Nhật ký Năng lượng: Nỗ lực cho một điều bình thường
13:25 | 09/08/2013
>> Nhật ký Năng lượng: 'An toàn hệ thống điện' và 'ý tưởng siêu dự án'
>> Nhật ký Năng lượng: Năng lượng tái tạo và tiếng gọi của lương tri
>> Nhật ký Năng lượng: Nguy hiểm điện hạt nhân chỉ là tưởng tượng
>> Nhật ký Năng lượng: "Quyền lực thượng nguồn"
>> Nhật ký Năng lượng: 'Khi cơn đói dầu hoành hành'
>> Nhật ký Năng lượng: Thông điệp toàn cầu về điện hạt nhân
>> Nhật ký Năng lượng: Kỳ tích 'chinh phục lòng đất'
>> Nhật ký Năng lượng: Lọc dầu Dung Quất - vạn sự khởi đầu nan
>> Nhật ký Năng lượng: Ngành than định vị tương lai
Bình luận tuần thứ 10:
Độc quyền của Nhà nước hay của EVN?
Tại Diễn đàn Kinh tế Mùa thu 2012, PGS, TS Ngô Trí Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) đã đánh giá rằng, đến nay, đa số các ngành trong nền kinh tế nước ta đã có sự cạnh tranh trên thị trường, song ngành điện vẫn ở thế độc quyền, đang vận hành theo mô hình liên kết dọc truyền thống.
Thị trường phát điện tại Việt Nam đã xuất hiện sự cạnh tranh của các công ty Nhà nước như EVN, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), các nhà sản xuất điện độc lập (IPPs) và dự án BOT nước ngoài. Trong đó, các công ty Nhà nước chiếm thị phần rất lớn trong sản xuất điện.
EVN hiện đang sở hữu phần lớn công suất các nguồn điện, nắm giữ toàn bộ khâu truyền tải, phân phối và kinh doanh bán lẻ điện. EVN cũng giữ vai trò là đơn vị mua điện duy nhất. Tổng công ty mua bán điện thuộc EVN mua điện năng từ các nhà máy điện khác ngoài EVN như PVN, TKV... để phân phối và bán lẻ điện cho các hộ tiêu thụ điện.
'EVN vẫn là tổ chức độc quyền kinh doanh điện trong toàn quốc, chưa có sự cạnh tranh ở bất cứ hoạt động nào trong các khâu của ngành điện...'
Theo PGS, TS Ngô Trí Long, cho đến nay, EVN vẫn là tổ chức độc quyền kinh doanh điện trong toàn quốc, chưa có sự cạnh tranh ở bất cứ hoạt động nào trong các khâu của ngành điện. Trong những năm gần đây, hoạt động của EVN kém hiệu quả, sản xuất kinh doanh thua lỗ, nợ hằng năm tăng cao, dẫn tới thiếu nguồn vốn cho đầu tư phát triển, vay vốn rất khó khăn, thiếu minh bạch và mất lòng tin với khách hàng mỗi khi đề xuất việc tăng giá điện. Một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng trên là do sự phát triển chậm chạp thị trường điện cạnh tranh, EVN nắm giữ độc quyền kinh doanh điện quá lâu.
Tất cả những triệu chứng trì trệ ấy liệu có phải do EVN gây ra? Nhiều người còn nhớ cách đây mấy năm, một lãnh đạo cao nhất của EVN đã phát biểu trước giới báo chí rằng EVN rất muốn thoát khỏi "nhóm máu độc quyền" này để có thể đo được năng lực của chính mình, bởi "nhóm máu" ấy do cơ chế độc quyền Nhà nước tạo ra chứ không phải của riêng EVN.
