RSS Feed for Thăm nhà máy điện hạt nhân Thứ ba 23/04/2024 15:41
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Thăm nhà máy điện hạt nhân "tốt nhất nước Nga"

 - Vào những ngày đầu đông của nước Nga - thời điểm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Nga Vladimir Putin chứng kiến quan chức hai nước ký kết 9 văn kiện hợp tác, trong đó có lĩnh vực điện hạt nhân, cùng với các nhà báo đến từ Ấn Độ, Bangladesh, Tòa soạn Năng lượng Việt Nam có dịp được tới thăm Nhà máy điện hạt nhân Rostov và Công ty Công nghệ AEM, thuộc Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Nga (ROSATOM).

"Nội địa hóa xây dựng nhà máy điện hạt nhân lên đến 40%"
Rosatom muốn sớm ký hợp đồng dự án ĐHN Ninh Thuận 1
Phát triển điện hạt nhân: Kinh nghiệm và thách thức
"Công nghệ điện hạt nhân Nga an toàn hơn châu Âu"

PHAN QUỐC TUẤN

Từ Moscow, mất 2 giờ bay và 4 giờ di chuyển bằng ô tô, chúng tôi đến Nhà máy điện hạt nhân Rostov - một cơ sở trực thuộc Công ty Rosenergoatom. Đây là nhà máy điện hạt nhân ở vị trí xa nhất về phía Nam của nước Nga, nằm bên hồ Tsimlyansk, cách thành phố Volgodonsk 13,5 km.

Nhà máy điện hạt nhân Rostov.

Nhà máy điện hạt nhân Rostov là một trong những cơ sở năng lượng lớn nhất ở miền Nam nước Nga, cung cấp hơn 50% sản lượng điện cho vùng Rostov. Từ đây, điện được truyền tải qua 5 đường dây 500 kV tới vùng Volgograd, Rostov, Krasnodar và Stavropol, cùng 2 đường dây 220 kV tới vùng Volgodonsk. Mỗi ngày sản lượng điện từ Nhà máy điện hạt nhân Rostov phát lên hệ thống điện quốc gia Nga đạt 50 triệu kWh.

Tại hai lò phản ứng hạt nhân thứ 3, thứ 4 của nhà máy này, nước Nga đã đào tạo cho Việt Nam hàng trăm chuyên gia và nhiều kỹ sư, thợ lành nghề của Tổng Công ty Sông Đà.

Nhà máy điện hạt nhân Rostov được xây dựng sử dụng thiết kế lò phản ứng VVER-1000, đảm bảo những yêu cầu thi công tương ứng. Đây cũng là công nghệ lò dự kiến sẽ được Nga xây dựng cho nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam (Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1).

Tiếp chúng tôi là ông Andrey Salnikov, Giám đốc Nhà máy điện hạt nhân Rostov. Năm 1986, Andrey Salnikov tốt nghiệp Trường đại học Bách khoa Tomsk, chuyên ngành thi công và vận hành nhà máy điện hạt nhân. Ông khởi nghiệp tại Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhya, với vị trí chuyên viên vận hành lò phản ứng, quản lý thi công công trình tổ máy thứ 5 của nhà máy này.

Sau khi tổ máy này hoàn thành, ông Andrey Salnikov được chuyển sang làm quản đốc tại lò phản ứng của tổ máy thứ 6 của Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhya. Đến năm 2000, ông đầu quân cho Nhà máy điện hạt nhân Rostov, từ các vị trí: quản đốc tổ máy, quản đốc nhà máy, phó kỹ sư trưởng phụ trách bảo trì, kỹ sư trưởng và đến tháng 3 năm 2012, ông được bổ nhiệm làm Giám đốc Nhà máy điện hạt nhân Rostov.

Ông Andrey Salnikov, Giám đốc Nhà máy điện hạt nhân Rostov.

Ông Andrey Salnikov cho biết: Nhà máy được khởi công vào tháng 10 năm 1979. Đến năm 2001, tổ máy thứ nhất đi vào hoạt động. Sau khi tổ máy thứ hai bắt đầu vận hành vào tháng 12 năm 2010, tổng công suất của Nhà máy điện hạt nhân Rostov đã đạt công suất 2.000 MW.

Năm 2009, quá trình xây dựng tổ máy thứ 3 và thứ 4 bắt đầu, cũng với công nghệ lò VVER-1000. Qua kiểm chứng công nghệ, mức độ an toàn, Nhà máy điện hạt nhân Rostov đã được vinh danh là "Nhà máy điện hạt nhân tốt nhất nước Nga" vào các năm: 2004, 2011 và 2013.

Việc quản lý Nhà máy điện hạt nhân Rostov bao gồm bộ phận điều khiển trung tâm và điều khiển từ xa đối với quy trình kỹ thuật, điều khiển tự động, cũng như điều khiển tại chỗ và quản lý hệ thống hỗ trợ. Điều khiển các thiết bị bên trong lò phản ứng thứ nhất và thứ hai được thực hiện từ phòng điều hành.

Trung tâm điều khiển Nhà máy điện hạt nhân Rostov.

Nhà máy điện hạt nhân Rostov có 3 hệ thống an toàn độc lập, mỗi hệ thống có thể thực hiện toàn bộ chức năng cần thiết như 2 hệ thống còn lại, được tách biệt với nhau cả về vị trí thực thể lẫn nguồn cung điện. Các hệ thống này được tự động hóa để sẵn sàng trước mọi sự cố.

"Nhà máy điện hạt nhân Rostov được thiết kế để đứng vững trước địa chấn 7 độ richter. Hệ thống phòng vệ "địa chấn đa kênh" được lắp đặt tại đây sẽ dừng hoạt động của lò phản ứng khi cấp độ địa chấn đạt mức 6. Mọi thiết bị trong cơ sở lò phản ứng chứa vật liệu phóng xạ sẽ bị niêm phong. Qua đó ngăn chặn thất thoát vật liệu phóng xạ ra môi trường bên ngoài trong trường hợp khẩn cấp. Ngoài ra, công trình còn có nhiệm vụ niêm phong lò phản ứng được xây dựng từ bê tông nén với một lớp kim loại, có khả năng chịu những tác động khắc nghiệt nhất, như địa chấn cấp độ 7, lốc xoáy, bão, không chấn…", ông Andrey Salnikov khẳng định.

Các lò phản ứng sử dụng tua bin K-1000-60/1500-2, với đặc điểm sử dụng hơi nước, kết cấu đặc, một thân, bốn xy lanh, công suất 1.030 MW. Cùng với đó là máy phát mẫu TVV-1000-4, với điện áp 24 kV.

Nhà máy điện hạt nhân Rostov sử dụng hệ thống cấp nước luân chuyển. Một bể làm mát được sử dụng để tản nhiệt cho máy tụ điện, với diện tích 18 km vuông, ngăn cách khỏi hồ Tsimlyansk bằng một con đập dài 9.8km. Từ bể này, nước được dẫn vào trạm bơm, sau đó được tưới cho các tụ điện của tua bin, hấp thụ hơi nước, và cuối cùng chảy ra ngoài để tản nhiệt.

Hai tháp làm mát bay hơi (tương ứng cho mỗi tổ máy), với chuyển động ngược dòng của nước và không khí trong thiết bị truyền động của lò phản ứng sẽ được sử dụng cho tua bin của tổ máy số 3 và số 4. Mỗi tháp làm mát với mức tải nhiệt 1,717 Gcal/h phù hợp cho tổ máy có công suất phát điện tối thiểu 1.200 MW, chiều cao 170m, đường kính miệng tháp 86.8 m.

Trong quá trình bảo trì định kỳ cho Nhà máy điện hạt nhân Rostov, các tổ máy đang vận hành được trang bị bổ sung về kỹ thuật, hiện đại hóa, kéo dài chu kỳ hoạt động. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, trong năm 2014 đã có 2 đợt bảo trì diễn ra tại nhà máy. Một với quy mô vừa tại tổ máy thứ hai, và một với quy mô lớn tại tổ máy thứ nhất. Quá trình này dự kiến thực hiện trong 89 ngày, tuy nhiên mọi công việc đã hoàn tất ở ngày thứ 78.

Trên công trường Nhà máy điện hạt nhân Rostov.

Tổ máy thứ 3 của Nhà máy điện hạt nhân Rostov khởi động vào ngày 14/11/2014. Theo các chuyên gia ROSATOM, việc quyết định đưa tổ máy thứ 3 vào hoạt động dựa trên kết quả thanh tra của Cơ quan Giám sát Môi trường, Công nghệ và Hạt nhân Liên bang (Rostekhnadzor). Trong quá trình thanh tra, Rostekhnadzor đã kiểm tra các hệ thống và thiết bị kỹ thuật, nhân sự và tài liệu vận hành cho tổ máy.

Sau ngày khởi động, các chuyên gia Nga đã nạp thành công bó nhiên liệu đầu tiên vào lò phản ứng của tổ máy thứ 3. Và toàn bộ 163 thanh nhiên liệu sẽ được các chuyên gia nạp vào lò phản ứng. Trong quá trình khởi động, các đặc tính cần thiết để lò phản ứng vận hành đã được thiết lập.

"Đây là sự khởi đầu cho một giai đoạn quan trọng dẫn tới quá trình phát điện của tổ máy thứ 3", Chủ tịch Công ty liên hợp NIAEP - ASE, ông Valery Limarenko cho biết. Ông nói "Trên thực tế, một khi nhiên liệu đã được nạp, lò phản ứng hạt nhân đã sẵn sàng. Tôi muốn nhấn mạnh rằng Rostov-3 sẽ bắt đầu phát điện sớm hơn dự kiến. Đây là kết luận của cơ quan chức năng dựa trên mức hoàn thiện cao của cơ sở này. Rõ ràng đây là thành quả của toàn bộ 20 nghìn cán bộ công nhân viên công ty chúng tôi".

 (Còn nữa…)

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động