RSS Feed for Hội nghị khoa học và công nghệ hạt nhân toàn quốc (lần thứ 15) | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Chủ nhật 05/05/2024 02:58
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Hội nghị khoa học và công nghệ hạt nhân toàn quốc (lần thứ 15)

 - Theo kế hoạch, Hội nghị khoa học và công nghệ hạt nhân (lần thứ 15) VINANST-15 sẽ được tổ chức tại Thành phố Nha Trang trong 3 ngày (từ 9 - 11/8/2023).
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người đặt nền móng đầu tiên cho điện hạt nhân Việt Nam Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người đặt nền móng đầu tiên cho điện hạt nhân Việt Nam

Bác Hồ là một trong số ít các lãnh tụ của các nước được mời đến thăm nhà máy điện hạt nhân đầu tiên trên thế giới tại Obninsk (Nga) năm 1955 (sau 1 năm nhà máy đi vào vận hành phát điện). Cùng đi thăm nhà máy điện hạt nhân đầu tiên trên thế giới với Bác, còn có Tổng bí thư Đảng Lao động Việt Nam Trường Chinh. Sau chuyến thăm này của Người, một số cán bộ trẻ của Việt Nam đã được cử đi học tại Liên Xô về năng lượng nguyên tử, trong đó có GS, TS. Nguyễn Đình Tứ, GS, VS. Nguyễn Văn Hiệu. Đây là tiền đề cho việc xây dựng nên ngành năng lượng nguyên tử hiện nay của chúng ta.

INANST được tổ chức 2 năm một lần - là sự kiện quan trọng trong hoạt động nghiên cứu, triển khai và ứng dụng của ngành năng lượng nguyên tử Việt Nam. Hội nghị là nơi gặp gỡ và trao đổi các kết quả nghiên cứu, ứng dụng mới trong lĩnh vực khoa học và công nghệ hạt nhân của các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành cả ở trong và ngoài nước. Đặc biệt, hội nghị là cơ hội để các nghiên cứu viên trẻ trong nước có cơ hội giao lưu, trao đổi trau dồi thêm kiến thức chuyên môn, cũng như các kỹ năng thực tế khác.

Kể từ năm 1996, được Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cho phép, Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam (Vinatom) đã 14 lần tổ chức thành công hội nghị KH&CNHN toàn quốc.

Hội nghị VINANST-15 lần này được Vinatom tổ chức với quy mô lớn và tầm khu vực. Vì vậy, hội nghị đã thu hút được sự tham gia của nhiều các chuyên gia, các nhà khoa học, các cán bộ quản lý của các bộ, ngành, cơ quan, địa phương liên quan, các trường đại học trong nước, các đại biểu là giáo sư, chuyên gia nổi tiếng quốc tế đến từ các quốc gia có nền khoa học và công nghệ hạt nhân tiên tiến.

Tham gia hội nghị có khoảng 70 tổ chức trong và ngoài nước với gần 450 đại biểu là các cán bộ nghiên cứu khoa học, triển khai ứng dụng năng lượng nguyên tử thuộc các tổ chức khoa học, công nghệ, giáo dục, đào tạo, các cán bộ quản lý thuộc các bộ, ngành, cơ quan, địa phương liên quan trong cả nước, nghiên cứu sinh và sinh viên các trường đại học.

Qua việc tiến hành phản biện một cách nghiêm túc của các hội đồng khoa học, VINANST-15 đã chọn được 195 báo cáo, trong đó có 127 báo cáo được trình bày (Oral presentation) tại các tiểu ban chuyên môn và 66 báo cáo dán bảng (Posters).

Hội nghị lần này bao gồm một ngày báo cáo tại phiên toàn thể và hơn một ngày dành cho 7 tiểu ban chuyên môn sẽ cùng báo cáo song song.

1/ Tiểu ban A tập trung vào lĩnh vực công nghệ lò phản ứng, công nghệ nhà máy điện hạt nhân và các vấn đề an toàn phản ứng, nhà máy điện hạt nhân.

2/ Tiểu ban B là vật lý hạt nhân cơ bản, các số liệu hạt nhân, các công nghệ máy gia tốc cùng các kỹ thuật hạt nhân liên quan.

3/ Tiểu ban C là vấn đề ghi nhận bức xạ và môi trường ở Việt Nam, mạng quan trắc phóng xạ và cảnh báo quốc gia.

4/ Tiểu ban D là các ứng dụng của công nghệ bức xạ trong đời sống xã hội. Tiểu ban D được chia là các lĩnh vực nhỏ hơn như ứng dụng bức xạ trong y tế, ứng dụng bức xạ trong công nghiệp và ứng dụng bức xạ trong nông nghiệp, môi trường.

5/ Tiểu ban E là hóa phóng xạ và ứng dụng của hóa phóng xạ trong đời sống, công nghệ xử lý quặng và quản lý chất thải phóng xạ.

VINANST-15 là nơi trao đổi nghiên cứu kinh nghiệm làm việc của các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế về lĩnh vực công nghệ hạt nhân, cùng như những ứng dụng của nó trong đời sống xã hội.

Vào ngày 9/8, tại phiên toàn thể của hội nghị sẽ có khoảng 20 bài trình bày của các diễn giả khách mời là các nhà khoa học và chuyên gia hàng đầu đến từ các viện nghiên cứu, các trường đại học, các bệnh viện, các tổ chức uy tín trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử của Việt Nam và quốc tế.

