RSS Feed for Điện cho phát triển thủy sản ở ĐBSCL: Hiện trạng và giải pháp [Kỳ 4] | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ hai 23/12/2024 13:58
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Điện cho phát triển thủy sản ở ĐBSCL: Hiện trạng và giải pháp [Kỳ 4]

 - Sử dụng điện là một khâu quan trọng trong quá trình nuôi tôm công nghiệp. Việc cung cấp điện và sử dụng điện hiệu quả là một trong những nhân tố quyết định để đảm bảo thu hoạch thành công vụ nuôi tôm. Tuy nhiên, thời gian qua, do thiếu các thông tin và chưa tiếp cận được các nhà cung cấp các giải pháp và phổ biến áp dụng KHCN hiệu quả, mà nhiều hộ nuôi tôm tại vùng ven biển Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) còn sử dụng điện lãng phí, làm tăng chi phí nuôi trồng thủy sản, gây mất an toàn cho lưới điện và nguy cơ tai nạn đáng tiếc cho con người.

Điện cho phát triển thủy sản ở ĐBSCL: Hiện trạng và giải pháp [Kỳ 1]
Điện cho phát triển thủy sản ở ĐBSCL: Hiện trạng và giải pháp [Kỳ 2]
Điện cho phát triển thủy sản ở ĐBSCL: Hiện trạng và giải pháp [Kỳ 3]

KỲ 4: CÁC VẤN ĐỀ BẤT CẬP TRONG SỬ DỤNG ĐIỆN TẠI CÁC HỘ NUÔI TÔM Ở ĐBSCL


THS. NGUYỄN ANH TUẤN; THS. HOÀNG DƯƠNG MINH - TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Theo tổng kết của Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC), năm 2017 trên 8 tỉnh ven biển ĐBSCL có trên 147,9 ngàn hộ nuôi tôm, tiêu thụ 840,94 triệu kWh điện, chiếm gần 6% điện thương phẩm các tỉnh này. EVNSPC cũng đã khảo sát tại 3 tỉnh có sản lượng nuôi tôm lớn nhất khu vực là Cà Mau, Bạc Liêu và Sóc Trăng, cho thấy trên tổng số 27.389 hộ nuôi tôm tại đây, điện tiêu thụ trong 6 tháng đầu năm 2017 là 228,78 triệu kWh, tăng 16,8%; 38,3% và 31,9% tương ứng 3 tỉnh so với cùng kỳ 2016.

Tỷ trọng điện tiêu thụ cho nuôi tôm công nghiệp trong tổng tiêu thụ điện thành phần Nông - Lâm - Thủy sản tại các tỉnh ven biển ĐBSCL rất cao, trong đó thống kê năm 2017 tiêu thụ điện cho nuôi tôm của 5 tỉnh có tỷ trọng lớn nhất là:

Tỉnh

Điện nuôi tôm 2017
(Triệu kWh)

Tỷ trọng điện tiêu thụ trong thành phần Nông - Lâm - Thủy (%)

Bến Tre

145.368

98.97

Trà Vinh

54.010

90.80

Sóc Trăng

227.600

92.76

Bạc Liêu

118.884

88.98

Cà Mau

147.400

84.83


Vấn đề sử dụng điện kém an toàn, hiệu quả thấp, lãng phí trong nuôi tôm được đánh giá tổng hợp như sau:

Thứ nhất: Nhiều hộ nuôi tôm nhỏ lẻ, tự phát ở nông thôn đã sử dụng điện tùy tiện: sử dụng thợ điện "nghiệp dư", dùng vật tư thiết bị điện chất lượng kém, sử dụng cột gỗ tạp (cây tràm, tầm vông) hoặc cả cây xanh làm cột treo dây điện, mắc dây trực tiếp vào cột không có sứ đỡ, rải dây điện trên mặt đất bờ ao tôm. Sử dụng điện bằng 1 dây "nóng", còn dây "nguội" được dẫn xuống đất để giảm chi phí (?) Động cơ điện không được nối đất để giảm nguy hiểm khi điện rò ra vỏ, đặt động cơ nơi ẩm thấp, che chắn sơ sài. Kéo dây điện, lắp cầu chì bảo vệ, hoặc aptomat không phù hợp với dòng điện định mức của động cơ. Đặt cầu dao điện ở phạm vi xa thiết bị, khiến việc xử lý không kịp thời khi có sự cố.

