RSS Feed for Điện cho phát triển thủy sản ở ĐBSCL: Hiện trạng và giải pháp [Kỳ 5] | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 23/11/2024 05:54
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Điện cho phát triển thủy sản ở ĐBSCL: Hiện trạng và giải pháp [Kỳ 5]

 - Như đã nêu ở các kỳ trước, việc sử dụng điện kém an toàn và lãng phí của nhiều hộ/doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản tại các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) còn khá phổ biến. Với trách nhiệm và sự đồng cảm hỗ trợ người dân, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) và các công ty điện lực thành viên đã và đang phối hợp với UBND, sở, ngành các địa phương tại đây để tuyên truyền, vận động sử dụng điện an toàn, thực hiện các chương trình thí điểm sử dụng điện tiết kiệm, nhằm tăng lợi ích sản xuất của người dân và tăng hiệu quả đầu tư, vận hành lưới điện.

Điện cho phát triển thủy sản ở ĐBSCL: Hiện trạng và giải pháp [Kỳ 1]
Điện cho phát triển thủy sản ở ĐBSCL: Hiện trạng và giải pháp [Kỳ 2]
Điện cho phát triển thủy sản ở ĐBSCL: Hiện trạng và giải pháp [Kỳ 3]
Điện cho phát triển thủy sản ở ĐBSCL: Hiện trạng và giải pháp [Kỳ 4]

KỲ 5: SPC VỚI CÔNG TÁC AN TOÀN, TIẾT KIỆM ĐIỆN TRONG NUÔI TÔM



Về an toàn trong sử dụng điện nuôi tôm công nghiệp

Đối với phổ biến an toàn điện cho người dân, đương nhiên không phải là việc mới của các công ty điện lực tỉnh, nhưng từ khi số hộ, doanh nghiệp và diện tích nuôi tôm công nghiệp ngày càng phát triển nhanh tại ĐBSCL, đã phát sinh những yêu cầu, đòi hỏi mới về sử dụng điện an toàn trong nuôi tôm. Trong ao nuôi tôm cần đặt các máy bơm, động cơ điện (và nhiều nơi cả động cơ chạy dầu), trung bình mỗi ao có lót bạt cần 3 - 4 máy bơm điện, 3 - 5 động cơ điện cho quạt nước và máy điện sục khí đáy ao (ao đất có số lượng động cơ, máy bơm ít hơn). Vì vậy, người dân cần được phổ biến, chỉ dẫn về an toàn điện trong đấu nối, lắp đặt và vận hành các thiết bị điện.

Theo đó, Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) đã chỉ đạo các công ty điện lực (PC) trực thuộc thường xuyên bảo trì, hoặc nâng cấp trạm biến áp và đường dây, nhằm đảm bảo vận hành an toàn lưới điện, đồng thời tăng cường tuyên truyền, tập huấn, vận động người dân sử dụng điện an toàn trong trong khu vực nuôi tôm. Trong cẩm nang được các PC in và phát cho hộ dân các vùng trọng điểm nuôi tôm luôn có mục hướng dẫn về an toàn (các kiến thức cơ bản về: đấu nối, treo dây điện hạ áp, chọn cột đỡ dây, chọn tiết diện dây, nối đất cho động cơ điện, mắc các thiết bị bảo vệ như aptômat, cầu dao, cách phòng tránh điện giật và cấp cứu người bị điện giật v.v..).

Ngoài ra, còn các hình thức khác như phát tờ rơi, in vào mặt sau hóa đơn điện, vào bìa tập vở học sinh...

Về các giải pháp công nghệ sử dụng tiết kiệm và hiệu quả trong nuôi tôm

Từ thực tế khảo sát, nghiên cứu về công nghệ nuôi tôm công nghiệp tại khu vực ĐBSCL (như đã nêu trong kỳ trước), EVNSPC đã đưa ra một số giải pháp cải tiến công nghệ, thiết bị dùng điện trong nuôi tôm công nghiệp như sau:

Giải pháp 1: Sử dụng gối đỡ trục quạt nước loại con lăn thay thế loại chữ U:

chu-u

 

con-lan-thuong-1-1

Hình 1. Gối đỡ chữ U được thay bằng gối đỡ con lăn.

Nguyên lý của giải pháp là chuyển từ dạng ma sát trượt sang dạng ma sát lăn, thay tiếp xúc mặt bằng tiếp xúc điểm, làm giảm đáng kể lực cản. Theo đánh giá, giải pháp này tiết kiệm được từ 15 - 17% điện tiêu thụ cho động cơ.

Giải pháp 2. Đặt động cơ đồng trục với trục quạt sục nước:

DSC01353

Hình 2. Trục động cơ điện không đồng trục với giàn quạt.

