RSS Feed for Trong ‘cuộc chiến phát triển điện gió ngoài khơi’, Việt Nam cần quan tâm những gì? | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 23/11/2024 17:18
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Trong ‘cuộc chiến phát triển điện gió ngoài khơi’, Việt Nam cần quan tâm những gì?

 - Financial Times vừa có bài phân tích về “cuộc chiến để phát triển của ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi” [*]. Nhận thấy, đây là bài báo rất thực tế và có nhiều vấn đề Việt Nam cần quan tâm, chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam cập nhật nội dung chính, cùng một số nhận định, kết luận từ phân tích này để bạn đọc tham khảo.
Nhận diện rủi ro tiến độ đầu tư nguồn điện LNG, điện gió ngoài khơi theo Quy hoạch điện VIII Nhận diện rủi ro tiến độ đầu tư nguồn điện LNG, điện gió ngoài khơi theo Quy hoạch điện VIII

Theo tính toán về thời gian đầu tư dự án điện khí, điện gió ngoài khơi: Nếu tính từ lúc có Quy hoạch đến khi có thể vận hành, nhanh nhất cũng mất khoảng 8 năm, thậm chí trên 10 năm, trong khi kinh nghiệm phát triển nguồn điện này ở Việt Nam mới chỉ bắt đầu. Nhưng theo Quy hoạch điện VIII, đến năm 2030 (chỉ còn 7 năm), công suất của 2 nguồn điện nêu trên phải đạt 28.400 MW... Vậy giải pháp nào để chúng ta có thể đạt được mục tiêu đã đề ra? Tổng hợp, phân tích và đề xuất giải pháp của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam.

“Hôm nay thật là một ngày đẹp trời” - Graeme Watters - cựu Giám đốc lực lượng bảo vệ bờ biển, hiện đang làm Điều phối viên trưởng của SSE cho dự án trị giá 3 tỷ bảng Anh đã tuyên bố như vậy khi nhìn thấy 114 tua bin bắt đầu quay tại trang trại gió khổng lồ Seagreen.

Dự án này bắt đầu từ 14 năm trước ở ngoài khơi bờ biển Đông Scotland, đã chính thức đi vào hoạt động đủ công suất từ giữa tháng 10/2023. Seagreen, liên doanh giữa Tập đoàn Total Energies của Pháp và SSE Renewables - thành viên của Tập đoàn Năng lượng SSE và là trang trại gió lớn nhất Scotland. Dự án tạo ra điện có thể cung cấp năng lượng cho 1,6 triệu ngôi nhà và có khả năng thay thế khoảng 2 triệu tấn khí thải carbon dioxide từ việc sản xuất nhiên liệu hóa thạch mỗi năm, góp phần giải quyết tình trạng nóng lên toàn cầu.

Thế nhưng, trong khi việc vận hành đầy đủ dự án trên đánh dấu “một ngày tốt lành” đối với Điều phối viên trưởng của SSE, thì đây lại là khoảng thời gian khó khăn hơn đối với ngành công nghiệp gió ngoài khơi (xét trên phương diện tổng thể). Chi phí tài chính tăng vọt do lãi suất tăng, cùng với sự tăng giá của nhiều nguyên liệu được sử dụng cho các tua bin khổng lồ ngày nay đã khiến một số nhà phát triển ngừng dự án, hoặc dừng các hợp đồng tài trợ cho một số dự án, chủ yếu ở Mỹ, Vương quốc Anh và điều này đã tạo thêm sức ép cho nhiều dự án khác, tại các quốc gia khác.

“Các dự án gió ngoài khơi trên khắp thế giới đã và đang phải đối mặt với ba nguy cơ - đó là lạm phát cao trong chuỗi cung ứng, lãi suất tăng cao và sự do dự của các chính phủ trong việc điều chỉnh các thông số đấu thầu để đối phó với các điều kiện thay đổi của thị trường khi dành ưu tiên giảm chi phí cho người tiêu dùng” - Simon Virley - người đứng đầu bộ phận năng lượng của KPMG Vương quốc Anh cho biết.

Trong ‘cuộc chiến phát triển ngành điện gió ngoài khơi’ - Việt Nam cần quan tâm những gì?
Hình 1: Các nước Bắc Âu có vai trò chủ đạo trong thị trường điện gió ngoài khơi.

Ngành công nghiệp này đã phát triển nhanh chóng kể từ khi trang trại gió ngoài khơi đầu tiên trên thế giới được xây dựng ở Đan Mạch vào năm 1991, với 11 tua bin có khả năng cung cấp năng lượng cho chỉ 2.200 ngôi nhà. Theo Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA): Các trang trại điện gió ngày nay có thể cung cấp năng lượng cho hàng triệu ngôi nhà, trong khi việc tăng kích thước tua bin và lãi suất cực thấp đã giúp đẩy chi phí xây dựng, cũng như vận hành tổng thể xuống 60% từ năm 2010 đến năm 2021. Sản xuất năng lượng gió được xem là chìa khóa cho kế hoạch cắt giảm lượng khí thải CO₂ của các chính phủ.

Tại Anh - thị trường lớn thứ hai thế giới, gió ngoài khơi tạo ra khoảng 13% điện năng của cả nước. Trên toàn cầu, ngành công nghiệp này vẫn còn rất nhỏ, chiếm khoảng 0,8% sản lượng điện vào năm 2022. Điện gió sẽ cần tăng lên khi thế giới cố gắng hạn chế sự nóng lên toàn cầu bằng cách thay thế các nhà máy điện chạy bằng than, dầu và khí đốt bằng các giải pháp năng lượng tái tạo.

IRENA tin rằng: Công suất gió ngoài khơi sẽ cần tăng lên trên 2.000 GW vào năm 2050, so với gần 70 GW trên toàn cầu hiện nay. Hầu hết mọi người trong ngành đều kỳ vọng rằng, công suất sẽ tiếp tục tăng và áp lực tài chính cuối cùng sẽ giảm. Nhưng giới phân tích ngày càng nghi ngờ các mục tiêu khắt khe của chính phủ đối với công nghệ này có được đáp ứng kịp thời hay không.

Trong ‘cuộc chiến phát triển ngành điện gió ngoài khơi’ - Việt Nam cần quan tâm những gì?
Hình 2: Công suất xây mới điện gió ngoài khơi toàn cầu dự tính không đáp ứng mục tiêu của các chính phủ.

Công ty tư vấn Wood Mackenzie ước tính rằng: Để đáp ứng 135 mục tiêu năng lượng gió ngoài khơi do các chính phủ trên thế giới đặt ra kể từ năm 2021 sẽ cần hơn 60 GW được lắp đặt vào năm 2029 và 77 GW vào năm 2030. Con số này so với mức 3 GW được lắp đặt trung bình mỗi năm, bên ngoài Trung Quốc, trong giai đoạn từ 2015 đến 2021.

Người phát ngôn của Equinor - công ty năng lượng thuộc sở hữu nhà nước của Na Uy đang phát triển các dự án gió ngoài khơi tại các thị trường bao gồm Mỹ, Anh và Việt Nam cho biết: “Trên nhiều phương diện, chúng tôi coi đây là trở ngại lớn đầu tiên đối với sự phát triển của điện gió ngoài khơi”.

“Việc chuyển đổi hệ thống năng lượng là đòi hỏi vô cùng khó khăn”. Mọi thứ đều trở nên đắt đỏ hơn. Các tua bin ở Seagreen có đường kính cánh quạt 164 mét - lớn bằng một nửa sân ở Hampden Park - sân vận động bóng đá quốc gia Scotland và cần một cần cẩu gắn trên tàu có sức tải 1.200 tấn để từ từ nâng chúng vào vị trí. Tua bin lớn hơn đã tăng hiệu suất và giảm chi phí phát điện, nhưng lại gây ra nhiều vấn đề cho các nhà sản xuất.

Theo Wood Mackenzie: Các công ty trong chuỗi cung ứng trang trại gió đã báo cáo tỷ suất lợi nhuận giảm dần, hoặc thua lỗ trong khoảng thời gian từ năm 2015 đến năm 2021 do họ mở rộng quá mức để đáp ứng nhu cầu tăng vọt, đồng thời nỗ lực phát triển các sản phẩm lớn hơn để đáp ứng nhu cầu tăng quy mô công suất của các nhà phát triển dự án. Điều đó khiến họ còn ít dư địa về năng lực để đáp ứng nhu cầu ngày càng khó khăn hiện nay.

Giám đốc điều hành đơn vị năng lượng gió ngoài khơi của gã khổng lồ năng lượng RWE của Đức, ông Sven Utermöhlen cho biết: “Về mặt tài chính, chuỗi cung ứng đang không ở tình trạng tốt, trong khi ngành lại phải đáp ứng nhu cầu tăng trưởng đáng kể”. Nhà sản xuất tua bin và các nhà sản xuất khác không sẵn sàng gánh chịu tổn thất để duy trì khả năng tồn tại của các dự án, họ đang mất nhiều chi phí hơn, hoặc yêu cầu các cam kết mạnh hơn trong những giai đoạn sớm của dự án.

Giám đốc điều hành của nhà sản xuất Vestas, Đan Mạch - Công ty sản xuất tua bin của dự án Seagreen, ông Henrik Andersen cho biết: “Chúng tôi không nghĩ có sự công bằng khi đã thiết lập công nghệ tồn tại hàng thập kỷ để rồi phải gánh chịu thua lỗ sau đó”.

Trong ‘cuộc chiến phát triển ngành điện gió ngoài khơi’ - Việt Nam cần quan tâm những gì?
Hình 3: Lợi nhuận chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi giảm dần.

Mặc dù có kích thước khổng lồ, nhưng việc lắp đặt toàn bộ hệ thống (bao gồm cả hệ thống cáp liên quan) chỉ mất chưa đầy ba năm. Trong khi 10 năm trước đó của dự án được dành cho các công việc về quy hoạch, kế hoạch, thay đổi thiết kế, những thử thách về mặt pháp lý từ Hiệp hội Bảo vệ Chim Hoàng gia, các giao dịch đất đai và đấu giá trợ cấp. Diễn biến thời gian như vậy có thể không hẳn là vấn đề lớn khi bối cảnh và điều kiện của ngành là tương đối ổn định. Tuy nhiên, chi phí tài chính tăng mạnh trong 18 tháng qua đã càng khiến lạm phát chi phí đối với chuỗi cung ứng tăng lên.

Nhà phát triển Thụy Điển Vattenfall cho biết vào tháng 8/2023 rằng: Chi phí dự án đã tăng 40% trong năm nay. Còn Utermöhlen của RWE cho biết thêm: Sự kết hợp giữa lạm phát và các vấn đề về chuỗi cung ứng “tạo thành những con sóng dữ trong thời điểm này đối với toàn bộ ngành công nghiệp ngoài khơi”.

Tại phòng điều khiển ở Montrose - nơi các kỹ thuật viên có thể điều chỉnh từ xa các cánh tua bin của Seagreen, họ đang rất tự hào về sản lượng điện có thể tạo ra từ dự án. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, họ thường xuyên được yêu cầu cắt giảm sản lượng, hoặc dừng hẳn hoạt động để tránh quá tải hệ thống, mặc dù SSE sẽ được bồi hoàn cho việc này. Lưới điện của Vương quốc Anh hạn chế việc lấy năng lượng từ Scotland để đáp ứng nhu cầu cho miền Nam.

Giám đốc mảng gió ngoài khơi toàn cầu tại SSE - công ty đang đầu tư vào mạng lưới truyền tải, cũng như trang trại gió, ông Paul Cooley cho biết: “Chúng tôi cần kết nối và lưu trữ nhiều hơn. Những đơn vị tiêu dùng công nghiệp lớn đang cố gắng phát triển năng lực sản xuất sạch hơn cũng gặp phải vấn đề tương tự. Tập đoàn hóa chất khổng lồ BASF của Đức đã trả 300 triệu Euro vào năm 2021 cho 49,5% cổ phần trong dự án Hollandse Kust Zuid của Vattenfall ở phía Hà Lan (thuộc Biển Bắc) và giúp tài trợ cho việc xây dựng dự án này, tránh sử dụng trợ cấp từ chính phủ.

Người phụ trách nỗ lực giảm thải CO2 của BASF, ông Lars Kissau cho biết: “Chúng tôi dự kiến mức tiêu thụ điện năng sẽ tăng gấp ba lần vào năm 2040 (như một phần của quá trình chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch). Vì vậy, điều này rất có ý nghĩa đối với chúng tôi”. Tuy nhiên, công ty này, hiện cũng đã có các nhà máy nhiệt điện trên địa bàn của mình, đang phải điều chỉnh để phù hợp với hiện trạng của năng lượng tái tạo, bao gồm cả vị trí của nó.

“Với các trang trại gió ngoài khơi, nhà máy điện nằm tại Biển Bắc” Kissau cho biết thêm: “Cần phải có vài trăm km lưới truyền tải. Chúng tôi không thể tự xây dựng một mạng lưới truyền tải như vậy. Hệ thống này cần có nhiều hơn sự tham gia của các bên liên quan”.

Câu hỏi nan giải về giá cả:

Trong khi chi phí đầu tư đã tăng mạnh, thì mức giá thỏa thuận cho điện năng được tạo ra bởi các trang trại gió ngoài khơi lại không diễn biến như vậy. Chủ sở hữu thường ký các thỏa thuận dài hạn để bán điện, hoặc đảm bảo trợ cấp trước khi bắt đầu xây dựng, nhờ đó các nhà đầu tư có được bức tranh rõ ràng về doanh thu trong tương lai và ít bị ảnh hưởng bởi giá điện giao ngay biến động. Nhiều hợp đồng như vậy hiện nay đã có vẻ trở nên lạc lõng với chi phí xây dựng tăng cao. Điều này đặc biệt gây tổn hại cho các dự án đang phát triển ở Mỹ và Anh.

Các nhà phân tích tại Bernstein tính toán rằng: Trong số 53 GW dự án trên toàn thế giới được trao hợp đồng bán điện, hoặc bảo lãnh giá từ năm 2017 đến năm 2022, có khoảng 23 GW đã được đảm bảo tài chính. Trong số còn lại, khoảng 18 GW đang “gặp một số mức độ căng thẳng” và 5 GW đã rút lui khỏi các hợp đồng bán điện dài hạn để cố gắng đàm phán lại. Phần lớn các dự án đó đều ở Mỹ - nơi các nhà phát triển phải đối mặt với khoảng thời gian dài giữa việc đi đến các thỏa thuận nhằm đảm bảo doanh thu và việc nhận được giấy phép cho các dự án. Hầu hết số còn lại là ở Anh. Vương quốc Anh vận hành một chế độ “hợp đồng chênh lệch”. Theo đó, các nhà phát triển sẽ nhận được tiền bổ sung (từ người trả hóa đơn) nếu giá điện bán buôn của Vương quốc Anh giảm xuống dưới mức giá ấn định mà họ đồng ý với chính phủ (và, khá khó hiểu, được thể hiện theo điều khoản năm 2012). Nếu giá bán buôn cao hơn giá quy định, các nhà phát triển phải trả lại phần chênh lệch cho chính phủ.

Theo dữ liệu từ các chuyên gia thị trường Cornwall Insight: Cho đến nay, các dự án gió ngoài khơi đã nhận được 5,5 tỷ bảng Anh theo chương trình này và đã hoàn trả 798 triệu bảng Anh. Tại vòng đầu tiên vào năm 2015, giá được đặt ở mức gần 120 bảng Anh/MWh (1 bảng Anh = 30.000 VNĐ), nhưng đã giảm hàng năm kể từ đó và đạt mức thấp kỷ lục 37,35 bảng Anh/MWh vào tháng 6 năm 2022. Năm dự án gió ngoài khơi chấp nhận mức giá đó, nhưng chỉ có hai dự án cho đến nay được chủ sở hữu bật đèn xanh.

Trong ‘cuộc chiến phát triển ngành điện gió ngoài khơi’ - Việt Nam cần quan tâm những gì?
Hình 4: Giá thành điện gió ngoài khơi tăng, nhưng dự tính sẽ lại giảm trong tương lai tới.

Ørsted của Đan Mạch - nhà phát triển điện gió ngoài khơi lớn nhất thế giới vẫn chưa quyết định có nên tiếp tục dự án Hornsea 3 hay không, dự án có khả năng cung cấp năng lượng cho 3 triệu ngôi nhà. Trong khi vào tháng 7/2023, Vattenfall đã tạm dừng công việc trong kế hoạch Norfolk Boreas của mình khi cho rằng: Dự án không còn tính khả thi ở mức giá tháng 6 năm 2022. Vòng chào giá năm nay không thu hút được sự tham gia của bất kỳ nhà phát triển điện gió ngoài khơi nào, những người đã cảnh báo mức giá ấn định tối đa là 44 bảng Anh/MWh là quá thấp để bù đắp chi phí ngày càng tăng của họ. Chương trình CFD đã giúp Vương quốc Anh có được khoảng 14 GW năng lượng gió ngoài khơi được xây dựng, chỉ đứng sau Trung Quốc.