Ngay trong bản tham luận đầy tính chỉ trích ấy, PGS, TS Ngô Trí Long cũng đã thừa nhận rằng, cách tính giá điện lũy tiến như hiện nay đang bao cấp giá cho cả hộ nghèo lẫn hộ giàu và các nhà đầu tư nước ngoài. Nhiều nhà đầu tư, khi sản xuất sản phẩm giá rẻ vì hưởng lợi từ giá điện thấp, nhưng xuất bán sản phẩm ra nước ngoài với giá cao. Tính công ích, xã hội trong giá điện, như mục đích ban đầu của nó, đã không thể hiện rõ nét. Bất cập của giá điện như trên là khó tránh khỏi khi cơ chế hoạt động của EVN đang có sự chồng chéo giữa phần kinh doanh và công ích. Mặt khác, với cơ chế Nhà nước không bù lỗ mà ngành điện tự bù chéo, lấy điện giá rẻ (chủ yếu là thủy điện) bù nguồn điện giá cao hơn, khi xảy ra thiên tai, hạn hán, nguy cơ thiếu điện sẽ lại hiển hiện cùng áp lực tăng giá điện…
Trong một "mớ mục tiêu" lùng nhùng như vậy, thật khó có thể đánh giá được thực chất hiệu quả hoạt động của EVN đang ở tầng nấc nào; tình trạng "sản xuất kinh doanh thua lỗ, nợ hằng năm tăng cao, dẫn tới thiếu nguồn vốn cho đầu tư phát triển, vay vốn rất khó khăn, thiếu minh bạch và mất lòng tin với khách hàng mỗi khi đề xuất việc tăng giá điện", mà chỉ có lộ trình tăng! như nêu ở trên đối với EVN là "oan Thị Kính" hay "oan Thị Mầu"?
Theo thông tin từ Báo cáo tài chính quý III/2012 của các công ty thủy điện thuộc EVN hoặc do EVN nắm giữ vốn chi phối đều có mức lợi nhuận khủng nhờ giá bán điện tăng và nước về các hồ chứa dồi dào trong các tháng của năm. Nhiều đơn vị thu lợi nhuận tăng gấp 3, thậm chí tới gần 400% so với cùng kỳ năm 2011, chủ yếu do sản lượng tăng và nhờ giá bán điện bình quân tăng.
Công ty cổ phần Thủy điện Thác Bà, kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2012 lợi nhuận sau thuế đạt 97,7 tỷ đồng, tăng 303,5% so với cùng kỳ năm trước. Cộng với lợi nhuận sau thuế quý III đạt 59,06 tỷ đồng, tăng 7 lần so cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận quý III tăng mạnh so với cùng kỳ là do giá điện cao hơn so với giá điện tạm hạch toán của năm trước. Ngoài ra, sản lượng điện thương phẩm tăng 65% so với cùng kỳ cũng góp phần làm tăng doanh thu, lợi nhuận của công ty.
Công ty cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh, đơn vị EVN đang nắm hơn 30,5% vốn điều lệ. Năm 2012, tổng sản lượng điện ước đạt 850 triệu kWh, tổng doanh thu đạt 567,1 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ước đạt khoảng 360,4 tỷ đồng.
EVN - "Tiên trách kỷ, hậu trách nhân"
Thời gian gần đây, nhiều nguồn thông tin cho thấy EVN đang có những bước chuyển mình trước những yêu cầu trách nhiệm kinh tế - xã hội được giao và nhu cầu tự hoàn thiện chính mình.
Trong buổi làm việc với Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hồi đầu năm 2013, Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN Hoàng Quốc Vượng cho biết, năm nay, Tập đoàn tập trung nguồn lực và trí tuệ nhằm tạo sự đột phá trong khâu kinh doanh, dịch vụ khách hàng. Cụ thể phải cắt giảm được các thủ tục, giấy tờ không cần thiết trong đấu nối; rút ngắn thời gian lắp đặt công tơ 1 pha/3 pha cho khách hàng; nâng cao chất lượng, độ tin cậy lưới điện để giảm thời gian mất điện, cũng như số lần mất điện trong năm; xây dựng văn hóa người thợ điện chuyên nghiệp, văn minh và thân thiện. Để thực hiện nhiệm vụ này, EVN sẽ thực hiện tốt đề án củng cố, nâng cao năng lực hoạt động của các Công ty Điện lực/Điện lực cấp quận, huyện nhằm thống nhất mô hình tổ chức, phương thức hoạt động, cơ chế quản lý, phân cấp, tiêu chí đánh giá...
