RSS Feed for Điện cho phát triển thủy sản ở ĐBSCL: Hiện trạng và giải pháp [Kỳ 9] | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 29/03/2024 19:15
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Điện cho phát triển thủy sản ở ĐBSCL: Hiện trạng và giải pháp [Kỳ 9]

 - "Trong thời gian qua, Công ty Điện lực Sóc Trăng (PC Sóc Trăng) đã đáp ứng đầy đủ nhu cầu điện cho phát triển nuôi tôm. Tuy nhiên, để giải bài toán về sử dụng điện hiệu quả trong ngành nuôi tôm, từ đó góp phần giảm chi phí, tăng suất sinh lợi trên một đơn vị diện tích canh tác, rất cần sự phối hợp đồng bộ giữa các bên, trong đó ngành điện đóng vai trò đặc biệt quan trọng" - Ông Phan Thanh Dũng Minh - Phó giám đốc PC Sóc Trăng đã có cuộc trao đổi với Phóng viên Tạp chí Năng lượng Việt Nam xung quanh vấn đề này.

Điện cho phát triển thủy sản ở ĐBSCL: Hiện trạng và giải pháp [Kỳ 1]
Điện cho phát triển thủy sản ở ĐBSCL: Hiện trạng và giải pháp [Kỳ 2]
Điện cho phát triển thủy sản ở ĐBSCL: Hiện trạng và giải pháp [Kỳ 3]
Điện cho phát triển thủy sản ở ĐBSCL: Hiện trạng và giải pháp [Kỳ 4]
Điện cho phát triển thủy sản ở ĐBSCL: Hiện trạng và giải pháp [Kỳ 5]
Điện cho phát triển thủy sản ở ĐBSCL: Hiện trạng và giải pháp [Kỳ 6]
Điện cho phát triển thủy sản ở ĐBSCL: Hiện trạng và giải pháp [Kỳ 7]
Điện cho phát triển thủy sản ở ĐBSCL: Hiện trạng và giải pháp [Kỳ 8]

KỲ 9: PC SÓC TRĂNG VÀ VẤN ĐỀ SỬ DỤNG ĐIỆN AN TOÀN, HIỆU QỦA TRONG NUÔI TÔM   

Năng lượng Việt Nam: Xin ông cho biết tình hình cấp điện phục vụ nuôi tôm công nghiệp hiện nay tại tỉnh Sóc Trăng?

Ông Phan Thanh Dũng Minh: Hiện nay, tổng số hộ sử dụng điện nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng là 11.630 hộ, con số này đã tăng 758 hộ so với năm 2017 (10.872).

Năm 2017, điện thương phẩm cho khách hàng nuôi tôm là 227.628.627 kWh, chiếm tỷ trọng là 92,76% sản lượng điện thương phẩm thành phần nông - lâm - thủy sản (245.406.194 kWh) và chiếm 18,65% trên tổng sản lượng điện thương phẩm của toàn tỉnh Sóc Trăng (1.220.547.004 kWh).

Bảy tháng đầu năm 2018, điện cho nuôi tôm là 148.686.417 kWh, chiếm tỷ trọng 93,32% sản lượng điện thương phẩm thành phần nông - lâm - thủy sản (159.332.113 kWh) và chiếm 20,24% trên tổng sản lượng điện thương phẩm của toàn Tỉnh (734.634.400 kWh).

Khối lượng đường dây cấp điện cho khu vực nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng tại các khu vực huyện: Cù Lao Dung, Mỹ Xuyên, Trần Đề và thị xã Vĩnh Châu là 1.502,94 km đường dây trung áp (trong đó 1 pha 546,55 km và 3 pha 956,39 km); 2.178,71 km đường dây hạ áp (trong đó 1 pha 1.475,83 km và 3 pha 702,882 km) và  dung lượng trạm biến áp là 278.288,5 kVA.

Cột điện do hộ dân tự dựng ở ao tôm. Công nhân PC Sóc Trăng đang chỉ rõ những điểm mất an toàn điện cho người dân.

Năng lượng Việt Nam: Trong thời gian qua, để đáp ứng nhu cầu điện sản xuất cho các hộ dân nuôi tôm công nghiệp tự phát trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, nâng cao chất lượng điện năng và độ tin cậy cung cấp điện cho khu vực, ngành Điện và địa phương đã phối hợp thực hiện đầu tư triển khai thế nào, thưa ông?

Ông Phan Thanh Dũng Minh: Giai đoạn 2016 - 2018, PC Sóc Trăng đã triển khai thực hiện các dự án/ công trình phục vụ nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, với tổng mức đầu tư 243,20 tỷ đồng. Cụ thể:

1/ Dự án Cấp điện cho các khu vực nuôi tôm nước lợ huyện Cù Lao Dung, Long Phú, Mỹ Xuyên, Trần Đề và thị xã Vĩnh Châu (năm 2014), với tổng mức đầu tư 25 tỷ đồng; khối lượng đầu tư bao gồm nâng cấp và xây dựng mới 39,1 km đường dây trung thế.

2/ Dự án Lưới điện phân phối phục vụ nuôi tôm nước lợ tỉnh Sóc Trăng (DPL3) (hoàn thành năm 2016). Tổng mức đầu tư 187,5 tỷ đồng; khối lượng đầu tư 144 km đường dây trung thế; 471,70 km đường dây hạ thế với tổng dung lượng trạm biến áp 33.120 kVA.

3/ Công trình cải tạo, nâng cấp và phát triển lưới điện phục vụ nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn huyện Cù Lao Dung năm 2017 (hoàn thành tháng 8/2018). Tổng mức đầu tư 8,70 tỷ đồng; khối lượng đầu tư 13,68 km đường dây trung thế; 7,79 km đường dây hạ thế với tổng dung lượng trạm biến áp 1.760 kVA.

4/ Công trình cải tạo, nâng cấp và phát triển lưới điện phục vụ nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn huyện Mỹ Xuyên năm 2017 (hoàn thành tháng 9/2018). Tổng mức đầu tư 10,34 tỷ đồng; khối lượng đầu tư 11,35 km đường dây trung thế; 13,78 km đường dây hạ thế với tổng dung lượng trạm biến áp 2.055 kVA.

5/ Cải tạo nâng cấp và phát triển lưới điện phục vụ nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu năm 2017 (hoàn thành tháng 9/2018). Tổng mức đầu tư 11,66 tỷ đồng; khối lượng đầu tư 11,83 km đường dây trung thế; 14,48 km đường dây hạ thế với tổng dung lượng trạm biến áp 2.650 kVA.

Ngoài ra, khách hàng tự đầu tư trạm biến áp phục vụ nuôi tôm, từ năm 2014 đến tháng 8/2018 đã có 605 khách hàng đầu tư, với dung lượng 47.791 kVA, tổng vốn đầu tư 99,96 tỷ đồng.

Năng lượng Việt Nam: Hiện nay và trong thời gian tới, thủy sản vẫn là lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của tỉnh Sóc Trăng, trong đó Quy hoạch nuôi tôm nước lợ tỉnh Sóc Trăng nói riêng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung đến năm 2020, tầm nhìn 2030 sẽ tiếp tục phát triển. Vậy, xin ông cho biết định hướng quy hoạch về cung cấp điện trong nuôi tôm của PC Sóc Trăng?

Ông Phan Thanh Dũng Minh: Để đảm bảo cung cấp điện các khu vực nuôi tôm trong giai đoạn 2020 - 2025, PC Sóc Trăng đã thực hiện rà soát nhu cầu đầu tư lưới điện 3 pha phục vụ nuôi tôm tập trung, báo cáo Tổng công ty Điện lực miền Nam đề xuất bố trí nguồn vốn triển khai thực hiện, với tổng mức đầu tư 686,58 tỷ đồng.

Cụ thể, PC Sóc Trăng sẽ đầu tư 528,87 km đường dây trung thế; 1.212,37 km đường dây hạ thế; 126.373,50 kVA dung lượng trạm biến áp, với giá trị đầu tư 686,58 tỷ đồng để phục vụ diện tích ao nuôi là 12.031,56 ha, với 9.882 hộ dân.

Năng lượng Việt Nam: Trong thời gian qua, mặc dù ngành Điện đã phối hợp cùng các cấp thực hiện nhiều giải pháp tuyên truyền về an toàn điện, nhưng hiệu quả chưa cao, vậy đâu là nguyên nhân?

