RSS Feed for Điện cho phát triển thủy sản ở ĐBSCL: Hiện trạng và giải pháp [Kỳ 6] | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ hai 23/12/2024 13:25
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Điện cho phát triển thủy sản ở ĐBSCL: Hiện trạng và giải pháp [Kỳ 6]

 - Nghề nuôi tôm nói chung và nuôi tôm công nghiệp tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng đã và đang mang lại hiệu quả cao. Bên cạnh những thách thức trong sản xuất như: chi phí mua con giống và sự đảm bảo chất lượng của tôm giống, nguồn và loại thức ăn; chi phí thuốc phòng bệnh và nguy cơ bệnh dịch bùng phát; nhu cầu tiêu thụ của thị trường không ổn định đã ảnh hưởng đến giá tôm thành phẩm... Còn một vấn đề quan trọng đối với các hộ nuôi tôm công nghiệp, đó là có được cung cấp và có sử dụng điện hiệu quả hay không?

Điện cho phát triển thủy sản ở ĐBSCL: Hiện trạng và giải pháp [Kỳ 1]
Điện cho phát triển thủy sản ở ĐBSCL: Hiện trạng và giải pháp [Kỳ 2]
Điện cho phát triển thủy sản ở ĐBSCL: Hiện trạng và giải pháp [Kỳ 3]
Điện cho phát triển thủy sản ở ĐBSCL: Hiện trạng và giải pháp [Kỳ 4]
Điện cho phát triển thủy sản ở ĐBSCL: Hiện trạng và giải pháp [Kỳ 5]

KỲ 6: THÁCH THỨC, CƠ HỘI CỦA NGHỀ TÔM ĐBSCL VỀ CUNG ỨNG VÀ SỬ DỤNG ĐIỆN HIỆU QUẢ


Những thách thức liên quan đến việc cung cấp và sử dụng điện trong nuôi tôm

Thứ nhất: Bên cạnh những doanh nghiệp và hộ nuôi tôm công nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh trên các vùng đã được địa phương quy hoạch, hiện vẫn còn nhiều hộ nuôi tôm kiểu tự phát, phân tán, rải rác tại các địa điểm không đảm bảo về hạ tầng cung cấp điện, giao thông, cấp - thoát nước, xử lý ô nhiễm môi trường. Mặt khác, việc sản xuất kinh doanh tại các hộ này không ổn định, do làm ăn nhỏ lẻ, phụ thuộc lớn vào nhu cầu tiêu thụ của thị trường nội địa. Việc nuôi tôm công nghiệp lại đòi hỏi cung cấp điện ổn định, liên tục, nhằm đảm bảo sự phát triển, sinh trưởng của con tôm và tiết kiệm chi phí. Tại các điểm lưới điện không được quy hoạch, không đảm bảo đủ năng lực sẽ dẫn đến hiệu quả sản xuất thấp, rủi ro trong kinh doanh cao.

Thứ hai: Hạ tầng lưới điện cung cấp. Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) và trực tiếp là các công ty điện lực địa phương đã có nhiều giải pháp để tăng cường khả năng lưới điện trung, hạ áp, phục vụ các nhu cầu sản xuất và đời sống người dân vùng ĐBSCL, nhưng do vốn đầu tư hạn hẹp, địa bàn trải rộng, việc xây dựng lưới điện phải ưu tiên theo quy hoạch chung của địa phương, trong đó đã bao gồm cấp điện cho các vùng nuôi trồng thủy sản. Mặc dù điện cho nuôi tôm là cần thiết và quan trọng, nhưng so với các ngành công nghiệp, dịch vụ và tiêu dùng dân sinh thì tỷ lệ điện sử dụng thấp nhất, vốn không tạo hiệu quả kinh tế cho đơn vị cung cấp điện. Nếu phát triển lưới điện không theo vùng được quy hoạch sẽ càng không có hiệu quả kinh tế, gây lãng phí.

Đặc điểm của lưới điện vùng ĐBSCL là có nhiều đường dây trung và hạ áp một pha, phù hợp với phụ tải điện sinh hoạt phân tán, mật độ phụ tải không cao tại nông thôn. Khi các hộ nuôi tôm tận dụng điện sinh hoạt để kéo điện một pha cho các thiết bị nuôi tôm như: bơm và quạt sục khí, một mặt sẽ không dùng được các động cơ có đủ công suất thích hợp, tổn thất cao, mặt khác lại gây quá tải cục bộ lưới điện sinh hoạt và hay sự cố mất điện.

Thứ ba: Lãng phí trong sử dụng điện. Như đã nêu trong kỳ trước, số doanh nghiệp và hộ nuôi tôm công nghiệp tại các tỉnh ĐBSCL khá lớn (năm 2017 có gần 148.000 hộ), nhưng chỉ khoảng trên một phần ba số hộ có áp dụng một, hoặc hai biện pháp công nghệ cải tiến nhằm tiết kiệm điện, giảm chi phí sản xuất, còn lại phần lớn các hộ dùng các giải pháp công nghệ thủ công, lạc hậu, sử dụng điện lãng phí. Tuy chi phí dùng điện trong nuôi tôm chỉ từ 10 - 14% giá thành con tôm, nhưng khi giá cả thị trường tôm sụt giảm, lãng phí sử dụng điện sẽ làm hụt thêm hầu bao của người nuôi tôm.

Nhưng đồng thời, nghề tôm có khá nhiều cơ hội để phát triển

Thứ nhất: Chủ trương và các chỉ đạo sát sao của Nhà nước. Với tính cần cù sáng tạo vượt khó của người nông dân, cùng với sự quan tâm, nỗ lực hỗ trợ của các cơ quan chính quyền địa phương và ngành điện với nghề nuôi tôm ở nước ta, từ mức kim ngạch xuất khẩu tôm chỉ khoảng trên 800 triệu USD năm 2001, đến năm 2017 đã đạt trên 3,85 tỷ USD, lần đầu tiên đứng ở vị trí thứ ba thế giới. Nhằm tạo thời cơ cho nghề tôm, ngày 18/1/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số: 79/QĐ-TTg về "Kế hoạch hành động Quốc gia (KHHĐQG) phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025", trong đó đặt mục tiêu sản xuất và xuất khẩu tôm năm 2020 đạt kim ngạch 5,5 tỷ USD, năm 2025 đạt 10 tỷ USD. KHHĐQG cũng đặt ra 5 nhiệm vụ, 9 nhóm giải pháp và 8 đề án/ chương trình ưu tiên cho nuôi tôm, trong đó có Chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng điện 3 pha cho vùng sản xuất tôm tập trung.

Hơn bao giờ hết, người dân vùng ĐBSCL có cơ hội lớn để phát triển ngành tôm, làm giàu cho gia đình, địa phương và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động.

Thứ hai: Về sự sẵn sàng của Quy hoạch vùng nuôi tôm, ngày 31/12/2015, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ban hành Quyết định số 5528/QĐ-BNN-TCTS phê duyệt Quy hoạch nuôi tôm nước lợ vùng ĐBSCL đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030. Sau đó, trong KHHĐQG phát triển ngành tôm đã phân vùng diện tích quy hoạch nuôi tôm nước lợ trên 8 tỉnh ĐBSCL với tổng diện tích 639,5 ha vào năm 2020 và 687,7 ha vào năm 2025. Theo đó, hầu hết các tỉnh tại đây đã lập quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản và nuôi tôm nước lợ. Hiện nay diện tích nuôi tôm công nghiệp, là vùng cần có hạ tầng lưới điện 3 pha, chỉ chiếm 18% tổng diện tích nuôi tôm, nhưng đến năm 2020 dự kiến diện dích này sẽ tăng lên trên 20% năm 2020 và 30% vào năm 2025.

Như vậy, về điều kiện "cần", các hộ nuôi tôm đã có các cơ sở để triển khai kinh doanh, nhưng điều kiện "đủ" là phải tuân thủ việc sản xuất trên vùng đã được quy hoạch, được chuẩn bị các hạ tầng cơ sở kỹ thuật để đảm bảo hiệu quả kinh tế.