Thực hiện Đề án Tái cơ cấu Tập đoàn giai đoạn đến năm 2015, EVN sẽ tăng cường công tác quản lý trong các khâu, lĩnh vực thông qua rà soát, cập nhật, bổ sung các hệ thống đơn giá, định mức; xây dựng hệ thống chỉ tiêu đánh giá hiệu quả công việc đối với mọi vị trí quản lý; minh bạch hóa các hoạt động của Tập đoàn. Bên cạnh đó, củng cố, kiện toàn công tác cán bộ theo hướng đổi mới toàn diện công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển và bổ nhiệm cán bộ nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ của Tập đoàn, đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo chủ chốt có phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi cho giai đoạn phát triển mới của Tập đoàn, của ngành điện. Đồng thời rà soát, tái cơ cấu tổ chức các đơn vị trong Tập đoàn để phù hợp với Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm xây dựng EVN thành một thể thống nhất, hoạt động đồng bộ, khai thác một cách tối ưu lợi thế các nguồn lực của Tập đoàn. Mặt khác, tích cực tham gia vào quá trình hình thành và phát triển thị trường điện, trước mắt là thị trường phát điện cạnh tranh, tiến tới hình thành thị trường bán buôn, bán lẻ cạnh tranh.
Với những nỗ lực nêu trên, trong 6 tháng đầu năm 2013, EVN đã đưa vào vận hành nhiều công trình lưới điện, cụ thể, 43 công trình lưới 110kV với tổng chiều dài đường dây là 794km, tổng dung lượng trạm biến áp trên 5.500 MVA, kịp thời tăng cường năng lực hệ thống truyền tải điện và giải quyết quá tải nhiều khu vực; khởi công được 11 công trình lưới điện 500 - 220kV.
Đối với các công trình trọng điểm cấp điện cho miền Nam, EVN đã hoàn thành nâng công suất máy AT2 TBA 500kV Phú Lâm lên 900 MVA; ĐD 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông và các công trình đồng bộ đang được khẩn trương thi công với mục tiêu hoàn thành cuối năm 2013. Bên cạnh đó, hoàn thành lắp đặt 1 bộ tụ bù dọc tại TBA 500kV Đăk Nông và đang tiến hành lắp đặt tại TBA 500kV Pleiku, Di Linh và điều động các bộ tụ 1500A lắp đặt cho ĐD Nho Quan - Hà Tĩnh, dự kiến hoàn thành trong Quý III/2013.
Tuy nhiên gần đây với hai sự cố đường dây 500kV (22-5 và 27-7-2013), đã có không ít ý kiến bình luận và băn khoăn về tính ổn định và điều khiển của hệ thống truyền tải siêu cao áp này.
Với các dự án nguồn điện, EVN đã đưa vào vận hành 3 tổ máy với công suất 520 MW, gồm TM1, TM2 Thủy điện Bản Chát và TM1 Nhiệt điện Nghi Sơn 1 (300 MW).
Khởi công Cảng biển Trung tâm Nhiệt điện Duyên Hải và phê duyệt Dự án đầu tư Nhiệt điện Vĩnh Tân 4; Hoàn thành các hạng mục chống lũ năm 2013 tại các dự án thuỷ điện: Lai Châu, Trung Sơn, Huội Quảng; các dự án thủy điện Sông Bung 4 và Sông Bung 2 đang gấp rút hoàn thành công tác chống lũ trước ngày 31/8/2013.
Hoàn thành các công trình đấu nối Nhiệt điện Vũng Áng 1, Nhiệt điện Nghi Sơn 1, Thủy điện Bản Chát, Srepok 4A... Hiện nay, EVN đang tập trung thực hiện các công trình đấu nối Trung tâm Nhiệt điện Mông Dương, Thủy điện Đăk Drinh và các hạng mục phục vụ chạy thử nghiệm Nhiệt điện Vĩnh Tân 2.
Các công trình cấp điện cho TP. Hà Nội, EVN đã hoàn thành các công trình ĐD 220kV Vân Trì - Sóc Sơn, TBA 220kV Vân Trì, lắp máy biến áp (MBA) 220kV-250MVA tại TBA 500kV Thường Tín và các tuyến 110kV đấu nối.
