RSS Feed for Văn bản cuối cùng ở COP28 và những hệ lụy đến ngành năng lượng Việt Nam | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 27/04/2024 17:56
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Văn bản cuối cùng ở COP28 và những hệ lụy đến ngành năng lượng Việt Nam

 - COP28 đã kết thúc ở Dubai (UAE), đa số các quốc gia vui mừng vì có một thỏa thuận mới mạnh mẽ hơn chống lại biến đổi khí hậu. Một số quốc gia (kể cả nước lớn) không hài lòng với thỏa thuận, nhưng đành chấp nhận. Chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam tổng hợp một số thông tin tại hội nghị và nhận định về các ảnh hưởng của văn bản thỏa thuận cuối cùng đến ngành năng lượng Việt Nam.
Trong ‘cuộc chiến phát triển điện gió ngoài khơi’, Việt Nam cần quan tâm những gì? Trong ‘cuộc chiến phát triển điện gió ngoài khơi’, Việt Nam cần quan tâm những gì?

Financial Times vừa có bài phân tích về “cuộc chiến để phát triển của ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi” [*]. Nhận thấy, đây là bài báo rất thực tế và có nhiều vấn đề Việt Nam cần quan tâm, chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam cập nhật nội dung chính, cùng một số nhận định, kết luận từ phân tích này để bạn đọc tham khảo.

Hội nghị Các bên tham gia công ước khung Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (lần thứ 28), gọi tắt là COP28 được tổ chức tại Dubai - UAE từ ngày 30/11 đến ngày 12/12/2023 (kéo dài thêm đến sáng 13/12). Có hơn 50 - 70 nghìn đại biểu từ 198 các bên tham gia Công ước. Những đoàn đông nhất là nước chủ nhà, Brazil, Trung Quốc, Nigeria, Indonesia, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ. Đoàn Việt Nam có khoảng 230 đại biểu, với số đại biểu lớn nhất là từ Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Nước chủ nhà vốn rất giàu có nhờ nguồn tài nguyên dầu khí nên chấp nhận số đại biểu kỷ lục. Ngay trước khi khai mạc COP28, UAE đã khai trương nhà máy điện mặt trời khổng lồ 2 GW trên sa mạc, có sự góp vốn của một công ty điện mặt trời Trung Quốc. Giá điện sản xuất ra tại nhà máy làm cả thế giới kinh ngạc: 1,35 cent/kWh (tương đương 330 đồng/kWh). Nhưng trên thế giới không phải ai cũng biết hệ thống điện UAE có công suất điện khí cực lớn, nên có thể hấp thụ tốt công suất điện mặt trời gấp nhiều lần con số 2 GW.

Những ngày đầu là những ngày đơn giản, nhẹ nhàng để cho các nguyên thủ đăng đàn với những lời lẽ thống thiết, to lớn, hùng hồn, tốt đẹp về khủng hoảng khí hậu và phát triển bền vững.

Bên ngoài là các nhóm phi chính phủ biểu tình rầm rộ đòi từ bỏ nhiên liệu hóa thạch ngay ngày mai.

Tiếp đó là việc thành lập Quỹ Mất mát và Thiệt hại mà các nước nghèo nhất thế giới mong chờ từ trước khi có Hiệp định Paris (2015), nay mới được các nước giàu cam kết nhờ nước chủ nhà đứng ra nhận tài trợ ngay 100 triệu USD. Quỹ Khí hậu Xanh thành lập từ năm 2010 được bổ sung thêm lần thứ hai gần 13 tỷ USD. Quỹ Thích ứng (với Biến đổi khí hậu) huy động được 187 triệu USD.

Bên lề là việc thành lập các liên minh với những mục tiêu chia sẻ, thường là các mục tiêu rất tham vọng. Các nước ra sức lôi kéo nhau vào các liên minh cũng là để tạo lập nhóm cho văn kiện cuối cùng. Mỹ đứng đầu các nước ủng hộ điện hạt nhân cùng tuyên bố tăng gấp ba lần công suất điện hạt nhân vào năm 2050. Liên minh hơn 100 nước tuyên bố sẽ tăng gấp ba lần công suất điện năng lượng tái tạo vào năm 2030 so với hiện tại. Nhật Bản nhắc lại gói hỗ trợ AETI (Sáng kiến ​​Chuyển đổi Năng lượng châu Á) trị giá 10 tỷ USD cho các nước châu Á chuyển đổi năng lượng và lưu giữ cacbon.

Việt Nam cũng tranh thủ tuyên bố Kế hoạch Huy động nguồn lực (RMP) cho gói vốn có tên Đối tác Chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP). Đây là gói vốn có giá trị 15,5 tỷ USD do nhóm đối tác quốc tế dành cho nâng cấp lưới điện, năng lượng tái tạo, hiệu quả năng lượng, hạn chế điện than… của Việt Nam với khoảng một nửa là vốn vay ưu đãi và một nửa là vốn vay thương mại.

Tuy nhiên, mục tiêu cao nhất của COP28 là phải kiểm kê việc thực hiện Hiệp định Paris từ những bản cam kết Quốc gia tự xác định (NDC) và thực tế những gì đang xảy ra trong các lĩnh vực phát thải khí nhà kính.

Báo cáo Khoảng trống phát thải 2023 của Cơ quan Liên hợp quốc về môi trường UNEP phát hành trước COP28 cho thấy khoảng trống giữa những gì cần phải làm để giữ nhiệt độ trái đất không tăng quá 1,5 độ C và các cam kết NDC đang rất lớn. Gần như không có cách nào để bù đắp khoảng trống đó trong một thời gian ngắn. Lượng khí thải nhà kính xả vào bầu khí quyển vẫn tiếp tục tăng sau khi giảm nhẹ vào hai năm đại dịch Covid. Con số các nước đưa ra lời hứa Net Zero vào năm 2050 tăng lên, nhưng độ tin cậy vào việc họ thực hiện được lời hứa lại giảm xuống. Khoảng cách hàng năm giữa những NDC và mục tiêu 1,5 độ C vẫn còn 22 tỷ tấn CO2, tương đương trên tổng số phát thải hàng năm khoảng 56 tỷ tấn.

Những căng thẳng địa chính trị cũng phản ánh qua cách các nước liên minh với nhau trong các chủ đề. Liên minh điện hạt nhân tránh mời cả Nga lẫn Trung Quốc là hai cường quốc về điện hạt nhân có số lò đang xây dựng nhiều nhất thế giới.

Hai ngày trước khi kết thúc hội nghị, vấn đề chính mới được nêu ra - đó là 21 trang dự thảo Báo cáo kiểm kê toàn cầu lần thứ nhất (First Global Stocktake), hay sau này được gọi là Thỏa thuận COP28, hay Đồng thuận UAE. Lập tức các nước đảo quốc nhỏ “khóc” trong các phát biểu (giống hệt ở COP26) rằng: Dự thảo không hề đề cập đến việc “loại bỏ điện than” mà vẫn là “giảm sử dụng điện than”. Các nước đảo quốc nhỏ và EU rất thất vọng vì hàng chữ mà họ mong đợi “từ bỏ nhiên liệu hóa thạch” không thấy đâu trong dự thảo.

Đại biểu các nước, kể cả bộ trưởng, bắt đầu các cuộc ngoại giao con thoi, xuyên cả đêm để thuyết phục một nhóm nước có cùng đồng thuận phải đưa “từ bỏ nhiên liệu hóa thạch”, hoặc cụm từ nào đó tương đương, nhưng OPEC, Ấn Độ, Trung Quốc vẫn chấp nhận được. Một số báo chí đã nói họ không hy vọng gì hơn khi COP28 diễn ra ở nước đang coi khai thác dầu khí là nguồn lực chính và đúng là các nước OPEC hợp tác với nhau để không cho câu “loại bỏ nhiên liệu hóa thạch” được nhắc đến.

Trung Quốc không nói rõ lập trường của mình với dự thảo như hồi ở COP26, mà chỉ bày tỏ dự thảo không được hoàn hảo và các nước đã phát triển phải giữ vai trò lớn hơn trong việc cắt giảm khí nhà kính.

