RSS Feed for Vốn đầu tư cho Quy hoạch điện VIII [tạm kết]: Đề xuất các nhóm giải pháp chính sách | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Chủ nhật 15/12/2024 03:52
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Vốn đầu tư cho Quy hoạch điện VIII [tạm kết]: Đề xuất các nhóm giải pháp chính sách

 - Trong các kỳ trước, chúng ta đã tham khảo phân tích hiện trạng, nhu cầu, kế hoạch, biện pháp huy động vốn đầu tư phát triển các dự án nguồn, lưới truyền tải điện ở Việt Nam và các thách thức, rủi ro khi thực hiện Quy hoạch điện VIII. Tạm kết chuyên đề này, chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam nêu một số giải pháp huy động nguồn vốn đầu tư cho Quy hoạch điện VIII. Rất mong nhận được sự chia sẻ của các chuyên gia, nhà quản lý và bạn đọc.
Vốn đầu tư cho Quy hoạch điện VIII [kỳ 2]: Nhận diện rủi ro và thách thức Vốn đầu tư cho Quy hoạch điện VIII [kỳ 2]: Nhận diện rủi ro và thách thức

Thực tế đã cho thấy, nguồn vốn đầu tư cho các dự án điện ở Việt Nam từ các doanh nghiệp nhà nước ngày càng hạn chế; thị trường điện cạnh tranh chậm triển khai; chính sách phát triển nguồn điện còn chưa đầy đủ, gián đoạn... đang là các trở ngại lớn trong triển khai Quy hoạch điện VIII.

Vốn đầu tư cho Quy hoạch điện VIII [kỳ 1]: Hiện trạng, nhu cầu, kế hoạch, biện pháp huy động Vốn đầu tư cho Quy hoạch điện VIII [kỳ 1]: Hiện trạng, nhu cầu, kế hoạch, biện pháp huy động

Tổng vốn đầu tư cho nguồn, lưới điện truyền tải giai đoạn 2021-2030 trong Quy hoạch điện VIII khoảng 134,7 tỷ USD (nguồn điện 119,8 tỷ USD, truyền tải điện 14,9 tỷ USD). Đây là một thách thức rất lớn. Trước thực tế này, chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam thực hiện chuyên đề phản biện khoa học về: “Nhu cầu, thách thức huy động vốn đầu tư cho Quy hoạch điện VIII và giải pháp chính sách”. Trân trọng gửi tới các chuyên gia, nhà quản lý và bạn đọc.

TẠM KẾT: ĐỀ XUẤT CÁC NHÓM GIẢI PHÁP CHÍNH SÁCH HUY ĐỘNG VỐN ĐẦU TƯ CHO QUY HOẠCH ĐIỆN VIII

Thứ nhất: Cần thiết bổ sung, hoàn chỉnh các luật và quy định cụ thể cho việc cấp chủ trương đầu tư và huy động các nguồn vốn cho phát triển nguồn điện, khuyến khích năng lượng tái tạo. Các đề xuất với cơ quan quản lý nhà nước để xem xét ban hành các văn bản quy phạm pháp luật như sau:

1. Bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó có định nghĩa về điện gió ngoài khơi; các quy định về khảo sát khu vực mặt biển, đáy biển cho dự án điện gió ngoài khơi, quy định đấu thầu dự án khu vực biển…

2. Hoàn chỉnh các quy định về đầu tư nguồn điện LNG. Trong đó xét đến các yếu tố đảm bảo hoàn vốn đầu tư dự án, nhưng đảm bảo tính cạnh tranh, công bằng giữa các loại hình trong thị trường phát điện.

3. Xem xét áp dụng một số cơ chế thí điểm đối với nguồn điện gió ngoài khơi, nguồn điện LNG để đảm bảo an ninh năng lượng trong giai đoạn đến năm 2030. Trong đó ưu tiên khu vực miền Bắc đang thiếu nguồn điện.

4. Ban hành nghị định về cơ chế cho phát triển nguồn điện mặt trời tự sản, tự tiêu để khuyến khích đầu tư phát triển mô hình này.

