RSS Feed for Cơ cấu điện gió, mặt trời trong QHĐ VIII [Kỳ 1]: Kinh nghiệm của các quốc gia đi trước | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 19/03/2024 11:58
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Cơ cấu điện gió, mặt trời trong QHĐ VIII [Kỳ 1]: Kinh nghiệm của các quốc gia đi trước

 - Dù đã có bước phát triển mạnh mẽ về năng lượng tái tạo trong những năm gần đây, nhưng Việt Nam vẫn đi sau nhiều nước trên thế giới trong lĩnh vực điện gió, điện mặt trời. Chính vì vậy, các cơ quan quản lý, các nhà lập quy hoạch năng lượng tổng thể quốc gia, Quy hoạch điện 8 (QHĐ VIII) cần nghiên cứu, học tập kinh nghiệm quy hoạch xây dựng chính sách của những quốc gia đi trước, đặc biệt là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và một số nước châu Âu.


Góp ý về kịch bản lựa chọn cho Quy hoạch điện VIII

Phát triển nguồn điện trong Quy hoạch điện VIII và những thách thức trong lựa chọn


ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP VỀ CƠ CẤU NGUỒN ĐIỆN GIÓ VÀ MẶT TRỜI TRONG TỔNG THỂ QUY HOẠCH ĐIỆN VIII [KỲ 1]


LÃ HỒNG KỲ [1] ĐỖ THỊ MINH NGỌC [1], ĐỖ THỊ BÍCH THỦY [2]


 
I. Chính sách phát triển năng lượng tái tạo (gió, mặt trời) của một số nước trên thế giới 

1. Trung Quốc: Từ một quốc gia phụ thuộc lớn vào nguồn nhiên liệu hóa thạch như than, dầu mỏ, khí đốt... Trung Quốc đã từng bước đa dạng hóa nguồn cung cấp điện năng thông qua việc phát triển năng lượng tái tạo (NLTT).

Trong kế hoạch hiện đại hóa công nghiệp “Made in China 2025” của Trung Quốc, năng lượng tái tạo được xem là trọng tâm, nhằm mục tiêu đưa Trung Quốc trở thành quốc gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này.

Ủy ban Năng lượng Quốc gia Trung Quốc lần đầu tiên đặt mục tiêu giảm nhiệt điện than từ tháng 1-2017, đồng thời lập kế hoạch tăng nguồn năng lượng thay thế lên mức tương đương 15% tổng nhu cầu sử dụng năng lượng vào năm 2020, giảm tỷ trọng nhiên liệu hóa thạch xuống 20% vào năm 2030.

Trung Quốc hiện được xem là quốc gia dẫn đầu về đầu tư, sản xuất năng lượng sạch, đặc biệt là điện gió, điện mặt trời và điện sinh khối. Năm 2019, công suất phát điện từ NLTT toàn Trung Quốc là 2,04 nghìn tỷ kWh, chiếm 27,9% tổng sản lượng điện. Trong đó, thủy điện đạt 1,3 nghìn tỷ kWh (chiếm 17,8%), điện gió đạt 405,7 tỷ kWh (chiếm 5,5%), quang điện đạt 224,3 tỷ kWh (chiếm 3,1%) và điện sinh khối đạt 111,1 tỷ kWh (chiếm 1,5% tổng sản lượng điện).

Trong kế hoạch 5 năm lần thứ XIII (2016-2020), Trung Quốc ước đầu tư hơn 360 tỷ USD vào năng lượng tái tạo, ước tính tạo thêm khoảng 10 triệu việc làm. Trung Quốc hiện có 3,5 triệu lao động trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.

Trung Quốc hiện đang đi đầu về điện mặt trời và điện gió trên toàn thế giới, về cả năng lực, thị phần của các công ty. Trong bối cảnh năng lượng bằng nhiên liệu hóa thạch làm gia tăng ô nhiễm không khí vốn đã nghiêm trọng tại quốc gia đông dân nhất thế giới, Bắc Kinh đã đặt mục tiêu tăng tổng tỷ lệ sử dụng điện mặt trời và điện gió lên gần 30% vào năm 2030.

2. Nhật Bản: Tiếp đến, phải nói đến một cường quốc về khoa học - công nghệ là Nhật Bản cũng đã sớm nhận thức vai trò và tầm quan trọng của nguồn năng lượng tái tạo đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Ngay từ năm 2008, Chính phủ Nhật Bản đã thực hiện chính sách hỗ trợ cho vay mua nhà sử dụng năng lượng tái tạo với thời gian trả nợ tối đa là 10 năm, trong đó, cho những gia đình cải tạo nhà, chuyển sang sử dụng năng lượng mặt trời được vay số tiền tối đa lên đến 5 triệu Yên (tương đương gần 5.000 USD). Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản còn mua điện sản xuất từ năng lượng mặt trời với giá cao hơn giá thị trường và giảm giá bán các tấm pin năng lượng mặt trời.

Tháng 8/2011, Nhật Bản đã ban hành Luật Trợ giá (FiT) mua năng lượng tái tạo, khuyến khích người dân tự sản xuất điện mặt trời tại nhà và từ đó xây dựng các trung tâm điện mặt trời lớn, tập trung. Luật FiT cho phép hỗ trợ giá điện sản xuất từ năng lượng mặt trời khi các doanh nghiệp tư nhân muốn đầu tư.

Nhật Bản cũng khuyến khích chính quyền các địa phương cùng tham gia các dự án điện mặt trời. Theo báo cáo của Tổ chức phi lợi nhuận “Mạng lưới chủ sở hữu điện mặt trời ở Nhật Bản”, tính đến tháng 7/2013 đã có 277 cơ quan hành chính các cấp ở Nhật Bản (chiếm 15% số lượng cơ quan hành chính của quốc gia này) thực hiện hoặc đồng ý “cho thuê mái nhà” các công trình công cộng, lắp đặt hệ thống pin mặt trời.

Tháng 4/2017, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) giới thiệu Đạo Luật FiT mới (sửa đổi), trong đó, giảm thuế từ 21 đến 30 Yên/kWp điện tái tạo, tùy thuộc vào quy mô hệ thống. Điều này đã khuyến khích đầu tư từ doanh nghiệp tư nhân vào lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Tháng 7/2018, Nhật Bản thông qua kế hoạch chiến lược phát triển năng lượng lần thứ 5 tầm nhìn 2030 và đến 2050. Theo đó, Nhật Bản đã định hướng phát triển năng lượng dựa trên nguyên lí 3 E+S (viết tắt của Safety - an toàn, Energy Sercurity - an ninh năng lượng, Enviroment - môi trường, Economic Effeciency - hiệu quả kinh tế). Nguyên lý này cho thấy, Nhật Bản đang hướng đến xác lập cơ cấu cung cầu năng lượng bền vững, giảm gánh nặng kinh tế và thân thiện với môi trường.

Năm 2019, công suất phát điện từ NLTT cả nước là 199,861 tỷ kWh, chiếm 19,8% tổng sản lượng điện: Trong đó điện gió đạt 8,012 tỷ kWh (chiếm 0,8%), quang điện đạt 68,705 tỷ kWh (chiếm 6,8 % tổng sản lượng điện).

Theo kế hoạch, Nhật Bản tiếp tục duy trì mục tiêu sử dụng đa dạng các nguồn năng lượng. Cụ thể, đến năm 2030, trong cơ cấu nguồn điện, năng lượng tái tạo chiếm từ 22-24%, nhiên liệu hóa thạch 56% và năng lượng hạt nhân từ 20-22%.

3. Hàn Quốc: NLTT tại Hàn Quốc được tập trung phát triển chủ yếu là điện mặt trời chiếm tỷ lệ khoảng 85%, còn lại là gió và các nguồn năng lượng tái tạo khác.

Hàn Quốc bắt đầu xây dựng và phát triển các chính sách về NLTT từ năm 1987 với việc ban hành đạo luật khuyến khích phát triển các nguồn NLTT. Đến năm 2002, cơ chế giá điện FIT cho điện gió lần đầu tiên tại Hàn Quốc với giá không đổi trong 5 năm đầu tiên (107.66 KRW/kWh). Đến năm 2003, gia hạn thời gian áp dụng FIT cho điện gió và mặt trời từ 5 năm lên 15 năm. Năm 2010, Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định thay thế cơ chế giá điện FIT bằng cơ chế tiêu chuẩn danh mục đầu tư năng lượng tái tạo - RPS (Renewable Portfolio Standard) và đưa ra lộ trình áp dụng từ cuối năm 2012.

Cụ thể, các đơn vị sản xuất điện với công suất trên 500 MW thuộc đối tượng phải áp dụng cơ chế RPS, theo đó phải sản xuất 4% năng lượng tái tạo đến năm 2017 và tăng lên 10% đến năm 2023. Các đơn vị sản xuất điện khi áp dụng cơ chế RPS sẽ được nhận một Chứng chỉ Năng lượng tái tạo - REC (Renewable Energy Certificate) tương ứng với quy mô dự án thực hiện. Cơ quan trao đổi Năng lượng Hàn Quốc (KPX) là đơn vị cấp Chứng chỉ Năng lượng tái tạo - REC. Tuỳ thuộc vào quy mô nhà máy điện, loại hình công nghệ (gió, mặt trời, có trang bị hệ thống lưu trữ năng lượng…), vị trí dự án (nông thôn, thành thị, miền núi cao...) mỗi chứng chỉ REC nhận được sẽ tương ứng với một hệ số nhân để tính toán cơ chế giá bán khi giao dịch mua bán REC trên thị trường, REC được gia hạn 3 năm/lần.

Với việc áp dụng cơ chế RPS đã có nhiều tác động tích cực, dẫn chứng cụ thể là trong giai đoạn 2002-2011 khi áp dụng cơ chế giá FIT tỷ lệ tăng trưởng công suất đặt của NLTT khoảng 7,5%, trong khi giai đoạn 2012-2016 khoảng 11,36%. 

Năm 2019, công suất phát điện từ NLTT cả nước là 25,165 tỷ kWh, chiếm 4,6% tổng sản lượng điện: Trong đó điện gió đạt 2,464 tỷ kWh (chiếm 0,4%), quang điện đạt 9,207 tỷ kWh (chiếm 1,7% tổng sản lượng điện)

Chính sách RPS và REC hiện không chỉ có Hàn Quốc áp dụng, nhiều nước trên thế giới đã áp dụng được khá lâu và đem lại hiểu quả tích cực góp phần đạt được mục tiêu về phát triển NLTT, đảm bảo việc đấu nối, vận hành các nguồn NLTT đồng bộ và ổn định.

Năm 2017, Chính phủ Hàn Quốc đã ban hành chương trình phát triển năng lượng tái tạo mới (RE 2030), với mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo chiếm 20% hệ thống điện vào năm 2030 (trong đó năng lượng mặt trời và gió chiếm 95%).

Cụ thể, giai đoạn 2018-2022 (lắp đặt mới 12,4 GW) và giai đoạn 2023-2030 (lắp đặt thêm 36,3 GW), nâng tổng công suất đặt từ các nguồn năng lượng tái tạo lên khoảng 60 GW. Chương trình phát triển năng lượng tái tạo mới tại Hàn Quốc với mục tiêu tạo công ăn việc làm mới, giảm dần sự phụ thuộc vào nhập khẩu nhiên liệu sản xuất điện, giảm hiệu ứng nhà kính, khuyến khích người dân tự sản xuất điện từ năng lượng mặt trời ở các vùng đất xấu và quan trọng là tiến tới thay thế năng lượng hạt nhân.

Trong lộ trình RE 2030, Chính phủ Hàn Quốc xác định ra 3 hợp phần thực hiện:

1/ Mọi đối tượng đều có thể tham gia đầu tư các dự án nhà máy điện NLTT (đô thị và nông thôn, chủ yếu là mặt trời).

