RSS Feed for Vai trò và tầm quan trọng các dự án thủy điện của EVN | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 28/03/2024 16:39
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Vai trò và tầm quan trọng các dự án thủy điện của EVN

 - Có thể khẳng định rằng, những công trình thủy điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xây dựng đã làm tốt sứ mệnh của mình là khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Bên cạnh đó, các dự án này còn mang lại lợi ích kinh tế tổng hợp, chống lũ, chống hạn, cung cấp nước tưới cho nông nghiệp cũng như sinh hoạt của nhân dân, đóng góp nguồn ngân sách to lớn cho Nhà nước và địa phương, giúp làm thay đổi bộ mặt hạ tầng kỹ thuật, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Tạm kết)

Tiềm năng thủy điện Việt Nam

Việt Nam có diện tích đất liền và các đảo là 331.689 km2, trong đó 4/5 diện tích là núi và rừng. Bên cạnh đó, Việt Nam nằm ở vùng nhiệt đới gió mùa, lượng mưa trung bình trên toàn lãnh thổ vào khoảng 1.600 mm, phân bổ không đều theo thời gian và không gian, nhỏ nhất 1.100-1.300 mm, lớn nhất 4.000-4.200 mm. Lượng mưa tập trung từ tháng 5-6 đến tháng 10-11 hàng năm, chiếm khoảng 80-85% lượng mưa cả năm. Mô đun dòng chảy - lưu lượng dòng chảy trải đều trên 1 km2 diện tích trung bình khoảng 35-40 l/s.km2, lớn nhất 80 l/s.km2 và nhỏ nhất chỉ có 10 l/s.km2.

Hệ thống sông ngòi nước ta khá dày đặc, với mật độ 0,5-2 km sông suối trên 1 km2 diện tích lãnh thổ. Ngoài những hệ thống sông lớn như sông Hồng, sông Đà ở miền Bắc, sông Vũ Gia - Thu Bồn ở miền Trung, sông Sê San, Srêpốk ở Tây Nguyên, sông Đồng Nai và hạ lưu sông Mê Kông ở miền Nam, trên toàn lãnh thổ còn có rất nhiều hệ thống sông nhỏ và trung bình, với tổng số 2.171 con sông, chiều dài trên 10 km, hàng năm đổ ra biển khoảng 331 tỷ m3 nước (chưa kể sông Mê Kông).

Theo số liệu tính toán của Trung tâm Nghiên cứu và Thiết kế Thủy điện của Bộ Điện và Than (trước đây) trữ năng lý thuyết của tất cả các sông ngòi Việt Nam có chiều dài trên 10 km, được đánh giá khoảng 300 tỷ kWh. Sự phân bổ nguồn thủy năng của nước ta không đều. Nguồn thủy năng lớn nhất tập trung ở sông Đà (Tây Bắc) với mật độ thủy năng lên đến 2.642 nghìn kWh/km2. Ở miền Nam, sông Đồng Nai có trữ năng lớn thứ 2 cả nước (sau sông Đà), với mật độ thủy năng là 862 kWh/km2. Một số vùng khác mật độ thủy năng tương đối thấp như vùng Đông Bắc 461,6 nghìn kWh/km2, vùng Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh là 583 nghìn kWh/km2, vùng duyên hải miền Trung là 754 nghìn kWh/km2. Tính chung trữ năng lí thuyết của miền Bắc đạt khoảng 181 tỉ kWh, chiếm trên 60 % trữ năng lí thuyết cả nước.

Theo đó, trữ năng kinh tế, kỹ thuật thủy điện của Việt Nam đạt khoảng 81,2 tỷ kWh. Tuy nhiên, theo tài liệu là kết quả làm việc giữa Viện Quy hoạch và Kinh tế Năng lượng của Bộ Năng lượng (trước đây) với Đoàn chuyên gia Liên Xô về thủy điện (năm 1984), trữ năng kinh tế thủy điện Việt Nam là 71,15 tỉ kWh (bao gồm 89 công trình trên 15 dòng sông chính, với tổng công suất 14.754 MW).

Có thể nói, mật độ trữ năng kinh tế, kỹ thuật của Việt Nam thuộc loại cao trên thế giới (bằng 247 nghìn kWh/km2 lãnh thổ), trong khi mật độ thủy năng của thế giới chỉ đạt khoảng 37 nghìn kWh/km2. Đó là lợi thế của nước ta để phát triển nguồn năng lượng sạch và kinh tế.

Quá trình phát triển thủy điện ở Việt Nam

Nhà máy thủy điện đầu tiên ở Việt Nam là thủy điện nhỏ Ankroet (600 kW), còn được gọi là Thủy điện Suối Vàng, do người Pháp xây dựng và cung cấp thiết bị tại Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng (trước năm 1954). Sau đó, tại Buôn Mê Thuật, người Mỹ cho xây dựng thủy điện nhỏ Đray Hlinh, bên bờ sông Srêpốk. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, ở miền Nam, người Nhật cho xây dựng Nhà máy Thủy điện Đa Nhim (160 MW), với 4 tổ máy. Ở miền Bắc, với sự giúp đỡ của Liên Xô, Việt Nam đã xây dựng Nhà máy Thủy điện Thác Bà (108 MW), với 3 tổ máy trên sông Chảy. Như vậy, đây là 2 nhà máy thủy điện cỡ lớn đầu tiên của Việt Nam.

Sau ngày hòa bình thống nhất Đất nước, Đảng và Nhà nước chủ trương tập trung đầu tư xây dựng nguồn điện "ưu tiên phát triển thủy điện" (Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ IV), quyết định đầu tư xây dựng công trình Thủy điện Hòa Bình trên sông Đà (1.920 MW) và công trình Thủy điện Trị An (400 MW) trên sông Đồng Nai.

Tiếp theo là các công trình thủy điện ở miền Trung được xây dựng như: Đray Hlinh (12 MW) trên sông Srêpốk, Vĩnh Sơn (66 MW) trên sông Kôn, Ialy (720 MW) trên sông Sê San, Plei Krông (100 MW) trên sông Sê San, Sông Hinh (70 MW) trên một nhánh sông Ba, A Vương (210 MW), Sê San 3 (260 MW), Sê San 4 (360 MW), An Khê - Kanăk (173 MW).

Các công trình trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn như: A Vương (210 MW), Sông Tranh 2 (190 MW), Sông Bung 2 (100 MW), Sông Bung 4 (156 MW). Ở miền Nam, sau Thủy điện Trị An, một loạt các công trình thủy điện khác được xây dựng như: Thác Mơ trên sông Bé (150 MW), Hàm Thuận - Đa Mi trên sông La Ngà (475 MW), Đại Ninh (300 MW) trên sông Đồng Nai.

Tiếp đó là các công trình Thủy điện Tuyên Quang (342 MW) trên sông Gâm, Ba Hạ (220 MW), Bản Vẽ (320 MW), Quảng Trị (64 MW), Bản Chát (210 MW), Huội Quảng (520 MW) cũng được đầu tư xây dựng.

Thời gian gần đây, ngành điện gần như dành hết nguồn lực, trí tuệ, tinh thần để tập trung vào hai công trình thủy điện lớn của đất nước vào chặng cuối cùng của sự nghiệp phát triển thủy điện. Đó là công trình Thủy điện Sơn La (2.400 MW) và công trình Thủy điện Lai Châu (1.200 MW) trên sông Đà.

Cho đến thời điểm hiện nay, cuối năm 2016, kể cả sau khi đã đưa vào vận hành Thủy điện Trung Sơn (260 MW), chưa kể Thủy điện Thượng Kon Tum (240 MW) là nhà máy thủy điện lớn cuối cùng đang được xây dựng, ngành điện đã hoàn thành 36 nhà máy thủy điện lớn (công suất lớn hơn 50 MW), với tổng công suất 13.000 MW, điện lượng sản xuất được 43,465 tỉ kWh, chiếm 24% điện lượng của hệ thống điện quốc gia.

Tính cả các nhà máy thủy điện do các tập thể và cá nhân ngoài ngành điện xây dựng, cả nước đã xây dựng được 79 nhà máy thủy điện (công suất từ 30 MW trở lên) với tổng công suất là 16.266 MW, tổng điện lượng là 56,732 tỉ kWh.

Nếu tính cả điện lượng của các nhà máy thủy điện nhỏ sản xuất thì tổng điện lượng thủy điện năm 2016 đạt 63,911 tỉ kWh, xấp xỉ bằng 90% trữ năng kinh tế và chiếm 35% tổng điện lượng của hệ thống - một con số hết sức ấn tượng và đầy ý nghĩa. Điều đó thể hiện chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong việc ưu tiên phát triển thủy điện. Đồng thời, thể hiện tinh thần dám nghĩ dám làm, đổi mới tư duy, sáng tạo của ngành điện trong việc vươn lên làm chủ các dự án thủy điện từ khâu khảo sát, thiết kế, thu xếp nguồn vốn, quản lý dự án, giám sát, nghiệm thu, đưa công trình vào vận hành khai thác.

Bên cạnh sự chủ động vươn lên của ngành điện, chủ trương của Nhà nước đã mở đường cho các ngành, các doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng thủy điện.

Việc xây dựng thủy điện lớn trên các dòng sông lớn và sông chính cơ bản đã hoàn tất theo quy hoạch bậc thang các dòng sông. Tuy nhiên, trên các sông nhánh, hoặc sông nhỏ vẫn còn các thủy điện đang được xây dựng. Ngành điện đã và đang đầu tư mở rộng một số nhà máy thủy điện lớn có điều kiện mở rộng như: Thác Mơ, Đa Nhim, Hòa Bình, Ialy. Đồng thời tiến hành nghiên cứu để đầu tư xây dựng một số nhà máy thủy điện tích năng trong tương lai…

Vai trò và tầm quan trọng các dự án thủy điện của EVN 

Các nhà máy thủy điện của EVN đóng vai trò hết sức quan trọng trong hệ thống điện quốc gia. Năm 1990, khi nguồn điện còn hết sức hạn chế, tổng sản lượng điện của hệ thống đạt khoảng 8,7 tỷ kWh thì thủy điện đóng góp 5,4 tỷ kWh, chiếm tỉ trọng 62%. Năm 2000, sản lượng điện toàn hệ thống đạt 27,04 tỷ kWh thì thủy điện EVN cung cấp đến 14,537 tỷ kWh (54%). Năm 2010, toàn hệ thống phát được 100,07 tỷ kWh, thủy điện EVN cung cấp 22,964 tỷ kWh (23%). Năm 2016, tổng sản lượng điện của hệ thống là 182,9 tỷ kWh thì thủy điện EVN cung cấp 43,465 tỷ kWh (23,76%), vv… Qua một vài con số nêu trên để nói lên rằng, tuy đã có nhiều thay đổi về cơ cấu nguồn điện và đa dạng hóa thành phần cung cấp nguồn điện, nhưng thủy điện EVN vẫn đóng vai trò chủ đạo trong việc cung cấp điện cho hệ thống, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế. 

Thủy điện EVN đóng vai trò chính trong việc chống lũ cho đồng bằng sông Hồng. Với dung ích cực lớn của 3 hồ chứa Thủy điện Hòa Bình, Sơn La và Lai Châu trên sông Đà lên đến gần 25 tỷ m3 nước, có dung tích phòng chống lũ ở 2 hồ Hòa Bình và Sơn La (7 tỷ m3), có khả năng cắt các con lũ hàng năm và giữ được mức nước ở Hà Nội dưới 13,6 m theo quy định. Việc phối hợp chống lũ liên hồ Hòa Bình, Sơn La, Tuyên Quang và Thác Bà làm cho mực nước ở đồng bằng Bắc bộ, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội càng thêm an toàn.

