RSS Feed for Thông tin cập nhật về dự án điện gió ThangLong Wind | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Chủ nhật 22/12/2024 18:19
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Thông tin cập nhật về dự án điện gió ThangLong Wind

 - Ngày 20/11/2020, tại Hội thảo “Đẩy mạnh phát triển và tiết kiệm năng lượng tới năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” do Hiệp hội Năng lượng Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, ông Ian Hatton, Chủ tịch Tập đoàn Năng lượng Enterprize Energy (EE) đã có bài tham luận trực tuyến về vấn đề phát triển điện gió ngoài khơi nói chung và cập nhật những thông tin mới nhất về dự án điện gió ngoài khơi ThangLong Wind.


Dự án điện gió ThangLong Wind cần có sự quan tâm của Đảng, Chính phủ


Ông Ian Hatton, Chủ tịch Tập đoàn Năng lượng Enterprize Energy phát biểu trực tuyến.

Ông Ian Hatton cho biết, dự án ThangLong Wind được đánh giá mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế Việt Nam và địa phương. Đây là dự án nước xanh tầm cỡ thế giới, dự án điện gió ngoài khơi lớn nhất tại Việt Nam với tổng công suất dự kiến lắp đặt là 3.400 MW, tổng mức đầu tư 11,9 tỷ USD, có vị trí cách mũi Kê Gà, tỉnh Bình Thuận từ 20 km - 50 km. EE đang phối hợp với các đối tác, nhà thầu trong và ngoài nước quyết tâm triển khai dự án trong 5 giai đoạn, trong đó sẽ triển khai xây dựng 600 MW - 800 MW mỗi giai đoạn.

Dự án ThangLong Wind có tỷ lệ nội địa hóa cao nhất Việt Nam. Theo tính toán các ngành công nghiệp, dịch vụ ở Việt Nam có tiềm năng cung cấp tối thiểu 50% tổng giá trị đầu tư của dự án bao gồm công việc khảo sát, tư vấn thiết kế, mua sắm, gia công chế tạo chân đế, tháp gió, trạm biến áp trong bờ, kho bãi lưu chứa, căn cứ hậu cần tương đương giá trị từ 6 - 8,3 tỷ USD trong tổng vốn đầu tư. Các việc phục vụ bảo trì, bảo dưỡng kéo dài ít nhất 25 năm sau khi dự án đi vào hoạt động.

Khi dự án điện gió ngoài khơi ThangLong Wind hoàn thành, sản lượng điện có thể đạt khoảng 15 tỷ kWh mỗi năm. Dự án cũng giải quyết vấn đề giảm phát thải CO2. Gió ngoài khơi không phải là một công nghệ gây ô nhiễm. Trên thực tế, dự án có thể giảm lượng khí thải CO2 khoảng 16 triệu tấn mỗi năm, tương đương với năng lượng sản sinh từ phát điện bằng than.

Việc thực hiện dự án tại địa phương cũng sẽ mang lại nhiều lợi ích, nguồn thu đáng kể cho nền kinh tế địa phương từ nhu cầu việc làm, cung cấp thiết bị và các lợi ích liên quan khác.

Trong giai đoạn gia công chế tạo, dự án dự kiến huy động và tuyển dụng hàng trăm lao động phục vụ dự án tại Việt Nam. Bên cạnh đó, với mỗi giai đoạn 600 MW hoàn thành, việc vận hành và bảo trì yêu cầu tuyển dụng hơn 50 lao động. Sau khi chính thức đưa vào vận hành 3.400 MW và khai thác, dự kiến cần huy động và tuyển dụng số lượng lớn lao động. Trong phạm vi cho phép, EE cam kết đào tạo và tối đa hóa nguồn lực địa phương tại chỗ làm việc cho dự án. Đặc biệt EE hiện đang sử dụng nguồn lực là các chuyên gia về môi trường và kỹ thuật ngay tại địa phương.

Tập đoàn EE cũng sẽ triển khai các hoạt động như cung cấp các chuyên gia tư vấn để làm việc với bà con ngư dân tại khu vực triển khai dự án, tổ chức các khóa đào tạo, hướng dẫn các phương thức đánh bắt, khai thác an toàn, phù hợp trong khu vực dự án; kết hợp nghiên cứu, đề xuất các phương pháp hữu hiệu, thiết thực để hỗ trợ bà con ngư dân khi dự án đi vào hoạt động.

Về góc độ ngoại giao, kinh tế - xã hội, dự án sẽ tạo đột phá để thu hút đầu tư vào điện gió ngoài khơi Việt Nam, thông qua dự án này Chính phủ Việt Nam có thể xem xét xây dựng được hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách phù hợp hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước tham gia lĩnh vực này.

Ngoài ra, dự án sẽ giúp tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam với Vương quốc Anh và Liên minh châu Âu cùng tổ hợp các nhà đầu tư, cung cấp tài chính và thiết bị. Quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Vương Quốc Anh đang không ngừng tăng lên đặc biệt đối với lĩnh vực chiến lược như năng lượng tái tạo, công nghệ.

Hiện tại, dự án điện gió ngoài khơi ThangLong Wind đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ từ các bộ ban ngành và đặc biệt là từ lãnh đạo, nhân dân Bình Thuận, điều đó đã được thể hiện bằng các văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ trong suốt thời gian vừa qua. Đặc biệt trong quá trình xây dựng phương án đền bù cho người dân chịu ảnh hưởng trong khu vực dự án, EE đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ từ phía người dân, các ý kiến đóng góp đã được EE thu thập và báo cáo các cấp có thẩm quyền.

Ông Ian Hatton bày tỏ mong muốn Chính phủ Việt Nam sớm cho phép bổ sung dự án điện gió ngoài khơi ThangLong Wind vào Quy hoạch điện VIII, trong đó 600 MW của giai đoạn 1 sẽ hoàn thành và phát điện cuối năm 2025, tuỳ thuộc vào khả năng kết nối lưới điện quốc gia. Toàn bộ 3.400 MW của dự án sẽ hoàn thành và phát điện cuối năm 2029 đầu năm 2030; Dự án điện gió ngoài khơi ThangLong Wind là dự án tiêu biểu nhận được sự quan tâm của Chính phủ trong việc thu hút vốn đầu tư FDI; đưa dự án vào chương trình làm việc của các hiệp định EVFTA, EVIPA, Đàm phán FTA giữa Chính phủ Anh và Việt Nam.

Ngoài ra, Tập đoàn EE cũng sẵn sàng hợp tác với Chính phủ Việt Nam để nâng công suất lưới điện nhằm truyền tải điện năng từ dự án ThangLong Wind đến người tiêu dùng.

Tập đoàn cũng hi vọng Chính phủ Việt Nam sẽ hỗ trợ Enterprize Energy trong quá trình lập hồ sơ và cấp phép cho dự án. Ngoài ra, EE mong muốn được hỗ trợ để tạo điều kiện cho việc nghiên cứu và phát triển, triển khai ý tưởng công nghệ “Energy Plus”. Điều này liên quan đến việc sản xuất và vận chuyển khí Hydro hóa lỏng và khí Amoniac từ các nguồn năng lượng tái tạo. Tập đoàn EE gần đây đã ký một thỏa thuận với Tractabel Overdick GmbH để phát triển một chương trình như vậy. Ưu điểm của công nghệ này đó là phương pháp lưu trữ và vận chuyển năng lượng. Cụ thể, có thể vận chuyển năng lượng bằng tàu chở dầu hoặc tàu hỏa thay vì sử dụng đường truyền./.

PV TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động