RSS Feed for Ý kiến của Chính phủ về Thứ bảy 20/04/2024 19:22
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Ý kiến của Chính phủ về "Phát triển thủy điện vừa và nhỏ, NL tái tạo"

 - Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số: 9600/VPCP-CN, ngày 11/9/2017, truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, về việc xem xét các đề xuất, kiến nghị về tăng cường phát triển thủy điện vừa và nhỏ, năng lượng tái tạo theo kiến nghị của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam - VEA (Công văn số 118/HHNL-BC, ngày 18/8/2017).

Những bất cập trong hệ thống chiến lược năng lượng Việt Nam
Rào cản nào đang kìm hãm phát triển NLTT Việt Nam?
Cần một khung chính sách lâu dài cho năng lượng tái tạo
Phát triển thủy điện vừa và nhỏ, năng lượng tái tạo

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao các bộ: Tài nguyên Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công Thương, nghiên cứu, xem xét các kiến nghị của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam tại văn bản nêu trên để xử lý các thẩm quyền theo nội dung liên quan, nhằm thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo theo chiến lược đã được phê duyệt; đề xuất báo cáo Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.

Trước đó, được sự đồng ý của Bộ Công Thương, ngày 28/7/2017, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) phối hợp với Tổng cục Năng lượng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam tổ chức Hội nghị toàn quốc về "Tăng cường phát triển Thủy điện vừa và nhỏ, Năng lượng tái tạo". Kết thúc hội nghị, ngày 18/8/2017, VEA đã có báo cáo gửi tới các cơ quan Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội và các bộ, ngành liên quan.

Trong Văn bản, VEA đã phân tích, đánh giá về tiềm năng phát triển thủy điện vừa và nhỏ - năng lượng tái tạo, đồng thời đưa ra những khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát triển... từ đó đưa ra các đề xuất, kiến nghị:

Đề xuất

- Việt Nam có tiềm năng rất lớn về nguồn NLTT nhưng đến thời điểm hiện tại chủ yếu tập trung khai thác các nguồn thủy điện vừa và nhỏ, nguồn điện gió, điện mặt trời có quy mô nhỏ chưa tương xứng với tiềm năng.

- Chính phủ Việt Nam đã đặt các mục tiêu phát triển nguồn năng lượng tái tạo đến năm 2030 định hướng tới năm 2050 tại quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25 tháng 11 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt chiến lược phát triển nguồn năng lượng tái tạo; nhưng đến nay chương trình hành động để đạt được các mục tiêu đề ra chuyển biến còn rất chậm.

- Bộ Công Thương chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố tổ chức lập quy hoạch về tiềm năng phát triển NLTT, gồm các lĩnh vực: điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối; trên cơ sở quy hoạch đó biết được đầu tư xây dựng các nhà máy để khai thác các nguồn năng lượng tái tạo ở từng địa phương, từng vùng miền tại các địa danh có kết quả cao nhất, trung bình, thấp làm cơ sở cho các nhà đầu tư lựa chọn địa điểm khai thác (cần xác định rõ tốc độ gió, hướng gió và từng chiều cao khác nhau ở những tốc độ khác nhau; đối với bức xạ mặt trời cần được xác định cho từng vùng từng nơi trong địa phương tỉnh mình ở mức độ cao, trung bình hay thấp). Các quy hoạch trên được tập trung làm một cách khẩn trương, chính xác; tổ chức thẩm định trình Chính phủ phê duyệt các quyết định quy hoạch đó từ nay đến năm 2020 và những năm sau.

1. Để thực hiện tốt chiến lược trên cần có một số giải pháp:

- Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức đến mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt các cán bộ kỹ thuật và quản lý có liên quan về tầm quan trọng, hiệu quả kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường của việc phát triển sử dụng NLTT đối với quá trình phát triển năng lượng bền vững Việt Nam.