2/ Chính quyền địa phương có trách nhiệm quản lý và chịu trách nhiệm đối với các mục tiêu về phát triển NLTT tại từng địa phương.

3/ Đầu tư vào các dự án mang tính quy mô lớn để đảm bảo đạt được vào mục tiêu 2030.

Tại thời điểm hiện nay, cơ chế chính sách phát triển NLTT tại Hàn Quốc được đánh giá là đầy đủ, đồng bộ và đa dạng để phù hợp với nhiều đối tượng, qui mô thực hiện và khu vực. Mặc dù vậy, Chính phủ quốc gia này vẫn tiếp tục rà soát hàng năm để đảm bảo các mục tiêu đạt được theo kế hoạch và tiếp tục có kế hoạch xác định mục tiêu cho cơ chế RPS đến năm 2030.

4. Ấn Độ: Năm 2019, công suất phát điện từ NLTT cả nước là 314,392 tỷ kWh, chiếm 21 % tổng sản lượng điện: Trong đó điện gió đạt 61,408 tỷ kWh (chiếm 4,1%), quang điện đạt 46,336 tỷ kWh (chiếm 3,1% tổng sản lượng điện).

Điện dùng nhiên liệu hóa thạch vẫn chiếm gần 80% tỷ trọng năng lượng của Ấn Độ, nhưng chi phí ngày càng cao hơn và tác động đến môi trường cũng nhiều hơn. Năng lượng hạt nhân cũng có chi phí sản xuất cao và thời gian chuẩn bị dài, thủy điện tăng trưởng rất chậm do các hạn chế về địa chất, trong khi các dự án khí đốt bị mắc kẹt do không có khí đốt trong nước và chi phí mua khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) rất cao.

Trong hoàn cảnh này, Chính phủ Ấn Độ đã liên tục bổ sung công suất điện từ NLTT trong 5 năm qua để hướng đến việc không sử dụng điện than trong tương lai.

Cty Amplus Solar - nhà điều hành hàng đầu về sản phẩm năng lượng mặt trời phân tán, trên ái nhà với 275 dự án và hơn 50 mạng lưới phân phối điện trên toàn châu Á, dự báo tỷ trọng NLTT trong hợp phần năng lượng tổng thể tại Ấn Độ sẽ tăng từ 9% trong 2019 lên 19% trong năm 2022 và 23% trong năm 2027.

Hiện tại, Chính phủ Ấn Độ đã ban hành rất nhiều chính sách để hỗ trợ việc phát triển ĐMT mái nhà tại quốc gia này với tham vọng đạt được 100 GW điện mặt trời vào năm 2022, bao gồm 40 GW từ ĐMT mái nhà.

Chính phủ Ấn Độ đã tổ chức đấu thầu mái nhà trên tất cả các bang để tạo ra thị trường phát triển cho ĐMT mái nhà. Khoảng 2.032 MWp (MegaWatt-peak) công suất đã được phân bổ đến các địa phương, bao gồm 1.361 MW công suất thực đã được triển khai.

Bộ Năng lượng Mới và Tái tạo đã cung cấp 254 - 609 USD/kW trong khuôn khổ cơ chế khuyến khích cho các dự án ĐMT mái nhà được lắp đặt trên các toà nhà Chính phủ. Các dự án ĐMT mái nhà tại Ấn Độ cũng nhận được sự hỗ trợ lớn về lãi suất, khoản hỗ trợ chi phí đầu tư trung ương (15%) chuẩn bị được thay thế bằng khoản vay có lãi suất thấp hơn (8,5%).

Thậm chí, Chính phủ Ấn Độ còn áp dụng cả thời kì miễn thuế dành cho các doanh nghiệp dựa trên lợi nhuận của các dự án ĐMT trong thời hạn 10 năm liên tiếp trong vòng 15 năm đầu tiên dự án bắt đầu. Chính phủ cũng đặt ra mục tiêu cụ thể cho từng bang và các bang đã triển khai quy định về cơ chế bù trừ nhằm tích trữ điện năng thừa trên mức tiêu thụ.

