RSS Feed for Điện cho phát triển thủy sản ở ĐBSCL: Hiện trạng và giải pháp [Kỳ 2] | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 23/01/2025 08:28
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Điện cho phát triển thủy sản ở ĐBSCL: Hiện trạng và giải pháp [Kỳ 2]

 - Thời gian qua, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) đã nỗ lực cấp điện đầy đủ phục vụ nhu cầu nuôi trồng thủy sản khu vực phía Nam, đặc biệt là nuôi tôm công nghiệp. Tuy nhiên, để đảm bảo cấp điện an toàn, ổn định, EVNSPC hiện đang gặp nhiều khó khăn, thách thức như: Việc quy hoạch vùng nuôi tôm chưa hoàn thiện, chưa đi vào chiều sâu; việc thực hiện chưa có các cơ chế phối hợp hoạt động chung giữa các ngành. Đa số các hộ nuôi tôm nhỏ lẻ ngoài vùng quy hoạch đang sử dụng chính nguồn điện thắp sáng để chạy động cơ kéo quạt nước cung cấp oxy cho tôm, đồng thời còn sử dụng các thiết bị như motor, cánh quạt, trục quay có hiệu suất thấp, tiêu thụ điện năng cao dẫn đến quá tải lưới điện khu vực và ảnh hưởng rất lớn đến quá trình cung cấp điện…

Điện cho phát triển thủy sản ở ĐBSCL: Hiện trạng và giải pháp [Kỳ 1]

 

KỲ 2: NGÀNH ĐIỆN VỚI VIỆC CẤP ĐIỆN CHO NUÔI TRỒNG THỦY SẢN Ở ĐBSCL  



THS. NGUYỄN ANH TUẤN; THS. HOÀNG DƯƠNG MINH

TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) là đơn vị thuộc Tập đoàn Điện lực việt Nam (EVN), trực tiếp đầu tư, xây dựng và vận hành lưới điện, cung cấp điện cho 21 tỉnh, thành miền Nam, trong đó có 12 tỉnh và thành phố Cần Thơ nằm trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Về nguồn điện, khu vực miền Nam có 12 nhà máy thủy điện, 11 nhà máy tua bin khí, 9 nhà máy nhiệt điện và một vài thủy điện nhỏ khu vực miền Đông Nam bộ, với tổng công suất khả dụng là 12.099 MW. Ngoài ra, nguồn điện được hỗ trợ từ hệ thống lưới truyền tải 500 kV khoảng 4.300 MW trong điều kiện lưới ổn định.

Hiện nay, lưới điện thuộc 21 tỉnh, thành phố khu vực miền Nam thuộc EVNSPC quản lý là 222 trạm 110 kV với tổng dung lượng 18.044 MVA và các tuyến đường dây 110 kV với tổng chiều dài 5.694 km; lưới trung áp 22 kV, bao gồm cả tài sản của Tổng công ty và của khách hàng gồm 183.566 trạm biến áp có tổng dung lượng trên 33.443 MVA và 68.726 km đường dây.

Sản lượng điện thương phẩm (1) của EVNSPC năm 2017 đạt 60,33 tỷ kWh, chiếm 34,9% tổng điện thương phẩm cả nước. Tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm các năm 2015, 2016 và 2017 khá cao - lần lượt là 10,74%, 11,28% và 9,77%. Trong cơ cấu điện tiêu thụ, thành phần điện cho nông - lâm - ngư nghiệp tuy chiếm tỷ trọng nhỏ, năm 2017 chỉ 5,3% (3,183 tỷ kWh), nhưng có tốc độ tăng cao nhất, lần lượt tăng trưởng 18,8%, 77,3% và 21,1% các năm 2015, 2016 và 2017.

EVNSPC thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương để đầu tư phát triển và quản lý lưới điện.

Trong 12 tỉnh vùng ĐBSCL, các tỉnh duyên hải là nơi tập trung nghề nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi tôm nước lợ, bao gồm 8 tỉnh: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang. Diện tích nuôi tôm tại ĐBSCL phát triển nhanh, đạt 654.813 ha, chiếm tới 92,76% diện tích nuôi tôm cả nước.

Sau đây xin nêu các vấn đề nỗ lực của EVNSPC và các Công ty thành viên trong cung cấp điện cho nuôi trồng thủy sản/ nuôi tôm của các tỉnh này.

1/ Hiện trạng lưới điện và cung cấp điện cho nuôi trồng thủy sản các tỉnh duyên hải ĐBSCL:

Năm 2017, điện thương phẩm của 8 tỉnh duyên hải nói trên là 14,885 tỷ kWh, chiếm 24,6% tổng điện thương phẩm miền Nam. Một điểm cần lưu ý là riêng điện cho vùng nuôi tôm công nghiệp của các tỉnh này đạt 839,5 triệu kWh, chiếm tới 79,3% thành phần điện cho nông - lâm - ngư nghiệp của 8 tỉnh, trong đó có 5 tỉnh tỷ lệ điện cho nuôi tôm chiếm từ 85% đến gần 99%, như Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau. Có thể thấy rằng, nhu cầu điện cho nuôi tôm tại đây trong các năm vừa qua tăng trưởng rất nhanh.

Về lưới điện trung áp, các tỉnh duyên hải ĐBSCL có tổng dung lượng các trạm biến áp 22 kV là 8.916,4 MVA, tổng chiều dài đường dây 22kV là 29.099 km. Riêng lưới điện phục vụ các hộ nuôi tôm công nghiệp bao gồm: dung lượng trạm biến áp trung áp trên 1.058,8 MVA, tổng chiều dài đường dây 22 kV là 6.015 km (trong đó 3.040 km đường dây 3 pha, còn lại là 1 pha), tổng chiều dài đường dây hạ áp là 19.915 km (trong đó đường dây 3 pha chỉ có 1.716 km). Như vậy, tỷ lệ lưới điện trung áp phục vụ nuôi trồng thủy sản khu vực này chiếm 11,9% về dung lượng các trạm biến áp và 20,7% chiều dài đường dây.

2/ Những nỗ lực của ngành điện trong tăng cường đảm bảo cung cấp cho các hộ nuôi tôm công nghiệp tại khu vực:

Trong các năm 2015 - 2016, EVNSPC và các đơn vị thành viên đã phối hợp với chính quyền địa phương, huy động các nguồn lực để xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp lưới điện, một mặt nhằm thực hiện nhiệm vụ chính trị, đảm bảo nguồn điện cho các hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống sinh hoạt của nhân dân, mặt khác nỗ lực trong tăng cường cấp điện cho các hộ nuôi trồng thủy sản. Để đảm bảo cấp điện phục vụ nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm công nghiệp tại các tỉnh ven biển ĐBSCL, qua các đợt làm việc và phối hợp UBND các tỉnh, EVNSPC đã cân đối và thu xếp nguồn vốn để ưu tiên đầu tư tại một số vùng có mật độ nuôi tôm lớn với tổng số vốn là 876 tỷ đồng để thực hiện chống quá tải, kết hợp cung cấp điện cho một số khu vực đã có quy hoạch nuôi tôm, bao gồm:  

Thứ nhất: Sử dụng nguồn vốn vay WB đầu tư dung lượng các trạm biến áp 22kV là 99,9 MVA, tổng chiều dài đường dây 22kV là 599 km và đường dây hạ áp là 1.304 km tại các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau với tổng vốn đầu tư là 597 tỷ đồng.

Thứ hai: Huy động nguồn vốn tự có và ứng trước của các tỉnh để đầu tư 348,5 km đường dây 22kV, 383,8 km đường dây hạ áp và 54,2 MVA dung lượng trạm biến áp với tổng vốn đầu tư là 279 tỷ đồng.

Trong năm 2017, EVN SPC đã tiếp tục bố trí 303 tỷ đồng bằng nguồn vốn tự có để thực hiện đầu tư cấp điện phục vụ nuôi tôm với tiêu chí ưu tiên các khu vực cấp bách có diện tích ao nuôi phát triển mạnh.

Hỗ trợ các hộ nuôi tôm tại Sóc Trăng về công tác tiết kiệm điện.

Theo tổng hợp từ các Công ty Điện lực tỉnh, để tăng cường cung cấp điện cho các hộ nuôi trồng thuy sản, dự kiến khối lượng đầu tư xây dựng mới và cải tạo, nâng cấp lưới điện cho các vùng nuôi tôm của 8 tỉnh duyên hải ĐBSCL từ nay đến năm 2020 là khá lớn, với tổng cộng 2.690 km đường dây trung áp, 4.096 km đường dây hạ áp và 542 MVA công suất các trạm biến áp. EVNSPC đã rà soát và thống nhất với sở, ngành các tỉnh về danh mục các công trình điện cần đầu tư với tổng vốn đầu tư ước tính khoảng 5.110 tỷ đồng. Đây là một thách thức không nhỏ đối với ngành điện và do nguồn vốn đầu tư hạn hẹp, trong khi tỷ trọng tiêu thụ điện trong nuôi trồng thủy sản không lớn, hiệu quả đầu tư thấp.