- Lấy Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam làm trung tâm đẩy mạnh các hoạt động về nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, khuyến khích hỗ trợ nghiên cứu cho các tổ chức nghiên cứu khoa học theo hướng hiện đại về NLTT. Thế giới đã bước sang cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

- Việt Nam cần tạo sự đột phá mới về việc tổ chức các khu công nghiệp chế tạo các thiết bị phụ kiện cung cấp cho việc xây dựng các nhà máy điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối, lập kế hoạch cho công tác chế tạo này đến năm 2030 Việt Nam có đủ trình độ để tự sản xuất ra đầy đủ trọn bộ các thiết bị phụ kiện cho phát triển NLTT tránh việc nhập khẩu vừa tốn kém, làm tăng suất đầu tư lên cao như hiện tại, các khu công nghiệp đó không những đủ đáp ứng cho nhu cầu trong nước mà còn có thể xuất khẩu sang các nước khu vực; nếu làm được điều này thì suất đầu tư cho 1MW điện gió, điện mặt trời sẽ giảm rất nhiều và giá thành của 1kWh lúc đó cũng sẽ thấp hơn nhiều so với hiện nay, có khả năng cạnh tranh với các nguồn điện khác, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Trên thế giới nhiều nước như: Đức, Mỹ, Pháp, Hà Lan, Nhật Bản, Trung Quốc...họ đã tự sản xuất chế tạo đồng bộ các thiết bị phụ kiện cung cấp cho các dự án NLTT, do vậy, suất đầu tư cho 1 MW, giá thành 1kWh điện của họ đều rất rẻ, có nước chỉ 4-5USc kWh điện.

- Các khu trung tâm này nên đặt ở các tỉnh như: Ninh Thuận, Bình Thuận và các tỉnh phía Nam....

- Chính phủ cần giao cho các Tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước; nên lấy Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm nòng cốt để triển khai đề xuất nêu trên, đồng thời giao chỉ tiêu cho EVN và các Tập đoàn kinh tế khác kể cả tư nhân có năng lực, từ nay đến năm 2030 phấn đấu xây dựng được ít nhất 10.000MW điện gió; 10.000MW điện mặt trời; 5.000MW điện sinh khối và lập kế hoạch phát triển lớn hơn cho nhiều năm sau; mặt khác cần tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài được tham gia xây dựng các dự án về NLTT ở Việt Nam.

- Tăng cường phát triển đào tạo nguồn nhân lực cho các dự án điện NLTT ở các trường Đại học, Cao đẳng, dậy nghề; hiện tại nguồn nhân lực này hầu như chưa có.

2. Trong những năm trước mắt, Chính phủ giao Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, các địa phương, Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ cho các nhà đầu tư vào NLTT một số yêu cầu sau:

- Hỗ trợ mặt bằng, bao gồm: mặt biển, mặt đất, mặt hồ, các nhà cao tầng, các đồi núi, các đảo... cho các nhà đầu tư đủ đất để triển khai các dự án NLTT.

- Chính phủ sớm điều chỉnh lại giá điện gió, giá điện sinh khối để có yếu tố kích cầu khuyến khích các nhà đầu tư mạnh dạn tiếp cận với các dự án NLTT, giống như giá điện mặt trời đã được ban hành vừa qua.

- Chính phủ và các Bộ, ngành hỗ trợ cho các nhà đầu tư trong nước được vay các nguồn vốn khác nhau để triển khai các dự án NLTT.

- Các Bộ, ngành cần nghiên cứu miễn giảm thuế TNDN trong những năm đầu của các dự án NLTT khi chưa thu hồi được vốn.

- Những năm trước mắt, Việt Nam chưa chế tạo được vật tư thiết bị cho các dự án NLTT, Chính phủ và các Bộ, ngành nên miễn giảm thuế xuất, nhập khẩu để đầu tư vào các dự án này.

