RSS Feed for Cái khó của việc lập Quy hoạch năng lượng tổng thể quốc gia | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 19/03/2024 18:09
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Cái khó của việc lập Quy hoạch năng lượng tổng thể quốc gia

 - Tuy sinh sau để muộn, song Nhiệm vụ lập Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia sẽ gặp khó ngay từ đầu. Bởi theo chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam, Quy hoạch này phải gánh trên vai sứ mệnh làm căn cứ cho việc lập Quy hoạch điện 8 đã được Thủ tướng phê duyệt Nhiệm vụ cách đây 2 tháng. Như vậy, để kịp làm căn cứ cho Quy hoạch điện, cơ quan lập Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia phải chạy trước thời gian thì may ra mới hoàn thành được sứ mệnh này.

Vì sao Việt Nam cần quy hoạch năng lượng tổng thể?
Bất cập của Quy hoạch điện lực quốc gia và kiến nghị khắc phục
Thực hiện Luật Quy hoạch: Nguy cơ ‘bình mới, rượu cũ’
Đề nghị nghiên cứu đề xuất của Tạp chí Năng lượng Việt Nam về Luật Quy hoạch




Như Tạp chí Năng lượng Việt Nam đã đưa tin, ngày 3/12/2019 Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký Quyết định số 1743 phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia (thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050).

Theo chúng tôi, cái nan giải hiện nay là nguyên tắc lập quy hoạch. Theo quy định của Luật Quy hoạch, Quy hoạch ngành quốc gia phải phù hợp với Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch sử dụng đất quốc gia. Do đó, nội dung Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia phải đảm bảo tích hợp một cách đồng bộ, đầy đủ và phù hợp trên cơ sở kế thừa các nội dung có liên quan trong Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch sử dụng đất quốc gia.

Tuy nhiên, trên thực tế, cho đến nay cả Quy hoạch tổng thể quốc gia và Quy hoạch sử dụng đất quốc gia đều chưa có. 

Cụ thể là:

Về Quy hoạch tổng thể quốc gia (QHTTQG) thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung (Bộ KH&ĐT) nhấn mạnh: Đây là lần đầu tiên ở nước ta lập QHTTQG theo yêu cầu của Luật quy hoạch, cần xây dựng kế hoạch lập quy hoạch để đảm bảo chất lượng, thời gian lập và kịp trình Quốc hội Khóa XV thông qua vào kỳ họp thứ hai, cuối năm 2021 [1]. Tuy nhiên, đến nay, Nhiệm vụ lập Quy hoạch này vẫn chưa được phê duyệt, trong khi thời gian lập Quy hoạch này không quá 30 tháng (tính từ ngày nhiệm vụ lập quy hoạch được phê duyệt, trong đó thời hạn lập hợp phần quy hoạch không quá 18 tháng).

Như vậy, với tầm quan trọng và sự phức tạp của QHTTQG thì phải đến nửa đầu năm 2022 Quy hoạch này mới có thể hoàn thành.

Về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia: Cuối tháng 11/2019 Chính phủ mới ban hành Nghị quyết 103/NQ-CP thành lập Hội đồng thẩm định Nhiệm vụ lập Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng là Chủ tịch Hội đồng [2]. Đến nay, Nhiệm vụ lập Quy hoạch này vẫn chưa được phê duyệt. Với thời gian lập Quy hoạch theo quy định không quá 30 tháng thì Quy hoạch này cũng phải đến nửa đầu năm 2022 mới hoàn thành.

Trong khi, thời hạn lập Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thực hiện trong thời gian 12 tháng kể từ khi Nhiệm vụ Quy hoạch được phê duyệt và lựa chọn xong đơn vị tư vấn lập Quy hoạch - có nghĩa là đến khoảng cuối năm 2020 phải hoàn thành.

Như vậy, với tình hình nêu trên thì việc lập Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia sẽ gặp khó trong việc thực hiện nguyên tắc: "Nội dung Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia phải đảm bảo tích hợp một cách đồng bộ, đầy đủ và phù hợp trên cơ sở kế thừa các nội dung có liên quan trong Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch sử dụng đất quốc gia". 