3/ Tổng hợp đánh giá về tình hình cung cấp điện cho nuôi tôm công nghiệp và các khó khăn gặp phải đối với ngành điện lực tại đây là:

Thứ nhất, có khá nhiều hộ nuôi trồng thủy sản phát triển sản xuất tự phát, không theo quy hoạch, gây bị động cho địa phương và ngành điện khi đảm bảo cung cấp điện. Một phần do các quy hoạch vùng nuôi tôm chưa hoàn thiện, mang tính định hướng. Mặt khác, còn thiếu các cơ chế phối hợp hoạt động giữa các ngành: công thương, nông nghiệp, hạ tầng cung ứng điện, quản lý sử dụng điện an toàn, hiệu quả và quản lý môi trường,...

Thứ hai, do sản xuất tự phát nên các hộ nuôi tôm sử dụng lưới điện hiện có (chủ yếu là điện 1 pha phục vụ nhu cầu ánh sáng sinh hoạt) để dùng các thiết bị động cơ, quạt, bơm... dẫn tới quá tải lưới điện, sự cố và chất lượng điện không đảm bảo. Mặt khác, việc nuôi tôm theo thời vụ, theo xu thế thị trường, khi thả tôm đồng loạt, khi dừng nuôi, làm cho phụ tải điện tăng - giảm đột biến, gây quá tải cục bộ và làm khó khăn thêm cho cung cấp điện.

Thứ ba, hiện nay các đường dây trung và hạ áp khu vực nông thôn thường là 1 pha với tỷ trọng cao, nhiều tuyến trục đường trung áp có tiết diện dây nhỏ, chiều dài lớn (vì mục tiêu ban đầu là cung cấp điện sinh hoạt, chiếu sáng), nên gây mất cân bằng phụ tải giữa các pha, gia tăng tổn thất điện. Do một số tuyến lưới 22kV trải trên khu vực rộng, nhưng có kết cấu hình tia, không có mạch vòng hỗ trợ dự phòng ảnh hưởng đến độ tin cậy cung cấp điện. Các trục chính đường dây mới xây dựng là lưới điện 3 pha, còn lại các nhánh rẽ đa số là lưới 1 pha nên chỉ đủ khả năng cấp điện cho ánh sáng sinh hoạt, cần đầu tư nâng cấp để đảm bảo cung ứng cho nhu cầu sản xuất, nuôi trồng thủy sản.

Thứ tư, qua điều tra khảo sát, hiện nay khoảng gần 2 phần 3 các hộ nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp còn sử dụng các động cơ điện trôi nổi, không rõ xuất xứ, hiệu suất thấp, hoặc động cơ quấn lại để vận hành máy bơm và dàn quạt sục ô xy trong ao nuôi; sử dụng gối trục đỡ dàn quạt loại chữ U tạo ma sát trượt lớn; lắp đặt nghiêng trục động cơ điện và trục quạt,... gây tăng tiêu hao điện, lãng phí.

Nuôi trồng thủy sản và nhất là nuôi tôm công nghiệp tại các tỉnh duyên hải vùng ĐBSCL đang phát triển nhanh, tạo công việc và tăng thu nhập cho người dân, thúc đẩy sử dụng đất nông nghiệp hiệu quả cao theo hướng xoay trục ngành nghề trong nông nghiệp: thủy sản, trái cây, lúa gạo. Mặc dù nhu cầu sử dụng điện trong công nghệ nuôi tôm không lớn, không mang lại hiệu quả sản xuất, kinh doanh cao cho ngành điện, trong khi đó lại yêu cầu khối lượng đầu tư xây dựng lưới khá lớn... trước thực tế này, EVNSPC cũng như các đơn vị thành viên luôn nỗ lực phối hợp với địa phương để tăng cường năng lực cung cấp điện cho nuôi trồng thủy sản.

Theo chúng tôi, để giải quyết bài toán cung - cầu điện một cách hài hòa cho phát triển thủy sản ở khu vực ĐBSCL, cần nhiều sự chung tay của các cấp, các ngành từ trung ương tới địa phương trong phối hợp công tác quy hoạch hoàn chỉnh và cụ thể các vùng nuôi tôm. Mặt khác, làm tốt công tác tuyên truyền vận động doanh nghiệp, các hộ cá thể sản xuất trong vùng quy hoạch, áp dụng các giải pháp công nghệ tiến bộ nhằm sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm.

 (Đón đọc kỳ tới...)

Trong bài có sử dụng các thông tin từ Văn phòng Chính phủ, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam và EVNSPC...

(1) Điện thương phẩm: điện bán đến các hộ tiêu thụ.

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động