Mở đầu hội nghị, các diễn giả: TS. In Cheol Lim - Phó Chủ tịch điều hành Viện Nghiên cứu Năng lượng Nguyên tử Hàn Quốc (KAERI), TS. Trần Chí Thành - Viện trưởng Vinatom và GS, TS. Jozef Misak - Viện Nghiên cứu hạt nhân Cộng hòa Séc sẽ trao đổi về lịch sử hoạt động, các kết quả nghiên cứu hiện tại và định hướng phát triển của ngành năng lượng, công nghệ hạt nhân của các nước Hàn Quốc, Việt Nam, Cộng hòa Séc.

Tiếp theo, các diễn giả khách mời sẽ trình bày những tiến bộ công nghệ và các cơ sở hạ tầng trên thế giới đang, sẽ phát triển.

Cụ thể: TS. Dohee Hahn (Điều phối viên công nghệ SMR, IAEA) sẽ trình bày về tình hình phát triển và những hoạt động của IAEA liên quan đến các lò phản ứng mô đun nhỏ (SMR) trên phạm vi toàn cầu. GS, TS. Hiroyoshi Sakurai (RIKEN) sẽ giới thiệu về cơ sở hạ tầng, cũng như những thiết bị tiên tiến tại Viện hóa lý RIKEN (Nhật Bản) đang được sử dụng để nghiên cứu vật lý hạt nhân các đồng vị không bền. TS. Jeong Kong Lee (KAERI, Hàn Quốc) sẽ trình bày về tình trạng phát triển của lò nghiên cứu Ki-Lang tại Viện KAERI.

Cũng trong phiên toàn thể, các bài nghiên cứu chuyên sâu cũng được trình bày:

TS. Raghunath Sahoo (Chủ tịch Ban Hợp tác Ấn Độ ALICE/STAR, IITI, Ấn Độ) sẽ trình bày về các thí nghiệm trong dự án ALICE ở LHC để nghiên cứu vật lý năng lượng cao. TS. Sergey E. Yakush (IPMech RAS, Nga) sẽ giới thiệu các mô hình tính toán số của tương tác nước - vật liệu nóng chảy trong các sự cố nổ hơi. GS, TS. Péter Lévai (Hungary) sẽ trình bày về sự cần thiết và những cơ hội trong quản lý số liệu vật lý hạt nhân. TS Jin-Young Lee sẽ giới thiệu về công nghệ thu hồi đất hiếm mới của Viện Khoa học địa chất và Khoáng sản Hàn Quốc (KIGAM).

Việt Nam cũng có hai bài tham luận trong phiên toàn thể này của TS. Nguyễn Kiên Cường - Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt về quản lý nguyên liệu, vùng hoạt và nâng cao sản xuất đồng vị phóng xạ trên lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt và GS, TS. Mai Trọng Khoa - Bệnh viện Bạch Mai về tình hình sử dụng dược chất phóng xạ trong lâm sàng của Việt Nam ở hiện tại và tương lai.

Tại phiên toàn thể của hội nghị sẽ diễn ra cuộc tọa đàm bàn tròn giữa Vinatom và Viện Liên hiệp nghiên cứu hạt nhân Dubna (JINR) về kết quả nghiên cứu và triển vọng hợp tác giữa 2 bên với các chuyên gia đầu ngành như TS. Sergey N. Nedelko - Tổng Thư ký khoa học JINR trình bày về hiện trạng và triển vọng của tổ hợp cơ sở hạ tầng nghiên cứu lớn đa ngành tại Dubna. Tiến sĩ Valery N. Shvetsov - Phòng thí nghiệm Vật lý nơtron Frank trình bày về lĩnh vực: Vật lý nơtron tại các nguồn xung của JINR. TS. Grzegorz Kamiński - Phòng thí nghiệm Phản ứng hạt nhân Flerov trình bày về vấn đề: Nghiên cứu chùm tia phóng xạ tại FLNR.

Trong khuôn khổ của VINANST-15 cũng sẽ diễn ra hội thảo IAEA với chủ đề: Tác động kinh tế, xã hội của chương trình hợp tác vùng (RCA), những ý tưởng đổi mới ở khu vực châu Á và Thái Bình Dương.

Với sự tham gia của các diễn giả như: TS. Jane Gerardo-Abaya - Giám đốc bộ phận châu Á - Thái Bình Dương trao đổi về: Các sáng kiến mang tính chiến lược của IAEA trong bối cảnh lợi ích kinh tế, xã hội của chương trình hợp tác kỹ thuật của IAEA. GS, TS. Lê Huy Hàm - Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam trình bày về vấn đề: Đánh giá tác động kinh tế, xã hội của các dự án RCA trong lựa chọn giống đột biến. GS, TS. Soehartati Gondhowiardjo - RSCM (Indonesia) sẽ trình bày về: Đánh giá tác động kinh tế, xã hội của các dự án RCA trong lĩnh vực xạ trị. TS. Ilham Mukriz Zainal Abidin - Cơ quan hạt nhân Malaysia trình bày về vấn đề: Đánh giá tác động kinh tế, xã hội của các dự án RCA trong lĩnh vực kiểm tra không phá hủy.

VINANST-15 là một sự kiện khoa học quan trọng không chỉ đối với cộng đồng năng lượng nguyên tử Việt Nam mà còn có ý nghĩa lớn đối với thúc đẩy nghiên cứu khoa học, phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử của đất nước trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực thúc đẩy khoa học công nghệ, ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình.

Các thông tin về hội nghị VINANST-15 được cập nhật trên Website: http://vinanst.vinatom.gov.vn

NGUYỄN THU HÀ - VIỆN NĂNG LƯỢNG NGUYÊN TỬ VIỆT NAM

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động