Nguyên tắc của các hội nghị COP là phải đồng thuận toàn bộ - tức là không nước nào giơ tay phản đối mới thì tuyên bố mới được thông qua. Những trao đổi sau một ngày có dự thảo cho thấy sẽ có nhiều nước giơ tay phản đối buộc chủ nhà phải soạn thảo lại văn kiện. Cuộc họp vì thế kéo dài thêm sang buổi sáng 13/12. Nhưng các đại biểu đã quá quen với việc kéo dài thảo luận tại các hội nghị COP.

Ngày 12/12, một dự thảo mới được đưa ra, vẫn giữ 21 trang, ngoài những ngôn từ mạnh hơn về cam kết tài chính, thì cấu trúc văn bản cũng rõ ràng hơn với các đề mục I, II, III, VI và tiểu mục nhỏ. Đặc biệt phần II, tiểu mục A “Giảm nhẹ” có đưa thêm câu “Chuyển dịch khỏi nhiên liệu hóa thạch trong các hệ thống năng lượng, theo cách có lý, có trình tự và công bằng, tăng tốc hành động trong thập kỷ này, sao cho có thể đạt net zero vào năm 2050 và phù hợp với khoa học”. Câu “giảm sử dụng điện than” vẫn được giữ lại.

Các nước phát triển lập tức coi câu đó là lần đầu tiên, việc chuyển dịch khỏi năng lượng hóa thạch được nhắc đến trong thỏa thuận COP và là khởi đầu cho một thời kỳ mới. Từ đó, họ thuyết phục các nước khác chấp nhận văn bản dù các nước đảo quốc nhỏ vẫn muốn hơn nữa, họ muốn loại bỏ nhiên liệu hóa thạch mà trước mắt là than. Mỹ cũng đồng ý với dự thảo mới và thuyết phục các nước chấp nhận.

Trong phiên họp cuối cùng, Chủ tịch COP28, tiến sĩ Sultan Al Jaber tuyên bố: “Không có nước nào phản đối và thông qua dự thảo cuối”. Tất cả các đại biểu đều vỗ tay sung sướng vì lần đầu tiên thế giới đồng thuận chuyển dịch khỏi nhiên liệu hóa thạch.

Hệ lụy cho Việt Nam:

Về mặt thuận lợi, Việt Nam đồng thuận tăng công suất năng lượng tái tạo lên gấp ba lần vào năm 2030 giống như các nước khác và Quy hoạch điện VIII cũng đã tính toán gần với con số đó. Các nước phát triển và các tổ chức tín dụng đa quốc gia cũng sẵn sàng hỗ trợ thêm phát triển năng lượng tái tạo cho Việt Nam. Họ cũng sẵn sàng hỗ trợ hệ thống pin lưu trữ đắt đỏ và thủy điện tích năng để cân bằng một phần hệ thống điện.

Về mặt khó khăn, Việt Nam cần cân bằng công suất năng lượng tái tạo hiện có và sẽ tăng thêm các nguồn phát điện linh hoạt mới chạy khí đốt, hoặc LNG, nhưng điện khí lại có khả năng bị thỏa thuận mới đưa vào mục cần phải chuyển dịch khỏi nhiên liệu hóa thạch.

Thỏa thuận COP28 ở UAE không có tính pháp lý, nhưng các ngân hàng đa quốc gia và các nước tài trợ cho Việt Nam sẽ dựa vào đó để ra chính sách. Từ đó có thể dự báo rằng: Nguồn vốn vay cho phát triển điện khí sẽ trở nên khó khăn hơn, bên cạnh vô số thách thức khác của điện khí ở Việt Nam hiện nay./.

ĐÀO NHẬT ĐÌNH - CHUYÊN GIA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM


Tài liệu tham khảo

- Dự thảo cuối của Báo cáo Kiểm kê toàn cầu lần thứ Nhất (Đồng thuận UAE). https://unfccc.int/sites/default/files/resource/cma2023_L17_adv.pdf?download

- Các thông cáo báo chí từng ngày họp.

- https://www.cop28.com/en/news-and-media.

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động