Rào cản nào đang kìm hãm phát triển NLTT Việt Nam?
07:40 | 08/08/2017
Cần một khung chính sách lâu dài cho năng lượng tái tạo
Phát triển thủy điện vừa và nhỏ, năng lượng tái tạo
EVN xác lập chủ trương phát triển năng lượng tái tạo
1/ Rào cản thể chế
Theo VEA, thị trường hóa các chi phí phát sinh: Năng lượng tái tạo sẽ không thể cạnh tranh trên một sân chơi bình đẳng với nguồn điện thông thường cho đến khi có các chính sách mới được áp dụng để đưa vào các chi phí của các nguồn nhiên liệu hóa thạch theo cơ chế thị trường.
Bên cạnh đó là chúng ta còn thiếu kinh nghiệm. Các đơn vị điện lực địa phương chưa quen với năng lượng tái tạo. Hầu hết các đơn vị điện lực chưa nghiên cứu cách thức để các nguồn năng lượng tái tạo có thể phù hợp với hệ thống điện của đơn vị mình.
2/ Rào cản pháp lý
Báo cáo VEA cho rằng, hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đáp ứng các yêu cầu thực tế trong quá trình thiết kế, đầu tư xây dựng và quản lý khai thác vận hành các công trình NLTT, nhất là các công trình điện gió, điện mặt trời còn thiếu.
Thứ hai, tiêu chuẩn đấu nối. Hiện chúng ta còn thiếu các tiêu chuẩn kết nối thống nhất cho nguồn điện NLTT. Trách nhiệm của các đơn vị điện lực và chủ đầu tư nguồn điện tái tạo đối với các công trình đấu nối với hệ thống điện chưa được xác định rõ ràng. Kết quả là các chi phí của các công trình kết nối vào lưới điện có thể trở thành rào cản đáng kể đối với các dự án nhỏ.
Thứ ba, các yêu cầu cấp phép. Yêu cầu cấp phép hoạt động điện lực nghiêm ngặt cũng có thể đặt ra một rào cản.
Thứ tư, bất lợi do cạnh tranh không lành mạnh. Điện sản xuất từ năng lượng tái tạo thường phải đối mặt với sự bất lợi cạnh tranh không lành mạnh do các chính sách hiện nay không quy định phải trả các chi phí môi trường và xã hội đối với công nghệ cung cấp điện từ nguồn nhiên liệu hóa thạch.
3/ Rào cản đầu tư
Theo báo cáo của VEA, hiện chúng ta đang thiếu mô hình phù hợp. Vì hiện chưa có nhiều dự án NLTT được triển khai, các nhà đầu tư phát triển dự án NLTT chưa thật hiểu rõ về lợi ích và các rủi ro liên quan.
Bên cạnh đó rất khó huy động vốn tại các địa phươn. Các nhà đầu tư tại các địa phương bị hạn chế về nguồn lực, mặc dù có nhiều dự án tại địa phương có hiệu quả. NLTT là lĩnh vực đầu tư mới, chưa quen thuộc với nhiều nhà đầu tư tại địa phương, có khả năng rủi ro trong việc bảo đảm thu được lợi nhuận chắc chắn.
Do vậy, việc thu xếp nguồn vốn, các nhà đầu tư dự án NLTT thường làm việc với các ngân hàng và các tổ chức tài chính để vay vốn. Trong khi các tổ chức tín dụng chưa thật sự quan tâm vì NLTT có nhiều rủi ro.
4/ Rào cản kỹ thuật
Về rào cản kỹ thuật, VEA cho rằng: Đánh giá tài nguyên năng lượng tái tạo, đặc biệt là các số liệu về NLTT của Việt Nam chưa được xây dựng hoàn thiện, tin cậy làm cơ sở cho phát triển dự án.
Để các dự án điện sử dụng NLTT ở khu vực nông thôn hiệu quả, theo VEA, lưới điện ở khu vực nông thôn cần phải nâng cấp trước khi kết nối với các nguồn điện sử dụng NLTT. Nếu không có thỏa thuận liên quan đến trách nhiệm của mỗi bên trong việc trả tiền cho việc nâng cấp cần thiết, điểm yếu này trong lưới điện là một rào cản đáng kể để NLTT phát triển ở các khu vực nông thôn.
5/ Rào cản thương mại
Về cơ sở hạ tầng, VEA cho biết, phát triển các dự án NLTT đòi hỏi đầu tư lớn ban đầu để xây dựng cơ sở hạ tầng (đường giao thông, cấp điện, nước thi công,…). Nhiều vùng được đánh giá tiềm năng cao, tuy nhiên, việc tiếp cận các địa điểm này rất khó khăn do hạ tầng còn yếu, khiến việc phát triển dự án là gần như không thể. Hoặc, chủ đầu tư phải mất thêm chi phí để gia cố lại hạ tầng dẫn đến tổng chi phí đầu tư tăng lên đáng kể.
Đặc biệt là về thị trường. Việc phí điều tiết ngành điện, phát triển thị trường điện cạnh tranh là xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, cơ chế hoạt động của các dự án điện sử dụng NLTT cũng là một rào cản trong phát triển nguồn điện này.
6/ Rào cản thị trường
Về rào cản thị trường, báo cáo VEA nhấn mạnh đến một số vấn đề như sau.
Thứ nhất, quy mô nhỏ. Các dự án NLTT và các doanh nghiệp sở hữu nói chung là nhỏ, nên sẽ có ít ảnh hưởng trong quá trình xây dựng các quy định trong thị trường điện và cũng có ít khả năng tham gia trong các diễn đàn, xác định các quy tắc thị trường điện mới.
Thứ hai, chi phí giao dịch cao. Các dự án nhỏ có chi phí giao dịch cao trong nhiều giai đoạn của quá trình phát triển.
Thứ ba, chi phí tài chính cao. Các nhà đầu tư NLTT có thể có khó khăn để có được nguồn tài chính với lãi suất thấp.
Thứ tư, thiếu thông tin. Các tổ chức tài chính nói chung không quen thuộc với các công nghệ mới và có khả năng cảm nhận các dự án có nhiều rủi ro, do đó họ có thể cho vay với mức lãi suất cao hơn.
Thứ năm, việc thiếu các dịch vụ cung cấp thiết bị thay thế, sửa chữa, vận hành và bảo dưỡng (O&M) hệ thống cũng là một trong nguyên nhân làm gia tăng chi phí đầu tư của dự án NLTT.
Và cuối cùng, VEA cho rằng, chúng ta đang vướng vào rào cản về nguồn nhân lực kỹ thuật. Hiện tại, trong các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề chưa có ngành học chuyên sâu về lĩnh vực năng lượng tái táo. Giảng viên cho lĩnh vực này còn thiếu, chương trình học còn hạn chế,… tạo nên một lổ hổng lớn về nhân sự cho lĩnh vực công nghệ "xanh" mới mẻ này. Đây là một cản trở cho sự phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo ở Việt Nam.
TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM