Điện hạt nhân Đông Nam Á và những thách thức
08:00 | 01/11/2015
ROSATOM giới thiệu công nghệ hạt nhân tại Argentina
Ông Egor Simonov, Giám đốc ROSATOM tại Đông Nam Á nhận định: “Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng công nghiệp hàng đầu thế giới, đồng nghĩa với mức độ tiêu thụ điện ở mức cao. Điện hạt nhân không chỉ cho phép các quốc gia này có nguồn năng lượng sạch, mà còn vươn tới trình độ phát triển mới”.
Theo ông Egor Simonov, việc hiện thực hóa dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân có thể tạo ra khoảng 60.000 việc làm tại những ngành công nghiệp khác nhau, đóng góp cho phát triển tiềm năng khoa học công nghệ, tạo động lực phát triển giáo dục và nhìn chung sẽ góp phần tăng chất lượng cuộc sống thông qua phát triển cơ sở hạ tầng mới.
“Sự khôi phục sản xuất điện hạt nhân tại Nhật Bản là một dấu hiệu cho các nước châu Á, đầu tiên là các nước ASEAN nơi mà theo ước tính của chúng tôi có thể sản xuất 20 GW công suất điện hạt nhân. Nhưng điều này chỉ xảy ra khi những nước này cho thấy cam kết chính trị rõ ràng trong phát triển chương trình điện hạt nhân quốc gia. Chúng tôi có thể thấy một vài thách thức lớn ngăn cản sự phát triển của những chương trình này, đặc biệt là những vấn đề về an toàn, tài trợ cho dự án, giá điện, phát triển cơ sở hạ tầng hạt nhân quốc gia và mức độ chấp nhận của cộng đồng”, ông Egor Simonov nói.
Ông cũng nhấn mạnh rằng nhiệm vụ của một nhà thầu có trách nhiệm là hỗ trợ quốc gia khách hàng giải quyết những khó khăn này. Ông Simonov đưa ra ví dụ về Việt Nam, nơi ROSATOM đang hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân bằng cách triển khai dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại đây.
“Các nhà máy điện hạt nhân hiện đại thế hệ 3+ kế thừa những bài học rút ra từ sự cố Fukushima. Ví dụ, nếu nhà máy điện hạt nhân của Nga với lò phản ứng VVER, đang vận hành tại Ấn Độ và Trung Quốc, được đặt tại khu vực Fukukhima năm 2011, tai nạn sẽ không xảy ra”, ông đưa ra nhận định về vấn đề an toàn hạt nhân.
Đối với các khách hàng tại châu Á, chi phí sản suất điện hạt nhân là một khía cạnh quan trọng. “Chi phí sản xuất điện hạt nhân thuộc loại thấp nhất. Nhiệm vụ của các nhà thầu không chỉ cung cấp nhà máy điện hạt nhân mà còn đưa ra chi phí hợp lý cho mỗi kWh điện”, ông nói, đồng thời nhấn mạnh rằng ROSATOM có thể đưa ra đề xuất như vậy cho các đối tác Đông Nam Á, do Tập đoàn này tập hợp chuỗi giá trị toàn diện trong ngành công nghiệp hạt nhân và xây dựng các nhà máy điện hạt nhân quanh thế giới.
“Tuy nhiên, mặc cho mức độ an toàn cao của các nhà máy điện hạt nhân hiện đại và những lợi ích từ điện hạt nhân, vẫn tồn tại những định kiến và hiểu lầm. Về vấn đề này, chính phủ các nước ASEAN sẵn sàng triển khai các chương trình truyền thông và giáo dục cho người dân”, ông Simonov phát biểu.
Lấy dẫn chứng về hợp tác giữa Việt Nam và Nga trong việc nâng cao sự chấp thuận từ cộng đồng cho công nghệ hạt nhân. Ông lấy ví dụ về Trung tâm Thông tin Năng lượng Hạt nhân tại Hà Nội do ROSATOM thành lập đã đón chào 30.000 khách thăm quan trong năm 2014.
Tại Đông Nam Á, ROSATOM triển khai các dự án xây dựng 2 tổ máy điện hạt nhân với lò phản ứng VVER tại Việt Nam, đồng thời phát triển Trung tâm Khoa học và Công nghệ Hạt nhân. Cũng trong năm nay, liên danh thầu Nga - Indonesia với sự tham gia của ROSATOM đã thắng thầu thiết kế sơ bộ lò phản ứng thí nghiệm 10 MW tại Indonesia. Tập đoàn của Nga cũng cung cấp đồng vị phóng xạ cho quốc gia này. Hơn thế nữa, phía Nga cũng đã ký kết những thỏa thuận hợp tác khung với Chính phủ Myanmar và Viện Công nghệ Hạt nhân Thái Lan.
Diễn đàn POWER-GEN ASIA 2015 được tổ chức tại Bangkok (Thái Lan) từ ngày 1-3/9/2015 trong khuôn khổ Tuần lễ Năng lượng ASEAN. Sự kiện này thu hút sự tham gia của các công ty sản xuất điện tại châu Á và các nhà cung cấp trang thiết bị cho nhà máy điện các loại trên khắp thế giới, đại diện các công ty kỹ thuật và tư vấn, cũng như đại diện các cơ quan liên quan từ các nước châu Á.
NGUYỄN DỊU (Nguồn: rosatom.ru)