Từ cách đặt động cơ trên bờ ao, cao hơn và tạo góc lệch từ 10 độ - 30 độ giữa trục động cơ và trục quạt, chuyển động cơ xuống thấp hoặc đặt trên phao nổi như giàn quạt, tạo được đồng trục động cơ - giàn quạt, như hình 3 sau:

DSC01385

Hình 3. Trục động cơ điện đặt đồng trục với giàn quạt.

Theo đánh giá, giải pháp này có khả năng tiết kiệm được trên 20% tiêu hao điện năng của động cơ.

Khi kết hợp hai giải pháp 1 và 2: thay gối đỡ chữ U bằng con lăn và hạ đồng trục động cơ - quạt nước có thể tiết kiệm được tổng cộng 35 - 40% điện tiêu thụ.

Giải pháp 3. Sử dụng động cơ có hiệu suất cao:

Thay thế các động cơ cũ, không rõ xuất xứ hoặc động cơ quẩn lại roto bằng loại động cơ hiệu suất cao. Hiện thị trường đã có các loại động cơ hiệu suất cao như sản phẩm của Công ty chế tạo máy Việt Nam Hungari (VINHEM). Giải pháp này có khả năng tiết kiệm điện được từ 8 - 10%.

Giải pháp 4. Sử dụng bộ biến tần thay đổi tốc độ quay của động cơ:

Sử dụng bộ biến tần để giảm tốc độ quay động cơ khi con tôm còn nhỏ, giai đoạn này khoảng 30 ngày (trong 90 - 120 ngày của mỗi vụ tôm), có thể giảm tiêu thụ điện khoảng 28-35%. Giai đoạn còn lại, khi tôm lớn sẽ tăng tốc độ quay của động cơ lên nhiều để tạo ôxy liên tục, hiệu quả giảm tiêu thụ điện chỉ còn 5 - 10%. Chi phí sẽ khá cao do phải đặt mỗi động cơ dàn quạt một bộ biến tần.

Giải pháp 5. Lắp đặt tụ bù hạ thế:

Khi đặt tụ bù sẽ giảm được tổn thất điện trên đường dây, đồng thời giảm tổn thất điện áp sẽ đảm bảo điều kiện làm việc của động cơ, tránh sự suy giảm hiệu suất. Giải pháp này ước tiết kiệm từ 2 - 4% điện năng.

Giải pháp 6. Sục khí tầng sâu đáy ao:

Giải pháp này là dùng máy bơm khí qua các ống đặt dưới đáy ao, tạo ôxy tầng sâu, tiết kiệm được tới 30 - 40% điện giai đoạn tôm còn nhỏ so với dùng dàn quạt ôxy trên bề mặt, và tiết kiệm điện khoảng trên 10% giai đoạn tôm lớn khi kết hợp với giàn quạt trên bề mặt ao. Giải pháp này cần đầu tư bài bản từ ban đầu.

Về Chương trình hỗ trợ tiết kiệm điện cho các hộ nuôi tôm sử dụng thiết bị hiệu suất thấp và Đề án thí điểm tại Sóc Trăng

Từ các đánh giá tiềm năng tiết kiệm điện được nêu trên, được sự ủng hộ, khuyến khích của EVN, EVNSPC đã thông qua một chương trình có tên là: "Chương trình hỗ trợ tiết kiệm điện cho các hộ nuôi tôm khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh Nam Bộ giai đoạn 2016-2018". Nội dung Chương trình gồm: Giai đoạn 1, trình diễn thí điểm mô hình cải tiến dàn quạt sục ôxy tại ao tôm thuộc tỉnh Sóc trăng và đánh giá kết quả; Giai đoạn 2, tiếp tục thí điểm áp dụng kết hợp thêm giải pháp thay động cơ hiệu suất cao và lắp bộ điều tốc, đồng thời nhân rộng hiệu quả ra các tỉnh ĐBSCL.

Giai đoạn 1 của Chương trình đã được phê duyệt trong tháng 12/2016. Theo đó Công ty Điện lực Sóc Trăng triển khai Đề án thí điểm "thay gối đỡ trục quạt từ dạng chữ U sang dạng con lăn, kết hợp lắp đồng trục động cơ với giàn quạt nước". Thực tế trong năm 2017 PC Sóc Trăng đã hỗ trợ các hộ dân tại vùng nuôi tôm trọng điểm được 833 hộ, gồm 161 hộ trong đợt 1 và 672 hộ cho đợt 2, tổng diện tích được hỗ trợ là 543,67 ha và số gối đỡ lăn được phân phát là 26.378 cái. Tổng chi phí hỗ trợ khoảng 1,4 tỷ đồng.

Diện tích đăng ký tham gia của 161 hộ là 206 ha tại Cù Lao Dung, Mỹ Xuyên, Trần Đề và Thị xã Vĩnh Châu. 161 hộ nói trên đã thay thế gối đỡ con lăn tại 1.807 giàn quạt.