Sự phát triển mạnh mẽ của NLTT tại Ấn Độ trong những năm qua cũng có tác động không nhỏ của việc chuyển đối mô hình phát triển dựa vào chi phí đầu tư (capex) sang mô hình chi phí hoạt động (Opex). Theo dự báo của Amplus Solar, tỷ lệ mô hình Opex trong phân khúc ĐMT mái nhà phi tập trung sẽ còn tăng đến gần 50% trong năm 2020.

5. Anh: Một nước có nền kinh tế rất phát triển tại châu Âu, đã thực hiện cam kết ứng phó với biến đổi khí hậu được 20 năm đang là nước thuộc tốp đầu trên thế giới về công suất điện gió ngoài khơi với 2 GW đã được lắp đặt trong năm 2018 và hướng tới mục tiêu 30 GW vào năm 2030. 

Nếu như năm 2012, nước Anh phải dựa vào nhiệt điện than là 40%, thì năm 2019, con số này là 6%. Tức là sau 7 năm, nước Anh đã giảm sự phục thuộc vào than cho sản xuất điện từ 40% xuống còn 6%. Ngoài ra, nước Anh còn là một quốc gia đứng đầu trên thế giới về cơ chế tài chính xanh.

Năm 2019, công suất phát điện từ NLTT cả nước là 117,902 tỷ kWh, chiếm 38,2% tổng sản lượng điện: Trong đó điện gió đạt 63,920 tỷ kWh (chiếm 20,7%), quang điện đạt 12,649 tỷ kWh (chiếm 4,1 % tổng sản lượng điện).

6. Đức: Ưu thế của nước Đức trong lĩnh vực NLTT là kết quả của một chiến lược dài hạn xoay quanh năng lượng gió và mặt trời được thúc đẩy bởi các mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường hết sức rõ ràng.

Chương trình phát triển NLTT của nước Đức có 5 mục tiêu chính:

1/Giảm thiểu biến đổi khí hậu (giảm phát thải khí nhà kính vào năm 2050 từ 80 - 95% so với mức năm 1990).

2/ Phi hạt nhân hóa (đóng cửa tất cả các cơ sở hạt nhân vào cuối năm 2022).

3/ Loại bỏ điện than (đóng cửa tất cả các nhà máy điện than vào cuối năm 2038).

4/ Tăng cường hiệu quả năng lượng (giảm tiêu thụ năng lượng sơ cấp vào năm 2050 xuống 50% so với mức của năm 2008).

5/ Phát triển mạnh NLTT (tăng tỷ trọng của NLTT trong tổng tiêu thụ năng lượng lên mức 60% vào năm 2050).

Sự phát triển ấn tượng của NLTT trong ngành điện nước Đức đã chứng minh sự đúng đắn của chiến lược mà quốc này áp dụng. Năm 2019, công suất phát điện từ NLTT cả nước là 239,927 tỷ kWh, chiếm 41,7 % tổng sản lượng điện: Trong đó điện gió đạt 121,007 tỷ kWh (chiếm 21%), quang điện đạt 44,506 tỷ kWh (chiếm 7,7 % tổng sản lượng điện).

Quan trọng hơn, cả 2 nguồn năng lượng gió và mặt trời có giá cả cạnh tranh và vẫn còn rất nhiều khả năng phát triển nên nước Đức càng có thêm lý do để phát triển mạnh lĩnh vực này.

7. Mỹ: Là quốc gia luôn phụ thuộc rất nhiều vào nhiên liệu hóa thạch như khí tự nhiên, dầu và than đá để sản xuất năng lượng. Tuy nhiên, xu hướng này hiện đang thay đổi nhanh chóng khi Mỹ đẩy mạnh thực hiện quy hoạch phát triển năng lượng sạch đến năm 2050. 

