RSS Feed for Các dự án năng lượng tái tạo của EVN gặp khó khăn | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 28/03/2024 23:38
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Các dự án năng lượng tái tạo của EVN gặp khó khăn

 - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được Chính phủ giao nhiệm vụ giữ vai trò chính trong việc đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước… vì vậy, bên cạnh việc đầu tư, xây dựng, quản lý vận hành các nhà máy điện, EVN sẽ tiếp tục phát triển nguồn điện năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện, cũng như các doanh nghiệp khác trong lĩnh vực năng lượng tái tạo Việt Nam, EVN cũng gặp rất nhiều khó khăn do vướng quy hoạch và cơ chế, chính sách.

EVN tìm hướng đi cho điện mặt trời
Khai thác hợp lý thủy điện vừa và nhỏ, năng lượng tái tạo

Hiện nay, EVN và các đơn vị thành viên đang triển khai và chuẩn bị đầu tư 23 dự án điện mặt trời, tổng công suất khoảng 3.100MW.

Cụ thể, EVN đã xác định địa điểm và lập quy hoạch 4 dự án điện mặt trời, tổng công suất khoảng 575MW.

Các dự án bao gồm: Phước Thái (200MW), Sông Bình (200MW), Sê San 4 (49MW) và đang triển khai công tác chuẩn bị đầu tư (Dự án Trị An - đã được Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung Quy hoạch).

Bên cạnh đó, EVN đang triển khai các bước nghiên cứu quy hoạch 2 dự án (Phước Trung, Ninh Thuận 50MW; Lộc Ninh 1, Bình Phước 200MW).

Các Tổng công ty trực thuộc EVN đang triển khai 17 dự án, tổng công suất khoảng 1.700MW. Cụ thể: Tổng công ty Phát điện 1 triển khai Dự án ĐMT Đồng Nai 4 (50MW); Tổng công ty Phát điện 2 triển khai 4 dự án, tổng công suất 309 MW; Tổng công ty Phát điện 3 triển khai 7 dự án, tổng công suất 1.279 MW; Tổng công ty Điện lực miền Nam triển khai 2 dự án, tổng công suất 4,2MW và Tổng công ty Điện lực miền Trung triển khai 3 dự án, tổng công suất 57,3MW.

 

Về điện gió, EVN đang quản lý vận hành nhà máy điện gió với công suất 6MW trên đảo Phú Quý (tiếp nhận từ PVN). Công ty Cổ phần phong điện Thuận Bình đã đưa vào vận hành 1 dự án 24 MW và đang nghiên cứu phát triển 4 dự án với tổng công suất khoảng 570MW….

Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện, cũng như các doanh nghiệp khác trong lĩnh vực năng lượng tái tạo Việt Nam, EVN cũng gặp rất nhiều khó khăn. Theo EVN, với quy hoạch năng lượng tái tạo nơi chung, điện mặt trời nói riêng (trừ thuỷ điện nhỏ) mới quy hoạch về quy mô công suất theo vùng, khu vực, do chưa xác định địa điểm dự án, nên khó khăn trong việc quy hoạch và phát triển đồng bộ lưới điện.

Bên cạnh đó, công suất phát của năng lượng tái tạo không ổn định, thay đổi theo cường độ gió, bức xạ mặt trời... với quy mô công suất lớn cần phải có các nguồn điện dự phòng thay thế và các giải pháp để đảm bảo vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện. Đặc biệt là hệ thống tiêu chuẩn chuyên ngành, tiêu chuẩn thiết kế, vận hành... đối với lĩnh vực năng lượng tái tạo còn thiếu và chưa đồng bộ.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, góp phần đáp ứng yêu cầu trong chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam, EVN kiến nghị cần tiếp tục hoàn thiện, tạo lập các cơ chế, chính sách để thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển các nguồn điện và lưới điện. Ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia, các tiêu chuẩn chuyên ngành liên quan đến công tác thiết kế, vận hành các nguồn điện năng lượng tái tạo. Tiêu chuẩn đấu nối lưới điện của các nguồn năng lượng tái tạo, cũng như các tiêu chuẩn kỹ thuật thiết bị được phép tham gia vào phát và truyền tải điện từ nguồn năng lượng tái tạo, vv...

Mặt khác, EVN cũng kiến nghị việc tiếp tục nghiên cứu bổ sung, điều chỉnh cơ chế chính sách để thu hút các nguồn lực tham gia đầu tư phát triển năng lượng tái tạo. Các cơ chế, chính sách để phát triển đồng bộ hệ thống truyền tải, phân phối điện và các công cụ đảm bảo sự vận hành ổn định của hệ thống điện. Nghiên cứu phát triển các nguồn tích trữ năng lượng, thủy điện tích năng, song song, đồng bộ với phát triển các chính sách ưu đãi về đầu tư (vốn, thuế, đất đai…).

TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động