Xây dựng, thực thi Luật Năng lượng Tái tạo [kỳ 3]: Kinh nghiệm Malaysia
07:09 | 27/04/2023
Xây dựng, thực thi Luật Năng lượng Tái tạo [kỳ 2]: Kinh nghiệm Đài Loan Năm 2009, Đài Loan đã ban hành Đạo luật Phát triển Năng lượng Tái tạo (REDA), mở đường cho nguồn điện này phát triển. Năm 2017, Đài Loan sửa đổi Đạo luật Kinh doanh điện (TEA) để tự do hóa thị trường điện, thúc đẩy sản xuất năng lượng tái tạo và năm 2019, tiếp tục sửa đổi đối với đạo luật REDA để tiếp tục tự do hóa thị trường... Tổng hợp dưới đây của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam là kinh nghiệm xây dựng và thực thi Luật Năng lượng Tái tạo của Đài Loan. |
Xây dựng, thực thi Luật Năng lượng Tái tạo [kỳ 1]: Kinh nghiệm Trung Quốc Như chúng ta đều biết, Chính phủ vừa giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng Luật Năng lượng Tái tạo Việt Nam, thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025. Nhân dịp này, Tạp chí Năng lượng Việt Nam thực hiện chuyên đề “Xây dựng, thực thi Luật Năng lượng Tái tạo của một số quốc gia trên thế giới và một vài gợi ý, đề xuất cho Việt Nam”. Trong nội dung kỳ 1 là tổng hợp cách làm của Trung Quốc. |
KỲ 3: KINH NGHIỆM CỦA MALAYSIA TRONG XÂY DỰNG, THỰC THI LUẬT NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO
Theo trang tin trực tuyến Hồng Kông www.law.asia: Với mục tiêu ưu tiên năng lượng tái tạo (NLTT) trong cơ cấu năng lượng quốc gia, Malaysia đã đưa ra nhiều sáng kiến nhằm giúp nguồn năng lượng này phát triển ổn định và bền vững. Lãnh thổ Malaysia bao gồm Bán đảo Malaysia và Đông Malaysia, mỗi khu vực đều có các công ty công ích riêng (cung cấp những tiện nghi cơ bản như điện, nước, khí tự nhiên…) phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Luật năng lượng tái tạo hiện hành của Malaysia bao gồm:
1/ Đạo luật Cung cấp Điện năm 1990 (Electricity Supply Act - ESA).
2/ Đạo luật Năng lượng Tái tạo năm 2011 (Renewable Energy Act - REA).
Theo luật REA, tài nguyên tái tạo được định nghĩa là “các nguồn tài nguyên, hoặc công nghệ bản địa lặp lại định kỳ và không cạn kiệt”. Trong đó, xem khí sinh học, sinh khối, thủy điện nhỏ, hoặc điện mặt trời là những nguồn tài nguyên tái tạo có thể ứng dụng. Điện năng được tạo ra, hoặc sản xuất từ các nguồn tài nguyên tái tạo được gọi là năng lượng tái tạo.
Trong luật REA quy định: Một người muốn tạo ra và cung cấp điện từ các nguồn tài nguyên tái tạo (RE) phải nộp đơn xin phê duyệt mới có quyền khai thác NLTT. Quy mô của nhà máy phát điện có thể từ 1 MW đến 30 MW đối với khí sinh học, sinh khối và thủy điện nhỏ; còn điện mặt trời (PV) có thể từ 1 kW đến 30 MW. Các doanh nghiệp muốn nhận được phê duyệt giá FIT thì phải nộp đơn lên cho Cơ quan Phát triển Năng lượng Bền vững (SEDA).
Đối với Đạo luật Năng lượng Tái tạo, SEDA là cơ quan quản lý biểu giá FIT cho các nhà sản xuất điện được tạo ra từ các dự án NLTT theo thỏa thuận mua, bán điện năng lượng tái tạo (RePPA) với Công ty Điện lực Tenaga Nasional của Malaysia.
Theo Đạo luật Cung cấp điện (ESA) và Đạo luật Năng lượng Tái tạo năm 2011: Bất kỳ nhà phát triển, hoặc nhà đầu tư nào muốn phát triển nhà máy phát điện NLTT (trên 30 MW) phải được cấp phép theo Đạo luật Cung cấp điện.
Gần đây, nhằm tăng lượng điện từ các nguồn tài nguyên tái tạo, Ủy ban Năng lượng của Malaysia đã đưa ra yêu cầu đề xuất (đề nghị mời thầu - RFP) cho các nhà máy điện mặt trời quy mô lớn lên đến 100 MW. Kể từ năm 2017, Ủy ban đã phát hành ba RFP và chương trình hiện đang ở chu kỳ thứ tư (được gọi là chu kỳ đấu thầu điện mặt trời quy mô lớn). Việc lựa chọn các nhà thầu trong các chương trình năng lượng mặt trời quy mô lớn dựa trên chào giá cạnh tranh.
Theo Đạo luật Cung cấp điện, khách hàng mua điện là một đơn vị, hoặc bộ phận của Công ty Điện lực Tenaga Nasional và được trao quyền để thực hiện các chức năng cung cấp điện từ các nguồn tài nguyên tái tạo và không tái tạo ở Bán đảo Malaysia. Khách hàng mua cũng hoạt động dưới sự giám sát của Ủy ban Năng lượng và chịu trách nhiệm giám sát việc đàm phán và thực hiện các hợp đồng mua bán điện (PPA).
Về chính sách đầu tư nước ngoài, Malaysia cho phép nhà đầu tư nước ngoài sở hữu tới 49% vốn cổ phần trong một công ty được thành lập tại Malaysia để sản xuất điện, có thể là từ nguồn tái tạo, hoặc nguồn khác.
Theo giới phân tích năng lượng: Dù theo Đạo luật Năng lượng Tái tạo, hay Đạo luật Cung cấp điện, nhà đầu tư thường nhận được khoản vay từ các tổ chức tài chính Malaysia hoàn toàn bằng đồng ringgit Malaysia. Thời gian trả nợ thường là 12 - 15 năm. Chương trình bảo hiểm cũng dựa trên đồng ringgit của Malaysia.
Tương lai sản xuất điện từ các nguồn tài nguyên tái tạo ở Malaysia tăng chủ yếu từ điện mặt trời và thủy điện. Bang Sarawak có một số lượng lớn các nhà máy thủy điện do điều kiện khí hậu và địa hình. Malaysia luôn coi trọng các khía cạnh của luật và dùng nó để kiểm soát, thực thi các giao dịch từ giai đoạn phát triển cho đến khi hoạt động thương mại. Còn nhà phát triển thì coi đây là chìa khóa để giúp họ tồn tại nhất quán, ổn định và bền vững.
Đón đọc kỳ tới...
KHẮC NAM - CHUYÊN GIA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM
(THEO: LA/AO/SDC/PNC/BC/TGV - 9/2022)
Link tham khảo:
1/ https://law.asia/renewable-energy-regulations-malaysia/
3/ https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S2211467X21001322