Richard Crawford - Tập đoàn Cơ sở hạ tầng Tái tạo, chuyên đầu tư vào các trang trại gió sau khi chúng được xây dựng cho biết: “Nó mang lại sự ổn định về giá tốt cho chúng tôi và người tiêu dùng”. Nhưng chính phủ hiện đang gặp khó khăn trong việc cân đối tài chính trước thông báo, dự kiến được đưa ra vào tháng 11/2023, về mức trần dự thảo cho điện gió ngoài khơi trong vòng đấu giá hàng năm tiếp theo.

Một giám đốc điều hành cấp cao trong ngành cho biết: “Hiện đang có một cuộc chơi đầy lừa gạt giữa ngành công nghiệp này và chính phủ”, khiến các bộ trưởng, thậm chí còn phải chịu nhiều áp lực hơn trong việc tăng giá cho vòng đấu giá năm tới để tránh một thất bại khác. Trong khi nhiều người trong ngành dự kiến chi phí sẽ giảm trở lại, họ lại gặp khó khăn trong việc dự đoán khi nào điều đó sẽ xảy ra.

Giám đốc công ty tư vấn Baringa của Anh, ông Alex Weir cho biết: “Nhu cầu tăng có thể dẫn đến tăng đầu tư vào chuỗi cung ứng, điều này sẽ giúp giảm chi phí trong trung và dài hạn”. “Nhưng chúng ta có thể sẽ chứng kiến một thời kỳ giá cả tăng cao trong vài năm tới”. Dấu hiệu triển vọng là các nhà phát triển đang vận động các chính trị gia và cơ quan quản lý ở cả hai bờ Đại Tây Dương để đạt được các thỏa thuận dài hạn với mức giá phản ánh chi phí xây dựng và tài chính cao hơn, cũng như đưa ra các hỗ trợ khác.

Họ cho rằng: Các dự án cần phải được tiếp tục duy trì (ngay cả khi chi phí cao) để duy trì chuỗi cung ứng và đáp ứng các mục tiêu năng lượng sạch.

Cooley của SSE cho biết: “Chi phí đầu vào cho điện gió ngoài khơi sẽ không sớm được thiết lập lại. Chúng ta cần điều chỉnh lại giá bao tiêu ở mức bền vững trong 5 đến 10 năm tới, chứ không phải 5 đến 10 tháng”.

Giám đốc điều hành của nhà phát triển Corio Generation và chủ tịch Hội đồng Năng lượng Gió Toàn cầu, ông Jonathan Cole cho biết: “Điều quan trọng là chúng ta không thể để vấn đề ngắn hạn này diễn tiến thành một cuộc khủng hoảng dài hạn”. “Chúng ta phải có can đảm với niềm tin của mình [ . . .] và làm mọi thứ có thể để loại bỏ rủi ro khỏi lĩnh vực này và giữ cho các dự án đi đúng hướng”. Attentive Energy - liên doanh của Corio với TotalEnergies, có kế hoạch xây dựng các trang trại gió ngoài khơi New Jersey và New York, đồng thời nằm trong số ba dự án gió ngoài khơi giành được hợp đồng hỗ trợ trong tháng này từ chính quyền New York với mức giá trung bình là 145,07 USD mỗi MWh.

Nhà phân tích cao cấp tại Bernstein, ông Deepa Venkateswaran cho biết: Các hợp đồng này là dấu hiệu cho thấy “sự sẵn sàng chi trả cho năng lượng gió ngoài khơi của các nhà hoạch định chính sách nước Mỹ”, sau khi các nhà chức trách ở New York trước đó đã khiến ngành này hoảng sợ khi từ chối đàm phán lại các thỏa thuận hiện có.