Kiến nghị

1. Kiến nghị Thủ tướng Chỉnh phủ.

a/ Chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường bãi bỏ văn bản số 5657/BTNMT-TCMT ngày 01/12/2016, quy định các dự án thủy điện có công suất lắp máy từ 2MW trở lên thuộc thẩm quyền tổ chức thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Việc lập, thẩm định phê duyệt ĐTM của các dự án thủy điện được thực hiện theo các quy định tại Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.

b/ Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các Bộ Công Thương, Bộ NN và PT nông thôn khảo sát tình hình thực tế nhu cầu dùng nước của địa phương phía sau các đập thủy điện, kiến nghị Thủ tướng điều chỉnh dòng chảy môi trường đã được Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 471/QĐ-TTg năm 2016 cho phù hợp, nhằm tránh lãng phí nguồn tài nguyên nước, thiệt hại sản lượng điện của các nhà máy thủy điện, đặc biệt là các nhà máy có cột nước cao.

c/ Yêu cầu Bộ NN và PT nông thôn trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định bổ sung sửa đổi Nghị định số 72/2007/NĐ-CP về quản lý an toàn đập để các chủ đầu tư dự án thủy điện có cơ sở thực hiện phù hợp với luật thủy lợi và các văn bản quy phạm liên quan.

d/ Chỉ đạo các Bộ, cơ quan liên quan có văn bản hướng dẫn thực hiện quy định không được phép chuyển đổi diện tích rừng tự nhiên hiện có sang mục đích sử dụng khác tại Chỉ thị số 13 của Ban Bí thư Trung ương Đảng.

- Đối với những dự án thủy điện đã cấp phép đầu tư, trước khi ban hành Chỉ thị 13 hoặc Thông báo số 191/TB-VPCP, chủ đầu tư các dự án được tiếp tục triển khai theo nội dung được duyệt.

e/ Giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ, xem xét bổ sung điều chỉnh quyết định số 37/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam.

f/ Chỉ đạo các Bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện khung chính sách cho phát triển nguồn NLTT, trong đó có một số nội dung sau:

- Xây dựng khuôn khổ, chính sách ổn định lâu dài cho NLTT, để tăng sự tự tin cho nhà đầu tư và cho phép phát triển nhanh nguồn NLTT.

- Bỏ trợ cấp nguyên liệu hóa thạch và ban hành giá phát thải khí CO2 trên cơ sở các tổ chức, cá nhân sử dụng nguyên liệu hóa thạch cho mục đích năng lượng phải trả phí phát thải để đảm bảo bình đẳng cho NLTT.

- Ban hành các yêu cầu phát triển bền vững và tiêu chuẩn của các dự án nguồn điện sử dụng NLTT, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.

2. Kiến nghị Bộ Công Thương.

- Xây dựng, ban hành để áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong quá trình thiết kế, đầu tư xây dựng và quản lý khai thác, vận hành các công trình nguồn điện sử dụng NLTT; Các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho lưới điện đồng bộ với các nguồn điện sử dụng NLTT.

- Đôn đốc các Bộ, cơ quan có liên quan tới xây dựng để áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn có liên quan đến các công trình phát triển và sử dụng nguồn NLTT thuộc thẩm quyền của Bộ mình.

- Tiếp tục nghiên cứu, trình Thủ tướng ban hành mới và bổ sung, điều chỉnh các cơ chế, chính sách, khuyến khích hỗ trợ để thu hút các nguồn lực, các nhà đầu tư tham gia phát triển nguồn NLTT.

- Nghiên cứu ban hành, các cơ chế chính sách để phát triển đồng bộ hệ thống truyền tải, phân phối điện, với các công cụ đảm bảo sự vận hành ổn định hệ thống điện khi nguồn điện gió, điện mặt trời có tỷ lệ công suất cao (hệ thống điều chỉnh tần số, hệ thống điều chỉnh điện áp, hệ thống điều chỉnh phụ tải). Cần sớm nghiên cứu đầu tư sử dụng hệ thống lưu trữ điện năng (ESS) để đảm bảo hai yêu cầu:

Một là: Khi nguồn điện gió, điện mặt trời nối vào lưới điện quốc gia thì hệ thống ESS làm chức năng điều chỉnh tần số.... như nêu ở trên để ổn định hệ thống điện.

