Ứng phó cấp điện thế nào khi Việt Nam gặp biến cố ‘cực đoan kép’?
06:08 | 08/01/2020
Vướng mắc tại dự án Nhiệt điện Long Phú 1, Thái Bình 2 ‘rất phức tạp’
Bộ Công Thương đã xem xét và cân nhắc kỹ các phương án ứng phó cấp điện khi gặp biến cố về thời tiết ‘cực đoan kép’ - như thủy điện cạn kiệt nước, các trung tâm năng lượng tái tạo gặp các sự cố về thiên tai khi mưa bão trong thời gian dài.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, về các đề xuất, góp ý của các đơn vị tư vấn trong nước và quốc tế cho quy hoạch các nguồn điện, Bộ Công Thương sẽ tiếp thu để nghiên cứu trong Quy hoạch điện VIII trên cơ sở đảm bảo hài hòa lợi ích của xã hội, cũng như phù hợp với trình độ phát triển của nền kinh tế và thu nhập của người dân. Trong đó, việc tiếp tục phát triển nhiệt điện than, khí, năng lượng tái tạo thế nào? Có phát triển điện hạt nhân trong tương lai xa hay không? Sẽ được tính toán, cân nhắc để báo cáo các cấp có thẩm quyền quyết định.
Còn về khả năng xảy ra các biến cố kép. Tính đến cuối năm 2019, lượng công suất năng lượng tái tạo trong hệ thống đã chiếm khoảng 15,8% tổng công suất hệ thống, trong khi điện năng sản xuất từ các nguồn này chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ (dưới 4% điện năng). Các nguồn hiện nay đủ khả năng bù đắp thiếu hụt trong trường hợp một số thủy điện kiệt nước, cũng như các khu vực tập trung nguồn năng lượng tái tạo bị ảnh hưởng về vấn đề thời tiết.
Về kế hoạch ứng phó cấp điện khi gặp biến cố (thủy điện cạn kiệt nước, các trung tâm năng lượng tái tạo gặp các sự cố về thiên tai khi mưa bão trong thời gian dài), Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết: Các giải pháp trong trung hạn đưa ra trong trường hợp “cực đoan kép”, nếu các nguồn điện than, khí cung cấp thiếu hụt thì sẽ huy động các nguồn điện chạy dầu, có thể xem xét chuyển đổi nhiên liệu nhà máy điện Hiệp Phước.
Mặt khác, tiếp tục ký kết hợp đồng mua bán điện để nhập khẩu điện từ Lào, xem xét nhập khẩu thêm điện từ Trung Quốc (ở mức hợp lý), hoặc xem xét giải pháp thuê các nhà máy điện nổi (fast track) trong ngắn và trung hạn.../.
TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM