RSS Feed for Cơ cấu điện gió, mặt trời trong QHĐ VIII [Tạm kết]: Hiện trạng và giải pháp | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 19/03/2024 12:05
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Cơ cấu điện gió, mặt trời trong QHĐ VIII [Tạm kết]: Hiện trạng và giải pháp

 - Để tạm kết chuyên đề này, chuyên gia Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phát triển Điện lực, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương đề xuất tới các cơ quan chức năng và đơn vị tư vấn lập quy hoạch Quy hoạch điện VIII nhiều nội dung quan trọng, nhằm giảm thiểu tối đa việc không thực hiện được quy hoạch đề ra, cũng như giảm thiểu cơ chế xin cho trong phát triển nguồn điện Việt Nam.


Cơ cấu điện gió, mặt trời trong QHĐ VIII [Kỳ 1]: Kinh nghiệm của các quốc gia đi trước


LÃ HỒNG KỲ [1] ĐỖ THỊ MINH NGỌC [1], ĐỖ THỊ BÍCH THỦY [2]


Vài nét về hiện trạng điện gió và mặt trời Việt Nam

Trong bối cảnh nguồn thủy điện lớn đã khai thác hết, các nguồn điện lớn khác cũng cần nhiều thời gian để hoàn thành, vì vậy trước yêu cầu phụ tải tiếp tục tăng nhanh, thì nguồn điện năng lượng tái tạo (NLTT) càng có ý nghĩa quan trọng về mặt đảm bảo cung cấp điện.

Một số văn bản tạo hành lang pháp lý cho các dự án NLTT được ban hành như:

1/ Quyết định số 1855/QĐ-TTg ngày 27/12/2007- Phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050. 

2/ Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29/6/2011 Quyết định về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam (FIT 1- điện gió). 

3/ Thông tư số 32/2012/TT-BCT ngày 12/11/2012 quy định thực hiện phát triển dự án điện gió và hợp đồng mua bán điện mẫu cho các dự án điện gió. 

4/ Thông tư số 06/2013/TT-BCT ngày 08/03/2013 quy định về nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch phát triển điện gió. 

5/ Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015 Phê duyệt Chiến lược phát triển NLTT quốc gia đến năm 2030 tầm nhìn 2050. 

6/ Quyết định 428/QĐ-TTg ngày 18/3/2016  Phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030. 

7/ Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam (FIT 1- điện MT). 

8/ Quyết định 39/2018/QĐ-TTg ngày 10/9/2018 sửa đổi, bổ sung Quyết định 37/2011/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam (FIT 2- điện gió). 

9/ Quyết định 13/2020/QĐ-TTg ngày 06/4/2020 về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam (FIT 2 - điện MT). 

Hiện nay, do ảnh hưởng của bệnh dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất và cung cấp thiết bị, linh phụ kiện điện gió; hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, xuất nhập cảnh của công nhân kỹ thuật và chuyên gia nước ngoài bị gián đoạn... từ đó gây ảnh hưởng đến tiến độ cung cấp tua bin, kéo dài thời gian thi công, lắp đặt, làm chậm tiến độ vào vận hành của các dự án điện gió nên Bộ Công Thương đang đề xuất gia hạn thời gian thực hiện cơ chế FIT 2 - điện gió. 

Mặc dù chủ trương phát triển các dự án NLTT đã được quan tâm. Tuy nhiên, nhiều điểm nghẽn, vướng mắc trong quá trình thực hiện như cơ chế, kỹ thuật… đang khiến nhiều dự án điện gió và mặt trời chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra.

Theo Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị: “Tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15-20% vào năm 2030; 25-30% vào năm 2045”. Tương ứng tỷ lệ điện năng của NLTT trong tổng điện năng sản xuất khoảng 30% vào năm 2030 và 40% vào năm 2045.

Tính đến tháng 7/2020 cả nước đã có 5.053 MW điện mặt trời hòa lưới, trong khi đó chỉ có 429 MW điện gió được hòa lưới và khả năng đến hết tháng 12/2020 sẽ còn khoảng 3.000 MW điện mặt trời tiếp tục được hòa lưới, nâng tổng công suất lắp đặt điện mặt trời hơn 8.000 MW.

Cùng thời gian trên mới chỉ có 2.688,68 MW điện gió đã ký hợp đồng mua bán điện (11.800 MW đã được phê duyệt bổ sung quy hoạch), ngoài số đã hòa lưới và một số đã triển khai thi công, phần lớn đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, dự kiến cuối năm 2021 mới hoàn thành. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên sẽ có nhiều dự án điện gió bị chậm tiến độ.  

Một số bất cập trong phát triển NLTT (điện gió và điện mặt trời)

Mặc dù điện gió và điện mặt trời là nguồn năng lượng sạch, giúp làm giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, có tiềm năng lớn, là nguồn cung cấp bền vững, vô tận và có ở mọi nơi trên thế giới, tuy nhiên nhược điểm lớn nhất của dạng năng lượng này là không ổn định theo thời gian trong ngày, tháng, năm (phụ thuộc vào thời tiết), số giờ phát trong ngày thấp nên chỉ có thể là nguồn bổ sung cho hệ thống điện.

Ngoài ra, còn có các nhược điểm khác như giá thành cao, lưu trữ năng lượng khó khăn và đắt đỏ, điện diện tích chiếm đất lớn (điện mặt trời chiếm 1,2ha/1 MWp, điện gió chiếm 0,35 ha/1 MW) và vẫn gây ô nhiễm môi trường trong sản xuất tấm pin và xử lý tấm pin khi đã qua sử dụng.

Tuy nhiên, chưa có một văn bản, hay hướng dẫn nào quy định về tỷ lệ % giữa các nguồn cùng là NLTT đối với nhau (điện mặt trời; điện mặt trời mái nhà; điện gió trên bờ và điện gió ngoài khơi) nên dẫn đến tình trạng chạy xin làm dự án, các dự án nào dễ làm, có lợi cho chủ đầu tư thì xin bổ sung quy hoạch và xin cơ chế để làm trước, dẫn đến nguồn điện gió, điện mặt trời phát triển không đồng bộ trong tổng thể chung của cơ cấu NLTT, khó khăn trong giải tỏa công suất, quy hoạch sử dụng đất, giải phóng mặt bằng cho dự án.

Theo các tài liệu đánh giá và so sánh giữa điện gió, điện mặt trời: Điện gió có nhiều ưu điểm hơn điện mặt trời vì ít ảnh hưởng đến biểu đồ phụ tải của hệ thống, không phụ thuộc vào ngày/đêm, số giờ phát trong một năm lớn hơn khoảng 1,5 lần, chiếm ít diện tích hơn điện mặt trời khoảng hơn 3 lần, tuy nhiên việc lập dự án, thi công xây dựng chiếm thời gian gấp hơn 2 lần điện mặt trời và bảo trì khó khăn hơn. Vì vậy, giá FIT mua điện gió, đặc biệt là các dự án điện gió ngoài khơi (có tiềm năng lớn) cần được khuyến khích mua cao hơn giá điện mặt trời và thời hạn khuyến khích cũng nên kéo dài hơn.

Theo thống kê của toàn thế giới cũng như của OECD năm 2019 (đã đề cập trong kỳ trước) sản lượng điện gió hiện lớn hơn điện mặt trời khoảng hơn 2 lần. Tại Việt Nam, hiện sản lượng điện gió vẫn còn thấp hơn điện mặt trời rất nhiều, đây là vấn đề cần xem xét điều chỉnh cơ chế để phát triển cho đồng bộ theo xu hướng chung của thế giới.  