Trong công tác đầu tư xây dựng tháng 7/2013, EVN sẽ tiến hành đốt lò lần đầu TM2 Nhiệt điện Nghi Sơn 1 và hoàn thành các dự án đường dây 500 kV Phú Lâm - Ô Môn, Tân Định - Sông Mây, hoàn thành lắp tụ bù dọc tại TBA 500 kV Di Linh; bám sát các địa phương giải quyết dứt điểm các vướng mắc về đền bù GPMB; trình Bộ Công Thương phê duyệt DAĐT và cơ chế thực hiện dự án cấp điện cho huyện đảo Lý Sơn. Bên cạnh đó, EVN cũng sẽ tiến hành tổng kết 1 năm thực hiện thị trường phát điện cạnh tranh…
Tại TP Hồ Chí Minh, năm 2013 được EVNHCMC chọn là năm “Nâng cao chất lượng cung ứng điện, đảm bảo an toàn mỹ quan hệ thống điện”, để triển khai tích cực chủ đề này, EVNHCMC đã đưa ra kế hoạch khởi công xây dựng 196 công trình, hoàn thành 244 công trình, với tổng kế hoạch vốn đầu tư xây dựng do Tập đoàn Điện lực Việt Nam giao là 2.105 tỷ đồng. Đến nay, tổng khối lượng thực hiện đạt giá trị 910,267 tỷ đồng; hoàn thành được 66 công trình, trong đó một số công trình trọng điểm như: trạm 220kV GIS Hiệp Bình Phước; đường dây 220-110kV Hóc Môn - Hiệp Bình Phước (giai đoạn 1) đã được hoàn thành, đã khởi công các dự án: dự án trạm 220kV Củ Chi và ĐZ đấu nối; dự án ĐZ 220kV Cầu Bông - Củ Chi dự kiến hoàn tất vào quý I năm 2014. Các trạm 220kV Quận 8, Tân Cảng và ĐZ đấu nối đang triển khai thỏa thuận tuyến và vị trí trạm với địa phương. Đây là các công trình trọng điểm nhằm đảm bảo tăng cường nguồn công suất cung cấp cho lưới điện trong khu vực thành phố...
Tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 7/2013, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, hiện nay, chúng ta có một loạt giá đang tiến dần đến cơ chế thị trường, trong đó quan trọng là giá điện. Chủ trương chung của Đảng, Nhà nước là nhất quán giá thành tiến tới theo cơ chế thị trường.
Mới đây, Bộ Công Thương vừa ban hành Thông tư số 19/2013/TT-BCT, ngày 31/7/2013, quy định về giá bán điện và hướng dẫn thực hiện. Theo Thông tư, kể từ ngày 1/8/2013, giá bán điện bình quân là 1.508,85 đ/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), tăng 71,85 đ/kWh (5%) so với giá bán điện bình quân đang áp dụng (1.437 đ/kWh).
Chia sẻ về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, trước mỗi lần đặt vấn đề tăng giá điện thì Bộ Công Thương đều có tâm trạng rất khó tả "không thể không điều chỉnh giá" theo hướng tăng... Cũng với tâm trạng này, nhiều chuyên gia, nhiều người dân có thắc mắc: đã thực hiện kinh tế thị trường sao chỉ thực hiện lộ trình tăng giá?
Niềm hy vọng của 10 năm sau
Cách đây ít lâu, Bộ Công Thương đã công bố dự thảo quyết định hình thành và phát triển thị trường điện lực Việt Nam. Mục đích của lộ trình này là từng bước phát triển thị trường điện lực cạnh tranh một cách ổn định, xóa bỏ bao cấp trong ngành điện, tăng quyền lựa chọn nhà cung cấp điện cho khách hàng sử dụng điện; Thu hút vốn đầu tư từ mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia hoạt động điện lực, giảm dần đầu tư của Nhà nước cho ngành điện; Tăng cường hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành điện, giảm áp lực tăng giá điện; Đảm bảo cung cấp điện ổn định, tin cậy và chất lượng ngày càng cao; Đảm bảo phát triển ngành điện bền vững.
Lộ trình hình thành và phát triển các cấp độ thị trường điện lực tại Việt Nam qua 3 cấp độ: Cấp độ 1 (đến 2014), thị trường phát điện cạnh tranh; Cấp độ 2 (2015 - 2022), thị trường bán buôn điện cạnh tranh; Cấp độ 3 (từ sau năm 2022), thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.
Mỗi cấp độ được thực hiện theo hai bước: thí điểm và hoàn chỉnh. Cụ thể như sau:
Bước 1 - cấp độ 2: thị trường bán buôn điện cạnh tranh thí điểm (từ năm 2015 đến năm 2016).
Thực hiện thị trường bán buôn điện cạnh tranh thí điểm khi các điều kiện tiên quyết cho cấp độ này đã được đáp ứng.
Lựa chọn một số Tổng công ty điện lực, công ty điện lực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và một số khách hàng lớn đáp ứng các điều kiện để tham gia cạnh tranh mua buôn điện từ các đơn vị phát điện và từ thị trường bán buôn điện cạnh tranh.
Cho phép hình thành một số đơn vị bán buôn mới tham gia cạnh tranh mua buôn điện từ các đơn vị phát điện qua hợp đồng song phương và từ thị trường điện để bán điện cho các công ty điện lực và các khách hàng lớn.
Các đơn vị phát điện bán điện cho các Tổng công ty điện lực, công ty điện lực, đơn vị mua buôn và các khách hàng lớn qua hợp đồng song phương và bán điện trên thị trường điện.
Đơn vị truyền tải điện, các đơn vị phân phối điện cung cấp các dịch vụ truyền tải, phân phối điện. Đơn vị vận hành hệ thống điện và đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện cung cấp các dịch vụ vận hành hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường. Các đơn vị tham gia thị trường bán buôn điện cạnh tranh thí điểm có sử dụng các dịch vụ trên sẽ phải trả các khoản chi phí liên quan đến các dịch vụ này.
Cơ quan điều tiết điện lực quản lý đăng ký hoạt động trên thị trường điện lực, quản lý giao dịch trên thị trường điện và thực hiện các chức năng điều tiết khác trong thị trường bán buôn điện cạnh tranh thí điểm.
Bước 2 - cấp độ 2: thị trường bán buôn điện cạnh tranh hoàn chỉnh (từ năm 2017 đến năm 2022).
Thực hiện thị trường bán buôn điện cạnh tranh hoàn chỉnh khi các điều kiện tiên quyết đã được đáp ứng.
Các Tổng công ty điện lực, công ty điện lực, đơn vị mua buôn điện và các khách hàng lớn đáp ứng đủ điều kiện sẽ mua buôn điện từ các đơn vị phát điện qua hợp đồng song phương và trên thị trường điện.
Các đơn vị phát điện bán điện cho các Tổng công ty điện lực, công ty điện lực, đơn vị mua buôn và các khách hàng lớn qua hợp đồng song phương và bán điện trên thị trường điện.
Đơn vị truyền tải điện, các đơn vị phân phối điện cung cấp các dịch vụ truyền tải, phân phối điện; Đơn vị vận hành hệ thống điện và đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện cung cấp các dịch vụ vận hành hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường. Các đơn vị tham gia thị trường bán buôn điện cạnh tranh hoàn chỉnh có sử dụng dịch vụ trên sẽ phải chi trả các khoản chi phí liên quan đến các dịch vụ này.
Cơ quan điều tiết điện lực quản lý đăng ký hoạt động trên thị trường điện lực, quản lý giao dịch trên thị trường điện và thực hiện các chức năng điều tiết khác trong thị trường bán buôn điện cạnh tranh hoàn chỉnh.
Bước 1 - cấp độ 3: thị trường bán lẻ điện cạnh tranh thí điểm (từ năm 2022 đến năm 2024).
Thực hiện thị trường bán lẻ điện cạnh tranh thí điểm khi các điều kiện tiên quyết cho cấp độ này đã được đáp ứng.
Lựa chọn một số công ty điện lực để tách độc lập chức năng quản lý, vận hành lưới phân phối và chức năng bán lẻ điện để hình thành các đơn vị bán lẻ điện và đơn vị quản lý vận hành lưới phân phối. Các đơn vị này sẽ mua điện từ các đơn vị phát điện, đơn vị mua buôn điện và trên thị trường điển để bán lẻ điện cho các khách hàng sử dụng điện.