Theo thông tin từ EVNSPC, trong 7 tháng năm 2017, tỉnh Sóc Trăng có 12 vụ tai nạn điện xảy ra tại khu vực nuôi tôm trong 18 tổng vụ. Hơn nữa, việc kéo dây điện 1 pha khoảng cách dài, tiết diện nhỏ đến các ao tôm đã làm tăng tổn thất điện năng, gây quá tải cục bộ và sự cố mất điện...  

Thứ hai: Giàn quạt nước sục ôxy là một trong những yêu cầu công nghệ chủ yếu, quan trọng của nuôi tôm công nghiệp. Mỗi ao nuôi cần có từ 2 đến 4 giàn quạt sục để cung cấp ôxy cho tôm sống và lớn nhanh.

IMG_0799-1

Hình 1. Giàn quạt sục ôxy trên ao tôm.

Mỗi giàn quạt ôxy được nối với động cơ điện để tạo động lực quay. Thông thường các hộ dân dùng động cơ điện công suất 2HP đến 3HP (1,5 đến 2,25 kW). Vấn đề ở đây là trên chiều dài của giàn quạt, người ta cần dùng các ổ đỡ để định vị trục quay. Cho đến 2017, ước tính khoảng 60% hộ nuôi tôm vẫn dùng gối đỡ trục quay dạng chữ U, với phần diện tích tiếp xúc giữa gối đỡ và trục là 40-45%. Vì mặt tiếp xúc lớn nên gây ma sát trượt, làm tiêu hao đáng kể động lực - điện năng và giảm tốc độ quạt.

Hình 2. Trục quay trượt trên diện tích của gối đỡ chữ U

Hình 3. Giàn quạt dùng gối đỡ chữ U

Thứ ba: Trục động cơ tạo góc so với trục giàn quạt: Cũng trên giàn quạt lá sục ôxy, các hộ cũng phổ biến đặt động cơ trên bờ ao nuôi, cao hơn mặt nước, trục truyền từ động cơ đến trục giàn quạt tạo thành góc từ 10 - 30 độ. Phía động cơ, trục được nối kiểu khớp các-đăng. Phía nối với giàn quạt dùng khớp liên kết bằng cao su lốp ôtô. Cách truyền động nghiêng trục này làm tổn hao khá lớn động lực, chưa kể khớp nối bằng ghép 2 mặt bích bằng cao su lốp thường tạo thêm lệch tâm trục, tạo rung động và các ứng suất có xu hướng làm hư hỏng những khớp nối trục và ổ đỡ. Điều này làm giảm tới 25-30% hiệu năng của động cơ.

DSC01353

Hình 4. Trục động cơ điện không đồng trục với giàn quạt

 

Hình 5: Các trường hợp lệch trục: lệch góc, lệch song song hoặc kết hợp cả hai

Thứ tư: Các động cơ điện thường được mua sắm và sử dụng với tiêu chí giá rẻ, nên thường là loại động cơ không rõ xuất xứ, cũ, quấn lại. Theo khảo sát của các công ty điện lực, phần lớn hộ nuôi tôm quy mô công nghiệp, các hộ dân thường sử dụng động cơ điện loại 2HP, 3HP và vẫn còn nhiều hộ sử dụng loại 5HP (3,75kW) có hiệu suất thấp, tiêu tốn nhiều điện năng.

Số liệu thống kê tại 6 tỉnh ĐBSCL cho thấy có tổng cộng 77.433 động cơ đang sử dụng, trong đó 47,85% là loại 3HP; 30,99% loại 2HP; 13,25% loại 1,5HP và có 1,62% loại 5HP. Loại 2HP và 3HP được sử dụng nhiều nhất, tập trung tại Cà Mau và Bạc Liêu. Động cơ loại 5HP còn được sử dụng nhiều tại Kiên Giang. Các khảo sát cho thấy số lượng động cơ điện hiệu suất thấp còn chiếm tới 2/3 tổng số động cơ tại đây. Mặt khác, còn nhiều nơi sử dụng bộ phận truyền động từ động cơ sang hộp số qua dây curoa, làm tăng thêm tổn hao truyền lực.

Ngoài ra, một số giải pháp giảm tiêu hao điện năng tiên tiến mới chỉ được áp dụng tại một số ít hộ nuôi tôm theo phương pháp thâm canh/ siêu thâm canh như: Sử dụng bộ biến tần thay đổi tốc độ quay của giàn quạt tùy theo tuổi của con tôm; lắp đặt tụ bù hạ thế để giảm tổn thất trên đường dây, bơm sục khí ôxy tầng đáy ao tôm... Theo đánh giá, khi đầu tư các thiết bị này, điện năng tiêu thụ sẽ có thể giảm tới 40%.

EVNSPC và các công ty thành viên đã sớm nhìn nhận và thực hành nhiều khảo sát, đánh giá các bất cập trong sử dụng điện nuôi tôm nói trên. Các nguyên nhân chính có thể tổng hợp lại là: 

1/ Còn nhiều hộ nuôi tôm công nghiệp không triển khai sản xuất trên các vùng được quy hoạch, việc nuôi tôm tự phát tại nơi không đủ điều kiện hạ tầng cung cấp điện cho sản xuất sẽ làm lưới quá tải, chất lượng điện không đảm bảo, tổn hao cao và hay xảy ra sự cố.

2/ Quán tính sản xuất nhỏ của người dân dẫn đến thiếu các tìm hiểu, đầu tư cải tiến. Ví dụ: 3 tỉnh có sản lượng tôm lớn là Cà Mau, Bạc Liêu và Sóc Trăng mà tương ứng vẫn có tới 75%, 68% và 70% số hộ nuôi tôm sử dụng các thiết bị nuôi tôm hiệu suất thấp như nêu trên.

3/ Thiếu các nhà cung cấp các giải pháp cải tiến, KHCN tại địa phương.

4/ Tùy theo phương pháp nuôi tôm bán công nghiệp, thâm canh, siêu thâm canh, trung bình mỗi hecta nuôi tôm có chi phí tiền điện từ 50 - 200 triệu mỗi vụ. Tuy nhiên, tỷ trọng tiền điện trong tổng chi phí nuôi tôm chỉ chiếm từ 10 - 14%, dẫn đến người dân chưa thực sự quan tâm lớn, một khi tôm trúng mùa, trúng giá thì chi phí này càng dễ bị coi nhẹ.

Mặc dù còn nhiều khó khăn thách thức, nhưng với tinh thần trách nhiệm của ngành Điện trong đảm bảo cung cấp điện an toàn về con người, an toàn và hiệu quả lưới điện, EVNSPC và các công ty thành viên tại địa bàn ĐBSCL đã và đang triển khai nhiều chương trình, biện pháp tuyên truyền, thí điểm các giải pháp tiết kiệm điện, phổ biến các quy tắc an toàn, kết hợp với chính quyền và các sở, ngành trong khu vực nhằm nâng cao nhận thức người dân, hỗ trợ các hộ/doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản cải tiến phương pháp, đầu tư thiết bị hiệu suất cao để giảm chi phí sản xuất, nâng cao sản lượng nuôi trồng thủy sản.

Kỳ tới: Đánh giá kết quả một số mô hình tiết kiệm điện thành công trong nuôi tôm của EVNSPC đã triển khai đến hết năm 2017

nangluongvietnam.vn/

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động