Đề xuất giải pháp và kiến nghị

Để Quy hoạch điện bám sát thực tiễn, căn cứ vào số liệu tổng hợp chung của toàn thế giới và trong khối OECD, giảm thiểu tối đa việc không thực hiện được quy hoạch đề ra, giảm thiểu cơ chế xin cho, chúng tôi xin kiến nghị tới các cơ quan chức năng và đơn vị tư vấn lập quy hoạch các điểm sau:

Thứ nhất: Qua nghiên cứu chính sách phát triển NLTT của các nước, căn cứ vào bảng thống kê cơ cấu nguồn điện của toàn thế giới, các nước đều duy trì mục tiêu đa dạng hóa các nguồn năng lượng, phân bố cơ cấu các nguồn năng lượng một cách hợp lý để đảm bảo lợi ích quốc gia và an ninh năng lượng. Chính vì vậy, các cơ quan chức năng và đơn vị tư vấn lập quy hoạch cần tính toán xác định thứ tự ưu tiên và tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện mặt trời mái nhà; điện gió trên bờ và điện gió ngoài khơi; biomass, địa nhiệt, tích năng…) trong tổng nguồn cung năng lượng trong Quy hoạch của từng giai đoạn, để phát triển cơ cấu nguồn đồng bộ.

Thời gian qua do chưa có được định hướng cụ thể tỷ lệ % giữa các nguồn NLTT để xây dựng đồng bộ các cơ chế, chính sách liên quan nên đã xảy ra việc phát triển ngược với thế giới, chưa cân đối giữa điện gió và điện mặt trời, mặc dù nguồn điện gió được đánh giá ưu điểm hơn điện mặt trời (đã được phân tích ở trên). 

Thứ hai: Nghiên cứu giữ nguyên giá FIT và sớm gia hạn thời gian COD cho các dự án điện gió. Cần có những chính sách riêng, ưu tiên cho phát triển điện gió ngoài khơi và điện mặt trời mái nhà. Điện gió ngoài khơi tại Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng để phát triển, trong cơ cấu nguồn tại Quy hoạch điện VIII nên tách riêng điện gió trên bờ và điện gió ngoài khơi để có tầm nhìn chính sách dài hạn.  

Thứ ba: Tính toán chuẩn xác lại thời gian đưa vào vận hành các nguồn điện lớn trong Quy hoạch VII (điều chỉnh) để tiếp tục đưa vào Quy hoạch VIII. Trong cơ cấu nguồn điện đảm bảo cung cấp nền ổn định nên cơ cấu đầy đủ các thành phần vào Quy hoạch VIII: Điện khí LNG, điện hạt nhân, nhiệt điện than, thủy điện và tính toán chia tỷ lệ % hợp lý cho các dạng năng lượng này.

Theo đánh giá, giá thành/1kWh của các nguồn điện chạy nền được xếp thứ tự từ cao xuống thấp là: LNG, điện hạt nhân, nhiệt điện than, thủy điện. Để đảm bảo an ninh năng lượng, không nên vì một lý do nào đó mà đẩy lùi thời gian đưa vào vận hành một số nhiệt điện than đã có trong Quy hoạch VII (điều chỉnh) đang thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư về sau năm 2030. Việc tăng cường tối đa nhiệt điện LNG, bỏ điện hạt nhân dẫn đến giá thành 1 kWh tăng cao gây ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. 

Tuy nhiên, nhiệt điện than phải được sử dụng công nghệ tiên tiến (công nghệ trên siêu tới hạn) và phải giám sát chặt chẽ từ khi nhập than, vận chuyển than, lưu kho, vận chuyển xỉ than…

Chúng tôi rất mong các chuyên gia năng lượng, các nhà quản lý, các đồng nghiệp cùng toàn thể bạn đọc tiếp tục tham gia góp ý kiến cho bản dự thảo của Quy hoạch điện VIII./.

[1] Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực.

[2] Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương.


Tài liệu tham khảo

- Kinh nghiệm của Trung Quốc phát triển năng lượng tái tạo và bài học cho ASEAN -http://enternews.vn.

- Kinh nghiệm Hàn Quốc về tích hợp nguồn năng lượng tái tạo- erav.vn

- Kinh nghiệm của Nhật Bản về phát triển điện mặt trời - evn.com.vn

- Kinh nghiệm phát triển năng lượng tái tạo của Đức và Ấn Độ -baoxaydung.com.vn

- Phát triển năng lượng tái tạo - kinh nghiệm từ Vương quốc Anh – tietkiemnang luong.vn

- Mỹ đi đầu phát triển năng lượng mặt trời – nangluongsachvietnam.vn

- Hội thảo lần 1 Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. 

- https://www.iea.org/fuels-and-technologies/renewables

 

 

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động