Cho phép hình thành một số đơn vị bán lẻ điện mới để tham gia cạnh tranh mua điện từ các đơn vị phát điện, đơn vị mua buôn điện và cạnh tranh bán lẻ điện cho các khách hàng.
Lựa chọn một số khách hàng sử dụng điện đáp ứng đủ các điều kiện sẽ được quyền lựa chọn mua điện từ đơn vị phát điện, đơn vị mua buôn điện, đơn vị bán lẻ điện qua hợp đồng song phương và từ thị trường điện.
Đơn vị truyền tải điện, các đơn vị phân phối điện cung cấp các dịch vụ truyền tải, phân phối điện. Đơn vị vận hành hệ thống điện và đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện cung cấp các dịch vụ vận hành hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường. Các đơn vị tham gia thị trường bán điện cạnh tranh thí điểm có sử dụng dịch vụ trên sẽ phải chi trả các khoản chi phí liên quan đến các dịch vụ này.
Cơ quan điều tiết điện lực quản lý đăng ký hoạt động trên thị trường điện lực, quản lý giao dịch trên thị trường điện và thực hiện các chức năng điều tiết khác trong thị trường bán lẻ điện cạnh tranh thí điểm.
Bước 2 - cấp độ 3: thị trường bán lẻ điện cạnh tranh hoàn chỉnh (từ sau năm 2024).
Thực hiện thị trường bán lẻ điện cạnh tranh hoàn chỉnh khi các điều kiện tiên quyết cho cấp độ này đã được đáp ứng.
Các công ty điện lực sẽ tách độc lập chức năng quản lý, vận hành lưới phân phối và chức năng bán lẻ điện để hình thành các đơn vị bán lẻ điện và đơn vị quản lý vận hành lưới phân phối.
Các đơn vị bán lẻ điện tham gia cạnh tranh mua điện trực tiếp từ đơn vị phát điện, đơn vị mua buôn điện qua hợp đồng song phương và trên thị trường điện để bán lẻ điện cho khách hàng.
Các khách hàng sử dụng điện đáp ứng đủ các điều kiện cần thiết do cơ quan điều tiết quy định sẽ được quyền lựa chọn từ đơn vị phát điện, đơn vị mua buôn điện, đơn vị bán lẻ điện và mua điện trực tiếp thị trường điện.
Đơn vị truyền tải điện, các đơn vị phân phối điện cung cấp các dịch vụ truyền tải, phân phối điện; Đơn vị vận hành hệ thống điện và đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện cung cấp các dịch vụ vận hành hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường. Các đơn vị tham gia thị trường bán lẻ điện cạnh tranh hoàn chỉnh có sử dụng dịch vụ trên sẽ phải trả các khoản chi phí liên quan đến các dịch vụ này.
Cơ quan điều tiết điện lực quản lý đăng ký hoạt động trên thị trường điện lực, quản lý giao dịch trên thị trường điện và thực hiện các chức năng điều tiết khác trong thị trường bán lẻ điện cạnh tranh hoàn chỉnh.
Thay lời kết
Xét về mặt lý thuyết, từng phân khúc thị trường trong bản dự thảo, trách nhiệm của mỗi chủ thể được phân định khá mạch lạc theo từng thời kỳ của lộ trình. Tuy nhiên, thực tiễn của nền kinh tế thị trường cho thấy, chúng chỉ có thể biến thành hiện thực một khi các nội dung phù hợp với trình độ phát triển của nền kinh tế quốc dân, có hệ thống pháp luật đủ mạnh để bảo đảm hình thành một môi trường cạnh tranh minh bạch và công bằng giữa các chủ sở hữu, bất kể đó là của Nhà nước hay tư nhân, của nhà đầu tư trong nước hay nước ngoài... Vì vậy, mọi nỗ lực cho một thị trường điện cạnh tranh không thể chỉ gói gọn trong lĩnh vực điện năng.
NGUYỄN HOÀNG LINH (Tổng hợp)