Ông Phan Thanh Dũng Minh: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc mất an toàn điện, trong đó có một số nguyên nhân chính sau:

Thứ nhất, lưới điện sau công tơ đo đếm, khách hàng tự thi công, nhằm tận dụng nhân công sẵn có hoặc thuê thợ điện “nghiệp dư” thi công nên đường dây câu kéo không đúng kỹ thuật (không đạt độ cao, tiết diện dây dẫn quá nhỏ, dùng cột gỗ bị mục, không đi dây trên sứ cách điện, mối nối bị hở…).

Thứ hai, để giảm chi phí nên khách hàng thường chọn thiết bị điện, đường dây điện không đảm bảo chất lượng (giá rẻ), chọn dây dẫn quá nhỏ so với phụ tải hoặc kéo điện chỉ kéo dây nóng, lấy trung tính trực tiếp từ cọc đất, khi tiếp đất yếu hoặc hở gây tai nạn điện.

Thứa ba, lắp đặt động cơ điện không đúng khuyến cáo nhà sản xuất (lắp đặt trên nền đất ngoài trời nhưng che chắn sơ sài, không nối đất vỏ mô tơ điện hoặc nối đất không đúng kỹ thuật, lắp cầu chì bảo vệ hoặc áptomát không phù hợp với dòng điện động cơ), nên gây tai nạn khi rò điện.

Thư tư, lắp đặt thiết bị điện không đúng kỹ thuật (cầu dao, áptomát loại lắp ngoài trời không che chắn...), gây chạm chập, rò điện.

Thứ năm, tùy tiện câu móc, lắp đặt, sửa chữa thiết bị, lưới điện phục vụ sinh hoạt, sản xuất mà không có kiến thức kỹ thuật điện. Không thường xuyên kiểm tra, thay thế kịp thời nên sau thời gian đường dây điện mất an toàn.

Thứ sáu, đặc biệt khi xảy ra tai nạn, người dân đã cấp cứu người bị điện giật chưa đúng cách, cấp cứu bằng cách đắp sình, đổ bia,… chưa thực hiện các giải pháp cấp cứu theo khuyến cáo của ngành Điện.

Ngoài ra, do chủ sở hữu tự ý dùng điện sinh hoạt gia đình để sản xuất nên còn gây ra một số nguy cơ mất an toàn như: Gây quá tải thiết bị điện, đường dây điện trong gia đình gây cháy nổ và tai nạn điện; Khách hàng tự ý trèo lên trụ điện để thay thế cầu chì cá phù hợp với phụ tải của khách hàng đang sử dụng điện. Và khi nhiều chủ hộ cùng đồng loạt sử dụng điện sinh hoạt để sản xuất, nuôi thủy sản tự phát dẫn đến xảy ra tình trạng quá tải bật áptomát trạm biến áp, gây cháy máy biến áp làm thiệt hại tài sản nhà nước và gây mất điện ảnh hưởng đến các hộ sử dụng điện ánh sáng sinh hoạt xung quanh.

Năng lượng Việt Nam: Ông đánh giá thế nào về những khó khăn từ việc chưa áp dụng các giải pháp an toàn sử dụng điện của người dân trong nuôi tôm?

Ông Phan Thanh Dũng Minh: Mặc dù ngành Điện đã phối hợp cùng các cấp thực hiện nhiều giải pháp, nhưng thời gian qua vẫn còn tai nạn điện, nguyên nhân là ý thức sử dụng điện của người dân chưa cao.

Cụ thể, ngành Điện đã đến tuyên truyền, hướng dẫn khắc phục tình trạng rò điện mô-tơ bằng cách lắp chống giật, nối đất vỏ mô-tơ (có ký tên xác nhận). Tuy nhiên, khách hàng không thực hiện nên bị tai nạn điện do rò điện mô-tơ. Đã xảy ra trường hợp ngành điện đã gửi thông báo (có xác nhận) và cảnh báo không được vi phạm khoảng cách an toàn nhưng đơn vị thi công vẫn không quan tâm nên bị phóng điện.

