Tập đoàn Sao Mai với bước đi tiên phong trong phát triển năng lượng sạch
08:58 | 04/08/2020
Những vấn đề cần ưu tiên trong phát triển năng lượng tái tạo Việt Nam
Ông Hồ Mạnh Dũng (bên trái) trả lời phỏng vấn chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam.
Xin ông giới thiệu tổng quát về Tập đoàn Sao Mai và việc phát triển những dự án nguồn điện năng lượng tái tạo?
Ông Hồ Mạnh Dũng: Sao Mai là Tập đoàn đa ngành nghề, hiện nay đang tập trung vào 4 lĩnh vực chính, gồm:
Bất động sản, Sao Mai là một trong những doanh nghiệp bất động sản hàng đầu ở Đồng bằng sông Cửu Long. Nhiều năm qua, Tập đoàn đã tập trung nguồn lực gây dựng quỹ đất thuộc các tỉnh thành như: Cà Mau, Kiên Giang, Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp, TP. HCM, Vũng Tàu, Thanh Hóa, Hòa Bình, Tiền Giang, Bến Tre.
Về du lịch, Tập đoàn Sao Mai đang sở hữu 2 Công ty Du lịch: Công ty Cổ phần Du lịch An Giang và Công ty Cổ phần Du lịch Đồng Tháp. Hiện Tập đoàn Sao Mai sở hữu một khu Resort ở Vũng Tàu và đang đầu tư một số khách sạn lớn tại tỉnh Thanh Hóa, Đồng Tháp…
Về thủy - hải sản, Tập đoàn Sao Mai là một trong ba đơn vị xuất khẩu cá tra lớn nhất Việt Nam và sở hữu một nhà máy chế biến thức ăn thủy sản công suất 378 ngàn tấn/năm - lớn nhất Việt Nam hiện nay.
Đặc biệt, trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, Tập đoàn Sao Mai là một trong các nhà đầu tư dẫn đầu trong lĩnh vực này. Tháng 5 năm 2017, Tập đoàn Sao Mai đã đưa vào vận hành dự án điện mặt trời mái nhà (công suất 1 MW) - lớn nhất Việt Nam thời điểm đó, khi chưa có đơn vị nào tham gia đầu tư vào lĩnh vực này.
Vừa qua, Tập đoàn Sao Mai đã đầu tư nhà máy điện mặt trời tại tỉnh An Giang - công suất 210 MWp và nhà máy điện mặt trời tại tỉnh Long An - công suất 50 MWp. Hiện nay, Tập đoàn đang làm hồ sơ đầu tư tiếp 2 nhà máy điện mặt trời tại huyện Cư Jút, tỉnh Đăk Nông - công suất 850 MWp và tại huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk - công suất 450 MWp. Chiến lược của Tập đoàn Sao Mai là sẽ tập trung phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời.
Hệ thống điện mặt trời của Nhà máy đông lạnh thuỷ sản số 1 do Tập đoàn Sao Mai lắp đặt.
Các thuận lợi và khó khăn vướng mắc trong quá trình Tập đoàn Sao Mai thực hiện triển khai các dự án điện mặt trời?
Ông Hồ Mạnh Dũng: Về thuận lợi, nói chung trong quá trình triển khai thực hiện dự án, từ Chính phủ, Bộ Công Thương, các bộ, ngành và các địa phương đã tạo điều kiện cho Tập đoàn Sao Mai phát triển lĩnh vực này.
Tuy nhiên trong quá trình triển khai các dự án, Tập đoàn Sao Mai cũng gặp phải một số khó khăn như:
Một là: Trong quá trình làm thủ tục cấp đất, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất đai còn phức tạp, kéo dài. Tuy nhiên, Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị vừa ban hành đã có các định hướng tháo gỡ trong cơ chế, chính sách khuyến khích nguồn năng lượng sạch.
Hai là: Về hạn chế hạ tầng lưới điện để giải tỏa điện năng từ các nguồn điện mặt trời. Đây là khó khăn chung, nhưng EVN cũng đã có được các giải pháp để tháo gỡ.
Ba là: Việc phát triển điện mặt trời có nhiều nhà đầu tư trong nước còn yếu về năng lực, dễ bị thâu tóm bởi các nhà đầu tư nước ngoài, trong lúc các doanh nghiệp mạnh và tập đoàn lớn được các ngân hàng trong nước ủng hộ, nhưng vấp phải lãi suất đồng Việt Nam cao - đó là trở ngại lớn trong việc cạnh tranh với đoanh nghiệp ngoại. Nhất là tới đây phải tham gia cơ chế đấu giá đấu giá giá điện.
Kiến nghị của Sao Mai về các giải pháp tháo gỡ khó khăn để Tập đoàn nói riêng và ngành năng lượng tái tạo Việt Nam nói chung phát triển?
Ông Hồ Mạnh Dũng: Thứ nhất: Quy hoạch điện mặt trời nên tập trung ưu tiên vào các vùng, địa phương có chỉ số bức xạ và thời gian nắng cao, như vậy sẽ khai thác, hiệu quả hơn nguồn tài nguyên lớn này.
Thứ hai: Những địa phương và những vùng đã được quy hoạch phát triển điện mặt trời, Nhà nước và địa phương nên cho chuyển quy hoạch về mục đích sử dụng đất đai, ngoại trừ các khu vực đất quốc phòng, rừng phòng hộ, rừng tự nhiên… Các khu vực đất khác như: Đất cằn, nghèo dinh dưỡng, trồng trọt kém hiệu quả, nên được chuyển đổi sang đất cho phát triển năng lượng.
Thứ ba: Khi đã có quy hoạch vùng, hoặc địa phương sẽ phát triển điện mặt trời, điện gió Nhà nước cần tập trung đầu tư hệ thống truyền tải điện để tiêu thụ hết điện năng phát. Cần quy hoạch rõ các đường dây và trạm, cần thiết có cơ chế để doanh nghiệp tham gia đầu tư và chuyến lại cho Nhà nước quản lý.
Thứ tư: Trong các định hướng, Nhà nước nên tạo thêm điều kiện cho các tập đoàn, công ty có đủ năng lực và quyết tâm cao trong lĩnh vực năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời để có khả năng cạnh tranh với các nhà đầu tư nước ngoài, như vậy mới đảm bảo thực hiện được chiến lược phát triển quốc gia về nguồn năng lượng sạch.
Nhà máy Sao Mai Solar PV1, công suất 210 MWp (dưới chân Núi Cấm, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang).
Mục tiêu, kế hoạch của Tập đoàn Sao Mai trong phát triển năng lượng sạch những năm tới là gì? Và đâu là giải pháp thực hiện?
Ông Hồ Mạnh Dũng: Mục tiêu của Sao Mai là sẽ trở thành một Tập đoàn lớn của Việt Nam và là doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, góp phần vào việc phát triển năng lượng Việt Nam theo Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị.
Để đạt được các mục tiêu trên, Tập đoàn Sao Mai đã có bước nghiên cứu, khảo sát, cũng như tiến hành các thủ tục cần thiết để triển khai hai dự án điện mặt trời lớn tại huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông, trên diện tích 750ha, công suất 850 MWp và dự án tại huyện Ea H'leo, tỉnh Đắk Lắk, trên diện tích 407ha, với công suất 450 MWp kết hợp trồng dược liệu.
Xin cảm ơn ông về những chia sẻ tâm huyết và xin chúc Tập đoàn Sao Mai đạt được các mục tiêu, kế hoạch đề ra!
NGUYỄN ANH TUẤN - PHAN DŨNG (THỰC HIỆN)