Kết quả theo dõi đo đếm và đánh giá chỉ riêng tại 161 hộ thí điểm đợt 1 tại Sóc trăng cho thấy kết quả của GP1: thay gối đỡ trục; và GP2: thay gối đỡ trục kết hợp đồng trục động cơ - quạt như sau:

Giải pháp

Điện năng tiêu thụ trong 1 vụ tôm (tháng 7-12/2017)

(kWh)

Tỷ lệ TKĐ

(%)

Sản lượng điện tiết kiệm (kWh)

Giá BĐBQ

(đồng/kWh)

Chi phí điện tiết kiệm/năm

(triệu đồng)

 

(1)

(2)

(3)= (1)x(2)

(4)

(5)=(3)x(4)

(GP1)

3.763.182

15,2

572.004

1.663

951,243

(GP2)

38,7

1.456.351

2.421,912

 

Qua bảng trên: trung bình mỗi ha nuôi tôm tiết kiệm được 7070 kWh/ha/vụ; các hộ trong thí điểm đã tiết kiệm được trên 572 ngàn kWh với số tiền tương ứng hơn 951 triệu đồng/ vụ tôm (mức tiết kiệm là 15,2%) khi chỉ thay gối đỡ con lăn; còn với áp dụng kết hợp cả giải pháp đồng trục, tổng điện tiết kiệm là trên 1,456 triệu kWh/ vụ (tiết kiệm tới 38,7%) với số tiền trên 2,4 tỷ đồng.

Có thể ước tính với 833 hộ được hỗ trợ phát miễn phí con lăn, khi thực hiện cải tiến công nghệ lượng điện và tiền tiết kiệm đã gấp tới 5 lần con số trên, còn nếu các hộ trên toàn bộ khu vực ĐBSCL (năm 2017 có 149.000 hộ nuôi tôm) áp dụng thì hiệu quả sẽ thực sự to lớn.

EVNSPC và PC Sóc trăng đã đăng ký và giành được giải nhất tại cuộc thi Sáng kiến vì cộng đồng do Tạp chí Cộng sản phối hợp với Bộ Khoa học và Công Nghệ, Tập đoàn Điện lực Việc Nam tổ chức với sáng kiến "Giải pháp cải tiến giàn quạt oxy để tiết kiệm trong nuôi tôm" vào tháng 6/2018 vừa qua.

Từ kết quả thí điểm, trong năm 2017 - 2018 các Công ty Điện lực thành viên trong khu vực ĐBSCL đã triển khai nhiều biện pháp quảng bá, phổ biến giải pháp tiết kiệm điện trên địa bàn. Các hình thức quảng bá rất phong phú, đa dạng: in cẩm nang an toàn và tiết kiệm điện, trong đó ghép nội dung giải pháp cải tiến giàn quạt tới các vùng trọng điểm nuôi tôm; tổ chức các buổi tập huấn, hướng dẫn giải pháp; phổ biến trên các phương tiện truyền thông như đài phát thanh, truyền hình, báo chí; kết hợp với sở Công Thương, sở NN&PTNT, với các tổ chức đoàn thể như: Đoàn thanh niên, Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ,... để lan tỏa sáng kiến áp dụng tới mọi hộ/ doanh nghiệp.

Hiện nay và dự kiến trong năm 2019, EVNSPC và các PC thành viên tiếp tục nhân rộng các giải pháp nêu trên, đồng thời triển khai giai đoạn 2 - Đề án mới thí điểm tại Cà Mau, Bạc Liêu và Sóc Trăng, trong đó tập trung vào giải pháp khuyến khích thay thế động cơ cũ bằng động cơ hiệu suất cao, kết hợp lắp bộ giảm tốc và sử dụng gối đỡ con lăn cho giàn quạt ôxy.

Như vậy, thành công và tác dụng của các giải pháp tiết kiệm điện nêu trên trong nuôi tôm về mặt kinh tế đã được khẳng định. Với người dân/ doanh nghiệp sẽ giảm được giá thành sản xuất đáng kể, nâng cao lợi ích kinh tế; Với ngành điện, làm giảm áp lực đầu tư thêm công suất nguồn và lưới điện cho lượng tiêu hao năng lượng lãng phí, dành vốn để đầu tư mở rộng và nâng cấp chất lượng lưới điện phục vụ. Đó là những động lực quan trọng để EVNSPC phối hợp với các địa phương tiếp tục thí điểm và nhân rộng các giải pháp hiện có, nghiên cứu áp dụng thêm các giải pháp khác như lắp bộ biến tần, sục khí tầng đáy, kết hợp lắp đặt nguồn điện mặt trời, điện gió vùng nuôi tôm,... Tuy cần đầu tư bài bản, quy mô, nhưng sẽ mang lại sự phát triển sản xuất hiệu quả, bền vững.

THS. NGUYỄN ANH TUẤN - THS. HOÀNG DƯƠNG MINH

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động