Để thực hiện, Mỹ đã đề ra chính sách năng lượng sạch lâu dài nhằm tạo ra một thị trường bền vững cho năng lượng tái tạo, khuyến khích và hỗ trợ việc tích hợp năng lượng tái tạo, tăng cường đầu tư cho nghiên cứu và phát triển lĩnh vực này. Đồng thời, Mỹ cũng đưa ra nhiều biện pháp kịp thời như nỗ lực cải thiện lưới điện bằng cách tăng cường hạ tầng cơ sở truyền dẫn để tích hợp được một lượng lớn năng lượng tái tạo, kết hợp với kế hoạch hóa phát triển lưới điện tiên tiến hơn để duy trì tính tin cậy và bền vững của loại năng lượng này. Trong đó, năng lượng mặt trời được chú trọng bởi đó là thành phần chủ yếu trong hệ thống năng lượng tái tạo của Mỹ. 

Trong những năm qua, chi phí cho hệ thống sản xuất điện mặt trời đã giảm đáng kể, góp phần mang lại cho các gia đình và doanh nghiệp Mỹ cơ hội tiếp cận với năng lượng sạch và giá thành phải chăng. Thông qua hạng mục đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D), Bộ Năng lượng Mỹ vẫn tiếp tục thúc đẩy phát triển và mở rộng thị trường năng lượng mặt trời trên cơ sở hài hòa, bền vững, phát triển sản xuất điện đi đôi với cơ sở hạ tầng kèm theo, như mạng lưới truyền tải hay tích trữ điện.

Bộ Năng lượng Mỹ sẽ tiếp tục định hướng chiến lược đầu tư nhằm chuyển đổi sang sản xuất năng lượng an toàn và sạch hơn. Đến nay, việc sản xuất các nguồn năng lượng tái tạo không ngừng gia tăng, các thống đốc bang tại Mỹ đang thúc đẩy phát triển công nghệ năng lượng sạch.

Năm 2019, công suất phát điện từ NLTT của Mỹ là 764,466 tỷ kWh, chiếm 18,3 % tổng sản lượng điện: Trong đó điện gió đạt 300,087 tỷ kWh (chiếm 7,2%), quang điện đạt 93,147 tỷ kWh (chiếm 2,2 % tổng sản lượng điện).

II. Tỷ lệ và sản lượng điện của các nguồn phát trên toàn thế giới và OECD

Căn cứ vào điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế của mình, mỗi nước trên thế giới đều đưa ra quy hoạch và có những chính sách riêng để phát triển năng lượng gió, mặt trời trong tổng sản lượng năng lượng tái tạo chung.

Năm 2019, theo thống kê của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) toàn thế giới sản lượng điện từ nguồn NLTT chiếm 26,89% trong đó sản lượng điện gió chiếm 5,44%  và mặt trời chiếm 2,71% tổng sản lượng điện.

Riêng khối OECD sản lượng điện từ nguồn NLTT chiếm 28,29%/tổng sản lượng điện, trong đó sản lượng điện gió chiếm 7,99% và mặt trời chiếm 3,99% tổng sản lượng điện.

 

   
   
   


 

KÝ TỚI: HIỆN TRẠNG CỦA VIỆT NAM VÀ CÁC KIẾN NGHỊ


 

[1] Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực.

[2] Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương.

Tài liệu tham khảo:

- Kinh nghiệm của Trung Quốc phát triển năng lượng tái tạo và bài học cho ASEAN -http://enternews.vn.

- Kinh nghiệm Hàn Quốc về tích hợp nguồn năng lượng tái tạo- erav.vn

- Kinh nghiệm của Nhật Bản về phát triển điện mặt trời - evn.com.vn

- Kinh nghiệm phát triển năng lượng tái tạo của Đức và Ấn Độ -baoxaydung.com.vn

- Phát triển năng lượng tái tạo- kinh nghiệm từ Vương quốc Anh - tietkiemnang luong.vn

- Mỹ đi đầu phát triển năng lượng mặt trời – nangluongsachvietnam.vn

- Hội thảo lần 1 Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. 

- https://www.iea.org/fuels-and-technologies/renewables

 

 

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động