5. Ban hành cơ chế phù hợp để phát triển các nguồn điện linh hoạt, nguồn lưu trữ điện để tăng cường tích hợp năng lượng tái tạo vào hệ thống điện với tỷ lệ ngày càng cao như dự kiến trong Quy hoạch điện VIII.

6. Nghiên cứu, ban hành cơ chế giá điện hai thành phần (giá công suất và giá điện năng) nhằm đảm bảo hoàn vốn đầu tư cho các nguồn chạy nền, linh hoạt, đồng thời đảm bảo trách nhiệm chia sẻ của hộ sử dụng điện lớn với đầu tư nâng cấp hệ thống điện và chuyển dịch năng lượng.

Thứ hai: Thực hiện đúng về chủ trương điều hành giá điện theo thị trường có điều tiết của nhà nước và thúc đẩy các yếu tố để hoàn chỉnh thị trường điện cạnh tranh bán buôn, bán lẻ.

Việc kìm giá điện các năm qua so với các biến động tăng giá của các yếu tố đầu vào, nhất là giá nhiên liệu nhập khẩu, có ý nghĩa quan trọng trong hỗ trợ doanh nghiệp, ổn định kinh tế và đời sống người dân, nhưng đồng thời tạo ra tín hiệu sai về kinh tế thị trường, không tạo điều kiện huy động các nguồn vốn đầu tư. Thực hiện linh hoạt điều hành giá điện theo cân bằng cung cầu và giá cả thị trường là một trong các giải pháp quan trọng để huy động vốn cho phát triển hệ thống điện, phát triển thị trường điện cạnh tranh một cách thực chất, đầy đủ. (Quyết định số 5/2024/QĐ-TTg ngày 26/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ về quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân là hành lang pháp lý thuận lợi cho thực hiện vấn đề này).

Như đã nêu, thị trường điện cạnh tranh được triển khai chậm so với lộ trình được phê duyệt. Việc xúc tiến để hoàn chỉnh thị trường điện cạnh tranh là điều kiện tiên quyết để huy động vốn đầu tư cho cung cấp điện an toàn ổn định. Cơ chế mua bán điện trực tiếp DPPA là một trong những điều kiện thuận lợi để thị trường hoạt động hiệu quả, đồng thời thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo.

Thứ ba: Xử lý, giải quyết dứt điểm các dự án điện gió, mặt trời “chuyển tiếp” do lỡ cơ chế FIT, cũng như các dự án vi phạm về sai/thiếu các thủ tục đầu tư theo quy định để mở đường cho các dự án mới.

Trong giai đoạn 2018-2022 nhiều dự án, nhà máy điện gió, mặt trời chậm tiến độ so với cơ chế FIT, có 81 dự án đang gửi hồ sơ tới EVN để được hưởng giá “tạm tính” bằng 50% so với khung giá chuyển tiếp theo Quyết định số 21/QĐ-BCT, ngày 7/1/2023 của Bộ Công Thương. Ngày 1/11/2023, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 19/2023/BCT về Phương pháp xây dựng khung giá phát điện áp dụng cho nhà máy điện gió, mặt trời.

Ngoài ra, một số nhà máy điện năng lượng tái tạo khác thiếu thủ tục, hoặc làm sai thủ tục đầu tư, cần thiết xử lý sớm theo hướng “không hợp thức cái sai” như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhưng hợp lý, hợp tình để đưa các dự án/nhà máy vào vận hành, tránh lãng phí vốn đầu tư, nguồn lực xã hội.

Sau cơ chế FIT có tác dụng “mồi” phát triển năng lượng tái tạo, các dự án còn lại và dự án mới sẽ phải chuyển sang cơ chế đấu thầu để chọn dự án, chọn nhà đầu tư phát triển. Việc giải quyết dứt điểm các tồn đọng, sai phạm hiện thời sẽ tạo điều kiện để chủ đầu tư các dự án mới tin tưởng, bỏ vốn triển khai. Các nguồn năng lượng tái tạo khi được “khơi thông” về cơ chế sẽ lấy lại đà tăng trưởng, đáp ứng yêu cầu của Quy hoạch điện VIII và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII./.

NGUYỄN ANH TUẤN (A) - HỘI ĐỒNG KHOA HỌC TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động