Việt Nam và Liên bang Nga sẽ trao đổi về chương trình hạt nhân quốc gia
14:31 | 25/10/2021
Chính phủ đề nghị Bộ Công Thương xử lý kiến nghị ‘đưa điện hạt nhân vào Quy hoạch’ Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số: 1532/PC-VPCP, ngày 11/8/2021 về việc chuyển văn bản kiến nghị “đưa điện hạt nhân vào Quy hoạch điện VIII” của Tạp chí Năng lượng Việt Nam đến Bộ Công Thương để xem xét, xử lý. |
Tại buổi làm việc, ông Trần Chí Thành - Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam (Vinatom) bày tỏ sự biết ơn của Viện và cá nhân về sự quan tâm, giúp đỡ của Liên Xô (trước đây) và Liên bang Nga (hiện nay) dành cho Việt Nam trong sự nghiệp ứng dụng năng lượng nguyên tử (NLNT) vì mục đích hòa bình thông qua việc đào tạo nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, nhiều công trình có giá trị và ý nghĩa với Việt Nam đã được Liên Xô hỗ trợ, đặc biệt là công trình khôi phục hoạt động lò nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt. Những hỗ trợ đó đã đặt nền tảng cho ngành Năng lượng nguyên tử Việt Nam phát triển như hiện nay.
Ông Trần Chí Thành nhấn mạnh: Việc thực hiện thành công dự án CNST không chỉ là cơ hội gìn giữ năng lực đã tích lũy nhiều năm mà còn là cơ hội có thêm nhiều đóng góp của ngành NLNT cho quá trình phát triển của Việt Nam trong tương lai về nhiều mặt (như nâng cao trình độ khoa học và công nghệ, mở rộng các ứng dụng kỹ thuật hạt nhân, công nghệ bức xạ, đồng vị phóng xạ trong các ngành nhằm phục vụ phát triển kinh tế, xã hội). Dù vẫn còn trong giai đoạn chuẩn bị thực hiện Báo cáo nghiên cứu khả thi (FS), nhưng dự án Trung tâm đã nhận được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu hạt nhân Nga, đặc biệt là Viện Liên hiệp Nghiên cứu hạt nhân Dubna (JINR).
Đặc biệt, ông Thành cũng cho biết: Trong nhiều cuộc trao đổi gần đây, JINR đã bày tỏ mong muốn được sử dụng một kênh neutron ở lò phản ứng mới để có thể triển khai nghiên cứu tại Việt Nam và sẵn sàng đầu tư trang thiết bị để khai thác hiệu quả dòng neutron khi lò phản ứng đi vào hoạt động và coi đó như một chi nhánh của JINR tại Đông Nam Á. Triển vọng khai thác này sẽ mở ra nhiều cơ hội để Việt Nam thu hút nhiều nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực, ở trong, cũng như ngoài khu vực tới làm việc và hợp tác nghiên cứu tại đây.
Ông Gennady Stepanovich Bezdetko và ông Trần Chí Thành tại phòng truyền thống Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam. |
Ghi nhận những nỗ lực của Vinatom trong nhiều lĩnh vực khác nhau liên quan đến việc ứng dụng công nghệ hạt nhân ở Việt Nam (như nghiên cứu hạt nhân thực nghiệm dựa trên lò phản ứng hạt nhân ở Đà Lạt, sản xuất đồng vị phóng xạ phục vụ lợi ích của y tế, nông nghiệp và công nghiệp…) trong thời gian qua, Đại sứ Gennady Stepanovich Bezdetko cho rằng: Vinatom đã làm tốt nhiệm vụ của mình. Mối quan hệ tốt đẹp của các Đại sứ Nga qua các nhiệm kỳ với Vinatom đã trở thành một truyền thống tốt đẹp, minh chứng cho sự hợp tác liên tục của hai quốc gia trong lĩnh vực công nghệ hạt nhân.
Theo góc nhìn của Đại sứ, trong tình hình hiện nay việc Vinatom duy trì được năng lực tốt trong lĩnh vực công nghệ hạt nhân là điều đáng quý. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý “mức độ cấp bách của chủ đề (lĩnh vực) này đang tăng lên mỗi ngày. Trước mắt chúng ta, một sự thay đổi căn bản trong cách tiếp cận với công nghệ hạt nhân đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu. Sự gia tăng giá Dioxit cacbon và những hậu quả tiêu cực của biến đổi khí hậu toàn cầu đang thúc đẩy các quốc gia châu Âu, Mỹ, Trung Quốc, cũng như các quốc gia khác, trong đó có cả những quốc gia không ủng hộ năng lượng hạt nhân như Đức, Anh, tăng cường hoặc xem xét lại chương trình điện hạt nhân của họ. Đây là xu hướng trên toàn cầu”. Và cho biết: “Nếu Việt Nam quay trở lại chương trình điện hạt nhân thì Nga luôn sẵn sàng giúp đỡ”.
Trong bối cảnh đó, phía Nga bày tỏ sự hài lòng về mối quan hệ hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực nghiên cứu hạt nhân tiếp tục phát triển ổn định và tiến bộ. “Hiện tại, dự án trọng điểm trong hợp tác giữa 2 bên trong lĩnh vực hạt nhân là Dự án xây dựng Trung tâm CNST, đang được thực hiện trên cơ sở Hiệp định Liên Chính phủ ngày 21/11/2011. Chúng tôi thấy những nỗ lực của Vinatom trong việc thực hiện dự án này, bao gồm cả vấn đề khắc phục khó khăn, liên quan đến công tác chuẩn bị các tài liệu Dự án theo yêu cầu của Luật pháp Việt Nam và giải trình sự cần thiết và tính an toàn của dự án CNST”. Đại sứ nhấn mạnh: “Dự án được Liên bang Nga hỗ trợ ở mức cao nhất. Trong cuộc gặp giữa Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Nga Vladimir Putin dự kiến vào tháng 11/2021 tới, vấn đề này chắc chắn sẽ được trao đổi”.
Đồng thời mong muốn Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam sớm chuẩn bị hồ sơ mời thầu xây dựng nghiên cứu khả thi cho dự án CNST, ký kết hợp đồng vào cuối năm nay và hy vọng, Vinatom sẽ chú ý đến vấn đề này và nhấn mạnh rằng: Đại sứ quán Liên bang Nga, cũng như Tổng công ty Nhà nước Rosatom sẵn sàng cung cấp mọi hỗ trợ cần thiết cho Vinatom.
Trong quá trình chia sẻ và thảo luận về kế hoạch hợp tác trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, Vinatom đã đề xuất một số nội dung xúc tiến hợp tác giữa hai bên (như nghiên cứu ứng dụng công nghệ chiếu xạ, nghiên cứu xây dựng trạm quan trắc phóng xạ, nghiên cứu về đất hiếm và trao đổi hợp tác trong lĩnh vực đào tạo, phát triển nguồn nhân lực)./.
BBT TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIÊT NAM