Vấn đề tiếp theo là căn cứ lập Quy hoạch. Theo quy định của Luật QH - một trong những căn cứ để lập quy hoạch là Chiến lược phát triển kinh tế, xã hội, chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực trong cùng giai đoạn phát triển. Tuy nhiên, đến nay chưa có Chiến lược phát triển kinh tế, xã hội đến năm 2050, còn Chiến lược phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn 2021-2030 thì sớm nhất đến năm 2021 mới có.

Về chiến lược phát triển ngành, thì đối với Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia là "Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050" được phê duyệt theo Quyết định số 1855/2007/QĐ-TTg ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ. Vấn đề là Chiến lược này được xây dựng trên cơ sở Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2007 của Bộ Chính trị. Hiện nay, Bộ Chính trị đang chỉ đạo tổng kết, đánh giá 10 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và sẽ ban hành Nghị quyết mới cho phù hợp với tình hình mới của nền kinh tế, cũng như đất nước nói chung trong giai đoạn tới. Theo đó, Chính phủ sẽ xây dựng lại Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia theo Nghị quyết mới của Bộ Chính trị.

Như vậy, Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia hiện hành thì không còn phù hợp, còn Chiến lược mới thì chưa có. Đó cũng là cái khó cho "kẻ sinh trước", nhưng phải dựa vào "người sinh sau".

Lẽ ra xếp hàng dọc thì các quy hoạch: Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, Chiến lược phát triển năng lược quốc gia, Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia, Quy hoạch điện 8 lại xếp thành hàng ngang để cùng tiến. Điều đó sẽ gây khó khăn rất lớn cho việc lập Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia và Quy hoạch điện 8.

Vấn đề tiếp theo nữa là thực hiện mục tiêu đề ra cho việc lập Quy hoạch: "Đẩy mạnh các hoạt động sử dụng hiệu quả năng lượng và khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng tái tạo nhằm góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, giảm sự phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu".

Việc khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng tái tạo là cần thiết và phù hợp với xu thế của thời đại. Song hiện nay ở nước ta, đa phần công nghệ, thiết bị sản xuất, tích trữ điện năng lượng tái tạo, v.v... (gọi chung là công nghệ, thiết bị năng lượng tái tạo) đều phải nhập khẩu. Như vậy, nếu không có định hướng, chính sách đẩy mạnh phát triển chế tạo trong nước thì trong bối cảnh địa chính trị, thương mại khu vực và quốc tế có nhiều biến động phức tạp, khó lường sẽ khó có thể đảm bảo cung cấp đủ, kịp thời với giá cả hợp lý công nghệ, thiết bị năng lượng tái tạo cho nhu cầu trong nước ngày càng lớn. Khi đó, thay vì "rủi ro phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu" lại gặp phải "rủi ro phụ thuộc vào công nghệ, thiết bị năng lượng tái tạo nhập khẩu" - tức là rủi ro an ninh năng lượng không đi vào cửa trước, nhưng lại vào cửa sau.

Vấn đề cần lưu ý nữa là, Quy hoạch lập cho giai đoạn đến năm 2050, trong đó việc phát triển năng lượng tái tạo nói chung và điện năng lượng tái tạo nói riêng được khuyến khích tăng cường, nhất là điện mặt trời, điện gió. Như vậy, đến năm 2040 chắc chắn khối lượng chất thải từ điện mặt trời, điện gió sẽ rất lớn.

Hiện nay, vấn đề xử lý các loại chất thải này trong các dự án điện mặt trời, điện gió chưa được quan tâm đúng mức, hoặc chưa có giải pháp cụ thể. Do vậy, Quy hoạch phải đặc biệt quan tâm xử lý vấn đề này, vừa nhằm tránh để xảy ra tình trạng như nạn rác thải nhựa hiện nay, vừa tính đủ chi phí để đảm bảo thực hiện mục tiêu của Quy hoạch: "Đảm bảo cân đối cung cầu năng lượng với mục tiêu tối ưu chi phí phục vụ phát triển bền vững kinh tế, xã hội của đất nước"./.

PGS, TS. NGUYỄN CẢNH NAM - HỘI ĐỒNG PHẢN BIỆN TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM


Tài liệu tham khảo:

[1] Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, 15/07/2019, 15:33:48: Quy hoạch tổng thể quốc gia sẽ hoàn thành vào năm 2021.

[2] Tin tức Thứ Ba, 19/11/2019 00:15

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động