Hai là: Đối với các dự án điện mặt trời, điện gió sử dụng độc lập không nối lưới quốc gia thì hệ thống lưu điện ESS sẽ tích trữ điện năng phát thêm giờ khi không có bức xạ mặt trời, hoặc không có gió.

- Tăng cường hướng dẫn và tạo điều kiện cho các tỉnh tiếp tục rà soát điều chỉnh bổ sung quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế của xã hội và địa phương. Cần cho khai thác các dự án thủy điện vừa và nhỏ có tiềm năng, có hiệu quả kinh tế, không ảnh hưởng tới di dân tái định cư, không ảnh hưởng đến đất nông nghiệp, ít ảnh hưởng tới môi trường rừng. Cần xem xét các dự án thủy điện vừa và nhỏ đã đưa ra khỏi quy hoạch nay tiếp tục cho đầu tư lại các dự án thủy điện vừa và nhỏ nêu trên để tăng thêm nguồn điện cho quốc gia.

- Chỉ đạo EVN, EVNNPT, 5 Tổng công ty điện lực đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình lưới điện để đảm bảo truyền tải hết công suất của các nhà máy thuỷ điện vừa và nhỏ, các dự án NLTT trên địa bàn của các tỉnh hòa vào hệ thống điện quốc gia trong năm 2017, năm 2018, các năm tiếp theo.

- Cho ứng dụng công nghệ quản lý dòng chảy và hồ đập của Nhật Bản đối với các dự án thủy điện, để đảm bảo việc quản lý hồ đập có hiệu quả kinh tế cao nhất, tiết kiệm nước cho phát điện, cấp nước cho nông nghiệp và đặc biệt là phòng chống lũ (hiện nay Chính phủ Nhật Bản đang đầu tư công nghệ này cho quản lý hệ thống Thủy điện trên sông Hương của tỉnh Thừa Thiên Huế).

- Trong biểu giá chi phí tránh được, đề nghị bộ xem xét nâng giá mua điện vào các khung giờ bình thường, thấp điểm, mùa mưa, giảm giá công suất để huy động tối đa các nguồn thủy điện vừa và nhỏ.

3. Kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn làm đầu mối:

- Chỉ đạo các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các địa phương điều tra, thống kê về trữ lượng sinh khối (gồm phụ phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, rác thải thành thị, nông thôn trong cả nước).

- Trên cơ sở đó Chính phủ cần có chủ trương khuyến khích sử dụng NLTT này cho phát triển nguồn điện (các phụ phẩm, rác thải nêu trên được sấy ép để tạo ra nhiệt trị cao cho vào lò hơi của các nhà máy nhiệt điện chạy bằng sinh khối). Có 2 dạng sử dụng: đốt 100% nhiên liệu sinh khối, hoặc sử dụng đồng đốt (sinh khối kết hợp với than đá cho các nhà máy nhiệt điện). Trên thế giới nhiều nước đã dùng nhiên liệu sinh khối (Baiomat) sử dụng cho các nhà máy điện có công suất từ 30MW trở lên...

- Đất nước chúng ta là nước nông nghiệp, nhiều rừng, biển các phụ phẩm thải ra từ các ngành trên hàng năm vô cùng lớn, gây ô nhiễm môi trường; nếu chúng ta sử dụng triệt để các loại phụ phẩm, rác thải nêu trên thì không những tạo ra hiệu quả kinh tế lớn cho đất nước, đồng thời làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường một cách bền vững.

- Phát triển năng lượng tái tạo đồng nghĩa với bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ tài nguyên môi trường, bảo vệ cuộc sống con người.

Trên đây là một số ý kiến đề xuất kiến nghị của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam sau khi đã tổng hợp, phân tích, chọn lọc, các tham luận, các ý kiến của hội nghị trình lên các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước xem xét.

TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động