Hồ chứa Thủy điện Bản Vẽ có dung tích chống lũ tương đối lớn nên nhiều năm nay đã cắt được lũ cho hạ du, đặc biệt là Thành phố Vinh không bị ngập. Các hồ chứa thủy điện trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn, như: A Vương, Sông Tranh 2 và Sông Hinh, Sông Ba, vv… mặc dù không có dung tích phòng lũ nhưng nhiều năm nay đã vận hành theo đúng quy trình vận hành tích và xả nước, làm chậm lũ cho hạ du. Các hồ chứa thủy điện trên hệ thống sông Đồng Nai, đặc biệt là hồ chứa Thủy điện Trị An đã làm giảm lũ cho hạ du, đồng thời hạn chế xâm nhập mặn trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Các hồ chứa thủy điện EVN còn làm nhiệm vụ cung cấp nước tưới cho hạ du. Vào mùa khô, hồ chứa Thủy điện Hòa Bình dành hàng tỷ m3 nước, chia làm nhiều đợt, cung cấp nước tưới cho trên 800 nghìn ha ruộng lúa của đồng bằng sông Hồng và trung du miền núi phía Bắc. Hồ Hòa Bình còn cung cấp nước sinh hoạt cho Thủ đô Hà Nội. Ở miền Trung, hồ chứa công trình Thủy điện An Khê - Kanăk có một ý nghĩa đặc biệt - chuyển nước từ lưu vực thượng nguồn sông Ba ở Gia Lai sang lưu vực sông Kôn để bổ sung nước tưới cho hàng nghìn ha ruộng lúa của các huyện Tây Sơn, Tuy Phước… của Bình Định.

Hồ chứa Thủy điện Ialy với dung tích trên 1 tỷ m3 đã làm cho một vùng đất rộng lớn của 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum bớt khô hạn, cung cấp nước tưới cho hàng nghìn ha cà phê, hồ tiêu. Hồ chứa nước Thủy điện Đại Ninh thông qua kênh dẫn và đường hầm áp lực chuyển nước sông Đồng Nai từ vùng Đức Trọng (Lâm Đồng) qua nhà máy thủy điện về vùng Sông Lũy, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận để tưới cho hàng nghìn ha lúa 2 vụ và chống hạn cho một vùng đất khô cằn.

Cũng với biện pháp đó, công trình Thủy điện Đa Nhim đã chuyển nước từ thượng nguồn lưu vực sông Đa Nhim qua nhà máy thủy điện về tưới và chống hạn cho vùng Ninh Sơn (Ninh Thuận). Những việc làm như vậy của các công trình thủy điện vừa có ý nghĩa nhân văn sâu sắc vừa phục vụ cho mục tiêu an ninh lương thực của đất nước.

Ngoài những ý nghĩa to lớn đã nêu ở trên, các nhà máy thủy điện của EVN còn góp phần quan trọng trong việc tạo nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội ở nhiều địa phương, mang lại nguồn thu ngân sách cho các tỉnh, xây dựng các khu tái định cư với đầy đủ cơ sở hạ tầng như "điện, đường, trường, trạm", giải quyết công ăn việc làm cho một bộ phận thanh niên trên địa bàn, tạo điều kiện để đồng bào vùng sâu, vùng xa tiếp xúc với tri thức văn hóa mới...

Xây dựng thủy điện, EVN đồng thời bỏ vốn đầu tư xây dựng một số tuyến đường giao thông ngoài công trường. Kinh phí này không hề nhỏ, trung bình lên tới 10% tổng mức đầu tư công trình thủy điện.

Khi làm thủy điện Tuyên Quang, EVN đã phải đầu tư mở rộng trên 100 km tuyến đường từ quốc lộ 2 vào huyện Na Hang (Tuyên Quang). Khi xây dựng Thủy điện Đại Ninh, EVN đã đầu tư mới tuyến đường nối từ quốc lộ 20 tại huyện Đức Trọng xuống quốc lộ 1A tại huyện Bắc Bình, với kinh phí hàng nghìn tỷ đồng. Khi kết thúc xây dựng công trình, các tuyến đường này EVN bàn giao cho địa phương quản lý sử dụng, góp phần mở rộng mạng lưới giao thông địa phương.

Có thể khẳng định rằng, những công trình thủy điện của EVN xây dựng đã làm tốt sứ mệnh của mình là khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Bên cạnh đó, các dự án này còn mang lại hiệu ích kinh tế tổng hợp, chống lũ, chống hạn, cung cấp nước tưới cho nông nghiệp cũng như sinh hoạt của nhân dân, đóng góp nguồn ngân sách to lớn cho Nhà nước và địa phương, giúp làm thay đổi bộ mặt hạ tầng kỹ thuật, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

KS. NGUYỄN ĐỨC ĐẠT - HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM  

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động