RSS Feed for Vì sao nên xem xét đầu tư công tơ điện 3 giá cho người dân? | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 21/12/2024 21:29
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Vì sao nên xem xét đầu tư công tơ điện 3 giá cho người dân?

 - Bằng cách nào để người dân vẫn sử dụng một lượng điện như cũ, hoặc tăng hơn do nhu cầu cuộc sống tăng một cách "hiệu quả, tiết kiệm" mà số tiền bỏ ra chi trả vẫn nằm trong tính toán của họ? Chúng tôi cho rằng, việc lắp đặt công tơ 3 giá tính tiền điện sinh hoạt theo 3 khoảng thời gian trong ngày là "giải pháp tối ưu" cần đưa vào Chương trình sử dụng điện hiệu quả và tiết kiệm...

Một góc nhìn khác về việc điều chỉnh giá điện 2019
Chính sách giá điện thế giới: Tham khảo cho trường hợp Việt Nam [kỳ cuối]
Tăng giá điện và 'phản biện' thiếu căn cứ của nhiều chuyên gia [*]

 



LÃ HỒNG KỲ

Là tác giả bài viết "Một góc nhìn khác về việc điều chỉnh giá điện 2019", ủng hộ việc "tăng giá điện". Tuy nhiên, tăng giá bao nhiêu, cách tính giá như thế nào cho phù hợp để đảm bảo cho ngành điện phát triển, nhưng vẫn đảm bảo ổn định sản xuất, đảm bảo đáp ứng yêu cầu đời sống nhân dân ngày một tốt hơn là vấn đề có nhiều ý kiến phản biện, tranh luận trong thời gian qua, và vẫn là đề tài tiếp tục tranh luận.

Theo Quyết định số: 648/QĐ-BCT về điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và quy định giá bán điện có hiệu lực từ ngày 20/3/2019, về tác động của tăng giá điện tới sản xuất, kinh doanh và dịch vụ tạm thời chưa phân tích đến, vì đương nhiên sẽ tăng giá sản phẩm, dịch vụ theo tỷ lệ % của giá điện trong cơ cấu giá thành tạo nên sản phẩm, dịch vụ.

Riêng về điện sinh hoạt của nhân dân là yếu tố quan trọng tạo nên chất lượng cuộc sống đang là vấn đề tranh cãi nhiều nhất trong thời gian qua. Xét theo một khía cạnh sản lượng điện sinh hoạt được người dân sử dụng càng cao thì chất lượng của cuộc sống càng đảm bảo. Việc tính giá điện lũy tiến 6 bậc như hiện nay, lại thiếu những giải thích hữu ích đi kèm, đã dấy lên những phản ứng tiêu cực do những người dân không có điều kiện kinh tế phải sử dụng điện "bóp mồm, bóp miệng", vì số tiền bỏ ra chi trả cho tiền điện và các hàng hóa dịch vụ khác vượt quá so với thu nhập tăng thêm mà họ có được do được tăng tiền công, tiền lương, vì vậy chất lượng cuộc sống của họ giảm đi.

Có lý giải cho rằng, việc tính tiền điện theo lũy tiến 6 bậc như hiện nay làm cho người dân có ý thức sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, theo tôi lý giải này chưa đủ vì theo cách tính đánh vào kinh tế này chỉ nhằm mục đích hạn chế người dân sử dụng điện mà thôi, còn chưa tạo việc sử dụng có hiệu quả.

Vậy, làm cách nào để người dân vẫn sử dụng một lượng điện như cũ, hoặc tăng hơn do nhu cầu cuộc sống tăng một cách "hiệu quả, tiết kiệm" mà số tiền bỏ ra chi trả vẫn nằm trong tính toán của họ? Tôi cho rằng, việc lắp đặt công tơ 3 giá tính tiền điện sinh hoạt theo 3 khoảng thời gian trong ngày tương ứng với các giờ cao điểm (9 giờ 30 - 11 giờ 30 và từ 17 giờ 00 đến 20 giờ 00), giờ thấp điểm (từ 22 giờ 00 đến 04 giờ 00 sáng ngày hôm sau) và giờ bình thường (các giờ còn lại) là "giải pháp tối ưu" cần đưa vào Chương trình sử dụng điện hiệu quả và tiết kiệm để Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nghiên cứu, áp dụng. 

Biểu 3 giá điện theo thời gian trong ngày và công tơ 3 giá lâu nay đã và đang được áp dụng cho tất cả các ngành sản xuất, kinh doanh, chỉ chưa áp dụng cho giá điện sinh hoạt của người dân. Về giá điện 3 khung giờ cho sinh hoạt nêu trên được xây dựng như thế nào sẽ do Bộ Công Thương và EVN tính toán trình Chính phủ.

Việc lắp đặt, sử dụng công tơ 3 giá có nhiều lợi ích cho nhân dân và cho cả hệ thống điện quốc gia vốn đang trong tình trạng khan hiếm nguồn cung cấp do nhiều nguồn điện dự kiến xây mới không được ủng hộ của công chúng nên chưa khởi công và nhiều nguồn đang xây dựng nhưng chậm tiến độ theo quy hoạch.

Công tơ 3 giá có lợi cho người dân

1/ Vẫn đảm bảo được nhu cầu (sản lượng) điện sử dụng nhờ căn cơ điều chỉnh thiết bị sử dụng điện thiên về các giờ thấp điểm và giờ bình thường, nếu điều kiện cho phép.

Ví dụ: Bơm nước, bật bình nóng lạnh, giặt, sấy, là quần áo và các công việc khác (các công việc mà trước đó có thể làm bất cứ lúc nào, trong cả giờ cao điểm).

Đặc biệt, người dân được sử dụng điều hòa từ 22 giờ đêm đến 4 giờ sáng với giá rẻ mà vốn trước đó khi sử dụng điều hòa thì phải cắt giảm các nhu cầu sử dụng điện khác (do tăng lũy tiến số điện tiêu thụ). Do đó, nhu cầu điện sinh hoạt vẫn được đảm bảo, tạo điều kiện tái sản xuất sức lao động sau một ngày làm việc vất vả.

2/ Minh bạch hóa việc ghi chỉ số điện năng tiêu thụ hàng tháng. Vì không tính lũy tiến nên sẽ loại bỏ nghi ngờ của người dân về việc ghi tăng, giảm chỉ số điện năng tiêu thụ hàng tháng để tính lũy tiến của các nhân viên điện lực.

Công tơ 3 giá có lợi cho hệ thống điện

1/ Giảm bớt được phụ tải đỉnh của hệ thống điện tại các giờ cao điểm, do đó giảm áp lực huy động nguồn cung cấp cho hệ thống điện vào giờ cao điểm, phát huy hết hiệu suất của nguồn phát vào giờ thấp điểm, giảm áp lực cho cơ quan điều độ hệ thống điện, tăng khả năng thu hồi vốn đầu tư, đảm bảo an sinh xã hội.

2/ Giảm quá tải cho đường dây truyền tải trong giờ cao điểm, giảm bớt áp lực đầu tư nâng cấp đường dây truyền tải.

Qua đề xuất trên sẽ có ý kiến nêu khó khăn về tài chính trong việc triển khai lắp đặt công tơ 3 giá. Đó là đúng thực tế và tôi nghĩ rằng giải pháp cần xem xét là Bộ Công Thương, EVN nên tuyên truyền vận động nhân dân cùng thực hiện đầu tư tự ứng trước tiền mua công tơ 3 giá (nếu hộ dân nào có điều kiện) và EVN sẽ bù trừ tiền đầu tư vào hóa đơn tiền điện hàng tháng cho đến hết.

Cuối cùng, rất mong các chuyên gia năng lượng, các nhà quản lý, các đồng nghiệp cùng toàn thể bạn đọc tham gia góp ý kiến về việc đề nghị áp dụng tính tiền điện theo công tơ 3 giá so với cách tính tiền điện lũy tiến theo 6 bậc hiện nay.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động