Ngành Điện phối hợp địa phương mời người dân đến trực tiếp tuyên truyền giải pháp phòng tránh tai nạn do rò điện mô-tơ, điện lực làm mẫu và cấp phát vật tư cho hộ nuôi tôm. Tuy nhiên, khi phúc tra lại thì ghi nhận nhiều hộ dân vẫn chưa khắc phục để đảm bảo an toàn với lý do chưa có thời gian thực hiện và đợi vụ sau thực hiện.

Do đó, trách nhiệm tuyên truyền sử dụng điện an toàn không chỉ riêng của một ngành điện hay riêng một bộ phận nào. Vì vậy, cần sự tham gia từ các sở ban ngành, hội đoàn thể cấp tỉnh đến các địa phương ở phường/xã/ấp. Ngành Điện sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cấp để tuyên truyền nâng cao ý thức sử dụng điện an toàn của người dân.

Năng lượng Việt Nam: Vậy, để hạn chế tới mức thấp nhất tình trạng mất an toàn điện, giúp người dân sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, PC Sóc Trăng đã triển khai thực hiện những giải pháp gì?

Ông Phan Thanh Dũng Minh: PC Sóc Trăng đã triển khai kế hoạch tổ chức tuyên truyền ngăn ngừa tai nạn điện trong nhân dân đến vùng nuôi tôm. Đánh giá lại công tác tuyên truyền hướng dẫn trực tiếp người dân nối đất an toàn vỏ mô-tơ để kiến nghị Sở Công Thương có giải pháp xử lý.

Đồng thời, đã in và phân bổ 26.000 tờ rơi tuyên truyền sử dụng điện an toàn bằng tiếng Việt và tiếng Khmer đến các điện lực; in và cấp phát 15.000 quyển cẩm nang sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả cho các hộ dân trong vùng nuôi tôm.

Định kỳ hàng tháng, các điện lực vùng tôm phối hợp địa phương kiểm tra việc sử dụng điện an toàn (do địa phương chủ trì).

Ngoài ra, PC Sóc Trăng phối hợp đồng bộ với các sở, ngành (các hiệp hội ngành nghề, đài truyền hình, phát thanh, báo chí...) tại địa phương nhằm hướng dẫn, tập huấn, tuyên truyền các giải pháp sử dụng điện an toàn, hiệu quả, tiết kiệm tới các hộ, doanh nghiệp nuôi tôm công nghiệp. Các hình thức tuyên truyền khá đa dạng như: các buổi tập trung tập huấn, hướng dẫn; phát hành cẩm nang, sổ tay sử dụng điện; phát hành tờ rơi; lập các mô hình cải tiến sử dụng điện để làm hạt nhân lan tỏa; Cơ chế hỗ trợ vốn mua sắm các thiết bị sử dụng điện hiệu quả...

Năng lượng Việt Nam: Để đáp ứng nhu cầu điện cho nuôi tôm, các đề xuất, kiến nghị về cơ chế, chính sách phát triển, nguồn vốn… của PC Sóc Trăng?

Ông Phan Thanh Dũng Minh: Hiện nay, nguồn vốn đầu tư rất khó khăn, trong khi nhu cầu đầu tư đảm bảo cấp điện cho các khu vực quy hoạch vùng tôm là rất lớn.

PC Sóc Trăng mong muốn Chính phủ có chính sách hỗ trợ vốn đầu tư phát triển cho khu vực nuôi tôm. Đưa nhu cầu vốn đầu tư phát triển lưới điện phục vụ nuôi tôm công nghiệp của tỉnh vào Đề án phát triển ngành tôm quốc gia Việt Nam giai đoạn 2016-2020.

Trên cơ sở nguồn tổng giá vốn được bố trí của tỉnh Sóc Trăng thuộc đề án, đề xuất Chính phủ cơ chế triển khai thực hiện cho phần đầu tư lưới điện, cụ thể:

1/ Giao ngành Điện tiếp nhận vốn và tổ chức triển khai thực hiện đầu tư đồng bộ với kế hoạch phát triển ao nuôi tôm công nghiệp, hoặc:

2/ Giao vốn cho UBND tỉnh Sóc Trăng triển khai thực hiện chung đề án và sau khi hoàn tất giao cho ngành điện quản lý vận hành, sửa chữa để đảm bảo cấp điện ổn định phục vụ việc nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn.

Năng lượng Việt Nam: Xin cảm ơn ông!

TIẾN SỸ - TRẦN VŨ (thực hiện).

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động