RSS Feed for VINANST-15 thúc đẩy nghiên cứu khoa học, ứng dụng năng lượng nguyên tử | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 21/12/2024 23:16
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

VINANST-15 thúc đẩy nghiên cứu khoa học, ứng dụng năng lượng nguyên tử

 - Hội nghị khoa học và công nghệ (KH&CN) hạt nhân toàn quốc (VINANST) là một sự kiện khoa học quan trọng, có ý nghĩa lớn đối với việc thúc đẩy nghiên cứu khoa học, phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử (NLNT) của đất nước trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực thúc đẩy khoa học công nghệ, ứng dụng NLNT vì mục đích hòa bình.
Hội nghị khoa học và công nghệ hạt nhân toàn quốc (lần thứ 15) Hội nghị khoa học và công nghệ hạt nhân toàn quốc (lần thứ 15)

Theo kế hoạch, Hội nghị khoa học và công nghệ hạt nhân (lần thứ 15) VINANST-15 sẽ được tổ chức tại Thành phố Nha Trang trong 3 ngày (từ 9 - 11/8/2023).

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người đặt nền móng đầu tiên cho điện hạt nhân Việt Nam Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người đặt nền móng đầu tiên cho điện hạt nhân Việt Nam

Bác Hồ là một trong số ít các lãnh tụ của các nước được mời đến thăm nhà máy điện hạt nhân đầu tiên trên thế giới tại Obninsk (Nga) năm 1955 (sau 1 năm nhà máy đi vào vận hành phát điện). Cùng đi thăm nhà máy điện hạt nhân đầu tiên trên thế giới với Bác, còn có Tổng bí thư Đảng Lao động Việt Nam Trường Chinh. Sau chuyến thăm này của Người, một số cán bộ trẻ của Việt Nam đã được cử đi học tại Liên Xô về năng lượng nguyên tử, trong đó có GS, TS. Nguyễn Đình Tứ, GS, VS. Nguyễn Văn Hiệu. Đây là tiền đề cho việc xây dựng nên ngành năng lượng nguyên tử hiện nay của chúng ta.

Sáng 9/8/2023, tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa đã diễn ra khai mạc Hội nghị khoa học và công nghệ hạt nhân (lần thứ 15) VINANST-15 do Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam (Vinatom) phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Khánh Hòa tổ chức.

VINANST-15 thúc đẩy nghiên cứu khoa học, ứng dụng năng lượng nguyên tử
Toàn cảnh hội nghị.

Thúc đẩy nghiên cứu khoa học, phát triển ứng dụng NLNT:

Hội nghị KH&CN hạt nhân toàn quốc được tổ chức hai năm một lần, là sự kiện quan trọng trong hoạt động nghiên cứu, triển khai và ứng dụng của ngành NLNT Việt Nam. Hội nghị là nơi gặp gỡ và trao đổi các kết quả nghiên cứu, ứng dụng mới trong lĩnh vực KH&CN hạt nhân của các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành cả ở trong và ngoài nước. Đặc biệt, hội nghị là cơ hội để các nghiên cứu viên trẻ trong nước có cơ hội giao lưu và trao đổi trau dồi thêm kiến thức chuyên môn cũng như các kỹ năng thực tế khác.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết: VINANST là một sự kiện khoa học quan trọng, có ý nghĩa đối với thúc đẩy nghiên cứu khoa học, phát triển ứng dụng NLNT của đất nước trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực thúc đẩy khoa học công nghệ, ứng dụng NLNT vì mục đích hòa bình.

Trong những năm qua, công tác nghiên cứu, phát triển, ứng dụng và đào tạo trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Ngành năng lượng hạt nhân Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức nhằm đạt được các mục tiêu phát triển, trong đó tập trung vào việc nâng cao tiềm lực KH&CN hạt nhân; hỗ trợ tiếp thu, làm chủ, chuyển giao và phát triển công nghệ; tạo ra nhiều công nghệ, sản phẩm và dịch vụ phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng những yêu cầu của đất nước.

VINANST-15 thúc đẩy nghiên cứu khoa học, ứng dụng năng lượng nguyên tử
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu khai mạc hội nghị.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh: Để thực hiện được các mục tiêu nói trên, việc trao đổi kết quả và hợp tác trong nghiên cứu, phát triển và ứng dụng năng lượng hạt nhân có vai trò rất quan trọng. Tiếp theo 14 hội nghị đã tổ chức thành công trước đây, hội nghị lần này đã có sự lớn mạnh về quy mô tổ chức, số lượng đại biểu, đặc biệt là nội dung và chất lượng các báo cáo khoa học. Tôi tin tưởng rằng kết quả của hội nghị sẽ góp phần định hướng, xây dựng và triển khai các chương trình nghiên cứu, phát triển, đồng thời tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực hạt nhân của Việt Nam.

Bộ trưởng đánh giá cao sự tham gia của các tổ chức và đại biểu quốc tế, góp phần nâng cao kết quả và uy tín của hội nghị và hy vọng rằng trong tương lai hội nghị sẽ trở thành một sự kiện quan trọng trong lĩnh vực hạt nhân của khu vực và quốc tế.

Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết: Lãnh đạo và nhân dân tỉnh Khánh Hòa đang nỗ lực phấn đấu phát huy nội lực, thu hút nguồn lực trong nước, quốc tế để hiện thực hóa khát vọng phát triển địa phương, từng bước đưa Khánh Hòa ngày càng trở nên giàu mạnh, văn minh tương xứng với tiềm năng, lợi thế, dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, trong đó, trọng tâm là kêu gọi các nguồn lực đầu tư từ các doanh nghiệp công nghệ đến với Khánh Hòa.

VINANST-15 thúc đẩy nghiên cứu khoa học, ứng dụng năng lượng nguyên tử
Ông Lê Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa.

Trong quá trình phát triển, Khánh Hòa luôn quan tâm, tạo điều kiện để thúc đẩy nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến vào sản xuất và đời sống, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Trong đó, ứng dụng NLNT và công nghệ hạt nhân mang lại những giá trị trực tiếp và thiết thực. Trong quá trình thực hiện công tác quản lý nhà nước về an toàn bức xạ hạt nhân, Khánh Hòa vinh dự được Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam quan tâm, hỗ trợ về chuyên môn, tạo điều kiện thuận lợi về phát triển các ứng dụng NLNT và sử dụng các đồng vị phóng xạ, thiết bị bức xạ.

Trong thời gian tới, Khánh Hòa cam kết sẽ chỉ đạo các tổ chức, doanh nghiệp, các cơ sở ứng dụng NLNT thực hiện tốt công tác quản lý đảm bảo an ninh nguồn phóng xạ, an toàn bức xạ đúng theo quy định; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiếp tục duy trì công tác truyền thông; liên tục cập nhật kiến thức về công nghệ hạt nhân và tìm kiếm cơ hội ứng dụng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

Hợp tác phát triển năng lượng hạt nhân:

VINANST-15 (diễn ra từ 9 - 11/8/2023), với quy mô lớn và tầm khu vực. Hội nghị đã thu hút được sự tham gia của nhiều chuyên gia, các nhà khoa học, các cán bộ quản lý của các bộ, ngành, cơ quan, địa phương liên quan, các trường đại học trong nước và các đại biểu là giáo sư, chuyên gia nổi tiếng quốc tế đến từ các quốc gia có nền KH&CN hạt nhân tiên tiến.

VINANST-15 thúc đẩy nghiên cứu khoa học, ứng dụng năng lượng nguyên tử
Ông Shirakawa Tomoaki, Giám đốc điều hành Công ty Phát triển Năng lượng hạt nhân Nhật Bản.

Tại hội nghị, ông Shirakawa Tomoaki - Giám đốc điều hành Công ty Phát triển Năng lượng hạt nhân Nhật Bản (JINED) cho biết: Nhật Bản bày tỏ mong muốn hỗ trợ các dự án NLNT của Việt Nam. Hiện, JINED đã xây dựng và phát triển nguồn nhân lực cần thiết trong lĩnh vực công nghệ hạt nhân cùng với Vinatom. Quy hoạch điện VIII của Việt Nam đã được thông qua, tạo tiền đề để hướng tới phát thải ròng các bon bằng 0 vào năm 2050.

Tại Nhật Bản, tháng 5/2023, Nhật Bản đã thông qua những chính sách cơ bản về phát triển năng lượng, quá trình chuyển đổi xanh trong lĩnh vực này. Với những nội dung đưa ra tại COP 26, các quốc gia đặt ra mục tiêu trung hòa các bon vào năm 2050 trong đó có Việt Nam.

Tại Hội nghị bộ trưởng G7 về hạt nhân, các quốc gia thành viên cũng đã quyết định cắt giảm 60% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2035 so với mức phát thải vào năm 2019. Đây là mục tiêu đầy thách thức nhìn từ vấn đề đảm bảo nguồn an ninh năng lượng. Nếu chỉ dùng các nguồn năng lượng tái tạo thì sẽ không đủ, do vậy năng lượng hạt nhân sẽ là giải pháp tốt nhất.

“Vào năm 2023, hai nước cùng khởi đầu một thời kỳ mới trong quá trình chuyển đổi năng lượng và trung hòa các bon. Hai bên sẽ tăng cường hợp tác về năng lượng hạt nhân để chung tay tạo nên một tương lai thịnh vượng” - ông Shirakawa Tomoaki nhấn mạnh.

VINANST-15 thúc đẩy nghiên cứu khoa học, ứng dụng năng lượng nguyên tử
Ông Pill Hwan Park, Giám đốc văn phòng RCA.

Theo ông Pill Hwan Park - Giám đốc Văn phòng Hiệp định Hợp tác vùng (RCA): Trong giai đoạn hậu Covid-19, thế giới đã và đang có những thách thức mới trên quy mô toàn cầu như: Biến đổi khí hậu, phục hồi kinh tế, an ninh năng lượng. Hiện nay, các vấn đề về khoa học công nghệ năng lượng đã và đang có vai trò quan trọng trong ứng phó với những thách thức đó để đạt được các mục tiêu, đóng góp vào sự phát triển toàn cầu một cách bền vững. Vai trò và sự tham gia của Vinatom trong các tổ chức, trong đó có IAEA là ví dụ về sự tham gia của Việt Nam trong hợp tác KH&CN quốc tế. Việt Nam thể hiện sự năng động trong việc tạo nên một môi trường thúc đẩy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực KH&CN hạt nhân.

RCA mong muốn hợp tác với Việt Nam vượt qua các thách thức, tạo nên nền tảng đổi mới sáng tạo để chia sẻ kinh nghiệm, năng lực và khả năng để có được kết quả tốt nhất trong chuyển giao công nghệ, xây dựng các quan hệ đối tác kinh doanh giữa các bên và các ngành liên quan.

VINANST-15 thúc đẩy nghiên cứu khoa học, ứng dụng năng lượng nguyên tử
TS. Grigory V.Trubnikov, Chủ tịch Viện Liên hiệp nghiên cứu hạt nhân Dubna (JINR) phát biểu trực tuyến qua video.

Còn theo TS. Grigory V.Trubnikov - Chủ tịch Viện Liên hiệp nghiên cứu hạt nhân Dubna (JINR): Hiện nay viện JINR đang thúc phát triển nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân. Các hoạt động của JINR đang tiếp tục tăng cường nhằm mục tiêu phát triển bền vững. Thời gian qua, JINR đã phát triển cơ sở hạ tầng với quy mô lớn tại một số dự án quan trọng. Viện cũng đã có những nỗ lực quan trọng để tăng cường hợp tác quốc tế cũng như có sự tham gia của nhiều quốc gia trong lĩnh vực nghiên cứu này, thu hút các nhà khoa học, kỹ sư tài năng làm việc tại JINR. Qua đó tăng cường xây dựng cơ sở vật chất mới, tăng cường hiệu năng hoạt động của các nhà máy, dự án để giải quyết các vấn đề đặt ra.

Tiếp đó là các hoạt động liên quan đến lò phản ứng, chương trình hợp tác nghiên cứu quốc tế về các lò phản ứng… RCA mong muốn hỗ trợ Vinatom trong đào tạo nguồn nhân lực và trong các hoạt động hợp tác khác.

Tham gia VINANST-15 có khoảng 70 tổ chức trong và ngoài nước với gần 450 đại biểu là các cán bộ nghiên cứu khoa học, triển khai ứng dụng NLNT thuộc các tổ chức KH&CN, giáo dục và đào tạo, các cán bộ quản lý thuộc các bộ, ngành, cơ quan, địa phương liên quan trong cả nước, nghiên cứu sinh và sinh viên các trường đại học.

Qua việc tiến hành phản biện một cách nghiêm túc của các hội đồng khoa học, hội nghị VINANST-15 đã chọn được 195 báo cáo, trong đó có 127 báo cáo được trình bày (Oral presentation) tại các tiểu ban chuyên môn và 68 báo cáo dán bảng (Posters).

Hội nghị VINANST-15 bao gồm một ngày báo cáo tại phiên toàn thể và hơn một ngày dành cho 7 tiểu ban chuyên môn sẽ cùng báo cáo song song:

- Tiểu ban A tập trung vào lĩnh vực công nghệ lò phản ứng, công nghệ nhà máy điện hạt nhân và các vấn đề an toàn phản ứng, nhà máy điện hạt nhân.

- Tiểu ban B là Vật lý hạt nhân cơ bản, các số liệu hạt nhân, các công nghệ máy gia tốc cùng các kỹ thuật hạt nhân liên quan.

- Tiểu ban C là vấn đề ghi nhận bức xạ và môi trường ở Việt Nam, mạng quan trắc phóng xạ và cảnh báo quốc gia.

- Tiểu ban D là các ứng dụng của công nghệ bức xạ trong đời sống xã hội. Tiểu ban D được chia là các lĩnh vực nhỏ hơn như ứng dụng bức xạ trong y tế, ứng dụng bức xạ trong công nghiệp và ứng dụng bức xạ trong nông nghiệp và môi trường.

- Tiểu ban E là hóa phóng xạ và ứng dụng của hóa phóng xạ trong đời sống, công nghệ xử lý quặng và quản lý chất thải phóng xạ.

VINANST-15 thúc đẩy nghiên cứu khoa học, ứng dụng năng lượng nguyên tử
Ban điều hành tại phiên toàn thể VINANST-15.

Tại phiên toàn thể của hội nghị (diễn ra ngày 9/8) có 20 bài trình bày của các diễn giả khách mời là các nhà khoa học và chuyên gia hàng đầu đến từ các viện nghiên cứu, các trường đại học, các bệnh viện và các tổ chức uy tín trong lĩnh vực NLNT của Việt Nam và quốc tế.

Hội nghị VINANST-15 là nơi trao đổi nghiên cứu kinh nghiệm làm việc của các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế về lĩnh vực công nghệ hạt nhân và những ứng dụng của lĩnh vực này trong đời sống xã hội./.

NGUYỄN THỊ THU HÀ - VIỆN NĂNG LƯỢNG NGUYÊN TỬ VIỆT NAM

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động