RSS Feed for "Việt Nam không đơn độc trên con đường phát triển điện hạt nhân" | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Chủ nhật 22/12/2024 22:45
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

"Việt Nam không đơn độc trên con đường phát triển điện hạt nhân"

 - “Việt Nam không đơn độc trên con đường điện hạt nhân” là tựa đề bài viết của PGS.TS Trần Thanh Minh, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học và kỹ thuật hạt nhân. Bài viết vừa được trao giải thưởng báo chí về khoa học và công nghệ 2012. NangluongVietnam.vn xin trân trọng giới thiệu tới độc giả nội dung bài viết này.

>> Việt Nam - EU hợp tác về an toàn hạt nhân
>> Trang sử mới của ngành Năng lượng nguyên tử Việt Nam
>> Nga sẽ hỗ trợ Việt Nam quản lý và xử lý chất thải hạt nhân
>> "Năng lượng hạt nhân đóng vai trò quan trọng cho nhân loại"

PGS. TS TRẦN THANH MINH

Nhà máy điện hạt nhân Gundremmingen (Đức). Ảnh: Senthil.

Các nhà quản lý, các nhà chuyên môn nên rút kinh nghiệm, học hỏi những “người bạn đồng hành” trên con đường điện hạt nhân của Việt Nam, nhằm tránh những vấp ngã không đáng có trên bước đường xây dựng nền công nghiệp điện hạt nhân non trẻ.

Đến Hà Nội tham dự Triển lãm quốc tế về điện hạt nhân, ông Ali Boussaha, Giám đốc Vụ châu Á - Thái Bình Dương của IAEA phát biểu: “Tai nạn tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima (Nhật Bản) hồi tháng 3/2011 do động đất và sóng thần đã gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển điện hạt nhân (ĐHN) trên thế giới. Một số nước đã quyết định dừng phát triển chương trình điện hạt nhân, trong khi một số nước khác đang xem xét lại kế hoạch phát triển điện hạt nhân của mình. Tuy nhiên, điện hạt nhân vẫn được xem là một lựa chọn quan trọng của nhiều nước nhằm bảo đảm an ninh năng lượng”.

Trong thực tế, ngoại trừ Nhật và Đức đang xem xét lại chính sách hạt nhân của mình, các nước lớn hoặc là cường quốc điện hạt nhân khác như Mỹ, Nga, Anh, Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc vẫn tiếp tục kế hoạch mở rộng chương trình điện hạt nhân ở những quy mô khác nhau.

Đáng chú ý, một số nước nhỏ, công nghiệp phát triển như Phần Lan, hoặc nhiều nước đang phát triển ở châu Á như Tiểu vương quốc Ả rập (UAE), Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan, Bangladesh… và cả Việt Nam vẫn tiếp tục con đường điện hạt nhân đã chọn.

Phần Lan: Xây tiếp lò thế hệ mới

Phần Lan nằm ở Bắc Âu, kinh tế phát triển với thu nhập quôc dân trên đầu người cao nhất và mất độ dân cư thưa (diện tích 390.920 km2, dân số 5,4 triệu người) thuộc loại thấp nhất trên thế giới.

Sau sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima, Phần lan vẫn tiếp tục chương trình điện hạt nhân của mình, tiếp tục xây dựng lò phản ứng điện năng thứ 5 của Phần Lan. Lò phản ứng nhiều tranh cãi này được đặt mua từ Pháp và đặt ở Nhà máy điện hạt nhân Olkiluoto.

Đây là lò phản ứng loại EPR (European Pressurized Water Reactor – Lò phản ứng nước áp lực châu Âu), lò phản ứng thế hệ thứ ba, công suất 1600 MW thuộc loại lớn nhất hiện nay, mức độ an toàn, theo thiết kế, cũng là cao nhất hiện nay.

Vừa rồi, Quốc hội Phần Lan lại thông qua quyết định xây dựng lò phản ứng thứ 6 của nước này. Lò này dự kiến sẽ là một trong số các kiểu lò sau: lò EPR của Công ty Areva (Pháp) công suất 1650 MW, hoặc lò APR-1400 của Hàn Quốc công suất 1450 MW, lò ABWR Toshiba (1650 MW) hợp tác giữa Nhật Bản và Thụỵ Điển, lò ESBW (1650 MW) hợp tác giữa Nhật Bản và Mỹ. Sựa lựa chọn sẽ do Phần Lan quyết định theo cách đấu thầu công khai trên cơ sở an toàn và kinh tế.

