ trợ vốn đầu tư cho các dự án đang triển khai dở dang có khả năng đem lại hiệu quả sau khi hoàn thành.

Ngân hàng Nhà nước xây dựng kịch bản ứng phó trong trường hợp một số loại ngoại tệ biến động mạnh trên thị trường thế giới, như: đồng USD tăng giá mạnh, hay đồng CNY mất giá sâu nhằm đảm bảo điều hành tỷ giá trung tâm hữu hiệu, củng cố niềm tin chính sách và giá trị VND.

Thứ hai, về quản lý thâm hụt ngân sách.

Bộ Tài chính cần tăng cường quản lý chặt chẽ thu - chi NSNN, đặc biệt quản lý tiết giảm các khoản chi thường xuyên, nâng cao hiệu quả chi đầu tư phát triển nhằm đảm bảo tính bền vững nền tài chính công.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư cần xây dựng kế hoạch NSNN năm 2018 và các năm 2019-2020 theo hướng tăng các nguồn thu khác thay thế cho nguồn thu từ khai thác dầu thô và các tài nguyên khác, phấn đấu giảm mức đóng góp của dầu thô trong thu NSNN từ 10% xuống 7-8%, vừa góp phần bảo vệ tài nguyên vừa tránh những biến động do ảnh hưởng khách quan bên ngoài.

Thứ ba, tăng cường phối hợp giữa Bộ Kế hoạch Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính.

Cần tăng cường phối hợp giữa Bộ Kế hoạch Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính (Quy chế số 9078/BKHĐT-NHNN-BTC-BCT ngày 02/12/2014) trong việc ứng phó kịp thời, giảm thiểu rủi ro trong trường hợp giá dầu tiếp tục giảm. Đồng thời, trong điều kiện lạm phát thấp, các bộ, ngành phối hợp đẩy nhanh lộ trình điều tiết quản lý giá các mặt hàng thiết yếu theo cơ chế thị trường như giá điện, giáo dục, y tế... Tuy nhiên, cần tránh những cú sốc đối với thị trường. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cần có biện pháp, quy định điều tiết giá cước vận tải để chia sẻ lợi ích của các DN kinh doanh vận tải đến toàn xã hội.

Thứ tư, về hoạt động xuất nhập khẩu xăng dầu.

Khuyến khích DN nhập khẩu xăng dầu, các sản phẩm chế biến từ dầu theo hợp đồng tương lai, quyền chọn nhằm kiểm soát tốt giá cả nhập khẩu.

Giảm tỷ trọng xuất khẩu các nhiên liệu hóa thạch như dầu thô, than… tăng cường xuất khẩu các sản phẩm tinh, sản phẩm chế biến nhằm tăng giá trị xuất khẩu, đồng thời giảm bớt nhu cầu nhập khẩu sản phẩm xăng dầu.

Cân đối giữa xuất nhập khẩu xăng dầu và nhu cầu thị trường trong nước, đặc biệt là nguồn năng lượng sơ cấp cho sản xuất điện.

Thứ năm, về hoạt động khai thác dầu.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cần điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh theo hướng: (1) Giảm hoặc dừng khai thác tại các mỏ dầu khí có giá thành sản xuất cao hơn mức chi phí khai thác dự kiến trung bình trong năm đó. (2) Tăng cường tiết giảm chi phí hoạt động, phấn đấu đưa chi phí khai thác xuống dưới 20USD/thùng nhằm đối phó với kịch bản giá dầu giảm về mức thấp dưới 20 USD/thùng. Đồng thời, (3) Rà soát kế hoạch phân bổ vốn đầu tư đối với các dự án dầu khí.

Thứ sáu, về quản lý giá xăng dầu.

Bộ Công Thương nên tính toán để giá xăng dầu và giá nguyên vật liệu tại Việt Nam ở mức phù hợp, cân bằng hơn với giá tại các nước trong khu vực nhằm khuyến khích các DN đầu tư sản xuất, kinh doanh, chế biến xuất khẩu... qua đó có thể đóng góp trở lại cho ngân sách; đồng thời hạn chế tình trạng buôn lậu xăng dầu qua biên giới.

Thứ bảy, đối với các DN kinh doanh trong lĩnh vực được hưởng lợi khi giá dầu giảm. Cần thực hiện chính sách giảm giá bán sản phẩm, dịch vụ khi giá thành sản phẩm, dịch vụ giảm do chi phí đầu vào giảm nhằm kích thích tiêu dùng và chia sẻ lợi ích với toàn xã hội; tận dụng cơ hội thị trường để gia tăng tích lũy lợi nhuận, thực hiện tái đầu tư nâng cao hiệu quả SXKD.

Thứ tám, đối với ngành du lịch và ngành cao su, chế biến cao su.

Ngành du lịch cần có chiến lược tiếp thị mạnh mẽ khách Nga và các nước thuộc Liên bang Xô-Viết (trước đây). Ngành cao su cần có chiến lược thận trọng trong mở rộng diện tích trồng mới cao su. Thay vào đó là đẩy mạnh thâm canh, tăng năng suất, đẩy mạnh chế biến các sản phẩm cao su tự nhiên trong nước.

TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động