Thứ ba: Trong nhiều năm qua, EVNSPC và trực tiếp là công ty điện lực các tỉnh ĐBSCL đã có nhiều nỗ lực mở rộng, nâng cấp lưới để cấp điện cho nuôi trồng thủy sản. Riêng các năm 2015 và 2016 các công ty điện lực tại đây đã triển khai đầu tư xây dựng lưới điện trung và hạ áp với số vốn 876 tỷ đồng, tập trung ưu tiên cho các vùng nuôi tôm công nghiệp. Trong năm 2017 ngành điện tiếp tục bố trí trên 300 tỷ đồng để đầu tư cho các vùng có nhu cầu cấp bách.

Để chuẩn bị các nguồn lực cho phát triển và cải tạo lưới điện phục vụ nuôi tôm từ cuối năm 2017 đến năm 2020, EVNSPC đã tổng hợp nhu cầu từ các địa phương và lập kế hoạch cho khối lượng hàng ngàn km đường dây trung và hạ áp, hàng trăm ngàn kW công suất các trạm biến áp với mức vốn đầu tư ước lên tới trên 5,1 ngàn tỷ đồng.

Thứ tư: Với trách nhiệm cao trong đảm bảo cung cấp điện, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp và người dân nuôi tôm giảm chi phí sử dụng điện, EVNSPC và các đơn vị thành viên đã tổ chức thí nghiệm áp dụng nhiều biện pháp cải tiến công nghệ như: đối với trục dàn quạt sục khí, đã thay thế gối đỡ trục ma sát bằng trục con lăn; chuyển vị trí động cơ đồng trục với dàn quạt; đưa bơm tạo ô xy xuống tầng đáy ao nuôi; sử dụng loại động cơ có hiệu suất cao; sử dụng bộ biến tần thay đổi tốc độ quay của quạt nước; lắp đặt tụ bù hạ thế... Khi đạt những kết quả khả quan về giảm chi phí sử dụng điện tới gần 39% chỉ trong hai biện pháp cải tiến gối đỡ và bố trí đồng trục động cơ - trục quạt sục khí, mà hầu như tăng chi phí đầu tư không đáng kể, ngành điện đã phổ biến sáng kiến trên hầu hết các địa phương có ngành nuôi tôm công nghiệp.

Thứ năm: Sự phối hợp giữa ngành điện và địa phương. Quán triệt chủ trương của Đảng và Nhà nước, các sở, ban, ngành cùng với các đơn vị thành viên của EVNSPC đã phối hợp với các tổ chức xã hội, tổ chức ngành nghề tại địa phương để quảng bá, tuyên truyền, hướng dẫn với những hình thức phong phú như: trình diễn, hội thảo, phân phát thiết bị miễn phí, phân phát tờ rơi... nhằm nhân rộng các mô hình sử dụng điện hiệu quả tới các hộ nuôi tôm trong toàn vùng ĐBSCL.

Thứ sáu: Khả năng ứng dụng năng lượng tái tạo làm nguồn cấp điện trong nuôi tôm. Một cơ hội nữa cho nghề tôm là việc đầu tư, hoặc sử dụng nguồn điện từ năng lượng tái tạo trong khu vực. Hiện nay Chính phủ đã có các cơ chế khuyến khích phát triển mạnh các nguồn điện mặt trời, điện gió. Trong vùng ĐBSCL, tỉnh Bạc Liêu đã có hàng trăm MW điện gió đã vận hành và đang tiếp tục xây dựng giai đoạn 2 với quy mô lớn hơn; các tỉnh Long An, Trà Vinh, Bến Tre, Sóc Trăng cũng đang dự kiến phát triển nhiều nhà máy điện gió và hàng trăm MW nguồn điện mặt trời...

Theo nghiên cứu của Công ty CP Tư vấn Xây dựng Điện 2, một mô hình nguồn điện mặt trời cấp điện cho khoảng 6,65 hecta nuôi tôm đã được đề xuất như sau:

Mô tả giải pháp:

Báo cảo của CTCP Tư vấn Xây Dựng Điện 2 tại Hội nghị Năng lượng tái tạo cho nuôi trồng thủy sản, VEA, tháng 5/2018.

 

Trong đó: WP: bơm nước; SA: quạt sục khí bề mặt; BA: bơm tạo khí tầng đáy; CD: thoát nước.

1/ Sử dụng hệ thống điện mặt trời (ĐMT) có nối lưới cấp điện cho phụ tải nuôi tôm.

2/ Lượng ĐMT phát dư vào thời điểm có nắng sẽ được nạp cho bộ lưu điện để sử dụng điện vào ban đêm.

3/ Lượng ĐMT phát dư khi nạp đầy bộ lưu điện sẽ được phát lên lưới theo cơ chế net-metering. Và,

4/ Khi ngày không có nắng, trời âm u, hoặc khi bộ lưu điện không cấp đủ điện, nguồn điện lưới sẽ vừa cấp điện cho tải, vừa sạc bộ lưu điện.

Nghiên cứu này đã khảo sát số giờ nắng và lượng bức xạ mặt trời tại tỉnh Tiền Giang, tính toán công suất tương thích của các tấm panel pin mặt trời, của bộ chuyển đổi một chiều - xoay chiều (inverter), của ắc quy lưu điện,... Từ đó đề xuất phương án lắp đặt một nhà máy ĐMT quy mô 1 MW, diện tích chiếm khoảng 1,2 ha, sản lượng điện phát ra hàng năm là khoảng 1,48 triệu kWh, cung cấp cho khoảng 6,65 ha ao nuôi tôm. Các phân tích kinh tế - tài chính giả thiết với tổng mức đầu tư khoảng 35 tỷ VNĐ, trong đó vốn tự có 20%, vốn vay (với lãi suất 9%/năm), đời sống kinh tế dự án là 25 năm, giá bán điện lên lưới 9,35 $ cent (2.091 VNĐ theo Quyết định 11/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ), cho thấy hiệu quả dự án là: doanh thu hiện tại hóa (NPV) đạt 13; 13,3; 15,7 và 17,5 tỷ VNĐ khi quy mô ao tôm là 7 ha; 6; 3; và 1 ha; thời gian hoàn vốn tương ứng từ 4 - 7 năm; suất sinh lợi tài chính (FIRR) đạt từ 32,7% đến 25,4%.

Tuy nhiên, cũng cần nhận định là hiện nay hầu hết các nhà đầu tư ĐMT đều không lắp đặt hệ thống pin - ắc quy để lưu điện và sử dụng ban đêm, khi không có nắng. Ban đêm họ sẽ mua điện từ lưới để sử dụng, trừ trường hợp tại các vùng "trắng", không có lưới cấp điện, mà điều này không thể có tại các vùng quy hoạch nuôi tôm. Bởi vì nếu đầu tư ĐMT không có ắc quy, chi phí vốn sẽ giảm ít nhất 1/3, còn khoảng 25 tỷ VNĐ cho một MW ĐMT và vốn đầu tư giảm tới gần một nửa ở mức quy mô công suất nhỏ hơn.

Như vậy, có thể nghiên cứu, xem xét mô hình ĐMT với các quy mô nhỏ hơn như một vài trăm kW, vốn đầu tư vài tỷ VNĐ, phù hợp với quy mô một vài hộ nuôi tôm để giảm áp lực về vốn đầu tư và tận dụng diện tích sẵn có, không cần lớn. Mặt khác, ban đêm khi các phụ tải dân dụng và thương mại giảm nhiều, lưới điện sẽ có thêm dư khả năng cung cấp để thay thế sự vắng mặt của ĐMT.

Tổng hợp các vấn đề nêu trên, có thể nói bên cạnh những thách thức, khó khăn, nghề nuôi tôm công nghiệp các tỉnh vùng ĐBSCL cũng có những thuận lợi, cơ hội nhiều mặt về cung cấp và sử dụng điện hiệu quả. Các hộ và doanh nghiệp khi nắm bắt và tận dụng sẽ loại bỏ được các rủi ro, tăng thêm khả năng thành công trong sản xuất, kinh doanh, phát triển nghề tôm tại khu vực ĐBSCL.

THS. NGUYỄN ANH TUẤN - THS. HOÀNG DƯƠNG MINH

 

 

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động