Chủ tịch RWE quốc gia ở Vương quốc Anh, ông Tom Glover cho biết: Cần có mức giá ấn định trong khoảng £55 - £75 mỗi MWh để đảm bảo các dự án gió ngoài khơi quy mô lớn ở Anh hoạt động hiệu quả. Được điều chỉnh theo lạm phát, 75 bảng Anh vào năm 2012 tương đương với 103,06 bảng Anh mỗi MWh ngày nay - cao hơn giá bán buôn hiện tại ở Anh, trung bình là 84 bảng Anh vào tháng 10/2023. Khi các khoản trợ cấp là giải pháp duy nhất để bù đắp cho khoảng chênh lệch với giá điện cuối cùng các hộ gia đình phải chi trả nên về cơ bản bất kỳ sự gia tăng nào, về mặt chính trị, cũng là rất khó khăn trong bối cảnh lạm phát tăng cao.

Virley tại KPMG cho biết: Chính phủ hiện phải có “tầm nhìn chiến lược dài hạn” về thứ công nghệ mà họ phát biểu rằng, họ thực sự muốn tăng trưởng gần gấp bốn lần đến năm 2030, để tạo ra “điều kiện phù hợp cho các khoản đầu tư đó diễn ra, đồng thời giảm thiểu chi phí đối với người tiêu dùng”.

Bất chấp mọi thách thức, nhiều nhà phát triển vẫn đang đẩy mạnh các dự án. Theo Wood Mackenzie: Tính đến thời điểm hiện tại, hơn 6 GW công suất đã được triển khai vào năm 2023.

Giám đốc điều hành của Scottish Power, ông Keith Anderson cho biết: “Có rất nhiều ồn ào trên thị trường và sự thật là chi phí đã tăng lên trong toàn bộ chuỗi cung ứng”. Công ty mẹ Iberdrola của Tây Ban Nha, có khoảng 3 GW dự án gió ngoài khơi được ký hợp đồng hoàn toàn ở Pháp, Đức, Mỹ, Anh và gần 12 GW nữa đang được triển khai.

“Nhưng đây không chỉ là trường hợp của gió ngoài khơi và với tư cách là một nhóm, chúng tôi cực kỳ lạc quan về triển vọng của ngành”. Mark Dooley - Giám đốc điều hành cấp cao của Tập đoàn cơ sở hạ tầng Úc Macquarie - công ty sở hữu Corio Generation cho biết: Năng lượng gió ngoài khơi “vẫn rất cạnh tranh” ngay cả với chi phí cao hơn. Ông nói thêm: “Đó là tương lai mà chúng tôi mong muốn và là tương lai không thể có được với năng lượng truyền thống”.

Martin Neubert - đối tác của nhà đầu tư cơ sở hạ tầng Copenhagen Partners mô tả những thách thức này là “những va chạm trên đường chứ không phải là (ngành) đang khủng hoảng. Các nguyên tắc cơ bản vẫn còn nguyên vẹn”. Tuy nhiên, những trở ngại trên đường đi lại là vấn đề quan trọng đối với các mục tiêu mà các chính phủ đã đặt ra cho năng lượng gió ngoài khơi.

“Tôi nghĩ Vương quốc Anh và Tây Bắc Âu sẽ tiếp tục là thị trường nước ngoài lớn nhất thế giới” - Cooley nói. “Nhưng chỉ khi giá cả phù hợp. Đó là thách thức lớn hiện nay”.

Một số nhận định của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam:

Thứ nhất: Chi phí xây dựng điện gió ngoài khơi có xu hướng tăng, thay vì giảm đi như các nhận định, dự báo trước đây. Lý do chủ yếu là lạm phát tăng cao, lãi suất vay tăng, sự trợ giá của chính phủ giảm, chuỗi cung ứng bị phá vỡ.

Thứ hai: Giá mua điện (bao tiêu) từ điện gió ngoài khơi giảm đáng kể, trong khi chi phí tăng cao dẫn đến tính khả thi của các dự án điện gió ngoài khơi không được đảm bảo.

Thứ ba: Không có chính sách hỗ trợ dài hạn và ổn định của các chính phủ, điện gió ngoài khơi khó có thể cạnh tranh và tiếp tục phát triển như dự kiến trước đây. Tuy nhiên, con đường phát triển năng lượng tái tạo nói chung và điện gió ngoài khơi nói riêng là tất yếu trong dài hạn./.

BBT TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

[*] https://www.ft.com/content/00e8af58-f2b4-4d91-9c6e-bd2045c22c20

https://www.ft.com/content/00e8af58-f2b4-4d91-9c6e-bd2045c22c20

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động