Nước này hiện đã có 4 lò đang hoạt động, gồm 2 lò VVER-440, mỗi lò công suất 488 MW do Liên Xô (cũ) cung cấp và 2 lò phản ứng kiểu BWR (Boiling Water Reactor - lò nước sôi), mỗi lò công suất 860 MW do Thuỵ Điển cung cấp.

Thổ Nhĩ Kỳ: Chương trình ĐHN tham vọng

Nước này nghèo tài nguyên về năng lượng nhưng nhu cầu đáp ứng năng lượng rất cao. Nhu cầu tổng điện năng của Thổ Nhĩ Kỳ mỗi 10 năm tăng gấp đôi.

Theo lời Thứ trưởng Bộ Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ, Murat Mercan, “năng lượng tái tạo và ổn định là chìa khoá của phát triển đất nước” và “đất nước chúng tôi cần đến năng lượng hạt nhân vì muốn độc lập với các nguồn năng lượng nước ngoài”.

Nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ đang xây dựng ở Akkuyu, tỉnh Mersin nằm phía nam nước này. Nhà máy thực hiện theo hợp đồng với Tập đoàn Rosatom của chính phủ Nga.

Nhà máy thứ hai sẽ đặt ở tỉnh Sinop thuộc phía nam nước này. Các nhà thầu từ Nhật Bản, Nam Hàn, Trung Quốc và Canada đang nằm trong danh sách lựa chọn cho nhà máy này.

Nhà máy thứ ba chưa xác định địa điểm chính xác nhưng có khả năng xây gần biên giới với Bulgary bên bờ Địa Trung Hải. Các nhà thầu từ Pháp và Mỹ đang trong tầm ngắm để chọn ký hợp đồng xây dựng và chuyển giao công nghệ.

UAE: Nhà thầu Hàn Quốc thắng

Tính từ lúc Trung Quốc bắt đầu xây dựng nhà máy đầu tiên của mình vào năm 1985, 27 năm đã đi qua. Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE) trở thành nước đầu tiên khởi công xây dựng nhà máy điện hạt nhân (NMĐHN) đầu tiên của mình trong 27 năm này.

Tổ máy đầu tiên Barakah-1 của UAE vừa được khởi công ngày 18/7/2012 cũng là tổ máy thứ ba trên thế giới, được khởi công xây dựng, sau Baltiisk-1 ở Nga, và Shin-Ulchin-1 ở Hàn Quốc trong năm 2012. Lò Barakah-1 của UAE sử dụng công nghệ APR1400 được cung cấp bởi Công ty Điện lực Hàn Quôc (KEPCO) dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2017.

Ngoài lò Barakah-1, 3 lò phản ứng hạt nhân nữa, cũng do các nhà thầu KEPCO xây dựng và chuyển giao công nghệ, dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2020. Đến năm 2020, UAE hy vọng sẽ đưa vào vận hành và cung cấp điện cả 4 lò phản ứng với công suất mỗi lò là 1400 MWe. Họ có kế hoạch xuất khẩu điện sang các nược láng giềng trong vùng Vịnh.

Tập đoàn Hàn Quốc cuối năm 2009 đã vượt qua các đối tác mạnh hơn từ Pháp, Mỹ và Nhật và được trúng thầu cả 4 tổ máy cho cùng một địa điểm Barakah, do các nguyên nhân sau: chỉ tiêu chất lượng cao nhất, giá xây dựng thấp nhất và thời gian xây dựng ngắn nhất.

Giá trị hợp đồng cho 4 tổ lò, bao gồm vận hành và nạp nhiên liệu, vào khoảng 20.4 tỷ USD. Nhà thầu Hàn Quốc còn hy vọng kiếm thêm 20 tỷ USD nữa về tham gia vận hành các lò này trong 60 năm tới. Đây là thắng lợi bất ngờ của Hàn Quốc trong bước đi đầu tiên xuất khẩu công nghệ điện hạt nhân ra thị trường thế giới.

Bangladesh: Chọn đối tác Nga

Bangladesh và Nga vừa kết thúc một hợp đồng xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Rooppur. Theo đó, Bangladesh sẽ vay 500 USD để khảo sát kỹ thuật và xác định tổng số tiền cần để xây dựng một nhà máy. Và Nga sẽ bảo đảm nguồn vốn cần thiết cho xây dựng nhà máy.

Bangladesh sẽ xây ở Rooppur 2 lò phản ứng hạt nhân, công suất mỗi lò là 1.000 MWe và công nghệ của Nga. Lò thuộc thế hệ thứ 3, mới nhất với biện pháp bảo đảm an toàn 5 lớp. Giá thành nhà máy 1.000 MWe khoảng 1,6 đến 2 tỷ USD tuỳ thuộc yêu cầu mức an toàn và các tiêu chuẩn công nghệ khác.

Theo hợp đồng, chính phủ Nga bảo đảm mọi hỗ trợ cần thiết cho phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng nhà máy và cung cấp nhiên liệu cần thiết để cho “lò” chạy , đồng thời nhận lại các thanh nhiên đã qua sử dụng.

Jordan: Nghèo tài nguyên nên đến với ĐHN

Jordan là một quốc gia nhập khẩu năng lượng trên 95%, bao gồm nhập nhiên liệu và nhập điện trực tiếp (11%). Nhu cầu điện năng của đất nước 6 triệu dân này dự báo ngày càng tăng: Tổng điện năng sử dụng hiện nay là 2400MWe, đến 2015 tăng lên 3600MWe, năm 2020 là 5000MWe và đến năm 2030 sẽ là 8000MWe.

Do vậy, Jordan hướng đến điện hạt nhân. Trong những năm gần đây Jordan đã bắt tay với nhiều đối tác. Rosatom của Nga được đánh giá là đối tác tiềm năng. Các đại diện của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Jordan và Tập đoàn Rosatom của Nga vừa ký thoả thuận hợp tác hạt nhân 10 năm.

Jordan có kế hoạch xây dựng lò phản ứng hạt nhân năng lượng thứ nhất 750-1200MWe vào năm 2013 và đưa vào vận hành năm 2020. Lò thứ hai sẽ đưa vào khai thác vào năm 2030. Trong kế hoạch dài hạn, 4 lò hạt nhân khác cũng được xem xét.

Để phục vụ chương trình điện hạt nhân hiện nay, năm 2009 Uỷ ban Năng lượng Nguyên tử Jordan đã chọn đối tác Hàn Quốc đầu tư xây dựng một Lò phản ứng Nghiên cứu và Thử nghiệm (JRTR) với công suất 5MW và hoàn thành trước năm 2015. Nhiệm vụ chủ yếu của lò này là đào tạo và huấn luyện nhân lực cho ngành điện hạt nhân.

 

Triển lãm quốc tế Điện hạt nhân 2012 tại Hà Nội

Điện hạt nhân Việt Nam không đơn độc

Điểm qua tình hình trên đây, có thể thấy Việt Nam trong quá trình triển khai Chương trình Điện hạt nhân của mình có nhiều bạn đồng hành.

Một số nước cũng bắt đầu xây dựng nhà máy ĐHN đầu tiên vào những năm 2013 - 2015 và đưa vào vận hành những năm 2020 - 2030, tương tự các thời điểm xây dựng các nhà máy Ninh Thuận 1 và 2 của Việt Nam. Việc chọn Rosatom của Nga và cả Nhật (cộng tác với Pháp hay Mỹ) làm đối tác của Việt Nam cũng tương tự Thổ Nhĩ Kỳ, Bangladesh, Jordan…

Và như vậy, Việt Nam không đơn độc trên con đường phát triển điện hạt nhân thời kỳ hậu Fukushima. Điều này mang lại sự tự tin cao hơn cho các nhà quyết sách điện hạt nhân và đem đến niềm tin nhiều hơn cho người dân nước ta. Điều này cũng tạo ra cơ hội để các cơ quan có trọng trách, các nhà quản lý và các nhà chuyên môn trong nước rút kinh nghiệm, học hỏi những “người bạn đồng hành” nhằm tránh những vấp ngã không đáng có trên bước đường xây dựng nền công nghiệp điện hạt nhân non trẻ.

NangluongVietnam.vn

 

CÁC BÀI VIẾT BẠN ĐỌC QUAN TÂM

Cuộc chiến tranh lạnh phiên bản 2 Trung - Nhật bắt đầu
Mỹ tuyên bố bảo vệ đồng minh:Trung Quốc 'hạ giọng'
Chính sách đối ngoại Obama 2.0: Giữa 'bơ' và 'súng'
"Dư luận băn khoăn tự phê bình như hòa cả làng"
Chủ tịch nước: 'Biển Đông là vấn đề Việt Nam luôn quan tâm'

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động