Chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho dự án điện mặt trời Mỹ Sơn 2
09:51 | 09/10/2019
Bàn phương pháp giải tỏa công suất điện tái tạo tại Ninh Thuận
Theo quyết định, 49ha đất lâm nghiệp, được xác định là đất không có rừng, đã được tỉnh Ninh Thuận cho chuyển mục đích để làm dự án điện mặt trời.
Đồng thời, UBND tỉnh Ninh Thuận cũng đã có quyết định cho Công ty CP đầu tư năng lượng xây dựng thương mại Hoàng Sơn thuê diện tích đất trên để thực hiện dự án Nhà máy điện mặt trời Mỹ Sơn 2.
Dự án Nhà máy điện mặt trời Mỹ Sơn 2 có công suất 50MW, vốn đầu tư 1.200 tỉ đồng, được động thổ ngày 17/1/2019. Dự kiến hoàn thành, đi vào vận hành vào quí 4/2019.
Động thổ dự án Nhà máy điện mặt trời Mỹ Sơn 2.
Ninh Thuận là tỉnh cực Nam Trung bộ, với điều kiện khí hậu khô hạn, gió to và nắng nóng gay gắt nhất Việt Nam. Tuy nhiên, điều kiện tự nhiên được xem là khắc nghiệt này lại là lợi thế lớn để phát triển năng lượng tái tạo.
Theo số liệu thống kê, nguồn bức xạ mặt trời tại Ninh Thuận vào khoảng 1.800 kWh/m2/năm, đây là điều kiện thuận lợi cho việc khai thác hiệu quả nguồn năng lượng mặt trời.
Theo đó, tỉnh Ninh Thuận đã cấp quyết định chủ trương đầu tư các dự án điện mặt trời, với tổng công suất 1.816,8 MW, tổng vốn đăng ký 45.717,8 tỷ đồng.
Tính đến ngày 30/6/2019 có 15 dự án, tổng quy mô công suất 1.063 MW đã chính thức đưa vào vận hành thương mại (COD).
Dự kiến đến cuối năm 2019 tiếp tục có 5 dự án điện mặt trời công suất 190 MW đưa vào vận hành thương mại gồm: Nhà máy điện mặt trời Hacom Solar (40 MW), Nhà máy điện mặt trời kết hợp nông nghiệp công nghệ cao Sinenergy Ninh Thuận 1 (40 MW), Nhà máy điện mặt trời Mỹ Sơn (50 MW), Nhà máy điện mặt trời SP Infra 1 (40 MW), Nhà máy điện mặt trời Bầu Zôn (20 MW) và 11 dự án còn lại (công suất 564 MW) sẽ đưa vào vận hành trong năm 2020./.
TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM